NHỮNG GIÁN ĐIỆP LÀM SỤP ĐỔ MIỀN NAM.

0
3252

Khi viết về cuộc chiến Việt Nam, hầu như tất cả những Sử Gia chính trực đều cho rằng nguyên nhân thất bại của miền Nam là do Mỹ phản bội, Mỹ bán đứng miền Nam cho Trung Cộng, Mỹ bật đèn xanh cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Mỹ buộc Tổng Thống Thiệu ký bản hiệp định Paris là bản hiệp ước có lợi hoàn toàn cho Bắc Việt, Mỹ cho rút hết quân Đồng Minh trong khi lại để cho quân Bắc Việt trụ lại miền Nam, Mỹ không thi hành lời hứa “một đổi một” thay thế vũ khí và đạn dược đã bị hư hỏng và đã sử dụng hết…Trong khi đó, thì các trang lịch sử của Mỹ vì bị ảnh hưởng bởi dư luận phản chiến lại ghi nhận rất tệ về miền Nam như “các tướng lãnh đều tham nhũng, không muốn đánh giặc, binh sĩ thì bỏ chạy trước khi quân địch tới…” (1)

Thật sự, còn một nguyên nhân khác rất quan trọng nhưng được ít người nhắc tới: Một trong những nguyên nhân đưa đến sự thất bại của miền Nam Việt Nam là bị nạn “gián điệp nằm vùng”. Những gián điệp nằm vùng này “leo sâu, trèo cao”, “giả mù sa mưa”, lặn trong các cơ quan quân sự, hành chánh để lấy các tin tức mật rồi chuyển cho Bắc Việt, để Hà Nội dựa theo các báo cáo đó mà chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm miền Nam.

Để có thể được một tầm nhìn tổng quát về sự kiện “gián điệp” này, tác giả đã tổng hợp vắn tắt nhiều bài nghiên cứu được phổ biến công khai trên mạng Internet, hy vọng tạo được một bài viết có tính chính xác cao, giải mã một số sự kiện liên quan đến việc Việt Nam Cộng Hòa bại trận.

Có nhiều loại gián điệp: gián điệp quân sự, gián điệp chính trị, gián điệp tôn giáo, và gián điệp văn hóa. Thực sự, bất cứ gián điệp nào cũng là “những kẻ bán linh hồn cho quỷ”, “ăn cơm Quốc Gia, thờ Ma Việt Cộng”, “tội đồ của dân tộc” đáng xử chém ngang lưng, tuy nhiên, trong các loại gián điệp này thì gián điệp văn hóa là nguy hiểm hơn cả, vì đã gây được những ấn tượng rất sâu sắc trong tâm hồn người miền Nam, và ảnh hưởng của các tác phẩm đó lại tồn tại rất lâu cho đến ngày hôm nay, sau 48 năm, vẫn còn nhiều người tỏ ra thích thú đọc, nghe, xem các tác phẩm của các tay gián điệp văn nghệ ấy. Ngược lại, các gián điệp loại khác thì lộ diện sau 1975 và trở thành những kẻ “hết thời”, bị chế độ mới nghi ngờ, vất bỏ; một số còn bị đi cải tạo.

1)Gián điệp quân sự:

-Dương Văn Minh, cấp bậc Đại Tướng, có thời gian làm Quốc Trưởng, Đại Sứ Lưu Động, rồi cuối cùng là Tổng Thống, có người em là Dương Văn Nhựt (Ba Nhật, Mười Ty), Đại Tá Quân đội Cộng Sản. Với bản tính phản phúc từ khi giết chủ tướng là Tổng Thống Ngô Đình Diệm (2), Dương Văn Minh đã không ngần ngại liên lạc với người em ruột này nhiều lần, và chia sẻ thông tin với Dương Văn Nhựt không ít thì nhiều những tin tức liên quan đến hệ thống quân đội và các phương án dự định. Theo nhiều nguồn tin, sau cuộc chính biến 1963, thì Nhựt đã đến nhà Minh và đòi thả toàn bộ các trí thức, sinh viên thân cộng bị bắt. Vì thế mà đến gần ngày 30 tháng 4 năm ấy, Dương Văn Minh đã tỏ ra rất hoan hỉ khi tuyên bố với các nhân vật thân cận là ông ta đã liên lạc được với “bên kia” và tin chắc là sẽ có những biện pháp biến miền Nam thành một nước Trung Lập. Nếu không thường xuyên liên lạc với miền Bắc, làm sao mà “Big Minh” tin tưởng như thế. Tuy nhiên, một điều mà “Big Minh” không hiểu, đó là âm mưu chiếm miền Nam đã manh nha từ lâu, dưới sự chỉ đạo của Trung Cộng, thì môt Đại Tá Quân Đội Nhân Dân không nghĩa lý gì với đại cuộc. Minh đã bị lừa cay đắng. 

-Nguyễn Hữu Hạnh, cấp bậc Chuẩn Tướng, đã cung cấp tin tức về tất cả mọi cuộc chuyển quân quân trọng cho Bắc Việt, và là người thúc giục Dương Văn Minh đầu hàng sớm. Cũng như “Big Minh” đã bị lừa, những ngày cuối đời của Hạnh là một cái lều trong xó nghĩa địa. Sống ngu, chết khổ.

-Thượng Sĩ tài xế của Tổng Tham Mưu Trưởng, nguyên là cán bộ tình báo Việt Cộng.

-Trung Úy, Chánh Văn Phòng của Tướng Tổng Cục Trưởg Quân Huấn, sau 1975, được chụp hình đăng báo Saigon Giải Phóng và được khen ngợi là đã “hoàn thành nhiệm vụ do quân Giải Phóng giao phó.”

2)Gián điệp chính trị:

Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy, Lê Thành Yến, Phùng Hữu Trân, Trần Khiêm, Đỗ Hữu Ứng, Lê Anh, Võ Ba, Đỗ Hữu Bút, Hồ Nghĩa, Cao Thị Quế Hương, Trương Hồng Liên, Trương Thị Kim Liên, Võ Thị Tố Nga, Phan Công Trình, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn.

Số phận của những tay gián điệp này không khá. Theo nguyên tắc chính trị của Cộng Sản: “Thà bắn lầm hơn bỏ sót”, cho nên sau 1975, họ đã phải trải qua môt giai đoạn thanh lọc căng thẳng rồi cũng bị vất bỏ như rác rưởi. Phạm Xuân Ẩn mất nhiều năm mới được dùng tạm. Vợ Huỳnh Tấn Mẫm bị gài bẫy buôn thuốc phiện, bị bắt. Còn tất cả những tên kia hầu như không thấy xuất hiện huyênh hoang như hồi nào.  

Ngoài những tên gián điệp nổi bật trên, Cộng Sản Việt Nam đã cài cắm vào hệ thống chính quyền cao cấp: 

-Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thuý và Phạm Ngọc Thảo (bị Tình Báo VNCH bắt và chết trong tù)

-Đại úy Triệu Quốc Mạnh, Giám đốc Nha Cảnh Sát Quốc Gia Đô thành (người được Dương Văn Minh phong chức)

Đặng Trần Đức, chuyên viên cao cấp trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa

Về Lập Pháp có các dân biểu:

-Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Nguyễn Văn Hàm (tổ chức “Phong Trào Cứu Đói” và “Ký giả đi ăn mày” chống đối chế độ, và Đinh Văn Đệ (Chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện. Đã từng giữ chức Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt và Tỉnh trưởng Bình Thuận.) Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận chủ trương tờ Tin Sáng, chỉ sau 1975 môt thời gian ngắn, bị đóng cửa.

-Phạm Thị Thanh Vân, tức bà Ngô Bá Thành, chuyên viên quậy đường phố Saigon, được ngồi chơi, xơi nước trong quốc hội bù nhìn.

3)Gián điệp Tôn giáo:

-Ni sư Huỳnh Liên, ni sư trưởng Tịnh xá Ngọc Phượng, chuyên viên biểu tình.

-Thượng Tọa Thích Trí Quang, người từng vào Cục R nhận nhiệm vụ phá hoại miền Nam, Thủ lãnh vụ Biến Động Miền Trung, từng yêu sách lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì cho rằng Thiệu là Công Giáo. Trí Quang lập ra Nhóm xung kích, chiếm giữ thành phố, bắt giam Thị Trưởng, rồi tấn công đốt phá hai làng Công Giáo là Thanh Bồ, Đức Lợi, giết nhiều dân Công Giáo. Trí Quang cũng là thủ lãnh vụ mang bàn thờ Phật xuống đường chống đối chính quyền.

-Thích Nhất Hạnh, người bỏ ra hàng trăm ngàn đô la đăng báo Mỹ, tố cáo Mỹ bỏ bom giết 300,000 dân Mỹ Tho, khi đó chỉ có chưa tới 30,000 dân. “Hồi còn chiến tranh Việt Nam, để kích thích phong trào phản chiến, Thiền sư đã bịa chuyện nhìn thấy trực thăng Mỹ sà xuống đồng ruộng bắt gái quê đem đi hiếp.” (Theo Facebook Minh Anh Jessica). Chính Thích Nhất Hạnh đã đội mũ vàng, ngồi xe vàng, dưới lọng vàng như một Hoàng Đế, dẫn gần 200 tăng ni từ Mỹ về, đi cầu siêu khắp Việt Nam, để lấy tiếng là Việt Nam có Tự Do Tôn Giáo, làm cho Mỹ có cớ rút tên CSVN ra khỏi CPC, cho vào WTO, và Hội đồng Bảo An LHQ, rồi vào Ủy Ban Nhân Quyền. Những ngày cuối đời, Thích Nhất Hạnh lại về VN để chết trong cô đơn, tủi nhục.

4) Gián điệp Văn Nghệ;

-Kim Cương, Nghệ sĩ, sau 1975, lộ diện là Thiếu tá Công An, bắt buộc các văn nghệ sĩ phải gia nhập hàng ngũ của y thị. Người nào mà y thị không ưa, mà tỏ ra chống đối, thì y thị báo cáo cấp trên để bắt nhốt. Kim Cương từng du lịch sang Mỹ nhưng không dám lộ diện vì sợ bị ném đá.

-Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành. Theo Trúc Giang, Huỳnh Bá Thành là “hung thần của các văn nghệ sĩ miền Nam”.  Trúc Giang viết: “Ngày 30-3-1984, vào buổi sáng, Hoà thượng Thích Trí Thủ, chùa Già Lam, Phú Nhuận, được mời lên văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc. Hòa thượng được cho nghe cuộn băng, ghi tiếng nói của một tăng sinh bị bắt về “tội phản động”. Tăng sinh đó khai, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng toạ Thích Trí Siêu, và ni cô Thích Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo của một tổ chức phản động, mưu đồ lập chiến khu gây bạo động.. Trong khi Hòa thượng Trí Thủ ở văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, thì tại chùa Già Lam, hai Thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị bắt. Đồng thời, ni cô Trí Hải cũng bị bắt từ Hố Nai, đưa về trung tâm thẩm vấn và tạm giam, ở số 4 đường Phan Đăng Lưu.
Vài ngày sau đó, Hòa thượng Trí Thủ bị chết bất đắc kỳ tử. Thông tin nước ngoài cho rằng ông bị ám sát. Trong đợt hành quân lớn, 19 tăng, ni, cư sĩ khác cũng bị bắt, giam đến ngày 30-9-1988, (4 năm) mới đưa ra tòa xét xử.Hai Thuợng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu bị tòa kết án tử hình. Hai án chung thân dành cho hai cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ. Hoà thượng Thích Đức Nhuận lãnh án 10 năm. Các vị khác bị từ 4 đến 15 năm”.

Cũng theo Trúc Giang:

“Ngày 2-4-1984, một vụ nổ lớn dữ dội tại tháp Hồ Con Rùa, ở ngã tư Duy Tân – Trần Quý Cáp, thuộc khu vực nhà thờ Đức Bà, quận1, Sài Gòn. Báo nhà nước quy kết tội phá hoại, một người trong số chủ mưu thiệt mạng, và những người khác bị bắt.
Sau vụ nổ, hơn 200 văn nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư, bị bắt đi tù. Người chỉ huy, điều động bắt bớ cũng chính là họa sĩ Ớt, tên  Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung. Những nhân vật nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế… Đặc biệt, Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong danh sách “Mười Biệt Kích Cầm Bút”(BKCB) bị cầm tù trong cuộc hành quân lớn của công an Sài Gòn. Mười “BKCB” gồm có: Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Khuất Duy Trác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Ngọc Tư và Lý Thụy Ý.”

Trúc Giang quên không đề cập đến Nhà Văn Dương Hùng Cường, tự Dê Húc Càn, từng bị tù cải tại Cà Tum (3). Sau khi được thả, lại bị bắt trong vụ Biệt Kích Cầm Bút, rồi bị giết trong tù.

-Nhà Văn Vũ Hạnh:

Theo “Bảo Tàng Văn Học”: https://baotangvanhoc.vn/giai-thuong-nha-nuoc/dot-2-giai-thuong-nha-nuoc/nha-van-vu-hanh-1926-2021/

Nhà văn Vũ Hạnh tên khai sinh là  Nguyễn Đức Dũng. Ông sinh ngày 15 tháng 07 năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khi sáng tác, ông dùng nhiều bút danh khác nhau: Vũ Hạnh, Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ… Ông mất ngày 15 tháng 08 năm 2021 tại Thanh phố Hồ Chí Minh…Nhà văn Vũ Hạnh sinh trưởng trong một gia đình nho học. Học xong tú tài đôi ở Huế thì Nhật đảo chính Pháp, nhà văn Vũ Hạnh về quê tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V.Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An. Trải qua 5 lần bị địch bắt, chịu sự tra tấn trong quá trình hoạt động, ông vẫn bền bỉ đấu tranh.Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng ban văn hoá Nhật báo Giải phóng, uỷ viên Chủ tịch đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Nhà Văn Vũ Bằng:

Theo Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-nha-van-vu-bang-sau-1975-khong-ra-bac-post1240674.tpo

Nhà văn Vũ Bằng di cư … Thời gian lang thang mãi ở Sài Gòn có một thời khắc đáng kể đáng nhớ là lần gặp lại bà Quỳ người vợ từ thuở tao khang lặn lội tận ngoài Bắc vào Sài Gòn năm 1956. Đôi guốc ngày ấy bà Quỳ trở ra Bắc có tài liệu của Vũ Bằng giấu trong đó gửi ra cho tổ chức! Và thời điểm nữa là gặp được bà Phấn; khi ấy, Long, con riêng của bà đã 4 tuổi!

Trong thời gian bà Phấn chạy tàu thì ông chủ, nhà văn kiêm cựu điệp viên Vũ Bằng cùng anh cháu Hồng Phấn nhà báo cách mạng đi bỏ mối thuốc Tây…Tôi cố hình dung trong câu chuyện của Long những năm đơ đỡ, thời gian mà các báo các nhà xuất bản thường đến com măng chữ nghĩa với Vũ Bằng, trên căn gác này cứ chiều thứ bảy bao giờ cũng có một cuộc nhậu nho nhỏ. Khi thì những Tạ Tỵ, Thượng Sĩ, chú Chinh – tức Ba Hội (người chứng sau này cho Vũ Bằng có mối dây với tình báo cách mạng) những cây bút Sài Gòn một thời như L. H Dương như B.Đ Trung… chuối xanh khế chua mắm tép hay mắm sống với thịt ba chỉ hay giò heo luộc là những thứ ba em với bạn của ba ưa nhậu. ….

Một vật lấp lánh phía góc căn gác. Tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba của Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tháng 12 năm 2000 tặng thưởng cho nhà văn Vũ Bằng về thành tích điệp báo nằm vùng.

Theo Chúng Ta: https://www.chungta.com/nd/nhan-vat-van-hoa/vu_bang.html

Sau năm 1954, Vũ Bằng vào Sài Gòn tiếp tục viết văn, làm báo. ông làm việc tại Việt Tấn Xã và cộng tác với nhiều tờ báo. Ông chuyên về dịch thuật nhiều hơn sáng tác. Đặc biệt với “cái ăn” ông viết rất tuyệt vời: Miếng ngon Hà Nội(bút ký, 1960),Miếng lạ miền Nam(bút ký, 1969) và trong Thương Nhớ Mười Hai(hồi ký, 1972). Cuối năm 1948, trở về Hà Nội, bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào Sài Gòn, để lại vợ và con trai ở Hà Nội (năm 1967, bà Quỳ qua đời) và tiếp tục hoạt động cho đến 30/4/1975. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mãi đến sau này, ông mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước.
Ông mất ngày 7/4/1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi. Ngày 13/2/2007, Vũ Bằng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tháng 3/2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.

Với danh sách kể trên (chắc chắn còn thiếu sót), chứng tỏ Miền Nam Việt Nam là một chế độ Nhân Bản, đầy tình Người, tuy biết là có Cộng Sản nằm vùng nhưng vẫn không tiêu diệt hẳn như trong chế độ Cộng Sản, mà chỉ giam tù, rồi lại thả ra. Đặc biệt là có sự can thiệp của các lãnh đạo Công Giáo là những người tu hành mà xắn tay áo chống Cộng, nhưng không có “đa mưu, túc trí” về chính trị nên đã bảo lãnh cho các tay gián điệp “gộc” ra và còn trọng dụng, khiến cho chúng có cơ hội báo cáo những điều tuyệt mật của Miền Nam cho Cộng sản Bắc Việt. Như trường hợp Phạm Ngọc Thảo được Giám Mục Ngô Đình Thục đỡ đầu, dần leo lên đến Tỉnh Trưởng, rồi tổ chức đảo chánh nhiều vụ. Vũ Ngọc Nhạ được lòng Linh Mục Hoàng Quỳnh và Giám Mục Lê Hữu Từ, nên đã leo lên đến đỉnh chóp bu của hệ thống chính quyền miền Nam. Lê Hữu Thúy, và Huỳnh Văn Trọng cũng tương tự như thế: được lòng các tu sĩ Công Giáo là những người lúc nào cũng lấy lòng Bác Ái mà che chở. Vũ Hạnh đã bị bắt nhiều lần và được bảo lãnh ra về nhờ Linh Mục Thanh Lãng.

Về phía chính quyền miền Nam cũng luôn tỏ ra rộng lượng với đối phương. Ngô Bá Thành và Ni sư Huỳnh Liên là hai tay tổ chống đối chế độ, khi biểu tình, đả đảo chế độ, cũng không bị đàn áp. Cảnh Sát chỉ yên lặng bao quanh, có lần Ngô Bá Thành xông đến giật mũ một viên Cảnh sát ném xuống đất, đạp chân lên thì viên Cảnh sát chỉ cười, cúi xuống nhặt mũ lên. Các cuộc biểu tình Phật Giáo cũng thế. Hàng trăm Cảnh sát chỉ đứng nhìn, không người nào sử dụng dùi cui để đánh đập những người chống chính phủ. Hoàng Phủ Ngọc Tường tổ chức biểu tình, giơ tay gào thét chống chế độ, thì không thấy an ninh nào túm tóc, lôi về. Trịnh Công Sơn từng vào cục R, nhận lệnh viết nhạc phản chiến làm suy giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ, cũng không bị săn đuổi, nhốt giam. Nhiều tay phản chiến gộc cũng được nhà cầm quyền làm lơ, giả như những người này mà ở miền Bắc thì chắc chắn là phải vào ngục Lý Bá Sơ để sống với giòi bọ, rồi chết dần. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thực sự là một chính phủ của Dân, do đó đã có nguyên một Bộ Chiêu Hồi, Dân Vận để giúp đỡ cán binh Việt Cộng cải tà, quy chính.

Đó là cái Lợi của miền Nam, đã chứng tỏ đầy Chính Nghĩa, nhưng cũng là cái Hại cho chế độ. Thông thường, có 4 phương pháp trị Dân: Nhân trị, Pháp Trị, Pháp-Nhân Trị và Độc Trị. Trong Hòa Bình thì dùng Nhân Trị để giúp dân Hạnh Phúc. Khi bị Xâm Lăng, thì dùng Pháp Trị để luật lệ nghiêm minh. Lúc có phản loạn nội bộ thì áp dụng Pháp-Nhân trị, vừa dẹp tan phản loạn vừa tha thứ kẻ hối lỗi. Còn Độc Trị là phương pháp khát máu đã được áp dụng từ các nước man di, mọi rợ, đến Tần Thủy Hoàng và các vua chúa thời Phong Kiến, rồi đến Lenin, Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông, và Hồ Chí Minh cùng một số quốc gia Hồi Giáo quá khích.

Với Việt Nam, từ 1954, miền Bắc dùng Độc Trị để hành dân, ngược lại, tại Miền Nam, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm dùng Nhân Trị để giúp dân Hạnh Phúc. Nhưng vì Nhân Từ quá, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chết chỉ vì thương và nuôi một lũ rắn độc trong nhà. Rắn Chúa Dương Văn Minh, sau khi cắn chết Chủ rồi, thì chưa hả cơn giận, nên phá đổ các công trình của Chủ, trong đó có Chính Sách Ấp Chiến Lược là một chương trình thành công lớn, tách biệt Cộng sản ra khỏi các xóm làng. Minh vừa cho dẹp chính sách này, thì Việt Cộng ào vào các làng xóm như ong vỡ tổ, đặt cơ sở trên khắp mấy chục tỉnh thành, chuẩn bị chiếm hết miền Nam. Sau đó thì các lãnh tụ sau này, lúng túng, điều hành đất nước theo kiểu “cuốn theo chiều gió”, “mưa chỗ nào, chắn chỗ đó”, không hẳn là Nhân trị, cũng không hẳn Pháp Trị, cho nên không đối đầu được với chính thể Độc Trị của miền Bắc, cũng như không thể cứng rắn với Đồng Minh, vì thế bại trận là điều không thể tránh khỏi, cho dù Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa anh hùng đến cỡ nào chăng nữa.

Theo lẽ, một khi biết được Đồng Minh nhất định bỏ rơi, thì phải áp dụng Pháp Trị, co cụm lại để đánh giặc. Khi không thể tiếp tục Trận Địa Chiến được vì thiếu đạn dược thì phải đổi chiến thuật, Du Kích đánh Du Kích. Trên hết, phải tận diệt Gián Điệp, cắt mọi nguồn thông tin của miền Bắc. Rất tiếc, lãnh tụ Việt Nam Cộng Hòa không phải là Tướng Tài, thấy Đồng Minh dọa giết như đã từng làm với Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vội nhắm mắt ký bản hiệp định 1973, dọn đường cho Cộng Sản tiến vào Saigon, sau lại bầy ra 2 chiến thuật lẩm cẩm: “Triệt thoái Tây Nguyên” và “Đầu to, đít teo” để cuối cùng cả nước đều “teo” vào Tháng Tư Đen.

Tiếc thay, số phận đã an bài.

Chu Tất Tiến,

Ngày 8 tháng 8 năm 2023.

  • (1) Trong lớp học về Sử Việt Nam tại Cal State University Fullerton, vị giáo sư nói thao thao về lý do miền Nam thất trận: “The reason was that most of Vietnam Generals were corrupted. They didn’t like to fight against the Communists regardless the USA supported them wholeheartedly… 58,000 US soldiers died at Vietnam… The Nam soldiers ran before their enemies..” Cá nhân người viết bài này, khi đó là Sinh viên, đã phẫn nộ đứng lên chống lại những lý luận sai lầm của vị giáo sư bằng những chứng minh cụ thể, khiến cho vị giáo sư bực bội, bỏ ra khỏi lớp. Sau đó, ông ta suy nghĩ lại và trở lại, xin lỗi người viết.
  • (2) Dương Văn Minh, Trung Úy lính Tây, cải sang Quân đội VNCH được thăng lên Đại Úy, rồi Thiếu Tá, Trung Tá. Tổng Thống Diệm đã thăng cấp cho Minh lên Đại Tá, rồi cũng Tổng Thống Diệm thăng Minh lên Thiếu Tướng. Cuối năm 1956, Tổng Thống lại thăng Minh lên Trung Tướng. Sau khi giết Tổng Thống Diệm, Minh được nhóm phản loạn thăng lên Đại Tướng, rồi tự phong mình làm Quốc Trưởng. Tháng 4/1975, Minh lại nhận làm Tổng Thống để bàn giao miền Nam cho Cộng Sản Miền Bắc. (Nhận xét: Dương Văn Minh là kẻ tham vọng, bất kể đạo đức, nên Trời không cho giữ chức chưởng lâu. Làm Quốc Trưởng được 3 tháng, Tổng Thống được 2 ngày.)
  • (3) Dương Hùng Cường ở tù cải tạo cùng với người viết. Sau khi trại tù chiếu phim “Em bé Hà Nội” cho tù cải tạo xem, thì buộc Cường phải đứng dậy cho ý kiến. Cường bình tĩnh phê bình phim này tàn tệ. Sau đó vài ngày, một buổi sáng, một tên gác thúc mũi súng vào Cường, bắt dọn đồ đi… không biết đi đâu, chắc để tra tấn.. Thời gian sau, với vụ Biệt Kích cầm bút, Cường bị bắt lần 2 và chết trong tù, bạn tù cho biết là bị cai tù giết chết?