Làm Thế Nào Chính Phủ Có Thể Chống Lại Chủ Nghĩa Cực Đoan Trong Quân Đội?

0
1644

Vào tháng 4, khi Jack Teixeira, 21 tuổi, một Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts với giấy phép tối mật, bị bắt vì đăng một kho tài liệu mật về cuộc chiến Nga-Ukraine lên mạng xã hội, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào mà một kỹ thuật viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, trình độ thấp như vậy có quyền truy cập vào tài liệu nhạy cảm như vậy? Làm thế nào mà anh ta lại được nhận vào Lực lượng Không quân ngay từ đầu?

Nhiều người Mỹ cảm thấy lo lắng về việc đất nước này đã trở nên cực đoan và bạo lực hơn rất nhiều trong đầu thế kỷ 21 giữa những rối ren chính trị với xu hướng bạo lực.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Jack Teixeira dường như đã tiết lộ thông tin bí mật đó vì muốn khoe khoang trực tuyến hơn là vì lý do ý thức hệ, vì vậy hành vi vi phạm của anh ta có lẽ sẽ không rơi vào các quy định mới được củng cố của quân đội về các hoạt động cực đoan. Tuy nhiên, sau khi anh ta bị truy tố, những chi tiết đáng lo ngại về hành vi của anh ta mới bắt đầu xuất hiện, bao gồm các tìm kiếm trực tuyến của anh ta về các sự kiện cực đoan bạo lực, sở thích súng quá mức và các bài đăng trên mạng xã hội được cho là cổ súy bạo lực khá rùng rợn.

Sự cuồng tín về ý thức hệ có thể gây rối ở bất cứ nơi nào nó bén rễ, ngay cả khi nó không bao giờ bùng phát thành bạo lực, nhưng nó đặc biệt đáng sợ trong môi trường quân đội. Rốt cuộc, quân nhân có quyền sử dụng vũ khí và được đào tạo để sử dụng chúng. Thậm chí quan trọng hơn, một loại trao đổi có đi có lại tồn tại giữa quân đội và dân thường. Niềm tin là điều tối quan trọng trong quân đội và mọi thành viên nghĩa vụ phải tuân thủ quy tắc đạo đức cũng như Hiến pháp mà tất cả họ đều tuyên thệ.

Về lý thuyết, một xã hội dân sự dân chủ trao cho quân đội của mình quyền sử dụng vũ lực dưới danh nghĩa của quốc gia để đổi lấy hành vi đúng nguyên tắc của các thành viên.

Nghĩa vụ quân sự được coi là một sự kêu gọi cao hơn để có được những người lính tốt hơn. Vì vậy, khi quân nhân tại ngũ hoặc cựu chiến binh sử dụng bạo lực chống lại hệ thống mà họ đã thề sẽ bảo vệ, thì sự phản bội đặc biệt nguy hiểm hơn.

Trong một bức ảnh chụp Teixeira trong bộ đồng phục gọn gàng đi kèm với các bài báo của giới truyền thông, anh ta là một đứa trẻ có đôi mắt sáng với đôi tai vểnh và nụ cười nửa miệng ngọt ngào. Anh ta trông trẻ trung và đầy triển vọng trong bộ đồng phục ở sân bay. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ khác về anh ta đều thực sự đáng sợ và phủ một màu đỏ đáng ghét.

Tờ Washington Post đã tìm thấy các video và nhật ký trò chuyện cho thấy anh ta đã sẵn sàng cho một cuộc chiến chủng tộc. Teixeira luôn bị ám ảnh bởi súng và chiến tranh. Đơn xin cấp giấy phép sử dụng súng đầu tiên của anh ta đã bị từ chối, nhưng anh ấy vẫn tiếp tục cố gắng xin nhiều lần sau đó và cuối cùng đã được chấp thuận, theo thời gian, anh ta đã tích lũy được một kho súng ngắn, súng trường, vũ khí công suất lớn và mặt nạ phòng độc.

Cho đến khi Jack Teixeira nhập ngũ vào năm 2019 và dĩ nhiên, chẳng có nhà tuyển dụng quân sự nào đến kiểm tra phòng ngủ của anh ta cả. Tuy nhiên, các tân binh đều phải trải qua một quá trình kiểm tra cẩn thận. Từ gia đình, bạn bè, giáo viên và bạn cùng lớp có thể được phỏng vấn để đánh giá tính cách và thể chất của người được tuyển dụng. Những cuộc kiểm tra lý lịch như vậy được thiết kế để phát hiện những thứ như hình xăm phân biệt chủng tộc, sử dụng ma túy, liên kết băng đảng hoặc hồ sơ từng bị bắt giữ, nhưng chắc chắn bị hạn chế trong những gì họ có thể khám phá về những người trẻ tuổi không có nhiều kinh nghiệm sống, bao gồm cả những game thủ với những trò chơi bạo lực, bắn súng và đổ máu.

Đặc biệt, trong trường hợp của Teixeira, việc kiểm tra các thành viên dịch vụ để giải quyết việc cấp các giấy phép bảo mật thông tin tối mật hoặc nhạy cảm mà Teixeira nhận được vào năm 2022 được cho là đặc biệt kỹ lưỡng.

Các bài đăng của Teixeira về tài liệu mật lấy từ máy tính của đơn vị tình báo tại căn cứ không quân Cape Cod nơi anh ta đóng quân. Lúc đầu, Teixeira đăng các tài liệu được sao chép, sau đó bắt đầu chụp ảnh hàng trăm tài liệu khác và tải lên các bản sao của các tài liệu bí mật về Hoa Kỳ, các đồng minh và kẻ thù của Hoa Kỳ. Một người nào đó trong nhóm đã bắt đầu chia sẻ những bài đăng đó rộng rãi hơn qua Telegram, Twitter của Nga.

Vì anh ta dường như không cố gắng che giấu mình là ai, nên không ai có thể gọi anh ta là tên tội phạm thông minh nhất thế giới. Anh ta đã làm cho FBI dễ dàng lần ra anh ta.

Vào tháng 6, Teixeira không nhận tội với sáu tội danh, mỗi tội danh có mức phạt tối đa là 10 năm tù và khoản tiền phạt lên tới 250.000 USD.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh xem xét lại chính sách và thủ tục để đánh giá mức độ thực sự của an ninh Ngũ Giác Đài. Kết quả, được công bố vào ngày 5 tháng 7, nhóm giám sát viên đưa ra khuyến nghị giám sát cẩn thận hơn các hoạt động trực tuyến của nhân viên có giấy phép an ninh.

Trở lại lịch sử, chủ nghĩa cực đoan trong quân đội đã có từ ít nhất là năm 1969 như vụ sát hại 13 người tại Fort Hood bởi bác sĩ tâm thần quân đội Nidal Hasan vào năm 2009 hay với tài liệu mà Chelsea Manning, không phải là một kẻ cực đoan nhưng đã rò rỉ cho WikiLeaks để tiết lộ các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Bộ Quốc phòng đã tạo ra một chương trình đe dọa chống nội gián vào năm 2014. Sáu năm sau, Bộ Quốc phòng lần đầu tiên sửa đổi chính sách của mình để đối mặt với vai trò tiềm ẩn của mạng xã hội trong các hoạt động cực đoan.

Sau đó là cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Một số lượng đáng kinh ngạc những người tham gia được chứng minh là có mối liên hệ với những người đang trong quân đội hay đã từng là quân nhân trong các binh chủng khác nhau.

Ngũ Giác Đài đã không thể phớt lờ vấn đề được nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã ra lệnh ngừng hoạt động kéo dài cả ngày chưa từng có để giáo dục tất cả quân nhân về hoạt động cực đoan và sau đó thành lập Nhóm Công tác Chống lại Hoạt động Cực đoan để đưa ra kế hoạch đối phó.

The New York Times ước tính rằng quân nhân tại ngũ và cựu chiến binh chiếm ít nhất 25% lực lượng dân quân chống chính phủ.

Gần đây, Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại DC, đã chỉ trích những nỗ lực của quân đội nhằm giải quyết chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước là rời rạc, chấp vá với những đánh giá không công bằng.

Lời kết:

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các cựu chiến binh ủng hộ các nhóm cực đoan bạo lực hoặc ý thức hệ của họ nhiều hơn phần còn lại của công chúng Mỹ.

Tuy nhiên, người Mỹ vẫn không thể an tâm nếu họ biết rằng, có hơn một phần ba dân số Hoa Kỳ đồng ý với “Lý thuyết Thay thế Vĩ đại” rằng “Một nhóm người ở đất nước này đang cố gắng thay thế người Mỹ bản địa bằng người nhập cư và người da màu.”

Sau đó, có một phát hiện rằng gần 18% cựu chiến binh được khảo sát đồng ý với hệ tư tưởng cực đoan, họ ủng hộ bạo lực như một phương tiện thay đổi chính trị. Phát hiện đó thực sự đáng sợ, bởi vì các nhóm cực đoan có thể lợi dụng sự ủng hộ bạo lực chính trị của các cựu chiến binh như vậy để chiêu mộ họ cho các mục đích bạo lực của chúng.

Nước Mỹ ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hữu hình khó giải quyết, hệ thống luật pháp của nước Mỹ đang loay hoay khó gỡ một vấn nạn lớn của quốc gia, đó là gốc rễ của mọi vấn đề lớn nhỏ của nước Mỹ, không giải quyết dứt điểm được kẻ sản sinh ra những thứ chủ nghĩa độc hại, chia rẽ và bạo lực thì làm sao có được một đội ngũ quân đội trong sạch và lành mạnh cho được?

Việt Linh, 18.07.2023