Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc ở Ukraine: Môi giới hòa bình hay thúc đẩy chiến tranh?

0
2272

Vào dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine vào tuần rồi, sự chú ý đã tập trung vào các bài phát biểu tay đôi của hai nhà lãnh đạo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là hai người đã hết sức quan tâm đến cuộc chiến này.

Nhưng sự xuất hiện của một tiếng nói thứ ba có thể trở nên quan trọng hơn – đó là Trung Quốc, đồng minh chính của ông Putin và là đối thủ mạnh luôn đối trọng với Hoa Kỳ.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Sau 12 tháng phần lớn là đứng khoanh tay nhìn cuộc chiến tương tàn, Tập Cận Bình trong những ngày gần đây đã bắt đầu cho thấy ý định muốn đóng một vai trò tích cực hơn. Ông ta đang lên kế hoạch đến thăm Moscow trong những tháng tới. Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn khi các quan chức Mỹ tiết lộ các báo cáo tình báo rằng ông ta đang cân nhắc cung cấp vũ khí và đạn dược cho ông Putin.

Bắc Kinh sẽ tìm cách định vị mình là người đóng vai trò quan trọng trong một giải pháp thương lượng cuối cùng?

Hay nước này sẽ trở thành đồng minh quân sự không thể thiếu của Nga trong nỗ lực xoay chuyển tình thế cuộc chiến?

Mục đích mà Tập cận Bình đưa ra lời kêu gọi đó là không khó để nhận ra, rằng tất cả là vì lợi ích quốc gia của ông ta, đặc biệt là tầm nhìn cốt lõi của ông ta về một Trung Quốc đang trỗi dậy trong thế kỷ 21, ông ta có tham vọng sẽ thay thế Mỹ và các đồng minh của họ khỏi vị trí thống trị sau Thế chiến thứ hai.

Nhưng đó là một lựa chọn đặc biệt khó khăn vì những thay đổi địa chấn trong nền chính trị thế giới do chiến dịch xâm lược Ukraine cho đến nay không thành công của ông Putin gây ra.

Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh và cùng với Mỹ, chính là chìa khóa cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Tập cận Bình đã hình dung các nước châu Âu sẽ cố gắng khẳng định quyền tự chủ nhiều hơn khỏi Washington, có khả năng giúp bảo vệ Trung Quốc khỏi mối quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng xấu đi. Nhưng, bất ngờ khi chiến tranh xảy ra đã làm sống lại mối liên kết xuyên Đại Tây Dương về các giá trị và sự nghiệp chung.

Cách ông Tập chọn cách tiếp cận cuộc chiến ở Ukraine sẽ tác động nhiều hơn bản thân cuộc xung đột. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Hội nghị An ninh thường niên ở Munich đã phải đối mặt với một cái nhìn lạnh lùng từ tập thể nhiều quốc gia đi kèm với một lời cảnh báo nghiêm khắc là chớ nên dại dột làm càn viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Josep Borrell, nhà ngoại giao trưởng của EU, nói rằng nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho ông Putin sẽ là “lằn ranh đỏ trong mối quan hệ của Trung Quốc và Châu Âu”. Dĩ nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho ông Putin có thể sẽ gây hại cho quan hệ với Washington và gây ra rạn nứt lớn với các nước Châu Âu. Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung của phương Tây và cũng có thể bị tẩy chay, cô lập khỏi hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu. Ông Tập cận bình chắc chắn đã cân nhắc các lựa chọn của mình trong nhiều tháng qua, hy vọng rằng ông ta có thể tránh đưa ra một quyết định sai lầm khiến Trung Quốc bị ruồng bỏ bởi thế giới.

Hoa Kỳ đã thẳng thắn chỉ trích đề xuất kiến ​​tạo hòa bình của Trung Quốc hôm thứ Hai và thách thức Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy của mình đối với Moscow để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Vào ngày 24 tháng 2, trùng với ngày kỷ niệm cuộc xung đột kéo dài một năm, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tập cận Bình đã công bố giải pháp 12 điểm cho cái mà họ gọi là “khủng hoảng Ukraine“. Để tôn trọng Nga, một người anh em, một người đồng chí, Trung Quốc đã né, không sử dụng hai từ “xâm lược” mà chỉ gọi là “khủng hoảng”.

Trung Quốc đã đề xuất gì?

Đề xuất của Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình, đồng thời chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Đề xuất kiến tạo hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc chẳng được ai hoan nghênh cả, kể cả Ukraine hay Nga, không nước nào chấp nhận.

Phương Tây ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc đang cân nhắc gửi viện trợ với vũ khí gây sát thương cho Nga, Trung Quốc thì giẫy nẩy lên, đừng vu oan cho chúng tôi, chúng tôi không cổ súy chiến tranh, chúng tôi là quốc gia yêu chuộng hòa bình nhưng liệu ai có thể tin lời của những người cộng sản, nói đến đây, thì tôi vẫn luôn nhớ câu nói bất hủ của cố Tổng thống VNCH trước năm 1975 rằng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Trung quốc là một quốc gia cộng sản, đàn anh của chế độ cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, họ cũng không vượt ra ngoài thông lệ đó.

Trung Quốc đã nói với thế giới rằng, họ đã cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới trung thực. Tuy nhiên, trong lời nói và hành động, Trung Quốc lại không phải là một nhà môi giới trung thực. Nguyên lý đầu tiên trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc – là tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia“, Bắc Kinh đã cung cấp cho Điện Kremlin một vỏ bọc quan trọng về ngoại giao, chính trị, kinh tế.

Có một số ít các quốc gia trên thế giới, nếu họ thực sự muốn tìm cách chấm dứt cuộc chiến này, họ sẽ có một lượng đòn bẩy đáng kể với nước Nga, và Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia đó. Nhưng ít nhất cho đến nay, thế giới đã thấy rõ ràng, họ đang đứng về phía Nga trong cuộc chiến này.

Câu hỏi hóc búa của ông Tập cận Bình bây giờ là ông ta vẫn muốn coi trọng nền tảng chính trị trong mối quan hệ với Nga: hai nước láng giềng rộng lớn có chung lợi ích trong việc kiềm chế quyền lực và ảnh hưởng của Washington.

Chúng ta hãy nghe bà Mao Ning, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Chúng tôi đã tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và tìm kiếm một giải pháp chính trị.”

Nhưng khi phóng viên hỏi bà ta, rằng trung Quốc có dự định gửi vũ khí sát thương trợ giúp Nga hay không thì bà Mao Ning đã không trả lời trực tiếp câu hỏi đó mà tìm cách tạo ra sự so sánh tương đương với viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine – hiện lên tới hàng chục tỷ đô la – mặc dù Mỹ chưa bao giờ tuyên bố là một bên trung lập.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra tự tin rằng đất nước của họ có thể chịu đựng được sức ép ngoại giao từ Washington và Brussels, và họ không có ý định tự phá vỡ mối liên kết chiến lược của Bắc Kinh với Moscow. Vào mùa xuân, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.

Lời kết:

Hiện nay có rất ít dấu hiệu cho thấy cả Nga và Ukraine quan tâm đến việc đạt được một thỏa hiệp có thể dẫn đến hòa bình vì nhiều lý do khác nhau.

Nga vẫn quyết tâm nắm giữ toàn bộ khu vực Donetsk và Lugansk trong khi Ukraine có vẻ quyết tâm đẩy Nga ra khỏi vùng Donbas, và có lẽ sẽ đánh chiếm Crimea tiếp theo.

Còn nói đến vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong cuộc xung đột dường như không rõ ràng vì nước này có vẻ không phải đem đến một đề xuất nghiêm túc và vô tư.

Vô tư làm sao được khi trong cà một năm của chiến tranh, Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế với Moscow. Trong đề xuất 12 điểm, Trung Quốc một lần nữa phản đối “các biện pháp trừng phạt đơn phương trái phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Thật ngu ngốc khi tin rằng một bên đứng về phía một người chơi, cụ thể là Trung Quốc đứng về phía Nga, có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Tương tự như vậy, Châu Âu không thể là trung gian hòa giải vì họ kiên quyết phía quốc gia bị xâm lược là Ukraine.”

Đề xuất hòa bình của Trung Quốc, ở một mức độ lớn, giống như một tuyên bố về các nguyên tắc hơn là một giải pháp thực tế.

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang làm điều đó chỉ vì lý do quan hệ công chúng. Cái gọi là kế hoạch hòa bình này và tự cho mình là một trung gian hòa giải chủ yếu là muốn tự đánh bóng vị thế cường quốc của họ và cứu giá người anh em đồng chí vượt qua khó khăn thôi, chứ không có thực tâm tìm kiếm và kiến tạo hòa bình, vì đơn giản là Trung Quốc đã và đang đứng về phía Nga một cách rõ rệt, nên không có gì lạ cả “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là chuyện đương nhiên.

Việt Linh 01.03.2023