Ông Trump Có Thể Bị Xét Xử Ở Tòa Án Hay Không?

2
1176

Cali Today News – Vào ngày 14 tháng 10, sau khi Ủy Ban Điều Tra Vụ Bạo Loạn Ngày 6 tháng Giêng bỏ phiếu quyết định đòi triệu dẫn ông Donald Trump ra Tòa – subpoena. Sau đó, ông Trump cho công bố một lá thư đầy vẻ “giận dữ, thất vọng, và than phiền”. Ông nói: “Cái Ủy Ban này dựng ra một màn Trình Diễn Xử Tội chưa từng có trong lịch sử của nước Mỹ. Một màn xử án không tuân theo thủ tục tố tụng- due process of law- không có thủ tục kiểm tra chéo – Cross Examination- tức là thẩm vấn lại, hỏi hai phía đối nghịch. Trong ủy ban này không hề có một nhân vật nào được xem là Cộng Hòa chân chính. Phúc trình của Ủy ban chỉ được số người theo dõi trên truyền hình với tỉ lệ rất thấp. Không ai thèm xem).

Dĩ nhiên, Ủy ban Điều Tra không có ý định làm công việc xét xử, họ chỉ đứng ra thực hiện những cuộc điều tra, tìm hiểu về những dữ kiện xảy ra trong ngày hôm hôm đó, khiến cho các thành viên trong Quốc Hội phải bỏ chạy trước sự tấn công của nhóm côn  đồ làm loạn. Nhưng trong phiên họp cuối cùng vào ngày 19 tháng 12 vừa qua, Ủy ban quyết định gửi thư sang Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ yêu cầu truy tố ông Trump dựa vào bốn tội hình mà cá nhân ông có thể đã vi phạm. Nếu ông Trump muốn có một cuộc xét xử công minh, Ủy ban sẵn sàng giúp ông thực hiện điều này.

Một trong những điều viện dẫn -referrals- mà Ủy ban gửi sang Bộ Tư Pháp gồm có việc ông Trump vi phạm bộ luật hình sự Hoa Kỳ, liên quan đến việc ông kích động, trợ giúp, hỗ trợ, hay phủ dụ hành vi bạo loạn. Một số điều khác gồm có việc cản trở viên chức chính phủ tiến hành thủ tục đếm phiếu với âm mưu lật đổ chế độ chính trị của Hoa Kỳ, cùng với âm mưu đưa lời tuyên bố gian dối. Những điều viện dẫn kể trên không có hiệu lực bắt buộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phải bắt đầu thủ tục truy tố, hay làm đúng theo những điều mà Uy Ban quy kết tội trạng của ông Trump. Tất cả những điều này sẽ còn tùy thuộc vào ông Jack Smith, người được Bộ Tư Pháp bổ nhiệm làm Công Tố Viên Đặc Biệt hồi tháng 11 để đặc biệt điều tra vụ 6 tháng Giêng. Ông Jack Smith sẽ tập trung việc điều tra của mình vào cá nhân ông Trump. (Ông cũng có nhiệm vụ đặt câu hỏi về việc ông Trump cất giữ tài liệu mật trong nhà riêng ở Mar-a-Largo là không đúng). Nếu ông Jack Smith đề nghị cần phải truy tố ông Trump. Khi đó Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland sẽ hết nhiệm vụ, và một bồi thẩm đoàn sẽ quyết định có cần phải truy tố ông Trump hay không.

Từ trước đến nay chưa bao giờ có một kiểu mẫu nào về việc xử án một cựu tổng thống. Có những ông Tổng thống bị lôi ra đàn hạch để truất phế, nhưng chưa có một tổng thống nào sau khi hết làm việc lại bị lôi ra tòa để xử tội. Ngoài ra, ông cựu tổng thống đó còn có thể bị bắt giam nếu không tuân lệnh ra hầu tòa. Không có một thẩm phán nào dám đặt mức tiền bail phải đóng đối với nhà tỷ phú, người đó lại từng ngự trị trong Bạch Cung, hay một thẩm phán nào dám đòi tịch thu “passport” của một vị nguyên thủ quốc gia. Thủ tục tuyển chọn người vào làm Bồi Thẩm Đoàn có lẽ là một hoàn cảnh hết sức hy hữu, nói chi đến việc bắt ông cựu Tổng Thống đứng chụp hình theo kiểu “mug shop” chỉ dành cho những nghi can tội phạm. 

Tuy nhiên, ông Trump không phải là người duy nhất bị đem ra xét xử vì vụ bạo loạn 6 tháng Giêng. Bộ Tư Pháp đã truy tố vào khoảng 900 người vi phạm luật, và họ cũng thành công truy tố một số thành viên của tổ chức Oath Keepers vi phạm những tội gần giống như các lời viện dẫn referrals – mà ủy ban gửi sang Bộ Tư Pháp. Không giống như các thành viên của tổ chức Oath keepers, ông Trump không hề đặt chân vào tòa nhà Quốc Hội trong vụ 6 tháng Giêng. Mặc dù, theo biên bản của Ủy ban Điều tra chính ông Trump đã làm áp lực liên tục đối với Phó Tổng thống Mike Pence, buộc ông ta phải phủ nhận kết quả bầu cử của một vài tiểu bang, để ông có thể đưa ra một kết quả bầu cử gian dối. (ông John Eastman, một giáo sư trường Luật, là người chỉ vẽ cho ông Trump lập ra cái “cử tri đoàn giả mạo”. Bản viện dẫn của Ủy Ban có đề cập đến âm mưu gian trá này.

Chín thành viên của Ủy ban, gồm hai nhân vật Cộng Hòa là bà Liz Cheney và ông Adam Kinzinger- phải tuân theo một lịch trình làm việc hết sức gắt gao, eo hẹp. Trong những phiên điều trần được trình chiếu trên truyền hình cho công chúng xem, họ chỉ lựa những đoạn quan trọng nhất liên quan đến việc phán xét. Nhưng đến khi đem ra xét xử thực sử ở tòa án, thì công tố viên phải nghiên cứu lại lời khai của nhân chứng trước khi nghe bị cáo phân trần, biện bạch. Nguyên tắc tìm hiểu thật sâu, và thật kỹ kiểu này có thể giúp luật sư biện hộ cho ông Trump đòi xem nguyên bản lời khai của từng nhân chứng, cũng như bất cứ tài liệu nào công tố viên muốn trình ra trước tòa. Những tranh cãi về bằng chứng, chẳng hạn như lời khai của cô Cassidy Hutchinson nói rằng một nhân viên Mật Vụ đã tiết lộ cho cô về việc cãi vã, gây lộn trong xe chở Tổng thống có phải là lời đồn đại đáng tin cậy hay không. Một điểm gây tranh tụng khác là phải chăng ông Trump biết mình thất cử, nhưng vẫn cứ kích động việc phá rối cho bõ ghét. Những nhân chứng như các ông Bill Stepien, Giám đốc vận động tranh cử cho ông Trump, và ông Greg Jacob, cố vấn của Phó Tổng thống Pence có thể được mời ra làm nhân chứng. Nhưng đồng thời ông Trump cũng có quyền đòi đem nhân chứng riêng của mình, và biện lý phải thẩm vấn chéo những nhân chứng của ông Trump. Ngoài ra, chính ông Trump cũng có thể quyết định tự mình đứng ra biện hộ cho bản thân. Khi đó, thái độ tự kiêu, và tính khí hoang tưởng của ông sẽ là một yếu tố hết sức quan trọng, cần phải cân nhắc cho kỹ. 

Nhiều lần ông Trump đã viện dẫn một cách láo khoét, xấc xược về “đặc quyền hành pháp” của ông, chẳng hạn như việc Ủy ban Điều Tra vụ bạo loạn 6 tháng Giêng đòi xem một tài liệu, nhưng ông từ chối không cho xem với lý do đặc quyền hành pháp, và sau đó ông bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ. Khi đem ông Trump ra tòa để xử án, chắc chắn sẽ còn rất nhiều điều phản đối mới do phía ông Trump đưa ra. Trong đó, có những phản đối với lý luận khá vững chắc. Tất cả những khiếu nại, phản đối này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian để điều tra lại, trong lúc đó cuộc tuyển cử sơ bộ 2024 trong Đảng Cộng Hòa sẽ diễn ra trong tương lai rất gần. Việc truy tố, hay xét xử ông Trump không thể ngăn cản ông ra tái tranh cử Tổng thống một lần nữa. (Thực ra, bất cứ một cố gắng nào nhằm ngăn cản không cho ông Trump ra tranh cử một chức vụ dân cử nào, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn về luật hiến pháp.). Và người Tổng thống mới đắc cử vào tháng Giêng năm 2025 cũng có thể quyết định ân xá – pardon- cho ông Trump. 

Tuy nhiên quyết định ân xá cho Tổng thống chỉ áp dụng đối với những vi phạm luật liên bang mà thôi. Tội trạng đầu tiên của ông Trump liên quan đến vụ bạo loạn 6 tháng Giêng xuất phát ở cấp tiểu bang, cụ thể hơn là Quận hạt Fulton, tiểu bang Georgia, nơi bà Luật sư quận hạt Fani Willis sẽ được triệu dẫn ra làm nhân chứng. Bà Willis có đầy đủ hồ sơ về việc ông Trump gọi điện thoại ép buộc ông Brad Raffensperger, Tổng Thư Ký phụ trách bầu cử của tiểu bang phải “moi ra” cho được mười một ngàn lá phiếu bầu cho ông Trump. Đại Bồi Thẩm Đoàn làm việc trong vấn đề này sẽ phải mất nhiều tháng trời để nghe từng nhân chứng, cũng như những lời khai của đủ mọi loại nhân chứng, rất có thể ông Thống Đốc Brian Kemp cũng bị lôi ra xét xử trước tòa án liên bang bởi vì nhóm cố vấn của ông Trump tìm cách la lối om sòm để lật ngược kết quả bầu cử. Ngoài cú điện thoại ông Trump gọi cho ông Raffensperger, có ghi âm, trước đó còn có những âm mưu tạo ra lập ra nhóm cử tri đoàn giả tạo ở Georgia. Tìm hiểu về việc này sẽ có rất nhiều điều phải điều tra liên quan đến giấy tờ, tài liệu. Thú vị ở chỗ là điều tra sự việc ở Georgia có thể cho chiếu trực tiếp trên truyền hình, không giống như vụ kiện ở tòa liên bang, không được trực tiếp truyền hình. 

Mang ra xét xử trước tòa sẽ có những khía cạnh xảy ra hết sức bất ngờ, không thể kiểm soát được, ngay cả trường hợp bị cáo là người dễ dãi, trung thực không phải là loại mưu sỉ quanh co như ông Trump. Xử án trước Tòa chắc chắn sẽ khó khăn hơn, và nhiều tình tiết vô cùng phong phú, chứ không nhẹ nhàng như trong các buổi điều trần ở Hạ Viện. Điều đáng nói ở đây là tình trạng ông Trump phải ngồi tù, mất tự do, không nói chi đến việc có được dân chúng theo dõi xem trên truyền hình hay không: Chiếu theo những lời kết tội của Ủy ban Điều Tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng thì ông Trump có thể bị tù đến 20 năm. Nhưng bản chất thù nghịch của thủ tục có lẽ sẽ đem lại hậu quả tích cực. Ủy ban điều tra đã đúc kết được khá nhiều bằng cớ có giá trị, và vụ xử án sẽ là nơi các bằng chứng này được đem ra trắc nghiệm, xét xem có đúng hay không.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 9/1/2023

2 COMMENTS