Vì Sao Không Thể Ân Xá Cho Ông Trump Được

0
822

Đầu tháng Tám năm 1975, Tổng thống Gerald Ford ban lệnh ân xá cho một nhân vật từng gây chia rẽ trầm trọng cho nước Mỹ, và là một đe dọa cho thể chế Dân Chủ Mỹ. Nhân vật mà chúng ta nói ở đây không phải là Tổng thống Richard Nixon mà là ông Tướng Robert E. Lee.Trước đó vài tháng, Tổng thống Ford đã ân xá cho ông Richard Nixon.

Sau cuộc Nội Chiến giữa hai miền Nam Bắc Mỹ, mọi người đều biết rằng những thành viên trong Liên Hiệp Các Tiểu Bang Miền Nam- tên chính thức gọi là Confederacy- sẽ bị truy tố ra tòa về tội bạo loạn chống lại nước Mỹ. Năm 1865 Tổng thống Andrew Johnson công bố bản ân xá cho hầu hết những người liên quan đến nhóm Confederacy, ngoại trừ một số nhân vật  từng giữ vai trò lãnh đạo Liên Hiệp các Tiểu bang miền Nam- Confederacy-  và những người có bất động sản trên hai chục ngàn đô la. Ba năm sau, Tổng thống Johnson nghĩ rằng đã đến lúc nên quên đi quá khứ, để hướng về tương lai, ông cho công bố bản ân xá khác.  Kỳ này ông cho nới rộng việc ân xá với cả những người lãnh đạo như ông Tướng Lee, người tổ chức cuộc phản loạn, chống lại chính phủ Mỹ. Dù sao đi nữa, những kẻ phản loạn này đã từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ, và cầm vũ khí chống lại chính phủ, vì vậy họ phải đứng lên tuyên thệ lại Lời Thề Trung Thành với nước Mỹ, và hoàn tất thủ tục long trọng để xin lại quyền công dân cho mình. Đơn xin lấy lại quyền công dân của ông Lee không hiểu vì lý do gì lại bị thất lạc. Có giả thuyết nói rằng ông Bộ trưởng Ngoại Giao William H. Seward đã đem cái đơn của Tướng Lee cho một người bạn để làm quà tặng. Sau đó, Tướng Lee qua đời vào năm 1870 trong tư cách một người vô tổ quốc, không còn là công dân của một nước nào. 

Khi ông Ford tái lập quy chế công dân Mỹ cho Tướng Lee, mặc dù ông này đã chết từ lâu, ông Ford đã đem một sự thực đi đến một tình huống rắc rối. Ông Ford nói về nhân cách của Tướng Lee với lời khen ông Lee là một ví dụ về một thế hệ đáng phục, và việc phục hồi tư cách công dân cho ông Tướng Lee sẽ là một sự kiện khiến cho tất cả người Mỹ nên tự hào. Việc ân xá cho ông Nixon thì có nhiều điều dị nghị, tranh luận, song cũng dựa trên cùng một lý luận đơn giản là hãy xếp lại quá khứ, để đất nước tiến về tương lai. Trong một lần nói chuyện với ký giả Bob Woodward, Tổng thống Ford giải thích rằng vụ Watergate chẳng qua chỉ là một thất bại đáng tiếc. Nó làm cho mọi chính sách đối nội và đối ngoại không thể hoàn tất được chỉ vì không giải quyết cho xong vụ Watergate. Theo lối nói của ông, thì ông lo ngại cho vận mệnh của đất nước hơn là số phận hay uy tín của ông Nixon. Mặc dù những tai hại do vị tổng thống tiền nhiệm gây ra rất tệ hại, song ông Ford cũng lý luận rằng thôi thì hãy hướng về tương lai, xếp lại chuyện cũ, để đất nước cùng tiến về phía trước. 

Hồi cuối tháng trước, ông Donald Trump phải trình diện trước tòa án ở Atlanta, Georgia. Ông Trump từng bị đưa ra luận tội để truất phế hai lần, và ông là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên dính líu đến khá nhiều vụ kiện tụng khác nhau. Ông Trump sẽ phải đối mặt với cáo trạng bắt nguồn từ việc ông tìm mọi cách để lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Đến lúc này, hình ảnh ông cựu Tổng thống bị truy tố ra tòa chuyển từ một hiện tượng bất ngờ, trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Ngày nào cũng có tin ông Trump bị kiện cáo. Ngoài những tội liên quan đến bầu cử ở Georgia, ông Trump còn bị bồi thẩm đoàn đem ra luận tội về những hành vi phạm luật về kinh doanh, do ông Luật sư công tố Alvin Bragg. của quận hạt Manhattan, New York, truy tố ông Trump. Còn hai vụ vi phạm luật liên bang thì ông Trump sẽ bị công tố viên đặc biệt do Bộ Tư Pháp bổ nhiệm, ông Jack Smith, truy tố ông Trump ra trước tòa án ở Florida, liên quan đến việc đem hồ sơ mật về nhà, và vụ thứ hai sẽ diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn, liên quan đến việc can thiệp vào kết quả bầu cử. (Ông Trump đều nói là mình vô tội trong tất cả những vụ kiện kể trên). Những tội nặng nhất liên quan đến việc ông Trump cố gắng tìm mọi cách để giữ được chức tổng thống mà ông bị mất vì thất cử. Những cố gắng của ông Trump nhằm duy trì chức vị tổng thống cuối cùng đã đưa đến việc bạo loạn xảy ra vào ngày 6 tháng Giêng, tấn công tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, điện Capitol. Đây là biến cố hết sức quan trọng, nó đe dọa đến việc chuyển giao quyền hành hòa bình trong thể chế dân chủ. Vụ này lớn nhất kể từ sau cuộc chiến tranh Nam Bắc khiến cho ông Tướng Robert E Lee bị mất quyền công dân Hoa Kỳ. 

Người ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy việc ông Trump bị truy tố về những vi phạm luật liên bang, và đang có tin đồn lan truyền rộng rãi là nên kêu gọi Tổng thống Biden ban lệnh ân xá sớm cho ông Trump- preemptive pardon. (Trên bình diện tiểu bang, người ta không thể tưởng tượng được việc  bà Thống Đốc New York sẽ ân xá cho ông Trump. Còn ở Georgia, thì ông Thống đốc không có quyền này.)

Sau lần ông Trump nhận được cáo trạng đầu tiên vi phạm luật liên bang hồi tháng Sáu, hai bình luận gia Marc Thiessen và Danielle Pletka đã viết trên tờ báo Washington Post rằng: “Hàng triệu người sẽ thấy rằng việc truy tố ông Trump là điều không chính đáng, và bất cứ một bản án nào được đưa ra cũng là bất công. Điều đó sẽ càng khiến cho công chúng  giảm bớt lòng tin vào hệ thống tư pháp của chúng ta và nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước luật pháp.”.

Sau khi cáo trạng thứ hai được đưa ra hồi tháng Tám, một bài xã luận đăng theo lối quảng cáo có trả tiền- op-ad- trên tờ Miami Herald, đề nghị  ông Trump nên được ân xá “bởi vì hậu quả của việc kéo dài phiên xử án, và kết quả của bản tuyên án có thể gây ra những điều hết sức đáng sợ cho thể chế dân chủ.”. Cái lập luận này nghe quen quen, giống như khi xảy ra khủng hoảng kinh tế- Đại Suy Thoái- Great Recession- người ta nói có một số công ty, ngân hàng, hay định chế tài chính quá lớn không thể bị thất bại nếu đem chúng ra để kết tội. 

Cốt lõi của lập luận đòi ân xá cho ông Trump nằm ở chỗ những tình cảm đối trong thời gian ông Trump cầm quyền  quá ồn ào, và khó khăn trong lúc đó, việc tôn trọng đúng theo luật pháp sẽ diễn tiến hết sức chậm chạp và kéo dài, khiến cho sự chia rẽ xảy ra cho đất nước càng sâu đậm thêm. Có lẽ bây giờ là lúc  nên tái lập sự đoàn kết, và nói theo lối xưa là hãy xếp lại quá khứ để đất nước cùng hướng về tương lai. 

Trong tất cả những lập luận xin ân xá cho ông Trump có lẽ lý luận đáng chú y nhất, có luận cứ vững chắc nhất, là nếu truy tố đối thủ chính trị ra tòa thường khi đó chỉ là hành động của những chế độ độc tài, chuyên chính. Trong nhiều trường hợp xảy ra trên thế giới, có lẽ điều này là đúng. Tuy nhiên, những người đề nghị ân xá cho ông Trump quên không nghĩ đến điều ngược lại, họ không dám thừa nhận hậu quả rất xấu của việc ân xá cho ông Trump. Họ có biết rằng khi ân xá như vậy, tức là chúng ta làm lũng đoạn, hoen ố thể chế dân chủ. Phải chăng chúng ta buộc phải ân xá cho ông Trump chỉ vì ông ta là một đối thủ chính trị nặng ký. Chúng ta dễ dàng tưởng tượng ra điều những kẻ cận thần của ông Trump thường xem việc ông Nixon được ân xá để cảm thấy được an ủi, xoa dịu khi họ xin cho ông Trump được ân xá. Thời kỳ ông Trump cầm quyền lãnh đạo, có vô số chuyện, nhiều việc làm, chính sách xem thường luật pháp. Nếu cứ tuân thủ theo cái lối coi thường luật pháp như vậy chúng ta sẽ lãnh những hậu quả tai hại về lâu dài. Chỉ vì quá nhẹ tay với những kẻ trong nhóm Confederacy nên mới phát sinh ra nhóm da trắng bạo động tự trang bị vũ khí chống lại chính quyền, và làm cho người Da Đen ở miền Nam bị tước bỏ quyền đi bầu trong một thời gian khá dài sau thời kỳ Nội Chiến.  

Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại rằng ông Trump lọt vào Tòa Bạch Ốc với thái độ rất phấn chấn, xem mình như một nhân vật bất khả xâm phạm, muốn làm gì cũng được. Báo Times đã liệt kê theo thời gian vô số chuyện gian lận thuế của ông Trump trong nhiều năm, chưa kể đến hàng chục lần hãm hiếp, tấn công tình dục nhiều phụ nữ, và chẳng bao giờ ông ta bị truy tố. Điều này khiến ông ta có ấn tượng là muốn truy tố Donald Trump sẽ rất khó làm. Suốt cuộc đời ông ta, ông luôn luôn hưởng sự ưu đãi về tài lộc, và không bao giờ gặp rắc rối gì cả. Không giống như lời kêu gọi xin ân xá cho ông Trump.

Điểm rắc rối chính cho việc “hãy xếp lại chuyện cũ, hướng về tương lai”nằm ở chỗ chủ trương này đi ngược với chiều hướng đúng của tương lai. Ân xá cho ông Trump, tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Hồi xưa, có những thời điểm không thể tìm được công lý vì quyền lợi của quốc gia, mặc dù có nhiều việc sai trái đã xảy ra. Lấy ví dụ trường hợp Ủy ban Tìm Hiểu Sự Thật và Hòa Giải ở nước Nam Phi, trong đó, người ta phải thỏa hiệp giữa những điều oan khiên với tính minh bạch của vấn đề. Gần đây, ban vận động tranh cử của ông Trump khoe rằng họ đã gây quỹ được $ 7 triệu đô la trong vòng chưa đầy ba ngày kể từ khi tấm hình chụp mug shot của ông ở nhà tù Georgia. Điều này cho thấy ông Trump vẫn không chừa cái bệnh hiếu thắng và lừa đảo. Ở tuổi 77 đây là lần đầu tiên ông ta nếm mùi cay đắng nhục nhã vì những hành vi phạm luật của mình. Trong đoản kỳ, những sự kiện này sẽ gây thêm sự chia rẽ sâu đậm, và gia tăng sự hận thù. Nhưng về lâu dài, đây chính là con đường an toàn nhất mà chế độ dân chủ phải đi theo. Nếu ân xá cho ông Trump, chúng ta sẽ khuyến khích ông, hay những kẻ bắt chước ông tiếp tục là bậy, xem thường luật pháp. Đất nước sẽ tiếp tục tiến về phía trước, nhưng để đi đến một tương lai nguy hiểm hơn.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER