Mối đe dọa của sự đổ vỡ dân sự bởi MAGA là có thật

0
2388

Các quan chức an ninh quốc gia vẫn chưa chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy của nhóm dân túy cực đoan của đất nước.

Bản cáo trạng của luật sư quận Manhattan đối với cựu Tổng thống Donald Trump về 34 trọng tội khi xảy ra vẫn chưa dẫn đến “những cái chết và sự hủy diệt” mà Donald Trump đã từng cảnh báo trước khi cáo trạng được đưa ra.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Các cuộc biểu tình gần tòa án, mặc dù ồn ào, nhưng không bạo lực và về cơ bản là mang tính trình diễn của một nhóm người ô hợp, lớn họng và não trạng bị hư hỏng nặng. Dân biểu cực đoan, hung hăng nhất Hạ viện, Marjorie Taylor Greene (R-Ga.), người đã dùng loa để khuyến khích những người biểu tình cực hữu đã phải rời hiện trường sau năm phút chiếu lệ nhưng bị đám đông phản đối, la ó.

Trong nhiều bài bình luận trước đây, tôi đã từng nói nhiều lần về những từ “nội chiến” hay nhẹ hơn một chút là “đổ vỡ dân sự” có thể xảy ra là những điều dường như là một khả năng có thật, và không còn bị xem là những ý tưởng tiêu cực, không có thật hay không thể xảy ra, bởi vì nó đã từng xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 và nó vẫn có thể xảy ra vào thời điểm trước, trong và sau cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

Tuy nhiên, một cuộc nội chiến toàn diện không phải là mối nguy hiểm duy nhất. Những người Mỹ cực hữu rất khó có thể liên kết thành một lực lượng gắn kết đủ lớn để có thể gây chiến, nhưng một đội quân dù không thực sự đủ lớn, đủ mạnh vẫn có thể tàn phá âm ỉ và gây bất ổn cho đất nước.

Trong một môi trường bị phân cực sâu sắc, các nhóm bất ổn vũ trang nhỏ hơn có thể dễ dàng châm ngòi và lan rộng tình trạng hỗn loạn. Phản ứng cường điệu của các nhân vật chính trị cực hữu của Đảng Cộng hòa và các nhà bình luận truyền thông đối với cáo trạng của Trump báo hiệu rằng họ chắc chắn không tin rằng sự ủng hộ điên cuồng bất chấp từ phong trào MAGA trong số các cử tri đã tan vỡ.

Khi cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, mối đe dọa bạo lực chính trị và đổ vỡ dân sự sẽ ngày càng gia tăng. Và bất chấp tất cả những gì mà các quan chức thực thi pháp luật và an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã biết được kể từ ngày 6 tháng 1, thì đất nước này xem ra vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy lớn hơn.

Một số câu hỏi gây khó chịu được đặt ra: Có bao nhiêu người Mỹ theo khuynh hướng trung hữu tin rằng bạo lực sẽ là cần thiết để đẩy lùi mối đe dọa về chủng tộc hoặc văn hóa? Những người nuôi dưỡng niềm tin đó có thực sự có ý định cầm vũ khí không? Nếu có, thì họ sẽ dựa vào lý do nào để biện minh cho bạo lực và vì điều gì?

Các quan chức chống khủng bố cấp cao của Hoa Kỳ đánh giá rằng nguy cơ xảy ra rối loạn dân sự vẫn còn rất lớn. Không thể phủ nhận rằng những bản án trừng phạt những kẻ tham gia vào cuộc nổi loạn ngày 6 tháng 1 đã có phần nào tác dụng răn đe đối với những người manh nha trong đầu những ý tưởng tham gia vào bạo lực theo niềm tin của họ khi có một phong trào nào đó nổ ra, nhưng sự phân cực chính trị thì không hề giảm đi.

Và chính sự phân cực chính trị đã cản trở khả năng của chính phủ liên bang trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan trong nước. Thuật ngữ “khủng bố trong nước”, dù nó có phù hợp đến đâu, cũng độc hại về mặt chính trị đối với hầu hết các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội khi chính những nhà lập pháp Cộng hòa luôn ủng hộ bạo lực, ủng hộ những kẻ gây ra bạo lực đang ngồi sau song sắt và những kẻ còn đang tự do.

Kết quả là, chiến lược liên bang để chống lại chủ nghĩa cực đoan trong nước xuất hiện từng phần và kém tích hợp cùng với nhau. Không có cơ quan đơn lẻ nào thực sự chịu trách nhiệm, và phần lớn thẩm quyền tài phán lại nằm trong tay các công tố viên được bầu tại địa phương khiến họ thực sự rất miễn cưỡng dẫm lên chân những người đã đưa họ vào văn phòng, chính vì thế nên kết quả sẽ không hoàn toàn như ý muốn.

Và, không giống như Vương quốc Anh, chẳng hạn, Hoa Kỳ không có cơ quan chính phủ toàn quốc nào được ủy quyền và trang bị để chống lại quá trình cực đoan hóa.

Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) sẽ là nơi triệu tập hợp lý và điều phối viên của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang chịu trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ chống khủng bố. Nhưng cả NCTC và Bộ An ninh Nội địa đều không có quyền truy cập đầy đủ vào các thông tin của FBI.

Theo mặc định, điều này làm cho FBI, với tất cả những hạn chế sự tiếp cận từ các cơ quan khác, FBI đã trở thành cơ quan dẫn đầu về mặt phân tích trong việc đưa ra thông tin tình báo chiến lược về chủ nghĩa khủng bố trong nước cho chính phủ Hoa Kỳ.

NCTC không có nhiệm vụ chống khủng bố trong nước và không được phép tiếp cận những thông tin tình báo quan trọng về các mối đe dọa khủng bố trong nước, trừ khi có một lệnh đặc biệt liên kết xuyên quốc gia từ vị Tổng tư lệnh trong trường hợp khủng hoảng quan trọng trong nước xảy ra.

Trong bối cảnh hiện nay, đây là một hạn chế đáng kể. Bất chấp sự hội tụ xuyên quốc gia của các chương trình nghị sự bảo thủ hiếu chiến, cho đến nay vẫn có rất ít sự tương tác thực tế giữa các nhà hoạt động trên khắp đất nước.

Lực lượng dân quân cực hữu của Mỹ đặt ra mối đe dọa lớn nhất và họ chủ yếu được xây dựng từ dưới lên, bởi những động lực thực tế, trần tục – chẳng hạn như khi các nhà hoạt động chống vaccine đã tự động trở thành những nhà hoạt động chống chính phủ.

Dường như không có mối liên hệ chặt chẽ nào giữa họ và các tổ chức nước ngoài ngoại trừ giữa các nhóm theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng, và thậm chí điều đó nếu xảy ra thì chủ yếu là thông qua hình thức trực tuyến, thông qua các cơ chế tuyên truyền như Telegram Messenger. Thật hiếm khi tìm thấy kiểu phối hợp hoạt động có thể hành động đối với các cơ quan thực thi pháp luật liên bang.

Sự phối hợp giữa các cơ quan liên bang chịu trách nhiệm chống khủng bố với các đối tác cấp tiểu bang và địa phương của họ cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Liên bang không có nhiệm vụ bắt buộc chính quyền tiểu bang và địa phương phải báo cáo với chính quyền liên bang, vì vậy các cơ quan liên bang phải chủ động thu hút sự hợp tác của họ. Nhưng các cơ quan ngoài liên bang thường ít quan tâm đến công việc này, bởi vì họ thường nhận thức về các mối đe dọa thấp hơn, cách hiểu pháp lý gây tranh cãi hoặc quan niệm tiêu cực về vai trò của chính phủ và không nhiệt tình hợp tác với các cơ quan liên bang ngay cả khi có yêu cầu.

Ví dụ, các quan chức thực thi pháp luật của một quận tại một tiểu bang có thể không coi một người có sở hữu súng lớn tiếng chống chính phủ liên bang là một mối nguy hiểm mà chỉ đánh giá đó là sự khác biệt về ý thức hệ, và một nhận thức tệ hơn thế nữa là các quan chức tiểu bang thờ ơ cho rằng những người sở hữu súng đó bất đồng, chống đối chính phủ liên bang chứ đâu có chống chính quyền tiểu bang nơi họ đang sống.

Nói chung, hầu hết các quan chức thực thi pháp luật của các tiểu bang thường thờ ơ với những bất bình về ý thức hệ.

Hơn nữa, trong khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ có những khả năng cần thiết để lập bản đồ các nhóm cực hữu ở nước ngoài, nhưng vì những lý do hợp hiến chính đáng, họ không thể tự do áp dụng những khả năng đó ở ngay trong nội địa. Chính những lỗ hổng trong Hiến pháp và trong các thỏa thuận chống khủng bố trong nước đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo thủ cực đoan tiếp tục phát triển mạnh.

Các nhóm dân quân Hoa Kỳ dường như không được kết nối mạnh mẽ và đồng nhất, mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, sẽ là thiếu thận trọng khi cho rằng phong trào MAGA vẫn chỉ là một cuộc nổi dậy mới bắt đầu, vì sự bất bình của nó đang được chia sẻ rộng rãi. Những hạn chế của cơ quan thực thi pháp luật cho thấy rằng yếu tố then chốt trong việc ngăn chặn đổ vỡ dân sự không phải là quyền lực nhà nước mà là động lực chính trị. Phong trào MAGA đang ngày càng lớn mạnh và được nhìn nhận như có một sự liên kết ngầm với đảng Cộng hòa, với người lãnh đạo đảng Cộng hòa, khi chỉ qua màn ảnh truyền hình, trên internet, người Mỹ dường như đã quen dần với hình ảnh Trump hay các nhà lập pháp đội những chiếc nón màu đỏ với chữ MAGA trên đó, vậy thì MAGA chính là đảng Cộng hòa, không sai.

Lời kết:

Những đảng viên Cộng hòa cực đoan cuối cùng có thể trở nên liều lĩnh và có thể tiến hành một cuộc cách mạng dân sự, chỉ cần Trump lên tiếng kêu gọi, ngay tức khắc sẽ có nhiều nhóm thành viên MAGA khác nhau hưởng ứng và tạo thành một đám đông dù ô hợp, không có quy luật, kỷ cương như quân đội, nhưng với đủ loại vũ khí lớn nhỏ trong tay, họ vẫn là những con người đáng sợ.

Với các xu hướng cực đoan gần đây, việc bác bỏ một Chủ nghĩa Trump có thể làm giảm phong trào MAGA trong thời điểm hiện tại. Nhưng nếu trường hợp ứng cử viên của Đảng Cộng hòa thua sát nút, nếu ứng cử viên tuyên bố mình là người chiến thắng và kêu gọi tập hợp các nhóm địa phương có xu hướng phản kháng bạo lực thì lúc đó, có thể đã quá muộn để giảm căng thẳng một cách có trật tự từ các lực lượng an ninh tiểu bang và liên bang.

Trong tình hình hiện tại, không ai có thể xem thường mối đe dọa về sự đổ vỡ dân sự vì đây là những diễn biến có thật.

Việt Linh 09.05.2023