Tại Sao Hiện Tượng “Dậy Thì Sớm” Tăng Vọt Trong Lúc Xảy Ra Dịch COVID-19?

0
2021

Nước Ý nhận ra hiện tượng này đầu tiên. Nước Ý  là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp phong tỏa- lockdown- để phòng ngừa sự lây lan của bệnh dịch COVID-19, và sau đó phong tỏa thêm một lần nữa vào cuối năm 2020. Các nhà nghiên cứu ở bệnh viện nhi đồng Anna Meyer, tỉnh Florence là những người đầu tiên vạch ra xu hướng khó hiểu này: Càng ngày càng có nhiều bé gái đến bệnh viện khám bệnh với nhiều dấu hiệu rõ ràng các em bước vào tuổi dậy thì rất sớm. 

Những trường hợp bước vào tuổi “dậy thì sớm” xảy ra rất thường xuyên. Ngay khi hiện tượng “dậy thì sớm” vừa xuất hiện vào thập niên 1990’s, các bác sĩ đã nhận ra xu hướng này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, và khá phổ biến. Những biểu lộ bên ngoài ở trẻ em khi dậy thì sớm gồm có những đặc điểm sau: Ngực nở, cặp vú nhú lên, có lông ở hạ mao. Vỡ tiếng rất sớm ở các em gái mới 8 tuổi đã bị vỡ tiếng, các em trai mới 9 tuổi đã thay đổi giọng nói. Hiện tượng dậy thì sớm của các em làm cho các nhà nghiên cứu thắc mắc không hiểu vì sao xảy ra. Nhưng đến khi xảy ra đại dịch COVID-19, hiện tượng “dậy thì sớm” lại tăng vọt, tạo ra cơ hội để các bác sĩ quay trở lại nghiên cứu những lý thuyết về vấn đề “dậy thì sớm”  của trẻ em, và tìm câu giải đáp. Nhiều công trình nghiên cứu đề tài này đang diễn ra ở nhiều bệnh viện nhi đồng trên thế giới. Nhiều nơi, hiện tượng “dậy thì sớm” tăng gấp hai, hay gấp ba lần kể từ sau tháng Ba năm 2020. Ví dụ: Ở tỉnh Henan bên Trung Hoa, các bác sĩ quan sát hiện tượng này ở 22 cơ sở y tế và thấy tỉ lệ gia tăng gấp 5 lần trong năm 2020 khi so sánh với năm 2018. 

Không có câu trả lời tổng hợp giải thích lý do vì sao lại có hiện tượng “dậy thì sớm”. Các nhà nghiên cứu nhận thấy hiện tượng này xảy ra là do kết hợp của nhiều yếu tố như bị stress trong lúc xảy ra đại dịch, cũng như lối sống bị thay đổi vì đại dịch chẳng hạn như cách ăn uống kém chất lượng, và ít tập thể dục lúc có đại dịch. Những thay đổi này làm nhiều trẻ em mập ra, tăng trọng lượng cơ thể. Đặc biệt những biện pháp giới hạn sự đi lại áp dụng trong lúc đại dịch xảy ra khiến trẻ em càng bị thêm áp lực. 

Theo bác sĩ Sena Orsdemit, làm việc ở bệnh viện nhi đồng Loma Linda: Hiện tượng dậy thì sớm xảy ra rõ ràng nhất ở các em gái. Bộ ngực nở nang thường được mọi người nhìn ra khi các em đi ra ngoài nơi công cộng, và nó trở thành bãi mìn khó có thể tránh được sự nhòm ngó, chú ý  của người khác. Sau đó, lại xảy ra cảm giác khó chịu trong người ở các em gái vì sự biến đổi trong cơ thể, kể cả trường hợp các em được hướng dẫn, chỉ bảo kỹ càng về những giai đoạn phát triển của cơ thể. Bác sĩ Orsdemit nói: “Các em mới học lớp một hay lớp hai chưa đủ khôn lớn để đối phó với sự thay đổi, phát triển của cơ thể. Đây là một vấn đề gây “stress” rất lớn cho các bé gái còn quá nhỏ.”. Có lẽ chính  vì vậy các em thường trở nên cáu gắt, tính tình thay đổi lúc vui lúc buồn, và có nhiều thái độ, cử chỉ không đẹp khác. Hiện tượng “dậy thì sớm” về sau còn khiến trẻ em bị vướng nhiều vấn đề sức khác như bệnh tiểu đường, bệnh về tim mạch, và một số trường hợp ung thư trong hệ thống sinh đẻ. 

Mặc dù có một số trường hợp, hiện tượng “dậy thì sớm” là do bẩm sinh, hay do những nguyên do bất thường khác. Đa số hiện tượng “dậy thì sớm” đều dính líu đến tình trạng béo mập của trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi cơ thể trẻ em lúc bé quá nặng  báo trước trẻ em bắt đầu có kinh nguyệt sớm. Hiện nay, tình trạng trẻ em béo mập gia tăng nhiều ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, việc trẻ em dậy thì sớm gia tăng cũng là điều dễ hiểu. 

Dù sao đi nữa, tất cả những hiện tượng kể trên cũng không đủ lý lẽ để giải thích vì sao có hiện tượng bùng nổ “dậy thì sớm” của trẻ em trong lúc xảy ra đại dịch COVID-19. Đợt nghiên cứu mới đã truy xét tận cùng, và nhận thấy nguyên do chủ yếu là do “stress” trong lúc có đại dịch gây ra cho trẻ em. Bác sĩ Mohamad Maghnie, trưởng khoa nhi của Viện Nghiên Cứu Giannina Gaslini, thuộc trường đại học Genoa, nước Ý, nhận xét: “Chúng tôi thu thập tài liệu và nhận thấy những gánh nặng, áp lực tâm lý và xã hội trong lúc có đại dịch tăng khủng khiếp, đáng sợ.”. Khi thấy có sự tăng đột biến xảy ra vào năm 2020, ông có ý kiến như sau: “Lúc đầu tôi tập trung quan sát tình trạng bị cách ly, cô lập vì đại dịch.” Về sau, nhiều bác sĩ khác trong nhóm của ông  Maghnie cho rằng việc thay đổi lối sống là yếu tố chính, quan trọng góp phần vào tâm lý của trẻ em. Chẳng hạn như các em không được ăn uống tốt như trước, thiếu hoạt động thể lực, ngủ không đầy đủ, và xem TV hay màn hình nhiều quá. Họ nhận thấy trong 15 tháng đầu của đại dịch, hầu như 90% bệnh nhân đều ngưng mọi hoạt động về thể lực. 

Vì sự thay đổi lối sống quá nhiều, nên đưa đến tình trạng béo mập. Không rõ nguyên nhân nào: bị béo mập, bị stress hay cả hai đã gây ra hiện tượng dậy thì sớm trong lúc xảy ra đại dịch. Cũng có thể vì lý do cha mẹ bị kẹt ở chung với trẻ em ở trong nhà, nên họ quan sát các em sát hơn, và nhận ra hiện tượng “dậy thì sớm.”.

Các nhà nghiên cứu không chắc rằng tỷ lệ “dậy thì sớm” có còn tiếp tục tăng sau khi bỏ lệnh phong tỏa, cấm túc. Nhưng nhiều ghi chú nhận thấy hiện tượng này vẫn tiếp tục tăng. Bác sĩ Orsdemice tin rằng mọi người vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại lối sống với thói quen giống như trước thời có đại dịch. Vì vậy hiện tượng “dậy thì sớm” vẫn còn tăng, và có thể nó trở thành một hiện tượng bình thường.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME