Tại sao Putin muốn một ‘cuộc chiến kéo dài’?

0
1272

Mark Galeotti, Simon Tisdall, Andrew Osborn

Tuần trước, Putin đã biến ngày 30 tháng 9 thành một ngày lễ chính thức, được gọi là: “Ngày Thống nhất các Khu vực Mới với Liên bang Nga”. Đánh dấu kỷ niệm một năm sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine – mặc dù hầu hết các vùng này thậm chí không nằm dưới sự kiểm soát của Nga vào thời điểm đó – nó tạo cơ hội cho Putin quay trở lại với một trong những nỗi ám ảnh hiện tại của ông: rằng điều này là cuộc đấu tranh “vì Tổ quốc, vì chủ quyền, vì các giá trị tinh thần và cần đoàn kết để chiến thắng”.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Trong mắt Putin, đây không phải là một cuộc đấu tranh với Ukraine mà là một cuộc đấu tranh toàn cầu với phương Tây, trong đó Ukraine chỉ là một chiến trường, ngay cả khi là một chiến trường đặc biệt đẫm máu. Trong bài phát biểu tại cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2023, Putin tỏ ra ảm đạm và nghiêm khắc tuyên bố rằng “một cuộc chiến thực sự đã nổ ra chống lại quê hương của chúng ta”.

Khi người phương Tây nói về cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một “cuộc chiến tranh mãi mãi”, họ có xu hướng coi đó là một điều tồi tệ. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đó có thể là một mục tiêu.

Putin nêu lên bóng ma của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại – đó là cách gọi mà người Nga mô tả về Chiến tranh thế giới thứ hai – và cảnh báo rằng “nền văn minh một lần nữa đang ở một bước ngoặt mang tính quyết định” bởi vì “giới tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu hóa phương Tây” đã quyết tâm “tiêu diệt và tàn sát” nước Nga.

Điều này có thể được coi là một sự thất bại của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin ở Ukraine, vì khi khởi động cuộc xâm lược, Putin cho đó là một chiến dịch nhanh chóng nhằm áp đặt một chế độ bù nhìn thân Nga tại Ukraine nhưng cuối cùng nó lại trở thành một cuộc chiến tranh đẫm máu, cuộc chiến tranh toàn diện này đã chứng kiến ​​sức mạnh của quân đội Nga bị phá hủy.

Tuy nhiên, khi Putin nói về điều này như một trong những “trận chiến quyết định vì số phận của Tổ quốc chúng ta”, như ông ta đã nói trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng năm nay, nhưng Putin đã không đưa ra được một tầm nhìn rõ ràng về tương lai, thậm chí không có bất kỳ hy vọng thực sự nào, mà chỉ đưa ra thông điệp rằng đất nước đang bị mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh sinh tồn với một phương Tây thù địch không có hồi kết thực sự.

Điều này nghe qua có vẻ là một viễn cảnh nghiệt ngã, nhưng theo quan điểm của Putin, nó cũng có những ưu điểm rõ ràng. Tất nhiên, chiến tranh là một thảm họa đối với Nga. Các nguồn tin chính phủ Mỹ cho rằng Nga có thể đã phải chịu sự mất mát về nhân mạng với khoảng 120.000 người lính và 170.000-180.000 người bị thương.

Vết sẹo kinh tế sẽ phải mất nhiều năm để lành lại ngay cả khi hòa bình đã được thống nhất và các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Và những tác động sau đó đối với các dịch vụ công bị thiếu vốn, ngay cả khi không có gánh nặng của số lượng lớn cựu chiến binh bị tổn hại về thể chất và tâm lý trong thế hệ hiện tại, nhưng sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn ở ít nhất là thế hệ tiếp theo.

Nhưng đó cũng là một cơ hội. Khi cuộc chiến tranh vĩnh viễn trở thành nguyên tắc hợp lý của chủ nghĩa Putin, ông ta có thể siết chặt đàn áp để duy trì quyền kiểm soát đất nước của mình. Ngay cả những bất đồng quan điểm nhẹ nhất cũng có thể trở thành tội phản quốc, và việc chuyển nguồn lực lớn sang lĩnh vực quốc phòng trở thành một điều cần thiết. Ngân sách mới nhất dự kiến ​​chi tiêu quân sự của Nga sẽ tăng gần 70% trong năm tới, lên mức gấp ba lần tổng chi tiêu y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường.

Trên chiến trường, Putin có thể tự nhủ rằng mình thắng bằng cách không thua. Cuộc phản công của Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở khu vực phía nam Zaporizhzhia và đã tấn công một số lỗ hổng trong tuyến phòng thủ thứ hai. Ukraine hy vọng rằng nếu không thể cắt đôi lực lượng xâm lược, thì ít nhất họ sẽ tiến đủ xa để có thể tấn công các tuyến đường bộ và đường sắt nối Crimea với đất liền Nga.

Theo quan điểm của Putin, việc nói về một “cuộc chiến tranh mãi mãi” có một tác dụng cuối cùng đối với ông ta – đó là làm mất tinh thần của kẻ thù.

Khi những cơn lạnh mùa đông đến gần, người ta đang xem xét liệu điều này có khả thi hay không. Nếu không, Moscow sẽ có không gian để xây dựng thêm hệ thống phòng thủ, tăng thêm quân và hy vọng thấy ý chí của phương Tây trong việc tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến của Ukraine trong cuộc chiến này giảm đi.

Chúng ta không thể biết liệu Putin có thực sự tin rằng Nga có thể giành được chiến thắng nào đó từ thất bại ở Ukraine hay chỉ đơn giản là cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài hy vọng có thể tồn tại lâu hơn kẻ thù của mình.

Rốt cuộc, nhiều người có thể tưởng tượng một chiến thắng quân sự của Ukraine nhờ vào quyết tâm của binh lính và tính ưu việt của trang thiết bị do phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, có một khoảng cách thực sự giữa điều đó và một nền hòa bình lâu dài.

Ngay cả khi mọi binh sĩ Nga bị đẩy ra khỏi Ukraine đi nữa thì Nga vẫn có thể tái xây dựng lực lượng, phóng máy bay không người lái và hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine và làm những gì có thể để cản trở quá trình tái thiết.

Trong khi đó, trong khi cách Putin xử lý cuộc binh biến tháng 7 của thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin và đội quân đánh thuê của ông ta khiến nhiều người trong giới tinh hoa chính trị không chắc liệu ông ta có mất kỹ năng quản lý hệ thống hay không, nhưng rõ ràng cái chết đáng ngờ và không đúng lúc của Prigozhin sau đó được coi là một lời cảnh báo rõ ràng cho bất kỳ ai muốn thách thức ông ta.

Các biện pháp trừng phạt đang có tác dụng thực sự đối với hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga, nhưng không thể ngăn chặn sự leo thang của nước này cũng như nền kinh tế đang đối mặt với sự sụp đổ. Thương vong dường như không ngăn cản được người Nga tình nguyện chiến đấu, đến mức Bộ Tổng tham mưu nói rằng họ không có kế hoạch huy động quân dự bị khác.

Lời kết:

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể bị đẩy lùi về đến biên giới của hai nước như trước khi có chiến tranh. Và một cuộc chiến khác sẽ bắt đầu nhưng gọn nhẹ hơn, sẽ không còn những chiến xa, quân lính đổ bộ nữa mà lúc đó, sẽ là cuộc chiến của những máy bay không người lái của cả hai bên.

Điều khác biệt giữa cuộc chiến tranh hiện tại, đó là con số tử vong và thương vong thuộc về những người cầm súng, nhưng với cuộc chiến tranh tiếp nối thì con số tử vong và thương vong thuộc về những người dân thường với tai họa có thể ụp xuống đầu họ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, cả ở Ukraine và Nga.

Không có chiến tranh nào có thể kéo dài mãi mãi, nhưng hòa bình vẫn còn ở phía trước.

Translated & Summarized

Việt Linh

https://www.theguardian.com/world/2022/feb/12/russia-ukraine-what-does-putin-want

https://edition.cnn.com/2023/10/03/opinions/why-putin-wants-a-forever-war-galeotti/index.html

https://www.reuters.com/world/europe/putin-says-ukraine-is-only-likely-talk-peace-when-its-resources-are-exhausted-2023-09-12/