Vài tháng gần đây, nước Iran phải chịu nhiều thảm họa tàn khốc, và chế độ cai trị ở nước này không đủ sức để đối phó với những nước thù nghịch ở trong vùng. Lực lượng an ninh Do Thái đã đánh gục hàng ngũ lãnh đạo của hai tổ chức đồng minh cật ruột của Iran: nhóm Hamas ở dải Gaza và nhóm Hezbollah ở Lebanon. Sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Syria do Bashar Assad cầm quyền không những khiến cho Iran bị mất đi một quốc gia đồng minh, mà còn làm gián đoạn nguồn tiếp tế vũ khí và nhiên liệu cho tổ chức Hezbollah. Nhóm phiến loạn Houthi ở Yemen từ bấy lâu nay vẫn hay đánh cướp nhiều tàu chở hàng trên Biển Đỏ, mới đây bị quân đội Do Thái đánh một đòn chí tử, đánh sâu vào nội địa Yemen. Cùng lúc đó, Iran nhận ra rằng nước Nga, một đồng minh quan trọng của Iran, ở ngoài vùng Trung đông chỉ quan tâm đến cuộc chiến xâm lăng Ukraine, không còn tỏ ra hào phóng với Iran nữa. Tóm lại, Iran đang chứng kiến sự sụp đổ của trục liên minh quân sự – Axis of Resistance- nhằm xây dựng một đế quốc trong vùng trung đông.
Trong năm 2024, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu ra lệnh đánh thẳng vào Iran, và biết trước Iran sẽ không dám, hay không đủ khả năng đánh trả lại Do Thái. Ở Hoa Kỳ, ông Donald Trump người luôn luôn chủ trương cần phải gây sức ép đối với Iran, nay trở lại quyền ở Bạch Cung với chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ. Có lẽ ông ta không muốn gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran, nhưng chắc chắn ông sẽ theo dõi rất sát bất cứ cố gắng nào của Iran trong việc chế tạo bom nguyên tử. Hiện nay có rất nhiều áp lực về cả hai phía Hoa Kỳ cũng như Do Thái muốn biến sức ép tối đa thành hành động quân sự.
Những khó khăn trong nội tình nước Iran còn là đe dọa lớn hơn nữa cho giới lãnh đạo của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này.
Nền kinh tế Iran từ bấy lâu nay đã bị trừng phạt, hạn chế đến mức làm cho cả nước gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế vì bị cô lập khắp nơi. Gía trị đồng tiền của Iran đang bị mất giá không kìm hãm được, lạm phát ở mức trên 30%, và dân chúng bày tỏ sự tức giận tột độ với nhà cầm quyền.
Cơn giận dữ mới đây nhất của dân chúng là về vấn đề khủng hoảng nhiên liệu, năng lượng. Nhiều lần nhà ở của dân chúng bị cúp điện, trường học và công sở phải đóng cửa vì không có hơi gas để nấu nướng, hay để sưởi ấm. Nền kinh tế của Iran đã do một nhóm người bất tài quản lý kém cỏi và đầy tham nhũng. Mặc dù Iran là một nước có khối dự trữ dầu hỏa, hơi đốt lớn hàng nhì trên thế giới, vậy mà họ đang bị thiếu nhiên liệu. (Iran cứ để cho dầu thô đốt thả cửa để bù đắp thiếu hụt, vì vậy có nhiều thành phố bị ô nhiễm rất trầm trọng.).
Chế độ cầm quyền vẫn cương quyết áp dụng những nguyên tắc tàn ác, khắc nghiệt về luân lý xã hội khiến cho dân chúng tổ chức trở lại những cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối chính phủ như từng xảy ra hồi năm 2022-2023. Đó là khẩu hiệu: Woman- Life-Freedom”, tức là “Quyền của Phụ Nữ- Quyền được sống- Tự Do.”. Đối với nhiều người dân Iran, việc cảnh sát hung hăng áp dụng luật bắt phụ nữ khi ra ngoài đường phải mặc toàn đồ đen từ đầu xuống chân càng làm cho người dân bực bội thêm vì họ đang bị khốn khổ do những khó khăn vì nền kinh tế bị cô lập. Trong kỳ bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, chỉ có 50% cử tri tham gia đi bỏ phiếu, một tỉ lệ rất thấp trong một chế độ độc tài kiểu Iran. Sự bất mãn của người dân càng thẩm thấu sâu đậm hơn khi họ thấy hình ảnh Tổng thống Syria là Assad bỏ chạy sang Nga khi bị phiến quân đánh bật ra ngoài. Rõ rệt là Iran từng chi tiêu hàng tỷ đô la để duy trì, yểm trợ một chế độ độc tài trong cuộc nội chiến ở Syria. Ngày nay, tất cả số tiền đầu tư đó tan thành mây khói. Người dân cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì hành động sai lầm của nhà cầm quyền.
Mọi thất bại, suy sụp kể trên là do ông Tổng thống Massoud Pezeshki, một người được mệnh danh là “nhà cải cách”.
Ông Tổng thống thất bại này vẫn tiếp tục được sự yểm trợ của nhà lãnh đạo tối cao là Giáo Chủ Ali Khamenei, và Chủ tịch quốc hội Mohammad-Badger Ghalibaf, một nhân vật quyền lực về chính trị. Nhưng càng ngày càng có nhiều người Iran tỏ ra nản lòng. Trước đây, họ cứ nghĩ rằng Tổng thống Pezeshki là một nhà cải cách thực sự, nhưng rồi bây giờ ông tỏ ra là một nhà lãnh đạo yếu kém.
Đằng sau hậu trường chính trị, người dân Iran còn lo ngại rằng trong tương lai ai sẽ là người thay thế ông giáo chủ Khamenei khi ông ta chết. Ông già này đã được 85 tuổi, và còn bị ung thư prostate. Những kẻ sắp xếp quyền lực ở Iran trong Lực Lượng Quân Đội Cách Mạng Iran và những định chế thuộc hàng giáo phẩm có ít năm để chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực. Song có lẽ đây là lần chuyển giao quyền lực tối cao đầu tiên kể từ 45 năm lịch sử của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này.
Nhiều nguồn tin trong ban tham mưu chính trị ở Hoa Kỳ và Do Thái lý luận rằng chế độ cai trị ở Tehran sắp đến lúc sụp đổ. Chỉ cần một động thái nhỏ đẩy mạnh là chế độ này sẽ tan tành. Tuy nhiên, hiện nay Iran có thể được xem như con sư tử bị trọng thương, nhưng với khối hỏa tiễn, và máy bay không người lái khổng lồ của nó chứng tỏ rằng móng vuốt của con sư tử bị thương vẫn còn sắc bén lắm. Nếu giới lãnh đạo Iran cảm thấy họ bị dồn vào chân tường, cả thù trong lẫn giặc ngoài, có thể họ sẽ làm một hành động điên cuồng là gây ra một cuộc chiến tranh lớn ở trong vùng, lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến mới. Đó chính là trường hợp sự suy yếu của Iran vô hình chung có thể trở thành một vấn nạn lớn cho cả thế giới.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 10/2/2025