Nhớ về biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975

0
2614

Ngày 30 tháng 4 năm 2023 đánh dấu 48 năm miền Nam Việt Nam thất thủ. Từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân mà bằng chứng cụ thể là hàng triệu người dân ruồng bỏ chế độ độc tài đảng trị tàn bạo cộng sản ra đi bằng đường bộ và đường biển khiến cho cả triệu người phải vùi thây dưới lòng đại dương hay chôn thân trong rừng sâu núi thẳm.

Từ bối cảnh đó hai chữ “thuyền nhân” ra đời trong sự thức tỉnh của lương tâm nhân loại trước định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Trong ý nghĩa này, thuyền nhân là những người dám xông vào cõi chết để tìm đất sống và tự do.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Tại sao phải bỏ nước ra đi?

Tại sao một dân tộc có lịch sử mấy ngàn năm kiên trì bất bại bám giữ từng tấc đất của ông bà tổ tiên để lại như người Việt Nam lại phải chọn lựa cho mình con đường bỏ nước ra đi đầy gian nan, nguy hiểm và thử thách mà cái giá phải trả đã cầm chắc trong tay là đi vào cõi chết?

Nhắc đến “thuyền nhân” chúng ta không thể quên được công trình cứu người vượt biển vĩ đại của con tàu định mệnh “Cap Anamur”.

CON TÀU CAP ANAMUR: CON TÀU ĐỊNH MỆNH CỨU NGƯỜI VIỆTNAM VƯỢT BIỂN…ĐẾN TẬN CÙNG MỌI BIÊN GIỚI.

Cách đây một phần tư thế kỷ, năm 1979, Ông Neudeck, người Đức, một Tiến sĩ Triết học, một Ký giả và là một cựu ứng sinh Dòng Tên Chúa Giêsu, đã nảy ra ý tưởng tràn đầy lòng nhân đạo: lập ra hội “Ein Schiff für Vietnam” xin tạm dịch là – “Một con tàu cho Việt Nam”, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng thời điểm lúc đó. Vì thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam trên biển Ðông bị hất hủi làm ngơ, bị bọn hải tặc cướp phá, bị sóng gió bão táp làm lật thuyền chôn vùi hàng ngàn người vào lòng đại dương.

Những người Pháp năm 1979 cũng đã có sáng kiến lập ra hội «un bateau pour Viet Nam» xin tạm dịch là “một con tàu cho người Việt Nam” và gửi con tàu mang tên «Ile-de-Lumière» xin tạm dịch là “hòn đảo ánh sáng”ra ngoài khơi biển Ðông đi tìm cứu vớt những người Việt Nam vượt biển bằng tàu thuyền đang lâm nạn.

Những người Pháp này là những tên tuổi nổi tiếng phản chiến chống chiến tranh Việt Nam thời năm 1968 bên Paris: Cohn-Bendit, Claudie Broyelle, Alain Geismar, Glucksmann, Jean-Paul Sartre, Raymond Aron. Giờ đây họ là những người nhiệt tâm nhất cho công việc nhân đạo đầy tình người đi vận động cứu giúp người Việt Nam vượt biển tìm tự do.

Hội này ủng hộ tinh thần cùng tài chánh cho con tàu Ile-de-Lumière đi làm việc nhân đạo. Nhưng sau đó, Hội thuê bao riêng chiếc tàu Cap Anamur, được đóng từ năm 1977, dài 118 mét, trọng tải 5350 tấn, 17 mét chiều rộng, có sân cho máy bay trực thăng lên xuống, lúc đó đang bỏ neo đậu ở hải cảng Kobe bên Nhật Bản.

Con tàu được sửa sang thành một ngôi nhà có chỗ ngũ nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh, kho chứa thực phẩm nước uống và nhất là một bệnh viện nhỏ với hệ thống y tế hoàn chỉnh để cấp cứu cho những người được cứu vớt. Và trên tàu còn có đội ngũ bác sĩ, y tá người Ðức thiện nguyện sinh sống làm việc ngay trên tàu nữa.

Tàu Cap Anamur của Đức rời bến cảng Kobe với sứ mạng nhân đạo ngày 09/08/1979 ra khơi song song với con tàu Ile-de-Lumière của Pháp. Tàu Cap Anamur còn có thêm dòng chữ Port de Lumière ở bên sườn tàu.

Cũng vào cùng thời gian đó một chiếc tàu thứ ba của quốc gia Na-uy có tên « Lysekil hay Baie-de-Lumière » xuất phát từ hải cảng Singapore cũng vượt trùng dương đi tìm kiếm cứu vớt người Việt Nam trên biển Ðông.

Con tàu Cap Anamur từ 1979 đến 1986 đã cứu vớt được hơn 11 ngàn người. Phần lớn đại đa số họ đã được định cư sinh sống ở nước Đức, và một phần được các quốc gia khác trên thế giới nhận cho định cư.

Dù định cư sinh sống ở nước nào trên thế giới, những người Việt Nam tỵ nạn được tàu Cap Anamur cứu vớt luôn nhớ ơn Ông Neudeck đã can đảm dấn thân cứu mạng sống họ trên bước đường vượt biên đầy nguy hiểm giữa sóng gió đại dương và nạn cướp bóc hãm hiếp vô nhân đạo của cướp biển Thái Lan.

Con tàu Cap Anamur vượt trùng dương đi tìm cứu vớt người bị lâm nguy trên biển cả không mang màu cờ của đạo giáo nào. Nhưng sứ mạng việc làm dấn thân của Cap Anamur lại thấm nhuộm tình yêu thương vì nhân loại.

Cap Anamur đã vượt khỏi biên giới màu da, chủng tộc, tiếng nói. Họ không nhắm vào một mục đích nào khác cho riêng mình. Nhưng Cap Anamur đã đến với con người đang trong bước đường cùng khổ. Cap Anamur muốn cứu giúp những con người này nhân danh tình người với lòng bác ái khoan dung.

Cap Anamur nỗ lực bằng mọi giá, mang đến cho con người những ánh sáng, niềm hy vọng, đang lúc trải qua cơn tuyệt vọng giữa biển khơi! Dù Cap Anamur có phải chấp nhận những khó khăn về tài chánh cùng những hiểu lầm chính trị.

Sau cuộc hành trình 77 năm trên trần gian với những thăng trầm, thử thách, với những hy vọng và thất bại, và cả những thành công được công nhận và tưởng thưởng, Thiên Chúa đã gọi Ông Rupert Neudeck trở về với Ngài. Ông mất ngày 31/5/2016, lúc ông 77 tuổi.

Nhân ngày 30/4, chúng ta là những thuyền nhân Việt Nam, xin hãy dành một phút để tưởng nhớ về vị ân nhân vĩ đại, Ông Rupert Neudeck.Tác giả: LK