Biden công bố thoả thuận tàu ngầm hạt nhân với Anh-Úc, đối phó bành trướng Trung Quốc 

0
681
(AP Photo/Evan Vucci)

 (New York Times)  — Tổng thống Joe Biden vào thứ Hai đưa ra bước đi quyết liệt nhất từ trước đến nay trong việc đối phó với việc Trung Quốc bành trướng quân sự trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, chính thức công bố kế hoạch cùng với Anh Quốc và Úc châu phát triển và triển khai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

Đứng trước chiến hạm hạt nhân USS Missouri tại căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, ông Biden và nguyên thủ hai quốc gia nói về quan hệ đối tác hải quân là phương pháp quan trọng đối đầu với Trung Quốc vào lúc căng thẳng với Bắc Kinh đang tăng cao. Các viên chức Mỹ cho biết, việc này sẽ tạo ra “trách nhiệm quản trị hạt nhân” giữa các đồng minh.

“Hoa Kỳ đã bảo vệ sự ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong hàng thập niên qua vì lợi ích to lớn của các quốc gia trong vùng,” Tổng thống Hoa Kỳ nói. “Chúng tôi một lần nữa cho thấy, các nền dân chủ có thể mang lại an ninh và thịnh vượng cho chính chúng ta như thế nào, và không chỉ cho chúng ta, mà cho cả thế giới.” 

Ông Biden cho biết, lần đầu tiên trong 65 năm, Hoa Kỳ sẽ chia sẻ kỹ thuật trung tâm của tàu ngầm hạt nhân Mỹ, cho phép “Úc xây dựng những cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ sẽ được phát triển thành các hạm đội có khả năng đối đầu với tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.” Ban đầu, Úc sẽ mua 3 tàu chiến hạm ngầm như Missouri và được giao vào năm 2032, và cuối cùng sẽ tạo phiên bản mới mang tên AUKUS dưới sự hỗ trợ của Anh và Mỹ vào năm 2042. 

Bước đi này là dấu hiệu cho thấy mức độ mà Biden và các cố vấn của ông đang đầu tư vào kế hoạch quân sự chiến lược với các đồng minh và đối tác để đối phó với năng lực của Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh, và chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng vũ trang có thể xảy ra về vấn đề Đài Loan. Các viên chức Mỹ cho biết, năng lực tàu ngầm cũng sẽ giúp ngăn chặn sự hung hăng từ Bắc Hàn và Nga – quốc gia vốn đã thực hiện diễn  tập hải quân với Trung Quốc trong vùng. 

Tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước lâu hơn và di chuyển xa hơn so với tàu ngầm thông thường mà không cần nổi lên. Chúng sẽ là phiên bản nâng cấp đáng kể so với 6 tàu ngầm điện diesel của Hải quân Australia, vốn sẽ sớm hết hạn sử dụng. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là những hạng mục quan trọng trong thỏa thuận AUKUS vốn bao gồm các kế hoạch hợp tác dài hạn về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, chiến tranh mạng và hoả tiễn. 

Úc sẽ chi từ $178 tỷ Mỹ kim đến $245 tỷ Mỹ kim trong phạm vi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. 

Thông báo vào thứ Hai là một bước quan trọng của 3 quốc gia nói tiếng Anh, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác mang tên AUKUS được công bố 18 tháng trước. Thỏa thuận này làm giới chức Pháp nổi giận, và họ đã hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá $66 tỷ Mỹ kim với Úc.

Đứng cạnh Biden trước quốc kỳ 3 quốc gia, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh những lợi ích kinh tế từ thoả thuận này, mà theo họ, sẽ mang lại hàng ngàn công ăn việc làm có thu nhập cao cho những người thiết kế, đóng và vận hành tàu ngầm. 

Kế hoạch này gắn chặt những chiến lược quân sự của Anh quốc với Mỹ và Úc vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, việc sẽ đặt London vào thế mâu thuẫn với Bắc Kinh trong nhiều năm tới. 

Trong những tháng gần đây, Biden và các cố vấn thông báo sẽ giúp Nhật xây dựng quân đội sau hàng chục năm Tokyo theo đuổi lập trường ôn hoà, và họ sẽ triển khai quân và trang thiết bị đến những căn cứ quân sự không phải của Mỹ ở Philippines. 

Chính phủ Biden cũng tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong Quad – – hợp danh phi quân sự gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc. Tất cả những quốc gia này đều gia tăng lo ngại trước những tuyên bố bành trướng lãnh thổ và căng thẳng chiến lược ở Châu Á. 

Bắc Kinh tố cáo Hoa Kỳ đang tìm cách kìm hãm sự lớn mạnh của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình tại kỳ họp chính hiệp Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh vào tuần trước cho rằng, Mỹ đang dẫn đầu các quốc gia phương Tây tham gia vào “ngăn chặn, bao vây và đàn áp  Trung Quốc mọi mặt.” 

Theo bà phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại buổi họp báo vào thứ 5, Thoả thuận tàu ngầm “tạo những rủi ro phổ biến hạt nhân nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang, và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.”

Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan cho biết, Tổng thống Biden dự tính sẽ tìm cách nói chuyện với ông Tập sau kỳ họp thứ nhất chính hiệp Trung Quốc khoá 14. Sullivan cũng cho biết thêm, phía Mỹ đã trao đổi với đồng nhiệm Trung Quốc về AUKUS hơn 18 tháng qua, nhưng đối thoại giữa hai quốc gia, qua những kênh quân sự, đã trở nên yếu nhiều hơn những gì Washington mong muốn. Điều này một phần là do những căng thẳng về khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay trên không phận Mỹ, và Trung Quốc có thể gởi vũ khí cho Nga. 

Từ trước đến nay cho đến thoả thuận mới này, Hoa Kỳ chỉ chia sẻ kỹ thuật tàu ngầm chạy bằng hạt nhân duy nhất với Anh Quốc, nằm trong thoả thuận Quốc phòng được ký kết vào năm 1958. 

Hương Giang (Theo New York Times)