Friday, June 13, 2025

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương về “mối nguy cấp” từ Trung Quốc

(AP) 31/5 — Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm thứ Bảy đã trấn an các đồng minh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rằng họ sẽ không bị bỏ lại một mình trước sức ép quân sự và kinh tế ngày càng tăng từ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh các nước này cũng cần tâng cường đóng góp nhiều hơn cho quốc phòng của chính mình.

Ông cho biết Washington sẽ tăng cường phòng thủ ở nước ngoài nhằm đối phó với các mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng từ Bắc Kinh, đặc biệt là thái độ hung hăng với Đài Loan. Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận nhằm thử nghiệm việc phong tỏa hòn đảo tự trị này — vốn bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và Mỹ cam kết bảo vệ.

Bộ trưởng Hegseth nói tại một hội nghị an ninh ở Singapore: “Quân đội Trung Quốc đang tập dượt cho một cuộc chiến thật sự. Chúng ta không thể tô hồng sự việc — mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật và rất có thể xảy ra trong thời gian ngắn.”

Đại diện Trung Quốc trong đoàn cũng phản pháo, gọi những cáo buộc của ông Hegseth là “vô căn cứ”, “bịa đặt” và “giả mạo sự thật,” đồng thời cho rằng đó là nỗ lực gây rối và chia rẽ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc tập luyện xâm chiếm Đài Loan

Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2027 phải có khả năng dùng vũ lực chiếm Đài Loan nếu cần, tuy đây được xem là mục tiêu tham vọng hơn là thời hạn chắc chắn. Bắc Kinh cũng xây dựng các đảo nhân tạo kiên cố ở Biển Đông, phát triển công nghệ siêu thanh và vũ trụ hiện đại, khiến Mỹ phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian riêng.

Phát biểu tại diễn đàn Shangri-La, ông Hegseth khẳng định Trung Quốc không chỉ đang xây dựng lực lượng mà còn “đang huấn luyện mỗi ngày cho việc này.”

Ngoài ra, ông còn chỉ trích tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt nhắm vào việc tăng cường kiểm soát và ảnh hưởng đối với kênh đào Panama.

Ông kêu gọi các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tương tự 5% GDP như các nước châu Âu hiện đang được khuyến khích.

“Chúng ta phải cùng nhau chung sức,” ông nói.

Phản ứng và cam kết của các bên

Sau bài phát biểu, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Kaja Kallas đã phản đối quan điểm cho rằng các nước châu Âu nên tập trung bảo vệ khu vực của mình và để khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cho Mỹ. Bà nhấn mạnh rằng an ninh giữa châu Âu và châu Á có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên hỗ trợ Nga và Trung Quốc ủng hộ Moscow.

Ông Hegseth cũng khẳng định lại cam kết của Mỹ trong việc tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, giống như các chính quyền trước đây. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng trước đó, nhiều nguồn lực quân sự đã thường xuyên được chuyển sang Trung Đông và châu Âu, đặc biệt kể từ khi xảy ra các xung đột ở Ukraine và Gaza.

Ông giải thích việc rút bớt lực lượng phòng thủ tên lửa Patriot khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để điều động sang Trung Đông là cần thiết nhằm ứng phó với các cuộc tấn công tên lửa từ Yemen. Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường biện pháp bảo vệ biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng các đồng minh và đối tác của Mỹ cần phải tăng cường chi tiêu và nâng cao khả năng chuẩn bị quốc phòng, vì Mỹ không thể một mình đảm đương mọi nhiệm vụ an ninh.

“Một mạng lưới đồng minh mạnh mẽ và quyết đoán là lợi thế chiến lược quan trọng nhất của chúng ta,” ông nói. “Trung Quốc ghen tỵ với sự hợp tác của chúng ta và thấy được sức mạnh chúng ta có thể tạo ra cùng nhau, nhưng mọi người phải cùng nhau đầu tư để phát huy tiềm năng đó.”

Thách thức đối với các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương

Các nước trong khu vực đang cố gắng duy trì cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhưng đồng thời cũng bị coi là “đầu gấu” do những yêu sách ngày càng quyết liệt về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn hải sản quan trọng.

Ông Hegseth cảnh báo việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc sẽ làm tăng ảnh hưởng tiêu cực và làm khó khăn cho các quyết định quốc phòng khi xảy ra căng thẳng.

Khi được hỏi về mâu thuẫn với chính sách thuế quan cứng rắn của Trump đối với nhiều nước trong khu vực, ông nói: “Tôi quan tâm đến xe tăng chứ không phải thương mại.”

Ý kiến khác và sự vắng mặt của Trung Quốc

Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Illinois) phản đối việc gây áp lực buộc các nước chọn phe, nhấn mạnh Mỹ không yêu cầu các nước lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles hoan nghênh cam kết của Mỹ coi Ấn Độ – Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược và đồng ý rằng các quốc gia phải cùng chia sẻ trách nhiệm. Ông cũng cho rằng các chính sách thuế quan gay gắt của Trump gây tổn thất và làm bất ổn khu vực.

Năm nay, Trung Quốc không cử Bộ trưởng Quốc phòng đến mà chỉ gửi đoàn đại biểu cấp thấp, nhằm phản đối các biện pháp áp thuế gây bất ổn của Mỹ. Sự vắng mặt này được phía Mỹ coi là cơ hội để khẳng định cam kết của mình.

Ông Hegseth cho biết Mỹ sẽ mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả đồng minh truyền thống và những đối tác mới, mà không yêu cầu họ phải tuân theo các quan điểm về văn hóa hay khí hậu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img