Hai nhà độc tài Putin, Trump và sự kết hợp nguy hiểm

0
2151

Frida Ghitis

Những kẻ độc tài, chuyên quyền và những kẻ tham quyền lực có lịch sử lâu dài đấu tranh với sự thật để theo đuổi mục tiêu của mình. Những nhà độc tài tương lai cũng vậy, những cá nhân muốn tận hưởng những lợi ích từ quyền lực to lớn, lâu dài và họ sẽ sẵn sàng phá bỏ mọi chuẩn mực để có được quyền lực và giữ nó trong một thời gian dài nhất có thể.

Putin và giới thân cận của ông ta đã gây chiến với sự thật trong nhiều thập niên, gần đây nhất và nổi tiếng nhất là liên quan đến Ukraine, quốc gia mà họ đã tuyên bố sai lầm là do Đức Quốc xã cai trị và họ vẫn khẳng định bất chấp bằng chứng rõ ràng ngược lại, họ cho rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, một thực tế khác cũng rất rõ ràng, đó là: Điện Kremlin không phải là nơi để tìm kiếm những câu trả lời thẳng thắn và đáng tin cậy. Hay nói một cách thẳng thắn hơn, rằng những lời nói của Điện Kremlin không phải là nguồn ìn tức độc lập hay đáng tin cậy.

Khi chiếc máy bay thuộc sở hữu của lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner, Pevgeny Prigozhin lao xuống đất trong một vụ tai nạn kinh hoàng ở phía tây bắc Moscow vào tuần trước, các nhà quan sát ở Nga và trên thế giới đã ngay lập tức nhớ lại hai sự thật không thể chối cãi. Thứ nhất, Prigozhin đã công khai thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin, và thứ hai, vô số những người khác từng thách thức Putin đã phải chịu những cái chết oan uổng, bất ngờ.

Trên thực tế, khi người phát ngôn của Putin bác bỏ tuyên bố rằng nhà nước Nga đã giết Prigozhin, thì cả thế giới này, ai cũng biết rằng, đó là một “lời nói dối tuyệt đối”, đó chỉ là một tuyên bố mang tính hình thức, một tuyên bố mà chúng ta đã từng nghe trước đây với tư cách là những người chỉ trích Putin, hết người này đến người khác, đều gặp những kết cục bi thảm bằng những cái chết rùng rợn.

Trong một trong những khoảnh khắc chia đôi màn hình đáng chú ý nhất trong lịch sử, vụ tai nạn Prigozhin đã cùng chia sẻ sự chú ý với tin tức vụ bắt giữ Donald Trump tại nước Mỹ liên quan đến nỗ lực của cựu Tổng thống nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 mà ông ta đã thua – đó chính là sự phủ nhận của chính ông ta về sự thật và thực tế.

Thế giới chúng ta đang sống đang ở giữa một sự bùng phát những chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu. Theo những cách khác nhau, cả Putin và Trump đều là những nhân vật chủ chốt trong những thứ chủ nghĩa độc hại đó. Và mỗi người họ đều đang phải đối mặt với một sự phản kháng kiên quyết chống lại những nỗ lực tham vọng xấu xí của họ.

Từ miền Đông của Châu Âu xa xôi, những nỗ lực của Putin nhằm tái tạo thế giới theo ý thích riêng của ông ta, sứ mệnh mang tính giả dối của ông ta là đưa Ukraine về dưới sự cai trị của Moscow, đã đập tan thực tế rằng Ukraine trên thực tế là một quốc gia và không sẵn sàng khuất phục trước những ý muốn bất chợt của Putin.

Từ nửa vòng trái đất, ở hướng Tây, một Donald Trump, người đang sống ở một đất nước có nền tư pháp độc lập, đang phải đối mặt với thực tế rằng, cho dù ông ta có bao nhiêu quyền tự do để hét vào tai những kẻ MAGA cuồng tín và cố gắng đánh lừa đất nước, thì Tu chính án thứ nhất không cho phép ông ta làm đảo chính, không cho phép ông ta đe dọa các quan chức bầu cử hoặc phá hoại các quy tắc bầu cử.

Tuần trước, Trump đã trình diện tại nhà tù ở Atlanta, nơi ông ta bị cáo buộc âm mưu tội phạm nhằm đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020. Trump đã phủ nhận tất cả các cáo buộc trong cáo trạng này và ba cáo trạng hình sự khác.

Trong bối cảnh riêng của họ và trong giới hạn quyền lực của họ, nhà độc tài Nga, Vladimir Putin và kẻ chuyên quyền người Mỹ, Donald Trump đã gây chiến chống lại sự thật và đang bị người dân tấn công trở lại. Nhưng họ gần như không bị đánh bại.

Ngày nay, thế giới đang cảnh giác với Putin và cuộc chiến mà ông ta phát động chống lại Ukraine với lý do sai trái – đồng thời cảnh giác theo dõi việc nhiều vụ án hình sự của Trump đã không thể làm xói mòn vị thế của ông ta trong lòng các đảng viên Cộng hòa và đám zombie MAGA.

Chắc chắn là các chính trị gia đã luôn phóng đại sự thật. Nhưng đây là một mức độ khác nhau. Những kẻ chuyên quyền đầy tham vọng đã nói dối trong nhiều thế kỷ.

Vào thế kỷ 20, một Liên Xô đang suy tàn nổi tiếng với một hệ thống, như nhà văn bất đồng chính kiến ​​Alexander Solzhenitzyn đã lưu ý rằng, chính phủ Liên Xô nói dối, người dân Liên Xô biết chính phủ nói dối, chính phủ biết người dân biết, nhưng tất cả vẫn tiếp tục. Ngoài biên giới của mình, Moscow đã dệt nên một tấm thảm lừa dối, gài bẫy vô số tín đồ nhẹ dạ, dể bị dẫn dắt và gạt gẫm.

Cả Trump và Putin đều không phải là những người mới làm quen với nghệ thuật tạo ra những chiến thắng lớn bằng cách tiến hành cuộc chiến chống lại sự thật. Họ là bậc thầy về gaslighting và nó đã giúp ích rất nhiều cho họ từ lâu. Với Trump, ông ta tin rằng, hãy cứ nói một điều giả dối cho một hay nhiều người nghe, và lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi ngày trong thời gian dài, rồi những người họ sẽ tin đó là sự thật.

Trump đã xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng bằng cách vận dụng các phương tiện truyền thông đưa tin về sự nhạy bén trong kinh doanh của ông ta. Sau đó, khi chuẩn bị trở thành tổng thống, ông ta đã vu khống các phương tiện truyền thông hợp pháp là “tin giả”, để sau đó ông ta có thể nói dối mà không bị trừng phạt và bằng chứng về sự giả dối của ông có thể bị bác bỏ. Ông ta được một mạng lưới truyền thông cánh hữu săn đón một cách dối trá đến mức sau đó họ đã phải trả 787 triệu đô la để giải quyết vụ kiện ủng hộ những lời nói dối trong cuộc bầu cử của Trump và các đồng minh của ông ta.

Chính quyền của ông ta đã bắt đầu nói dối ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ngày 21 tháng 1 năm 2017, Trump đã dựng lên những tưởng tượng về quy mô đám đông tại lễ nhậm chức của ông ta; cố vấn của ông ta biện minh cho những lời nói dối là “sự thật thay thế”. Trong suốt thời gian ông ta nắm quyền, những người kiểm tra sự thật tại Washington Post đã ghi nhận 30.573 lần Trump đưa ra những lời nói, phát biểu với “thông tin sai sự thật”, đỉnh điểm là nỗ lực của ông ta, vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, để tuyên bố rằng ông ta đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.

Putin cũng có không ít kinh nghiệm trong việc bóp méo sự thật. Nhiều người tin rằng ông đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Nga bằng cách đổ lỗi cho những kẻ khủng bố Chechnya về vụ nổ chung cư năm 1999 ở Moscow mà nhiều người tin rằng do Điện Kremlin thực hiện, mặc dù điều đó chưa bao giờ được chứng minh một cách thuyết phục. Cuộc khủng hoảng và phản ứng cứng rắn của ông ta đã giúp củng cố hình ảnh của ông về một người mạnh mẽ sẽ bảo vệ nước Nga.

Trong những năm qua, Putin đã biến Nga thành nhà cung cấp thông tin sai lệch toàn cầu – một thuật ngữ để chỉ những lời dối trá có chủ ý, có động cơ chính trị.

Putin phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, một hoạt động tình cờ do Cơ quan Nghiên cứu Internet của Prigozhin điều hành. Hoạt động đó, như cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã kết luận, truy tố Prigozhin cùng những người khác, là một phần trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm gieo rắc bất hòa ở Hoa Kỳ thông qua “cái mà họ gọi là chiến tranh thông tin”. Prigozhin, người có thiên hướng nói sự thật, sau này đã thừa nhận đã làm điều đó.

Prigozhin cũng mâu thuẫn với lý do của Putin để gây chiến với Ukraine. Vậy, cũng khá dễ dàng để tưởng tượng đến cơn thịnh nộ của Putin khi có người không đồng quan điểm với ông ta.

Cái chết của Prigozhin diễn ra đúng hai tháng sau cuộc binh biến bất ngờ của ông ta, một thách thức đối với quyền lực của Putin.

Những ngày tháng mang tính biểu tượng rất quan trọng ở nước Nga của Putin. Nhà báo Anna Politkovskaya, một người chỉ trích Putin gay gắt, đã bị ám sát vào đúng ngày sinh nhật của Putin chẳng hạn. Putin đã phát động cuộc chiến toàn diện ở Ukraine vào dịp kỷ niệm 8 năm ngày ông ta xâm chiếm Crimea năm 2014.

Putin phủ nhận ông có liên quan đến vụ ám sát Boris Nemtsov năm 2015, một chính trị gia nổi tiếng, người đã chỉ trích sự can thiệp của Putin vào năm 2014 ở miền đông Ukraine. Putin đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ đầu độc nhà đối lập chỉ trích Alexei Navalny năm 2020, người sau đó đã lừa một nhân viên tình báo Nga thú nhận qua điện thoại bằng cách giả làm sếp của anh ta, và nhiều người khác đã đột ngột qua đời sau khi thách thức quan điểm của Putin.

Khi được hỏi ai đã giết người đàn ông mà họ vẫn thần tượng, những người hâm mộ Prigozhin, chỉ có thể nói một câu: “No comment!”.

Câu trả lời ngắn gọn là có thể hiểu được, đó là họ muốn bảo toàn tính mạng để sống tiếp, nếu trả lời một câu dài hơn cũng đồng nghĩa một tai họa có thể ập đến bất ngờ. Người ta phải cẩn thận trước khi quyết định vượt qua một người đàn ông quyền lực đang tham gia vào cuộc chiến công khai với sự thật, người vi phạm các quy tắc và chuẩn mực như một lẽ đương nhiên, để theo đuổi lợi ích riêng của mình trên hết.

Lời kết:

Tôi đã nói về một Putin của nước Nga, một nhà độc tài dối trá, gian xảo và nguy hiểm không chỉ đối với người dân Nga và với cả thế giới.

Vậy một nhà độc tài khác tại Mỹ có tên Donald Trump có gì khác so với Putin?

Chẳng khác nhau là mấy, ngay cả khi hiện tại, ông ta không có quyền hành, không giữ chức vụ công nào trong chính phủ liên bang hay tiểu bang, nhưng ông ta đã công khai miệt thị và đe dọa các luật sư, công tố viên, nhân chứng, bồi thẩm đoàn và ngay cả Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ, thề sẽ báo thù, vậy thì khi ông ta có lại được quyền lực, điều gì sẽ xảy ra cũng không phải là điều khó đoán.

Điều mà ngay chính bản thân tôi thực sự không hiểu là tại sao có nhiều người Mỹ phủ nhận sự thật, chạy theo tung hê những lời dối trá và bảo vệ một kẻ tệ hại không ra gì, và sự thật là họ biết Trump là kẻ nói láo, bất xứng nhưng họ vẫn sùng bái và ủng hộ ông ta bất chấp, đó là vì lẽ gì, vì chủ trương đảng phái, vì quan điểm chính trị, vì mê tín dị đoan, vì tư tưởng lệch lạc, nhưng thôi, dù với bất cứ lý do gì, phủ nhận sự thật để chạy theo sùng bái, tôn thờ kẻ dối trá, phá hủy nền dân chủ nước nhà, hủy hoại tương lai của những thế hệ mai sau là một hành động tàn nhẫn, vô nhân tâm của những người cuồng Trump tại Mỹ.

Translated & Summarized

Việt Linh