CƠM TÙ

0
1234

Ở trại B5, khu cách ly điều tra, mỗi sáng quản giáo mở cửa khoảng năm phút để chúng tôi đem đồ đi phơi và đem thố (ở trong tù, họ gọi là bo) ra cửa để đựng cơm và thức ăn.

Nói là phơi đồ, nhưng chỉ là đem qua phòng giam kế bên, họ dùng phòng này để làm nhà kho và mắc sợi dây cho những người chúng tôi phơi đồ. Vậy nên chủ yếu là phơi không khí, không có gió càng không có nắng. Những người ở khu này đa số đều bị bệnh về da, chủ yếu là nấm da, tôi cũng từng bị trong mấy tháng, nhưng may mắn sao, thoa thuốc thì hết, không để lại vết thâm và sẹo. Có những người, họ bị vết thâm đen từ đùi xuống chân, nhìn rất thảm.

Sau khi chuyển xuống khu khác thì đỡ hơn, quần áo đem ra cửa để, tù nam ở khu lao động họ đem phơi cho mình, chiều họ cũng gom về để trước cửa buồng, quản giáo mở cửa cho lấy vào.

Lấy cơm mới là sự bi thảm. Bo lấy cơm và thức ăn để dưới đất trước cửa phòng, tù lao động sẽ lấy đi múc cho mình, rồi quản giáo họ kiểm tra xem trong cơm có thư từ gì nhét trong đó hay không, kiểm xong họ đưa qua cái lỗ ô mai lớn hơn cái bo cơm một chút, chúng tôi hít thở không khí bằng cái lỗ ô mai này.

Nói là bi thảm bởi vì, bo cơm để dưới đất, mấy chai đựng nước uống cũng vậy, không hề có một cái gì kê lên, để dưới đất như cho chó mèo ăn vậy.

Mỗi lần tôi đem bo cơm ra, tôi để ba chai dùng đựng nước thành hình tam giác, rồi đặt cái bo lên đó, tất nhiên là không hơn gì để dưới đất, nhưng với tôi, nó là sự khác biệt, thật sự xót xa khi những người chúng tôi bị đối xử không khác gì những con vật. Không nói những người bị bắt vì hoạt động chính trị, kể cả những nghi can án xã hội cũng vậy, những người đang trong quá trình điều tra, chưa có án, họ phải được đối xử như công dân bình thường.

Mấy lần quản giáo nói với tôi, chị cứ để hẳn cái bo xuống đất, đừng để trên chai nước, nó cũng đổ xuống đất thôi. Tôi nói, để dưới đất dơ bẩn, tại sao trại giam không làm cái kệ trước cửa cho chúng tôi để những cái bo lấy thức ăn. Họ lặng im, nhìn tôi rồi thôi. Có lẽ họ ngạc nhiên, cho rằng vào tới đây rồi, ai quan tâm tới dơ, sạch nữa. Còn với tôi, không phải chỉ là việc dơ hay sạch, mà nó là nhân phẩm, con người khác con vật ở chỗ, không phải khác nhau về loại thức ăn, mà khác nhau về cách ăn, có ăn khổ cực cỡ nào, nhưng cái cách đưa nhận thức ăn phải được tôn trọng tối thiểu, ở đây, việc cơ bản này đã bị chà đạp.

Tôi nói cảm xúc của tôi cho em cùng phòng biết. Em nói, chị mới vào đây chắc chưa nghe trong tù có câu hát, rồi em nghêu ngao hát tôi nghe. Tôi nghe ra mấy câu này dựa theo bài hát “Hoa Bằng Lăng” (Nhạc Hoa, lời Việt) mà đa số ai cũng biết. Mấy câu này dựa theo đoạn điệp khúc trong bài hát:

“Ôi tình xưa đã phai nay bàn tay nàng đan với ai

Em giờ đây nỡ quên mối tình thơ ấu

Thôi đành mang đớn đau cho người vui trọn đến kiếp sau

Riêng mình tôi ôm lấy ngàn nỗi đau…”

Vào tay người tù, nó biến tấu thành:

“Giang hồ xưa giáo gươm, giang hồ nay cầm bo lấy cơm.

Giang hồ không lấy cơm, giang hồ đói,…như là con chó!”

Tôi nghe chỉ biết cười, dù trong lòng cảm thán. Thật sự, tôi không biết mấy trại khác thế nào, nhưng ở B5 và An Phước, dù là tù đại gia hay tù mồ côi, đều phải ăn cơm tù. Tù đại gia có tiền, họ không ăn thức ăn trại phát, nhưng rồi cũng phải ăn cơm tù, nếu không thì không lẽ quanh năm chỉ ăn những món khác, không ăn cơm. Ở hai trại này, tôi chưa gặp tù từng là quan chức, không biết tù quan chức đi mấy trại khác, có ăn cơm tù hay không.

Vậy nên, mấy câu hát này tuy hát vui nhưng đâu đó nó phản ánh được cuộc sống của những người từng lăn lộn trải đời, hét ra lửa, hay đơn giản như tôi, một người chỉ biết đề cao sự chính nghĩa,… có một ngày, cùng nhau ăn cơm tù!

Qua An Phước, thức ăn đỡ hơn B5, hầu như đội tù chính trị, ít ai ăn được món cá khô hấp của trại phát, nó quá tanh. Tôi thì thà ăn nước tương, chứ không chịu nổi mùi tanh của loại cá này. Sau khi đã ăn qua loại thức ăn kinh khủng của B5, qua An Phước, thời gian đầu tôi vẫn ăn qua thức ăn trại phát. Về sau, tôi để phần thức ăn cho những người khó khăn trong đội có nhu cầu ăn, tôi chỉ lấy cơm, còn rau muống luộc, ăn riết ai nhìn cũng sợ. Rau cả non cả già, tù làm bếp họ để đoạn dài mấy chục centimet, luộc lên, tù lấy ăn, phải nhặt lại.

Cơm và thức ăn, họ đem xuống cho đội chính trị, bỏ trong xô lớn để trước sân, dưới đất, chúng tôi tự ra lấy. Thức ăn như thịt và cá đều chia phần, cơm lấy tùy ý.

Tôi ở An Phước hơn ba năm, thế nhưng tôi vẫn không quen được cảm giác cầm cái bo chờ lấy cơm mỗi ngày. Lần nào lấy cơm cũng là một lần xót xa trong lòng, cảm thấy cùng là con người với nhau, sao lại đối xử quá tàn tệ.

Bữa nọ tôi và Đoan Trang đứng chờ như vậy, tôi nghêu ngao hát lại mấy câu trên:

“Giang hồ xưa giáo gươm, giang hồ nay cầm bo lấy cơm.

Giang hồ không lấy cơm, giang hồ đói,…

Đoan Trang bè thêm:

… như là con chó!

Hai chị em nhìn nhau cười ha ha.

Cơm tù, đời tù là vậy!

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Nov 12, 2023

Huỳnh Thị Tố Nga