Bản nhạc A Di Đà Tịnh Độ và Kinh Hạnh Phúc

0
1661

Hai bản nhạc này tôi đã sáng tác năm 1980 tại Trại Tù Hà Tây (Hà Sơn Bình) giữa lúc đau khổ tột cùng muốn tự tử chết cho rồi. May mà gặp được Phật pháp cho nên vực mình dậy, qua khỏi khổ đau khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh “Vô khổ, tập, diệt, đạo” mà sống khơi khơi, sống đẹp cho tới ngày nay.

            Vượt biển ra tới hải ngoại, khi bắt đầu viết về Phật pháp từ năm 2000, vì thường gửi bài cho cho trang tin Chùa Phúc Lâm nên tôi làm quen được với Thượng Tọa trụ trì Thích Minh Trí. Một nguyên do nữa là thầy cùng sinh ở Hải Phòng, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi nảy ra ý định gửi thầy hai bản nhạc để nhờ ca sĩ trình bày rồi phổ biến nếu không hai bản nhạc sẽ chết mà không ai biết tới.  Khi gửi, tôi cũng chẳng hy vọng gì vì nghĩ các bậc tu hành đâu để ý đến âm nhạc. Thế nhưng đâu ngờ thầy cũng có “máu văn nghệ”. Thầy cho biết trước 1975 thầy thường nghe Thái Thanh, Sĩ Phú và Lệ Thu hát. Thế là thầy nhờ đệ tử là nhạc sĩ Quý Luân hòa âm và trình diễn rồi gửi cho tôi. Tôi cảm động và nói sẽ gửi vài trăm đô-la để gọi là đền ơn nhạc sĩ Quý Luân nhưng thầy nói đừng gửi vì thầy lo hết rồi. Thầy thật dễ thương.

            Khi hai bản nhạc phổ biến trên Internet đâu ngờ lại gặp một vị đồng điệu là Thượng Tọa Thích Trừng Sỹ trụ trì Pháp Nhãn Temple, Texas. Hai bản nhạc mà quý vị nghe đây là của thầy Thích Trừng Sỹ đưa lên Net. Tất cả những hình ảnh kèm theo bản nhạc đều là của thầy. Thầy còn nói rằng mỗi khi có Lễ Hằng Thuận (trai gái làm lễ kết hôn ở chùa), thầy sẽ cho mở bản nhạc Kinh Hạnh Phúc  vì âm điệu của bản nhạc như lời kinh ru. Bản nhạc A Di Đà Tịnh Độ được ban nhạc Tuệ Đăng trình diễn lần đầu tiên nhân dịp tôi ra mắt cuốn sách Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh năm 2017 tại San Jose.

Kính thưa quý vị,

            Trên đời này cái gì cũng có cơ duyên và chính nó là Lý Duyên Khởi. Không ở tù, không khổ đau thì không có hai bản nhạc này. Nhưng vì tâm lành cho nên gặp duyên lành. Nếu là tâm dữ sẽ gặp khốn khó. Tôi học theo Phật là hãy sống với những gì mình thật sự rung động và sự rung động đó tốt cho mình và cho đời.

            Tôi xin cảm tạ TT. Thích Minh Trí và TT. Thích Trừng Sỹ đã giúp cho bản nhạc sống còn và phổ biến cho mọi người biết. Và cũng xin cảm ơn tất cả những ai nghe hai bản nhạc này. Bất cứ tác phẩm nào cũng chỉ sống sót khi có người thưởng thức và phổ biến. Tác giả chỉ góp một phần rất nhỏ trong giòng sống của văn học, văn chương, nghệ thuật mà thôi. Và nếu có công đức thì xin hồi hướng “về khắp tất cả” và chỉ mong “Đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo”

Nam Mô Bổn Sự Thich Ca Mâu Ni Phật

 Đào Văn Bình