Washington có thể làm gì để phá vỡ quan hệ đối tác Nga-Bắc Triều Tiên?

0
1216

Daniel R. Depetris

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Biden đưa ra cảnh báo về các thỏa thuận vũ khí tiềm năng giữa Bình Nhưỡng và Moscow. Vào tháng 9 năm 2022, Washington đã giải mật thông tin tình báo chỉ ra việc Nga mua đạn pháo và hỏa tiễn của Triều Tiên, tất cả đều xảy ra vào thời điểm mà vị thế trên thực địa của quân đội Nga thậm chí còn tồi tệ hơn hiện nay.

Vào tháng 11 năm 2022, Mỹ cáo buộc rằng Triều Tiên đang bí mật cung cấp đạn dược cho người Nga, chuyển chúng qua Trung Đông để che giấu nguồn gốc của chúng. Tháng 3 này, Tòa Bạch Ốc đã công bố thêm thông tin: để đổi lấy pháo binh, Nga sẽ cung cấp cho Triều Tiên viện trợ lương thực là thứ họ đang rất cần cho quân đội và dân chúng.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, John Kirby đã đưa ra cảnh báo tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un rằng: Hoa Kỳ biết các ông đang làm gì và thúc giục các ông ngừng ngay thỏa thuận nguy hiểm đó.

John Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc rằng: “Theo những thỏa thuận tiềm năng này, Nga sẽ nhận được số lượng đáng kể nhiều loại đạn dược từ Bắc Triều Tiên mà quân đội Nga dự định sử dụng ở Ukraine. Những thỏa thuận tiềm năng này cũng có thể bao gồm việc cung cấp nguyên liệu thô hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”.

Bình Nhưỡng đã phủ nhận dứt khoát các tuyên bố của Washington. Nhưng hãy đối mặt với sự thật: có một số lý do rất thực tế giải thích tại sao người Nga và người Triều Tiên lại tham gia vào một hoạt động thương mại như thế này. Tuyên bố của Washington rất có lý và phản ảnh sự tăng cường mối quan hệ Bắc Triều Tiên-Nga đã diễn ra khá lâu. Và tất cả đều được thúc đẩy bởi yêu cầu địa chính trị luôn thay đổi ngày nay.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Triều Tiên không có gì đáng ngạc nhiên đối với thế giới. Hai nước đã và đang giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều cách. Nga, phối hợp với Trung Quốc, đã biến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành một tổ chức tranh luận vô nghĩa về vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hiệu quả. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng vì phát triển hỏa tiễn đạn đạo và hạt nhân là năm 2017 và khi đó Donald Trump đang trong năm đầu tiên làm tổng thống. Kể từ đó, các phái đoàn Nga và Trung Quốc đã ngừng hành động và làm suy yếu các sáng kiến ​​do Mỹ dẫn đầu nhằm gây thêm áp lực kinh tế lên Triều Tiên. Khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nổi giận vào ngày 25 tháng 8 khi nói rằng: “Kể từ đầu năm 2022, Hội đồng này đã không thực hiện được các cam kết của mình vì sự cản trở của Trung Quốc và Nga”. Việc các quan chức Mỹ tức giận là không quan trọng đối với Nga, một quốc gia chưa bao giờ thực sự chấp nhận chính sách trừng phạt của Liên hợp quốc và ngày càng không muốn giúp đỡ Mỹ trong bất kỳ khả năng nào.

Moscow thậm chí còn không quan tâm đến các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà họ đã đồng ý trước đó. Vào tháng 7, một phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu dẫn đầu đã bay tới thủ đô Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, trong đó nổi bật là phần phô diễn hỏa tiễn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, máy bay không người lái tấn công, xe tăng và bệ phóng hỏa tiễn cho thế giới xem. Hai ngày trước đó, Shoigu đã đi thăm một cơ sở vũ khí của Triều Tiên cùng với lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi Moscow và Bình Nhưỡng duy trì mối quan hệ tương đối tích cực kể từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh thì Joseph Stalin đã ủng hộ Kim Il-sung, người sáng lập triều đại Kim, làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Triều Tiên vào năm 1945, và Liên Xô đã cung cấp cho Triều Tiên vũ khí, dầu mỏ và viện trợ tài chính trước khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu.

Triều Tiên là một trong số ít các quốc gia, cùng với Syria và Belarus gọi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin là một phản ứng chính đáng, nếu không muốn nói là cần thiết, đối với chính sách ngăn chặn của Mỹ chống lại Moscow.

Những luận điểm mà truyền thông nhà nước Triều Tiên nói ra gần giống với những gì thế giới có thể nghe từ các nhà tuyên truyền Nga. Mặc dù có rất ít mối đe dọa ở Ukraine đối với Kim Jong-un, nhưng ông ta vẫn khai thác cuộc chiến và tận dụng nhu cầu cấp thiết về đạn dược và pháo binh của Nga để làm lợi thế cho mình. Điều này phục vụ nhu cầu thực tế ngắn hạn dưới hình thức giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên đồng thời hoàn thành một trong những mục tiêu dài hạn của Triều Tiên – là làm suy yếu chương trình nghị sự chính sách của Washington về bán đảo Triều Tiên và ở châu Á nói chung.

Lời kết:

Thật không may mắn cho Hoa Kỳ, nước này không thể làm được gì nhiều để khắc phục tình trạng này. Do có mối quan hệ đối đầu với Bình Nhưỡng trong nhiều thập niên, đòn bẩy của Mỹ đối với Triều Tiên là vô cùng hạn chế. Nếu Kim Jong-un cầu xin đàm phán với Mỹ, thì có lẽ chính quyền Biden có thể nhấn mạnh vấn đề. Nhưng đơn giản là ông Kim không quan tâm đến các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ hiện tại. Vì vậy, Washington chỉ còn lại một công cụ quen thuộc nhưng đã lỗi thời trong bộ công cụ chính sách Triều Tiên, đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Như vậy, có thể nhận định tình hình một cách thức tế nhất, rằng việc trừng phạt Bắc Triều Tiên của chính phủ Hoa Kỳ sẽ không mang lại tác động thực sự nào. Một phần uy tín và uy thế của nước Mỹ ngày nay đã bị hao mòn rất nhiều, không còn là một cường quốc hùng mạnh về mọi mặt, một tiếng nói đưa ra có hàng triệu người nghe theo.

Âu đó cũng là thời thế, thế thời xoay vần của nước Mỹ và các đối thủ của Mỹ.

Translated & Summarized

Việt Linh