Trần Củng Sơn
Tối Thứ Tư 14-5-2025 tại căn phòng ấm cúng của trung tâm sinh hoạt The Center at Founders Village, thành phố Fountain Valley, Nam California, nữ nghệ sĩ Tây Ban Cầm Lê Thu đã cho khoảng 200 khán giả thưởng thức tiếng đàn ghi ta cổ điển nồng nàn trau chuốt với kỹ thuật điêu luyện của người đến từ đất nước Bahrain, vùng Trung Đông.
Nhạc sĩ Võ Tá Hân- đại diện hội Vietnamese American Classical Guitar Society (Hội Tây Ban Cầm Cổ Điển Việt Mỹ) chào đón khán giả và giới thiệu nữ nhạc sĩ Lê Thu. Ông cho biết mấy chục năm xưa, ông đã tổ chức bốn lần giải thi độc tấu Tây ban cầm cổ điển tại trường nhạc Sài Gòn và lần cuối cùng vào năm 2000 thì Lê Thu từ Hà Nội bay vào dự thi mà đoạt giải nhất.

Năm nay 2025, đúng 25 năm sau thì Lê Thu hội ngộ cùng ông trong buổi trình tấu đặc biệt mà đa số khán giả là người Việt Nam tại thủ đô tị nạn Quận Cam. Nhạc sĩ Võ Tá Hân nói rằng trong giới dương cầm thì có Đặng Thái Sơn và trong giới nữ tây ban cầm cổ điển thì có Lê Thu nổi tiếng khắp năm châu.
Theo tiểu sử thì Lê Thu bắt đầu học đàn ghi ta từ lúc 4 tuổi với sự hướng dẫn của người cha; sau đó vào trường nhạc Hà Nội, là học sinh trẻ tuổi nhất của nhạc viện lúc 7 tuổi. Sau này Lê Thu học thêm với các danh cầm quốc tế mà trở thành tay đàn nữ xuất sắc nổi tiếng thế giới.

Hiện Lê Thu thường xuyên đi trình diễn tại nhiều quốc gia gồm Châu Âu, Châu Á và Hoa Kỳ.
Cô có kênh Youtube Lê Thu với nhiều nhạc phẩm trình tấu được khán giả ái mộ. Một số ca khúc nổi tiếng như Histoire D’un Amour, Qui Sait, Tombe La Neige, El Cholo… được Lê Thu dùng kỹ thuật Tây ban cầm cổ điển làm nhiều người thích thú. Cô cũng đã soạn và trình tấu bản Xuân Này Con Không Về, Dấu Tình Sầu để khán giả Việt Nam thưởng thức.
Phong cách trình diễn say đắm cây đàn ghi ta cùng với âm sắc ngọt ngào điêu luyện tạo nên nét đặc biệt của nữ tây ban cầm cổ điển Lê Thu.

Trong đêm này Lê Thu đặc biệt trình tấu bản Niệm Khúc Cuối ( Ngô Thụy Miên ) do Võ Tá Hân soạn cho ghi ta, nghe dịu dàng.
Nữ danh cầm Lê Thu đang cư ngụ tại nước Bharain cùng 2 ái nữ. Được hỏi rằng cô có muốn định cư tại Hoa Kỳ thì cô mỉm cười. Có thể, trong tương lai, Lê Thu có thể xin định cư nước Mỹ theo diện nhân tài ngành nghệ thuật như bao nhân tài khắp thế giới đã hội nhập vào quốc gia hùng mạnh và tự do nhất hoàn cầu này.
Trong số khách đến nghe Lê Thu trình tấu có nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, ông bà Huỳnh Thi -.
Tô Thị Thủy- giám đốc trung tâm Thúy Nga. Cuốn CD mang tên Amor gồm nhiều bản trình tấu của Lê Thu được nhiều người mua với chữ ký của tác giả.
Sau phần trình tấu, Lê Thu trả lời một số câu hỏi của khách ái mộ. Đêm nhạc bắt đầu lúc 7 giờ tối và kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ.
Mọi người chia tay, cảm giác vương vấn cùng tiếng đàn Tây Ban Cầm Cổ Điển. Hình như trong tiếng đàn da diết ấy, bàng bạc nỗi nhớ quê nhà Việt Nam xa xôi từ miền đất Trung Đông khói lửa nóng bức. Cám ơn nữ danh cầm Lê Thu. Khán giả vẫn mong ngày tái ngộ.
Mời nghe Lê Thu trình tấu bản Historia De Un Amor :