Vì Sao Số Người Đến Sở Làm Việc Không Bằng Thời Kỳ Trước Bệnh Dịch?

0
1029

Bạn có thể nghĩ rằng đến giữa năm 2023, đại dịch COVID-19 đã được chính thức tuyên bố là hết, hẳn là mọi người đều phải quay trở lại sở để làm việc. Nhưng thực tế thống kê của tổ chức Flex Report cho thấy cho đến quý hai của năm 2023, vẫn mới chỉ có 42% công nhân đến sở làm, xuống một chút so với tỷ lệ 49% trong quý một năm nay. Tổ chức Flex Report thu thập tài liệu làm việc của khoảng 4,000 công ty, với số công nhân hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Trong lúc đó tỷ lệ làm việc theo lối lưỡng thì -hybrid- vừa làm ở nhà online, vừa đến sở, của nhân viên văn phòng tăng từ 20% ở quý 1 lên 30% trong quý 2.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn thăm dò của Flex Report, ông Robert Sadow, Tổng Giám Đốc công ty Scoop Technologies khẳng định rằng: “Rõ ràng là phương pháp làm việc lưỡng thì – hybrid- được ưa thích hơn cả.”. Việc làm ngày nay được tổ chức lại theo xu hướng lưỡng thì. Theo đó, chỉ có một số ngày nhân viên bắt buộc phải đến sở làm việc. Trung bình, người nhân viên bị bắt buộc đến sở làm 2.53 ngày, nghĩa là theo công thức 2 ngày đến sở và 3 ngày làm việc ở nhà. Ngày thứ Ba là ngày hầu hết mọi người đều đến sở làm việc, sau đó là ngày thứ Tư và thứ Năm. Chỉ có một số công ty đòi hỏi nhân viên phải đến sở vào ngày thứ Sáu, và chỉ có 24% công ty bắt nhân viên phải có mặt vào ngày thứ Hai. 

Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi công ty đều chấp nhận sự kiện họ trả lương cho nhân viên mà người đó không có mặt ở sở làm. Công ty Tesla bắt buộc tất cả mọi nhân viên đều phải có mặt ở sở làm. Công ty JP Morgan Chase bắt buộc nhân viên cao cấp phải có mặt ở sở toàn thời gian, và công ty Apple thì theo dõi rất sát sự hiện diện của nhân viên ở sở, ai không tuân theo sẽ bị đe dọa cho nghỉ việc. Công nhân ở vườn giải trí Walt Disney bị bắt buộc phải đến sở làm 4 ngày một tuần, mặc dù hàng ngàn nhân viên đã ký tên vào bản thỉnh nguyện phản đối điều này. Những người phản đối nói rằng đòi hỏi phải có mặt ít nhất 4 ngày một tuần là gây khó dễ cho công nhân da màu và phụ nữ, và khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi họ có con nhỏ. Đa số nhân viên phải sống xa sở làm, và việc đi lại tốn kém rất nhiều thời gian. Họ không thể kham chịu nổi nhất là khi giá tiền thuê nhà để ở hiện nay rất cao. 

Sự linh động trong giờ giấc làm việc khác nhau rất nhiều tùy theo ngành kỹ nghệ, tùy vào kích thước của công ty, và tùy địa điểm nơi làm việc. Theo báo cáo của Flex Report cứ 3 công ty thì có 2 công ty có số nhân viên dưới 500 người áp dụng nguyên tắc giờ làm việc linh động. Điều này có nghĩa là người nhân viên có thể làm việc ở nhà qua online nếu họ muốn. Ngược lại, chỉ có 13% số công ty có khối lượng công nhân hơn 50,000 người đồng ý cho phép áp dụng làm việc theo thời khóa biểu linh động, mặc dù 66% công ty quy mô lớn cho phép tổ chức làm việc theo nguyên tắc lưỡng thì. 

Những tiểu bang ở miền Tây và vùng Đông bắc Hoa Kỳ có tỷ lệ áp dụng chương trình linh động giờ giấc làm việc cao nhất. Trong đó các tiểu bang Oregon, Washington và Colorado đứng đầu bảng danh sách về giờ làm việc linh động. Những tiểu bang như Arkansas, Alabama, và Louisiana đứng đầu danh sách những tiểu bang không áp dụng chính sách này, đòi phải nhân viên phải có mặt ở sở toàn thời gian. 

Ngoài ra, theo Flex Report còn có những điểm khác đáng lưu ý. Đó là nguyên tắc quay trở lại sở làm việc năm ngày một tuần không mấy thành công. Tổ chức Kastle Systems theo dõi số lượng nhân viên đến sở làm, quẹt thẻ nhân viên ở cửa ra vào của 2,600 bin đinh, ghi nhận rằng tính đến tháng Năm vừa qua, chỉ có 49.9% nhân viên làm việc ở 10 thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ có mặt ở sở làm, giống như khi chưa có đại dịch. Nhân viên không đến sở làm đông như trước khiến cho dịch vụ kinh doanh ở những trung tâm thành phố lớn như ở New York, Los Angeles hay Hoa Thịnh Đốn bị xuống thê thảm, trong lúc đó giá nhà ở khu ngoại ô của những thành phố này vẫn tiếp tục tăng giá rất cao.

Thị trường địa ốc cửa hàng kinh doanh vẫn chưa đạt mức bão hòa, bởi vì vẫn còn có nhiều công ty ký hợp đồng thuê mướn dài hạn mặt bằng cửa hàng. Ngoài ra, khi nhân  viên đến sở làm theo thời khóa biểu linh động không có nghĩa là công ty có thể cắt giảm được nhiều số diện tích cơ sở kinh doanh. Nếu tất cả nhân viên cùng đến sở làm vào một ngày trong tuần, công ty cần phải có đủ chỗ cho tất cả nhân viên làm việc giống như lúc chưa xảy ra bệnh dịch. Công ty vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng cho những văn phòng trống không có người ngồi làm việc vào những ngày không đủ nhân viên đến sở. 

Theo sự ước tính của Giáo sư Nicholas Bloom, dạy ở trường đại học Stanford, số ngày nhân viên làm việc ở nhà tính trung bình vào khoảng 30%. Giáo sư Bloom chuyên nghiên cứu về hiện tượng làm việc từ xa, hay  ở nhà. Ông nhận thấy đây là điều tốt cho người nhân viên cũng như cho công ty. Lý do là làm việc ở nhà nhiều khi có hiệu quả, có sản lượng nhiều hơn là làm việc ở sở. Và số người xin nghỉ việc giảm đi được một phần ba. 

Với đà tiến bộ của kỹ thuật, giáo sư Bloom nghĩ rằng xu hướng làm việc ở nhà sẽ tiếp tục tăng. Ông nói thêm, với sự cải tiến về kỹ thuật âm thanh, liên lạc bằng video, rồi đây làm việc ở nhà hay đến sở làm sẽ không khác nhau nhiều. Rõ ràng là thế giới văn phòng trước đây không hề thay đổi trong thời gian dài. Nhưng sau khi xảy ra bệnh dịch, thế giới này khác với ngày xưa nhiều lắm.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 12/6/2023