SEOUL, Hàn Quốc (AP) — Ông Lee Jae-myung, người vươn lên từ tuổi thơ nghèo khó để trở thành chính trị gia tự do hàng đầu Hàn Quốc với cam kết chống bất bình đẳng và tham nhũng, sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của đất nước vào thứ Tư sau một cuộc bầu cử khép lại một trong những chương rối ren nhất của nền dân chủ non trẻ này.
Ông Lee, 60 tuổi, ứng cử viên của Đảng Dân chủ đối lập, sẽ nhậm chức với nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm, kế nhiệm tổng thống bảo thủ Yoon Suk Yeol, người bị mất chức sau khi ban bố thiết quân luật một cách bất ngờ nhưng ngắn ngủi vào tháng 12 năm ngoái.
Hiện chưa rõ việc ông Lee đắc cử có dẫn đến sự thay đổi lớn và ngay lập tức nào trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hay không. Dù trước đây bị chỉ trích vì thiên về Trung Quốc và Triều Tiên thay vì Mỹ và Nhật, ông Lee đã nhiều lần nhấn mạnh rằng liên minh với Mỹ là nền tảng của chính sách đối ngoại Hàn Quốc.
Những thách thức đối ngoại lớn nhất mà ông Lee phải đối mặt là chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chương trình hạt nhân ngày càng mở rộng của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ ai làm tổng thống cũng khó đạt được bước tiến lớn có lợi cho Hàn Quốc trong những vấn đề này.
Tính đến 3:45 sáng thứ Tư, với hơn 99% số phiếu được kiểm, ông Lee giành được 49,3% số phiếu, trong khi đối thủ bảo thủ chính là Kim Moon Soo chỉ đạt 41,3% — một khoảng cách không thể đảo ngược.
Các khảo sát trước bầu cử từ lâu đã cho thấy ông Lee có khả năng chiến thắng dễ dàng, nhờ sự phẫn nộ sâu sắc của công chúng sau vụ bê bối thiết quân luật của ông Yoon.
Ngay cả trước khi chiến thắng của ông Lee được công bố chính thức, ông Kim đã thừa nhận thất bại, nói với báo chí rằng ông “khiêm tốn chấp nhận lựa chọn của người dân” và gửi lời chúc mừng đến ông Lee.
Trước đó, ông Lee đã xuất hiện trước hàng ngàn người ủng hộ reo hò trên đường phố Seoul. Dù chưa tuyên bố thắng cử chính thức, ông nhấn mạnh lại các mục tiêu chính sách như phục hồi kinh tế, thúc đẩy hòa bình với Triều Tiên và hàn gắn chia rẽ trong nước.
“Hãy cùng nhau tiến về phía trước với hy vọng và bắt đầu lại từ thời điểm này,” ông nói. “Dù chúng ta có thể đã từng bất đồng, nhưng ngay cả những người không ủng hộ chúng ta cũng vẫn là công dân của Đại Hàn Dân Quốc.”

Chính sách ngoại giao thực tiễn
Ông Lee từng là thống đốc tỉnh Gyeonggi và thị trưởng thành phố Seongnam, là một nhân vật gây chia rẽ mạnh mẽ trong chính trường suốt nhiều năm qua.
Xuất thân là Xuất thân từ tầng lớp lao động, sớm bươn chải kiếm sống, ông nổi lên nhờ câu chuyện vượt khó truyền cảm hứng và những chỉ trích gay gắt nhằm vào giới bảo thủ, kêu gọi xây dựng một Hàn Quốc quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại. Hình ảnh đó giúp ông được kỳ vọng là người có thể thực hiện đổi mới toàn diện, giải quyết bất bình đẳng và nạn tham nhũng kéo dài.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng ông là một người theo chủ nghĩa dân túy nguy hiểm, dễ dàng nuốt lời và kích động chia rẽ chính trị.
Về đối ngoại, ông Lee cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao thực tiễn, phát triển liên minh với Mỹ, và củng cố mối quan hệ ba bên giữa Seoul – Washington – Tokyo — lập trường không khác nhiều so với chính quyền bảo thủ.
“Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu áp lực từ cương vị tổng thống có khiến Lee Jae-myung điều hành từ vị trí trung dung — ít nhất là trong các vấn đề an ninh quốc gia và liên minh với Mỹ — hay không,” chuyên gia Ankit Panda của Quỹ Carnegie nói.
Ông Lee tuyên bố sẽ theo đuổi quan hệ tốt hơn với Triều Tiên, nhưng cũng thừa nhận khó có khả năng sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong Un, cho thấy ông sẽ không có động thái mạnh mẽ nhằm cải thiện quan hệ liên Triều trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh đối mặt với thuế quan từ Trump và yêu cầu tăng đóng góp chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú, cũng như chương trình hạt nhân quyết liệt của Triều Tiên. Vì thế, cả ông Lee lẫn các ứng viên khác đều tránh đưa ra những mục tiêu đối ngoại quá tham vọng.
Giáo sư Paik Wooyeal từ Đại học Yonsei (Seoul) cho rằng các chiến lược gia của ông Lee hiểu rõ rằng Hàn Quốc không thể làm nhiều để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông Lee cũng không mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt như cựu Tổng thống tự do Moon Jae-in, người từng gặp Kim Jong Un ba lần trong nhiệm kỳ 2017–2022.
Dù vậy, vẫn có hy vọng đối thoại Mỹ – Triều có thể nối lại, khi ông Trump nhiều lần bày tỏ ý định tiếp cận Kim Jong Un. Ông Lee tuyên bố sẽ ủng hộ nỗ lực này.
“Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ phối hợp tốt hơn trong việc đối thoại với Triều Tiên dưới cấu trúc lãnh đạo hiện tại ở cả hai nước,” ông Panda nhận định. “Hai bên nên sớm tiến hành tham vấn để đảm bảo sự thống nhất về mục tiêu.”

Tác động từ chính sách thuế quan
Chính quyền của ông Lee có thể vẫn gặp một số va chạm nhỏ với chính quyền Trump, theo ông Chung Jin-young, cựu trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế Trường Đại học Kyung Hee.
Ông Chung cho rằng ông Lee sẽ không thực hiện các bước đi quá mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại và an ninh, do thị trường tài chính và ngoại hối Hàn Quốc rất nhạy cảm với các biến động như vậy.
Ông Lee kêu gọi kiên nhẫn trước chính sách thuế của Trump, cho rằng vội vã đàm phán để đạt được thỏa thuận sớm với Washington là một sai lầm.
Hôm thứ Hai, các quan chức thương mại Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn để phản ứng trước thông báo của Trump về việc nâng thuế với sản phẩm thép và nhôm lên 50% từ thứ Tư. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tuần trước đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng 2025 xuống còn 0,8%, do lo ngại về tác động từ thuế quan và nhu cầu trong nước yếu đi sau biến động chính trị.
Hàn gắn chia rẽ trong nước
Cuộc bầu cử này tiếp tục là một dấu mốc trong nền dân chủ vững vàng của Hàn Quốc, nhưng các nhà quan sát lo ngại sự chia rẽ trong nước ngày càng nghiêm trọng có thể là gánh nặng lớn cho tân tổng thống.
6 tháng qua, hàng ngàn người đã tụ tập biểu tình ủng hộ hoặc phản đối ông Yoon, trong khi khoảng trống quyền lực do Yoon bị luận tội và bãi nhiệm đã làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao cấp cao và gây biến động tài chính.
Ông Lee cam kết sẽ hàn gắn sự chia rẽ dân tộc, nhưng đồng thời cũng tuyên bố sẽ xử lý triệt để những người liên quan đến vụ thiết quân luật, làm dấy lên lo ngại ông sẽ dùng điều tra để trả đũa chính trị các đối thủ.
“Câu hỏi tiếp theo là liệu ông Lee sẽ đại diện và bảo vệ nền dân chủ Hàn Quốc như thế nào,” bà Soo Kim, cựu phân tích gia CIA và chuyên gia rủi ro địa chính trị cho biết.
“Chính trị Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị chi phối bởi những cuộc trả thù cá nhân, hay Seoul sẽ vượt qua điều đó để hợp tác một cách xây dựng và tiến bộ vì lợi ích lâu dài của nền dân chủ? Đây là thách thức lớn đối với ông Lee.”