Antony Blinken muốn thọ giáo điều gì từ Henry Kissinger?

0
2560

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã bảo vệ sự xuất hiện của Ngoại trưởng Antony Blinken tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 100 của người tiền nhiệm, và lần xuất hiện của Blinken trong bữa tiệc của Kissinger cũng có lẽ là lần tai tiếng nhất của ông, vì người có lần sinh nhật đặc biệt này là Henry Kissinger, đang lúng túng tránh né những câu hỏi dồn dập từ những người tham dự với một câu hỏi giống nhau: “Ông có nghĩ rằng ông là một tội phạm chiến tranh lớn của thế kỷ 20 hay không?

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không thể làm hài lòng mọi người khi đưa ra một câu trả lời không hoàn hảo khi được hỏi tại sao Ngoại trưởng Antony Blinken lại xuất hiện trong bữa tiệc sinh nhật của Henry Kissinger, một người có quá nhiều tai tiếng trong ngành ngoại giao với tiêu cực nhiều hơn tích cực, bị nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức dân quyền đòi truy tố ông ta là một tội phạm chiến tranh, một kẻ diệt chủng đã khiến cho hàng triệu người mất mạng oan uổng.

Bữa tiệc mừng sinh nhật 100 tuổi của Henry Kissinger được tổ chức tại Thư viện Công cộng New York, được trải thảm đỏ cứ như là một chính khách quốc tế, có công lao đối với đất nước và nhân loại. Riêng tôi cho rằng, đây là một sự kiện đáng xấu hổ của nước Mỹ khi vinh danh công khai một kẻ diệt chủng của thế giới nói chung và là một tên tội đồ của người dân Miền Nam Việt Nam, chà đạp sự thật và công lý.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã không trả lời câu hỏi của phóng viên Vox bên ngoài địa điểm, rằng: “Có gì để ăn mừng về Henry Kissinger?” Theo tôi, đây là câu hỏi hay nhất của một phóng viên, ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa, khiến cho một nhà ngoại giao, học cao hiểu rộng như Antony Blinken phải cứng họng, không thể đưa ra được một câu trả lời dù ngắn hay đủ để biện minh cho lý do sự có mặt của ông ta ở đó.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel đã được phóng viên John Hudson của tờ Washington Post hỏi về những âm mưu thâm độc của Kissinger trong việc ném bom rải thảm ở Campuchia, hỗ trợ lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Chile, cho phép một cuộc diệt chủng ở Bangladesh, bán đứng quân dân Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa cùng những cáo buộc khác. Và người phát ngôn cũng từ chối khéo không trả lời.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ nói rằng, “tất nhiên” có “sự khác biệt” trong các quan điểm chính sách giữa chính quyền của Tổng thống Joe Biden và chính quyền của các Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, những người mà Kissinger đã phục vụ từ năm 1973 đến năm 1977. Antony Blinken có một quá khứ gần gũi với Kissinger, từng phỏng vấn ông ta cho luận văn cao cấp của ông ta khi đang học ở Harvard vào những năm 1980 nhưng không nhất thiết là Blinken sẽ bị ảnh hưởng bởi những học thuyết ngoại giao và cách hành xử trong công việc với cương vị là một Ngoại trưởng.

Mời quý vị quay ngược dòng lịch sử một chút. Với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia của Richard Nixon vào năm 1972, Kissinger đã giúp thiết kế việc mở cửa lịch sử của tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc. Và chính Kissinger là người đã quản lý quá trình chuyển đổi chính sách đó – và với tư cách là cố vấn bên ngoài cho nhiều đời tổng thống tiếp theo sau đó, kể cả cựu Tổng thống Barack Obama được cho là đã nghe theo lời khuyên của Kissinger mà thả lỏng và nhẹ tay với Trung Quốc – chính những cố vấn chính sách có lợi cho Trung Quốc từ Kissinger được cho là đã tạo ra thất bại ngoại giao lớn nhất và tính toán sai lầm chiến lược nguy hiểm nhất của nước Mỹ. Chưa từ bỏ bản tính thích làm thầy đời, Henry Kissinger đã nhắn nhủ những lời khuyên về chính sách Trung Quốc đến ông Biden dù không được yêu cầu hay hỏi đến.

Tôi còn nhớ đã đọc được lời khen có cánh của Kissinger dành cho Trump khi vừa nhậm chức đầu năm 2017, ông ta đã viết rằng: “Donald Trump là một hiện tượng mà cả nước Mỹ và thế giới chưa từng thấy. Ông ta là một con người phi thường, một tổng thống rất đáng kính.” Nhưng sau 4 năm tệ hại với hai lần bị luận tội, thì hầu như Henry Kissinger đã không có một lời khen nào nữa dành cho Donald Trump và cũng không hề nhắc đến 30.673 lần nói láo của Trump trong 4 năm ngắn ngủi.

Không có gì ngạc nhiên cả khi cả thế giới này đều biết rằng Kissinger có một chính sách thân Trung Quốc, luôn thúc đẩy, tạo áp lực để lèo lái nhiều đời Tổng thống Mỹ nhằm ủng hộ một chính sách thân Trung Quốc hơn. Nhưng, không ai trung thành với một kẻ sắp bị tù tội cả. Tại hội nghị trực tuyến Bloomberg về an ninh quốc gia gần đây. Kissinger đã chê bai cách điều hành và chính sách của Trump khi nói rằng: “Trump có một phương pháp đàm phán bất nhất, không ổn định và thông minh. Trump đã không quan tâm sâu sắc về sự phát triển không cân bằng của nền kinh tế thế giới.”

Đối với Tổng thống Biden, thì Kissinger đưa ra lời khuyên cho rằng một chút áp lực thương mại đối với Bắc Kinh là có thể chấp nhận được, nhưng không nên gây hấn với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, không nên gây hiềm khích chỉ vì Đài Loan; không nên trừng phạt mạnh tay với Bắc Triều Tiên; đừng gay gắt quá với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc; không nên thọc tay sâu vào các cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Hồng Kông hay xét nét quá hành vi diệt chủng văn hóa đối với người Tây Tạng và hành vi diệt chủng thực sự đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đó là những chuyện nội bộ của Trung Quốc. Chính quyền Biden cần hiểu sự nhạy cảm của Trung Quốc về việc Mỹ bày tỏ những lo ngại đó.

Sau 40 năm Bắc Kinh thất hứa và ngày càng gây hấn với phương Tây, Henry Kissinger vẫn không sẵn lòng thừa nhận rằng quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – là nguồn gốc chính của những “nguy hiểm” mà thế giới đang phải đối mặt.

Henry Kissinger tự coi mình là nhân vật duy nhất được cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tin cậy, nể nang kể từ khi ông ta rời chính phủ 43 năm trước, vẫn tiếp tục tư vấn cho các tổng thống Hoa Kỳ và các nhà độc tài cộng sản về hướng đi tốt nhất phía trước để tránh chiến tranh, tăng cường cam kết hai bên cùng có lợi và không để các vấn đề nhân quyền và dân chủ cản trở.

Đây không phải là lần đầu tiên Kissinger đề cử mình đóng vai trò then chốt trong quan hệ Mỹ-Trung. Khi Tổng thống Richard Nixon hỏi Kissinger, ai sẽ làm sứ giả đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử của tổng thống, Kissinger đã xem qua danh sách các ứng cử viên cấp cao và loại bỏ họ cho đến khi trong danh sách chỉ còn lại một cái tên, đó là Henry Kissinger, là sự lựa chọn không thể tránh khỏi. Kể từ thời điểm đó, Henry Kissinger vẫn luôn là cánh tay nối dài của Trung Quốc không thể thiếu của mọi tổng thống Mỹ ngoại trừ Joe Biden.

Tổng thống Biden dường như đang giữ khoảng cách với Kissinger. Henry Kissinger nói với The New York Post năm ngoái rằng Biden là tổng thống duy nhất không mời ông đến Tòa Bạch Ốc trong những dịp lễ quan trọng.

Có lẽ Tổng thống Biden không muốn bắt tay với một người Mỹ luôn đưa ra những lời khuyên chính sách thân Trung Quốc đã và đang bị thế giới lên án vì tội diệt chủng hay chăng? Nếu đúng là như vậy thì tôi rất cảm phục sự lựa chọn của ông ấy, nhưng thực ra, vẫn còn nhiều lý do khác mà Tổng thống Biden tuy không công khai nói ra nhưng ông dường như không hài lòng với những lời dạy dỗ của một người tự cho là người từng trãi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề để lên lớp ông Biden ngay sau khi ông nhậm chức Tổng thống.

Lời kết:

Đối với người Ngoại trưởng của Tổng thống Biden thì tôi không hề nể phục từ cách giao tiếp rề rà, thiếu cương quyết và nói chuyện thiếu sự thu hút mạnh mẽ. Có lẽ Blinken muốn nhận được sự chỉ giáo thêm từ một tên diệt chủng dày dạn kinh nghiệm trên trường ngoại giao thế giới hay chăng?

Liệu Blinken sẽ học được điều gì tốt từ Kissinger cho chính sách ngoại giao của nước Mỹ?

Tổng thống Biden đã nhìn ra con người của Kissinger với những ý đồ thâm độc làm hại nước Mỹ, có lợi cho kẻ thù của nước Mỹ, một con người đang bị cả thế giới rẻ rúng, khinh thường và chỉ muốn ông ta phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu oan hồn vất vưởng khắp nơi trên thế giới. Nhưng Antony Blinken thì không?

Việt Linh, 11.06.2023