Tình Trạng Bế Tắc Ở Ukraine Sẽ Kéo Dài Không Dứt

0
496

Hầu như người ta đang phải đi tìm Vladimir Putin để giải quyết bế tắc ở Ukraine. Cuộc phản công của Ukraine dành lại phần lãnh thổ bị Nga xâm chiếm, được khoe khoang từ bấy lâu nay, chỉ đạt được tiến bộ rất ít. Điều này đưa đến nỗi lo sợ trong phe Tây Phương rằng không biết Hoa Kỳ sẽ còn đồng ý chi trả tốn phí chiến tranh đến bao lâu nữa khi mà cuộc chiến ngày càng hao tốn rất nhiều. Về phái Nga, những cuộc phản công của họ cũng không tiến xa thêm được nhiều, mặc dù kinh nghiệm chiến đấu trong giao thông hào của quân lính Nga giúp họ có thể cầm cự được những cuộc tấn công của phe Ukraine. Hiện nay Kremlin kiểm soát được 18% lãnh thổ của Ukraine. Quân Nga gia tăng những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lên đến mức cao nhất trong năm nay, và họ tăng cường khả năng sản xuất hỏa tiễn, và các loại đạn dược khác ở trong nước. Họ cũng nhận được sự trợ giúp về nguyên vật liệu từ phía Bắc Hàn, cũng như nhiều máy bay không người lái- drones- do Iran cung cấp. 

Putin mừng khi thấy Do Thái can dự vào cuộc chiến tranh với Hamas. Hoa Kỳ và Âu châu đang bị lôi cuốn vào cuộc tàn sát diễn ra ở dải Gaza. Cuộc chiến ở vùng này làm cho tình hình chính trị nội địa ở Hoa Kỳ thêm rối ren. Viện trợ của phe Tây phương dành cho Ukraine bây giờ phải chia sẻ với Do Thái và viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine, những i thường dân phải bỏ nhà cửa chạy giặc vì mắc kẹt trong chiến tranh. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn nhất là khi các chính phủ Âu châu và Hoa Kỳ không có cùng một lập trường, quan điểm về cuộc chiến ở Gaza như họ từng có chung quan điểm ở Ukraine. 

Một cách âm thầm, nhiều nhà lãnh đạo ở Tây Phương cảnh báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky biết rằng chiến tranh còn kéo dài sẽ không có lợi cho đất nước của ông đâu. Có lẽ viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ còn. Tổng thống Biden sẽ tiếp tục viện trợ một phần ngân khoản $60 tỷ đô la mà ông từng xin Quốc Hội trước đây.

Tuy nhiên các nỗ lực ở phía các nước phương Tây thúc đẩy Ukraine nên thương lượng với Putin vẫn chưa đi đến đâu. Tổng thống Ukraine không sẵn sàng dâng phần lãnh thổ bị Nga xâm chiếm trong lúc hàng chục ngàn lính của ông phải hy sinh vì muốn bảo vệ những mảnh đất này.

Phe Tây phương có thể đề nghị cung cấp những gì cho ông Zelensky để ông thay đổi ý kiến chấp thuận mặc cả với Putin? Về mặt kinh tế, phương Tây có thể hứa cung cấp tài chánh để tái thiết đất nước Ukraine – qua việc giải tỏa khối tài sản của Nga đang bị phong tỏa trong ngân hàng. Liên Hiệp Âu châu cũng có thể hứa sẽ nhận Ukraine làm hội viên. Về khía cạnh an ninh, khối NATO có thể hứa sẽ dành tất cả quyền lợi của một hội viên cho Ukraine, với lời cam kết bảo đảm an ninh cho nước Ukraine. Thành viên trong khối NATO ở hai bên bờ biển Đại Tây Dương sẽ không đồng ý đem một số lượng lớn binh lính và vũ khí vào  trong nước Ukraine, vì không muốn xảy ra chiến tranh với Nga, khi hỏa tiễn vẫn tiếp tục được bắn sang Ukraine. Và nhất là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump bước vào Bạch Cung một lần nữa? Những lời hứa kể trên sẽ được NATO thực hiện ra sao- thậm chí ngay cả tương lai của NATO sẽ ra sao một khi ông Trump trở thành Tổng thống?

Biết rõ những trở ngại trên đây, Putin không thấy cần phải đề nghị một nhượng bộ nào mà ông Zelensky có thể chấp nhận được. Ông ta cũng có thể đợi thêm ít lâu nữa để coi xem sự thể sẽ ra sao khi những ủng hộ của phương Tây cho Ukraine sẽ hết vào năm sau. Ông ta cũng có thể chờ đến tháng Mười Một năm tới để coi xem kết quả bầu cử ở Mỹ ra sao. Đoán trước được ý đồ của Putin, ông Zelensky cũng đành nín thở không đưa ra đề nghị nào về việc thương thuyết hay mặc cả với Putin vì sợ bị xem là đang ở thế yếu.

Bài phân tích của Tiến sĩ Ian Bremmer  trên báo TIME ngày 4/12/2023

Nguyễn Minh Tâm  dịch