Wednesday, April 30, 2025
spot_img

Thẩm phán phán quyết việc giải thể USAID của DOGE có thể vi phạm Hiến pháp

WASHINGTON (AP) — Việc Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của tỷ phú Elon Musk giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có khả năng vi phạm Hiến pháp, một thẩm phán liên bang tuyên bố hôm thứ Ba khi ra lệnh đình chỉ vô thời hạn việc DOGE tiếp tục cắt giảm cơ quan này.

Tòa án ra lệnh cho chính quyền Trump khôi phục quyền truy cập email và hệ thống máy tính cho toàn bộ nhân viên USAID, kể cả những người đang trong diện tạm nghỉ hành chính. Tuy nhiên, phán quyết không buộc phải phục hồi những người đã bị sa thải hay đưa USAID trở lại hoạt động đầy đủ.

Một trong những vụ kiện đầu tiên nhắm vào chính Elon Musk, Thẩm phán Liên bang Theodore Chuang tại Maryland đã bác bỏ lập luận của chính quyền Trump rằng Musk chỉ đóng vai trò cố vấn cho Tổng thống Donald Trump.

Các tuyên bố công khai và bài đăng trên mạng xã hội của Musk cho thấy ông có “quyền kiểm soát vững chắc đối với DOGE”, thẩm phán nhận định, trích dẫn một bài đăng trực tuyến trong đó Musk tuyên bố ông đã “cho USAID vào máy nghiền gỗ.”

Thẩm phán cũng cho rằng USAID có thể không còn đủ khả năng để thực hiện một số nhiệm vụ được luật pháp quy định.

“Xâu chuỗi những dữ kiện này lại, có thể đi đến kết luận rằng USAID đã thực sự bị loại bỏ,” Chuang viết trong phán quyết sơ bộ.

Vụ kiện do các nhân viên và nhà thầu của USAID đệ trình cho rằng Musk và DOGE đang sử dụng quyền lực mà Hiến pháp chỉ trao cho những người được bầu chọn hoặc được Thượng viện phê chuẩn. Các luật sư của nguyên đơn nhận định phán quyết này “trên thực tế đã ngăn chặn hoặc đảo ngược” nhiều biện pháp nhằm giải thể cơ quan này.

Chính quyền Trump tuyên bố DOGE đang thực hiện nhiệm vụ loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chính phủ liên bang, phù hợp với thông điệp tranh cử đã giúp Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Tòa Bạch Ốc và DOGE chưa phản hồi yêu cầu bình luận về phán quyết này.

Musk, đội ngũ của ông và quan chức do Trump bổ nhiệm, Pete Marocco, đóng vai trò then chốt trong quá trình giải thể USAID kéo dài hai tháng. Vào đầu tháng Hai, chính quyền đã buộc các quan chức an ninh cấp cao của USAID tạm nghỉ việc sau khi họ tìm cách ngăn chặn nhân viên DOGE truy cập vào các tài liệu mật và nhạy cảm của cơ quan này.

Với sự hậu thuẫn của Musk và DOGE, chính quyền đã ra lệnh buộc gần như toàn bộ nhân viên USAID nghỉ việc hoặc sa thải họ, đồng thời chấm dứt ít nhất 83% hợp đồng chương trình của USAID, theo Bộ Ngoại giao.

Những động thái này là một phần trong kế hoạch quy mô lớn hơn của Musk và chính quyền Trump nhằm xóa bỏ cơ quan viện trợ nước ngoài đã tồn tại hơn sáu thập kỷ cùng với phần lớn các hoạt động của cơ quan ở nước ngoài.

Trong ngày nhậm chức, Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đóng băng ngân sách viện trợ nước ngoài và yêu cầu rà soát tất cả các hoạt động viện trợ, phát triển của Mỹ trên toàn cầu, với lý do phần lớn viện trợ nước ngoài là lãng phí và thúc đẩy một chương trình nghị sự tự do.

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và những người ủng hộ USAID lập luận rằng Trump không có thẩm quyền giữ lại ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt.

Thẩm phán Chuang cho rằng việc DOGE và Musk nhanh chóng giải thể USAID có thể gây tổn hại đến lợi ích công chúng, vì điều này tước đi quyền hạn hiến định của các nhà lập pháp được bầu trong việc quyết định “liệu có nên đóng cửa một cơ quan do Quốc hội thành lập hay không, cũng như thời điểm và cách thức thực hiện.”

Vụ kiện do Quỹ Bảo vệ Dân chủ Nhà nước đệ trình. Norm Eisen, chủ tịch điều hành của tổ chức phi lợi nhuận này, gọi phán quyết là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chống lại DOGE. Đây cũng là phán quyết đầu tiên xác định rằng hành động của Musk vi phạm Điều khoản Bổ nhiệm của Hiến pháp, quy định rằng việc bổ nhiệm các quan chức công phải có sự chấp thuận của tổng thống và được Thượng viện phê chuẩn.

“Họ đang hành động một cách thô bạo thay vì cẩn trọng, gây tổn hại không chỉ đến những người được USAID hỗ trợ mà còn đến đại đa số người dân Mỹ, những người trông đợi vào sự ổn định của chính phủ,” ông tuyên bố.

Abby Maxman của Oxfam America kêu gọi khôi phục toàn bộ nhân sự và ngân sách. “Việc đóng băng ngân sách và cắt giảm chương trình đã và đang gây ra hậu quả sống còn đối với hàng triệu người trên thế giới,” giám đốc điều hành tổ chức nhân đạo này nói.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img