Lần đầu tiên Tổng thống Trump đưa ra đề nghị cải tổ cơ quan cứu trợ FEMA là lúc ông đi thăm, quan sát những thiệt hại gây ra do trận bão Helene gây ra ở tiểu bang North Carolina hồi tháng Giêng. Ông nói: “Tôi muốn tiểu bang đứng ra lo việc cứu trợ những tổn thất do bão lụt, lốc xoáy gây ra. Chúng ta sẽ thấy việc cứu trợ đỡ tốn kém hơn.”.
Một trong những Sắc Lệnh Hành Pháp đầu tiên do ông ký là quyết định thành lập một hội đồng cố vấn thẩm định lại việc đối phó với những tổn thất do thiên tai gây ra. Vào cuối tháng Tư, ông giao nhiệm vụ này cho một hội đồng gồm 13 người. Trong đó có Thống Đốc tiểu bang Texas, ông Greg Abbott, và Bộ Trưởng An Ninh Nội Chính Kristi Noem, làm công việc xem xét lại những việc làm của cơ quan FEMA. Sắc Lệnh Hành Pháp còn quy định rằng: Nhóm công tác sẽ phải hoàn tất nhiệm vụ trong vòng 180 ngày kể từ ngày họp đầu tiên. Hiện nay cơ quan FEMA đang lâm tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, vì nhiều người bị cho nghỉ việc. Ngay cả bà Giám đốc cơ quan FEMA là Cameron Hamilton cũng đã bị nghỉ việc từ hồi tháng Năm. Đến tháng Bảy sắp tới, cơ quan FEMA sẽ không còn tiền để hoạt động.
Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cứu trợ cảnh báo rằng đem công tác của cơ quan FEMA giao cho tiểu bang làm sẽ là “một tai họa khủng khiếp.”. Giáo sư Alison Reilly dậy về ngành kỹ sư xây dựng và môi sinh ở trường đại học Maryland nói: “Cơ quan FEMA được hình thành trong hoàn cảnh mà chính quyền tiểu bang không đủ sức đảm đương công tác cứu trợ.”. Đã vậy, sự thay đổi khí hậu còn làm cho tình hình thêm phức tạp, và khó khăn rất nhiều. Các loại thời tiết cực kỳ khó khăn ngày nay xảy ra thường xuyên hơn, và làm thiệt hại nặng nề hơn trước. Trong năm 2024, Hoa Kỳ chứng kiến 27 vụ thiên tai gây ra do thời tiết và khí hậu, chỉ đứng sau năm 2023, mỗi vụ có mức thiệt hại ít nhất là $1 tỷ đô la. Năm 2023, có 28 vụ thiên tai xảy ra, vụ nào cũng tốn kém trên một tỷ đô la. Và các nhà nghiên cứu thấy trước rằng tương lai sắp tới mùa bão tố sẽ còn ở mức trên trung bình.
Cơ quan FEMA được hình thành không phải để đối phó với tình hình khí hậu khó khăn hiện nay. Theo ông Jeff Schlegelmilch, giám đốc phân khoa National Center for Disaster Preparedness của trường đại học Columbia phân tích như sau: “Cơ quan FEMA và cơ cấu tạo lập ra nó được hình thành để đối phó với thiên tai, lúc ban đầu chỉ nhắm đối phó với một hay hai vụ thiên tai xảy ra cùng một lượt. Nhưng hiện nay có đến gần 100 vụ thiên tai xảy ra cùng một lúc. Rõ rệt là những tổn thất do thiên tai gây ra ngày nay nhiều hơn dự tính lúc ban đầu rất nhiều.”. Ông nói thêm: “Do đó, chúng ta có nhiều cơ hội để đầu tư thêm vào hoạt động cứu trợ. Cũng chỉ vì sự thay đổi của khí hậu. Song vấn đề đặt ra là làm sao để chuẩn bị cho đủ?”.
Theo thông lệ từ bấy lâu nay, cơ quan FEMA làm việc chung với các quan chức tiểu bang- không làm việc độc lập, hay riêng lẻ. Cơ quan không chỉ thuần túy làm việc chi tiền để cứu trợ, họ còn làm rất nhiều việc khác nữa. Ví dụ: Cơ quan FEMA biệt phái những chuyên gia kinh nghiệm về từng vấn đề đến địa điểm xảy ra thiên tai để làm tư vấn. Cơ quan FEMA tích trữ kho hàng rất lớn dụng cụ cấp cứu để dự phòng cho việc cứu trợ. Theo sự nghiên cứu của tổ chức Atlantic Council nếu chúng ta đem kho dự trữ dụng cụ cấp cứu giao cho tiểu bang, vấn đề sẽ trở nên phức tạp, nhiêu khê. Bởi vì tiểu bang sẽ đứng ra gọi thầu, và các nhà thầu sẽ tranh giành nhau để lấy được vụ thầu. Khi đó sẽ rất khó tìm ra nhà thầu tốt và chuyên gia kinh nghiệm.
Nếu không có cơ quan FEMA, các tiểu bang sẽ phải thuê chuyên gia chờ sẵn để làm việc cố vấn, và cứu trợ. Điều này đưa đến tình trạng là mỗi tiểu bang đề chuẩn bị, dự trữ sắn một số chuyên gia, và dụng cụ cấp cứu, trong lúc tiểu bang chỉ phải đối phó với một vài vụ mà thôi. Theo giáo sư Reilly: “Điều này có nghĩa là mỗi tiểu bang đều có một số chuyên gia, và dụng cụ dư thừa chờ sẵn để đối phó với một số ít vụ thiên tai trong tiểu bang của mình. Trong lúc đó, vấn đề khí hậu thay đổi làm cho thiên tai liên tục xảy ra trên khắp 50 tiểu bang. Do đó có tình trạng là đôi khi tiểu bang dư nhân sự, và có những tiểu bang thiếu thốn nhân sự vật dụng để đối phó với nhiều vụ thiên tai liên tiếp xảy ra.”.
Vài tiểu bang lớn như California và Texas có nhiều ngân khoản để đối phó với thiên tai. Trong lúc đó, những tiểu bang nhỏ hơn lại không đủ khả năng đối phó với thiên tai.
Các chuyên gia nói rằng hiện nay cơ quan FEMA đang lâm tình trạng thiếu thốn nhân sự trầm trọng. Số nhân sự của cơ quan phải phân tán mỏng ra để đi cứu trợ nhiều nơi khác nhau. Hậu quả là những tiểu bang, hay những nạn nhân có thu nhập thấp bị bỏ rơi, và phải tự đối phó lấy trước những thiệt hại to lớn. Theo ông giám đốc Schlegelmilch: “vấn đề cải tổ cơ cấu cứu trợ khẩn cấp thực ra là vấn đề con người thuộc mọi giới, mọi giai cấp. Bạn muốn đặt tên lại như thế nào cũng được. Miễn sao phải ý thức rõ những khó khăn to lớn do sự thay đổi của khí hậu gây ra trong thế kỷ thứ 21.”.
Giám đốc Schlegelmilch nói thêm rằng nếu chúng ta dẹp bỏ hệ thống quản lý cũ mà không thay thế nó bằng một hệ thống mới thực sự hữu hiệu, chúng ta sẽ gây thêm tổn thất, thiệt hại. Điều đó sẽ khiến cho nhiều thành phố, thị trấn gặp phải tình trạng “sốc” vì bỗng dưng thay đổi hệ thống cứu trợ để rồi khiến cho họ chẳng nhận được sự giúp đỡ nào cả. Tổn thất về sinh mạng và đời sống của những thị trấn, thành đó đó rất lớn, không thể đo lường cho hết.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 9/6/2025