Jerome Powell, kẻ thổi bùng NGỌN LỬA LẠM PHÁT và “Con đường dẫn đến ĐỊA NGỤC

0
3530

Nước Mỹ có một câu ngạn ngữ: “The road to Hell” – xin tạm dịch là “Con đường dẫn đến địa ngục” và cũng là tựa đề của một bài hát trong một Album năm 1989 của Chris Rea đề cập đến sự tha hóa, sai trái và cứu chuộc.

Nhưng khi đem câu ngạn ngữ “Con đường dẫn đến địa ngục” áp dụng vào các chính sách độc lập của Jerome Powell để mổ xẻ về sự quản lý Cục Dự trữ Liên bang theo cách điều hành của ông ta thì có vẻ như nền kinh tế Mỹ sẽ sớm trở thành câu ngạn ngữ đó, có nghĩa là một hệ thống sẽ sụp đổ, hỗn loạn tài chính ngân hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia và tiếp sau đó, dĩ nhiên là suy thoái kinh tế, là viễn cảnh đáng sợ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nước Mỹ mà còn cả thế giới.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Các chuyên gia kinh tế đã nói rằng khi cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người, từ chủ ngân hàng đến những người Mỹ bình thường, ông Jerome Powell đã đẩy đất nước vào vũng lầy kinh tế do chính ông và Fed tạo ra .

Các nhà quan sát cho biết, trong khi đại dịch toàn cầu và chiến tranh ở Ukraine là những cú sốc lớn đối với hệ thống kinh tế, thì các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang, nơi Jerome Powell làm chủ tịch từ năm 2018, đã đóng một vai trò quan trọng.

Thomas Hoenig, người từng là phó chủ tịch của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang từ năm 2012 đến năm 2018, nói rằng: “Chúng ta có một hệ thống tài chính khá mong manh, không còn nghi ngờ gì nữa, đã hơn một thập niên với lãi suất thấp. Đó là một phần của vấn đề. Chính Fed đã tự gây ra.”

Trong thời kỳ COVID, Jerome Powell đã tung ra một khẩu súng bazooka tài chính vượt xa biện pháp nới lỏng định lượng mà Fed đã tung ra trong cuộc khủng hoảng ngân hàng và những năm sau đó. Điều này đã làm tăng bảng cân đối kế toán của Fed từ 4,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2015 lên hơn 8 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2020.

Jerome Powell đã bơm hàng ngàn tỷ đô la vào hệ thống tài chính nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia trong thời kỳ đại dịch, bất chấp cảnh báo giá cả sẽ tăng cao. Jerome Powell vẫn quyết định mở vòi tiền cho đến tận năm 2021, thổi bùng ngọn lửa lạm phát đang hoành hành ở người Mỹ ngày nay.

Vào tối Chủ nhật, trong một hành động mới nhằm xoa dịu lo ngại về sự hỗn loạn ngân hàng tiếp theo tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một kế hoạch chung với Ngân hàng Anh, Canada và Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, nhằm cải thiện tính thanh khoản của đồng đô la Mỹ.

Khi có gợi ý đầu tiên về việc tăng giá, vào tháng 6 năm 2021, Jerome Powell đã gọi lạm phát là “tạm thời“.

Mãi cho đến tháng 3 năm 2022, Jerome Powell mới tuyên bố tình trạng lạm phát khẩn cấp và bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng hạ nó xuống.

Tuy nhiên, tại cuộc họp tháng 11 của Fed, ông đã dự đoán các mức tăng “nhỏ hơn” trong tương lai khi con rồng lạm phát đang được thuần hóa, trước khi gióng lên hồi chuông cảnh báo một lần nữa vào tháng Hai.

Trong khi đó, người Mỹ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng với khủng hoảng ngân hàng, cũng như mối đe dọa suy thoái và thị trường nhà ở thất thường.

Fed đã tăng lãi suất từ ​​0,25% vào tháng 2 năm 2022 lên 4,5-4,75% hiện nay—và lãi suất có thể tăng cao hơn nữa nếu Powell tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát trong tuần này.

Tuy nhiên, những đợt tăng lãi suất nhanh và ngắn này, cùng với việc nới lỏng luật ngân hàng vào năm 2018 mà Jerome Powell thực hiện, đã gieo mầm cho sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ở California và Signature Bank ở New York. Đây là điều mà Jerome Powell không thể phủ nhận.

Giờ đây, Jerome Powell thấy mình đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan: tránh cho nền kinh tế khỏi một cuộc khủng hoảng ngân hàng mà lẽ ra ông ta đã có thể lường trước hoặc thúc đẩy việc tăng lãi suất để bảo vệ những người Mỹ bình thường khỏi sự tàn phá của lạm phát cao mà chính ông đã góp phần thúc đẩy để duy trì uy tín của Cục Dự trữ Liên bang Fed.

Nhà sử học tài chính Edward Chancellor, tác giả của cuốn sách nổi tiếng: “The Price of Time: The Real Story of Interest” đã nói rằng: “Điều đó cho thấy các ngân hàng trung ương đang gặp khó khăn tột độ ở khắp đất nước khi lãi suất thấp đã được đưa vào cấu trúc. Khi lãi suất tăng, chúng ta sẽ có những vụ nổ hạt nhân này”.

Jerome Powell đã bị Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích vào tuần trước vì “góp phần trực tiếp vào những thất bại của các ngân hàng“, nhưng với quyết định tăng lãi suất sắp tới, Jerome Powell sẽ phải giải quyết hai trách nhiệm cốt lõi của Fed, đó là: ổn định giá cả và lạm phát 2%.

Hoenig, hiện là Thành viên cấp cao tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason tuyên bố rằng: “Ưu tiên hàng đầu phải là giảm lạm phát. Điều đó có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Nhưng nếu Fed không kiểm soát được nó ngay bây giờ, thì sau này tỷ lệ này sẽ tăng lên rất nhiều. Rủi ro là nếu Fed rút lui quá sớm, lạm phát sẽ tăng lên trở lại thì chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn hơn trong tương lai. Hậu quả sẽ đưa nước Mỹ trở lại những năm 1970.”

Tôi đã tìm hiểu vì sao ông Hoenig lại ví von nước Mỹ có thể phải quay trở lại những năm 1970 thì được biết rằng, những năm 1970 là thập niên lạm phát ở Hoa kỳ với tỷ lệ từ 6,8% lên cao đến 11% vào cuối thập niên 1970 với lãi suất gần 20%.

Hoenig mô tả lạm phát là một “loại thuế nguy hiểm” đối với cuộc sống của nhiều người Mỹ. Chi phí cho các nhu yếu phẩm hàng ngày vẫn sẽ tăng cao. Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 6%, nhưng tiền thuê nhà tăng 8,8%, thực phẩm tại nhà cao hơn 10,2% và lạm phát điện ở mức 12,9%.

Hậu quả đối với người Mỹ hàng ngày là khá rõ ràng. Trong một báo cáo tháng 2, tổ chức từ thiện Feeding America cho biết 95% ngân hàng thực phẩm được hỏi cho biết áp lực lạm phát về ngân sách gia đình là lý do chính khiến mọi người tìm kiếm sự trợ giúp.

Mặc dù lạm phát cao đồng nghĩa với việc những người về hưu và những người có thu nhập cố định sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng những người Mỹ trẻ tuổi cũng đang phải chịu đựng khó khăn nhiều hơn.

Lạm phát cao đang ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trẻ tuổi . Chi phí sinh hoạt cực kỳ đắt đỏ. Và đối với những người trẻ tuổi mới bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu, họ có thể thấy rằng khoản tiết kiệm của họ bây giờ thực sự có thể ít giá trị hơn theo thời gian do lạm phát.

Nhưng mối đe dọa về lãi suất cao đang làm khó với những người phải vay các khoản vay sinh viên, hoặc đang tìm mua một chiếc xe hơi hoặc mua nhà. Lãi suất cao hơn khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn và có thể đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn, với những người lao động trẻ tuổi có nguy cơ cao nhất.

Matthew Walsh, một nhà kinh tế của Moody’s Analytics, nói rằng: “Thị trường nhà ở có thể đã rơi vào suy thoái khi lãi suất tăng lên. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ đang sụp đổ dưới sức nặng của lãi suất thế chấp cao hơn và khả năng chi trả thấp nhất.”

Do đó, trường hợp tăng lãi suất vẫn còn mạnh mẽ. Nhưng bất chấp các biện pháp bảo vệ dành cho người gửi tiền, hệ thống ngân hàng vẫn đang rất mong manh, dễ sụp đổ, đặc biệt là đối với các ngân hàng vừa và nhỏ.

Sự thất bại của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã dẫn đến sự phẫn nộ từ các nhà tài chính. Tỷ phú quỹ phòng hộ Bill Ackman đã viết trên Twitter rằng: “Nền kinh tế của chúng ta sẽ không hoạt động hiệu quả nếu không có cộng đồng và hệ thống ngân hàng khu vực của chúng ta.”

Tuy nhiên, động thái giải cứu người gửi tiền cũng đã bị lên án. Ken Griffin, người sáng lập quỹ phòng hộ Citadel, nói với Financial Times vào ngày 13 tháng 3: “Mỹ được cho là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và điều đó đang đổ vỡ trước mắt chúng ta… đã có sự mất kỷ luật tài chính với việc chính phủ phải cứu trợ người gửi tiền đầy đủ.”

Giá trái phiếu lao dốc đã khiến giá trị tài sản thị trường của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ thấp hơn 2 nghìn tỷ đô la so với giá trị sổ sách của chúng. Các ngân hàng ở Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu đã mất tổng cộng 459 tỷ đô la giá trị thị trường trong tháng này, tính đến thứ Sáu.

Nguyên nhân gốc rễ của tình thế tiến thoái lưỡng nan của Jerome Powell là Fed đã giữ lãi suất ở mức thấp trong lịch sử quá lâu, điều này đã thổi phồng giá tài sản để tạo ra cái mà tác giả gọi là “bong bóng mọi thứ mọi nơi“. Điều này đã khiến nước Mỹ có nguy cơ bị chấn động tài chính nhiều hơn.

Lời kết:

Có một vài thính giả lên tiếng bênh vực ông Jerome Powell, còn tôi, tôi không tấn công ông ấy mà tôi chỉ dựa vào những thông tin tài chính mới nhất hợp cùng với những nhận định của những chuyên gia tài chính uy tín của nước Mỹ để viết một bài bình luận nhằm hỗ trợ cho lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Ý tôi muốn nói rằng, bà ấy đã đưa ra lời kêu gọi đúng lúc và khá thẳng thắn, rằng ông Jerome Powell nên từ chức vì ông đã thất bại trong công việc và trách nhiệm, và tôi nghĩ đây cũng là lời cảnh báo đến Tổng thống Biden, rằng chớ “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”.

Việt Linh 22.03.2023