QUẬN CAM – ĐÔNG ĐẢO NGHỆ SĨ DỰ GIỖ TỔ SÂN KHẤU TỐI 12 THÁNG 08 Âm Lịch

0
2248

Tối Thứ Ba 26-9-2023 nhằm ngày 12 tháng 8 Âm lịch, đông đảo nghệ sĩ gồm giới cải lương và tân nhạc và đồng hương ở Quận Cam, Nam Cali đến dự Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu diễn ra tại hội trường văn nghệ của Đài truyền hình SBTN, do nghệ sĩ cải lương Tuấn Châu- Cổ Nhạc Phương Nam, phối hợp cùng nhiều nghệ sĩ và đài truyền hình này thực hiện.

Buổi lễ giỗ tổ sân khấu được đài truyền hình SBTN quay hình trực tiếp.

Nhiều tiết mục ca nhạc vừa cải lương vừa tân nhạc được các ca sĩ và nghệ sĩ trình diễn, mọi người thích thú thưởng thức.

Hàng năm cứ đến ngày 11, 12, 13 Tháng Tám Âm lịch, trong ba ngày này được gọi là Ngày Giỗ Tổ Sân Khấu, các nghệ sĩ cải lương đều đến cúng bái Tổ để cầu được may mắn, được hanh thông trên con đường nghệ thuật. Sau này nhiều ca nhạc sĩ của giới tân nhạc cũng tham dự và họ coi đây là Ông Tổ Sân Khấu của họ.

Theo truyền thuyết thì đời xưa có vị hoàng tử con vua rất mê coi ca hát và vị này qua đời vào ngày 12 tháng 8 âm lịch trong một lần đi coi hát. Dù qua đời nhưng linh hồn của vị hoàng tử vương vấn trên sân khấu; độ trì cho giới cầm ca. Cho nên các nghệ sĩ thờ cúng vị này, coi là Tổ Sân Khấu.

Tại quê nhà thời xưa, người ta không cho khán giả mang trái thị vào rạp hát vì họ tin rằng mùi thơm của trái thị sẽ làm cho Ông Tổ Sân Khấu- vốn còn trẻ- mê thích mà quên hộ trì cho các nghệ sĩ trình diễn và dễ xảy ra các vụ trục trặc trên sân khấu.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền sụt sùi nước mắt kể lại nỗi buồn mất đứa con sau bốn mươi năm nuôi nấng, soạn giả Hương Huyền tuổi bát tuần ca một câu vọng cổ trong vở tuồng Ông Cò Quận Chín, Phương Hồng Quế và Trang Thanh Lan song ca một nhạc phẩm của Minh Kỳ.

 Các nghệ sĩ cải lương trong trang phục cổ trình diễn các tiết mục sân khấu xưa và nhiều màn đơn ca vừa vọng cổ vừa tân nhạc- đúng là Tân Cổ Giao Duyên.

Các nghệ sĩ lần lượt lên sân khấu, nơi đặt bàn thờ Tổ và lễ bái cầu xin Tổ độ trì may mắn trong nghề nghiệp cầm ca.

Ngày giỗ tổ sân khấu cũng là dịp để giới ca nhạc sĩ trình diễn- nhất là bộ môn cải lương- gặp gỡ nhau,  cùng ca hát và giới khán giả yêu nghệ thuật ngồi thưởng thức. Cho nên không khí rất vui vẻ, ấm cúng và trang trọng, có sự hài hòa giữa nghệ thuật và tâm linh.

Trần Củng Sơn

 Ghi chú hình

1- Trình diễn tuồng tích xưa

2- Hai câu đối- Mai Lệ Huyền áo trắng, soạn giả Hương Huyền áo dài khăn đóng

3- Như Hảo và Phong Dinh áo dài 

4- Đông đảo khán giả

5- Nghệ sĩ bái lạy Tổ Sân Khấu