Phó Tổng Thống William Lai Đang Dẫn Đầu Trong Cuộc Bầu Cử Sắp Tới Ở Đài Loan

0
576

CaliToday News Sơ lược tiểu sử của ông William Lai: Ông từng tốt nghiệp đại học Harvard với bằng Cao Học về Y Tế Công Cộng trong lúc đang làm dân biểu. Nhân vụ khủng hoảng tại eo biển Đài Loan năm 1966, ông chuyển từ vai trò một bác sĩ sang một chính khách, hoạt động hăng say trong lĩnh vực chính trị. Từ năm 2010, ông làm Thị trưởng một thành phố ở phía nam và được khen ngợi giải quyết được tình trạng bế tắc giao thông ở đây. Ông là người có khả năng thiên phú về cách nói chuyện trước công chúng. Ông không thích dùng máy trợ giúp diễn văn, và ông thường xuất khẩu, ứng biến tài tình khi nói chuyện. Ông nổi tiếng là người thích uống trà pha đường thật ngọt.

Khi còn thơ ấu, nhiều lần cậu bé William Lai chứng kiến mái nhà của cậu bị bão nhiệt đới thổi bay. Nhớ lại cảnh nhà bị bão tàn phá, ông Phó Tổng thống Đài Loan không khỏi nở nụ cười nhăn nhó. Ông lớn lên trong thôn Wanli, một xóm nghèo khu mỏ than, nằm ẩn mình trên một hòn đảo ở phía bắc. 

Cha của ông chết trong một tai nạn hầm mỏ khi cậu bé William Lai mới được 2 tuổi. Ông cụ để lại một bà vợ với sáu đứa con. Tiền bạc trong nhà lúc nào cũng túng quẫn. Cậu bé chẳng bao giờ có một món đồ chơi, ngoại trừ leo trèo lên cây đa ở gần nhà. Không bao giờ chú bé có quần áo mới, chỉ toàn mặc quần áo cũ được người khác đem cho. Vì không có những ưu đãi như nhiều trẻ con khác, nên cậu bé phải tự mình đi tìm lấy sự thành công và danh vọng. Ngày nay, ở tuổi 64, ông Lai đang là ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Đài Loan vào tháng Giêng sắp tới để thay thế bà Tổng thống Thái Anh Văn. Bà là người lãnh đạo đại diện cho đảng Dân Chủ Cấp Tiến của Đài Loan, gọi tắt là DPP. Bà không được quyền ra tranh cử lần thứ ba nên ông Lai được đảng ủng hộ ra tranh cử kỳ này. 

Ông Lai nói với báo TIME trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 vừa qua: “Một trong những tài sản quý báu mà cha tôi để lại là hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên tôi lại càng phải làm việc cực nhọc, làm việc hết mình trong mọi việc được giao phó. Hoàn cảnh nghèo giúp tôi có quyết tâm và nghị lực.”.

Hai ngày sau lần nói chuyện với chúng tôi, ông Lai quay trở về thăm ngôi làng Wanli trên chặng đường vận động tranh cử. Tại đây dân chúng hoan hô ông nhiệt liệt, họ hô to: “Chào mừng Tổng thống tương lai.”. Sau khi đốt nhang ở một đền thờ treo nhiều lồng đèn, ông Lai hứa với đám đông đến nghe ông nói chuyện, sẽ giúp cải thiện hệ thống giao thông, và chăm lo sức khỏe cho người cao niên trước khi giải quyết những vấn đề hệ trọng khác. Ông Lai nói với những nông dân và ngư dân chuyên câu cua: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là duy trì sự ổn định trong vùng Ấn độ- Thái Bình Dương.

Ngày nay có lẽ ông Lai không còn phải lo âu về những trận bão nhiệt đới như hồi niên thiếu. Nhưng bão tố địa chính trị vẩn dồn dập đánh vào người dân Đài Loan. Bắc Kinh cả quyết rằng họ có chủ quyền trên hòn đảo Đài Loan với 23 triệu dân, vì thế họ thề sẽ chiếm lại hoàn đảo này bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng vũ lực nếu cần. Đây là một vấn đề nóng bỏng gây ra vô số chuyện cãi vã trong quan hệ giữa những siêu cường trên thế giới. Có tới bốn lần, Tổng thống Joe Biden hứa sẽ bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc bị quân đội Trung quốc xâm lăng. Ông Lai hiểu rằng chiến tranh sẽ không đem lại lợi lạc gì cho bất cứ nước nào. Do đó, ông khẳng định: “Đài Loan mong được làm bạn với Trung quốc- Chúng tôi không muốn trở thành kẻ thù.”.

Câu ngạn ngữ: “Chuyện gì cũng được quyết định ở địa phương mà ra.” cho thấy những gì xảy ra trong kỳ bầu cử vào tháng Giêng sắp tới ở Đài Loan có tầm quan trọng rất lớn. Nó tiên đoán những gì sẽ diễn ra trong quan hệ giữa hai nước. Bắc Kinh không ưa ông Lai bởi vì ông thuộc đảng Dân Chủ Cấp Tiến DPP, và đảng này hoài nghi về thái độ của Bắc Kinh. Trung quốc gọi ông Lai là “kẻ ưa gây rắc rối.”- trouble maker. Ba đối thủ của ông Lai trong cuộc tranh cử kỳ này cho rằng họ xứng đáng ra làm Tổng thống Đài Loan hơn ông Lai trong việc hàn gắn quan hệ giữa hai nước nằm khu vực eo biển Đài Loan. Họ nói chỉ cần phục hồi nền kinh tế đang bị ê ẩm của Đài Loan và đảm bảo tính chất độc lập tự trị của đảo quốc là đủ. Hôm 15 tháng 11 vừa qua, hai ứng cử viên bám sát nút ông Lai đồng ý kết hợp với nhau để còn lại chỉ có hai ứng cử viên ra tranh với ông Lai, thay vì ba người. Họ thỏa thuận như vậy để tăng cường sức mạnh cho phe ủng hộ lập trường thân thiện với Trung quốc.

Lá phiếu của dân Đài Loan có tầm ảnh hưởng đối với cả thế giới. Đài Loan là một quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ 16 trên thế giới. Trong năm 2022, tổng số hàng mậu dịch của nước này lên đến $907 tỷ đô la. Đài Loan sản xuất gần 90% loại chip bán dẫn tối tân nhất trên thế giới. Những con chip của Đài Loan là huyết mạch cho tất cả mọi ngành kỹ nghệ, nhất là với kỹ nghệ AI- Trí tuệ nhân tạo- đang ở giai đoạn phát triển cực mạnh. Theo tổ chức Rhodium Group nếu xảy ra cuộc phong tỏa, cấm vận áp đặt vào Đài Loan lập tức sẽ gây thiệt hại về kinh tế khoảng $2 trillion đô la- hai ngàn tỷ đô la, trước khi xảy ra đụng độ về quân sự, hay chế tài khác về kinh tế tài chính. 

Giả sử như kết quả bầu cử diễn ra là đảng Dân Chủ Cấp Tiến – DPP- sẽ nắm chính quyền liên tiếp ba nhiệm kỳ có nghĩa là dân chúng Đài Loan vô cùng hoài nghi thiện chí của Trung quốc, và rất có thể đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thống nhất lãnh thổ, xem “việc thống nhất là một sứ mệnh lịch sử, và là một cam kết không thể lay chuyển được.”. Ông William Lai đáp lễ nói rằng: “Thưa ngài Chủ tịch họ Tập, chúng tôi đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền rồi, chúng tôi không cần đến Trung quốc của các ông. Hãy để yên cho chúng tôi sống trong tự do.”.

Tuy vậy, chỉ có vài quốc gia đồng ý với lập trường trên đây của ông Lai. Về khía cạnh chính trị, Đài Loan chỉ tách rời khỏi lục địa Trung Hoa vào năm 1949 sau cuộc nội chiến quốc cộng phân tranh. Ngày nay chính phủ Đài Loan chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với khoảng 13 nước mà thôi. Năm 1979, Hoa Kỳ đã trở mặt công nhận chính quyền ở Bắc Kinh. Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện không chính thức với Đài Loan, và Quốc Hội Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Ngày nay, mỗi khi Đài Loan cố gắng lập quan hệ ngoại giao, hay thương mại với bất cứ nước nào đểu bị Trung cộng ra tay đàn áp, trả thù tàn nhẫn, thậm chí còn tổ chức tập trận quân sự khiêu khích, hay phong tỏa mậu dịch, và cô lập quan hệ ngoại giao. 

Tình hình kinh tế suy đồi trầm trọng ở Trung quốc cũng làm tăng mối lo sợ cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế để làm liều, có lợi cho uy tín của ông ta. Hiện nay ở Trung quốc tỷ lệ thất nghiệp của giới thanh thiếu niên được ước tính lên đến 45.6%, nền kinh tế lớn vào hàng thứ hai trên thế giới bước vào tình trạng giảm phát kể từ tháng Mười năm nay. Lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung quốc tuột xuống hàng số âm vào quý ba của năm 2023. Vì thế, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao của Đài Loan là Joseph Wu nói với báo TIME: “Trước tình trạng suy thoái khốn đốn đốn đó, Đài Loan sẽ dễ trở thành con dê tế thần để Trung quốc gỡ thế bí.”.

Mối căng thẳng giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan tăng cao từ hồi năm ngoái khi bà Tổng thống Thái Anh Văn nới rộng thời gian đi quân dịch của thanh niên ở Đài Loan từ  bốn tháng lên một năm. Hồi tháng Tám bà con tăng ngân sách quốc phòng của Đài Loan lên mức mới là $19.1 tỷ đô la, tức là 2.6% Tổng Sản Lượng Quốc Gia. Mức tăng về chi phí quốc phòng dùng để mua 400 đầu đạn Javeline của Hoa Kỳ  để chống xe tăng. Ông Lai nói: “Nếu Trung quốc ra tay xâm lăng, chúng tôi phải có đủ sức để bảo vệ đất nước.”. Song dù sao đi nữa, ông Lai tin rằng sức mạnh về mậu dịch vẫn là vũ khí tối hậu để bảo vệ cho Đài Loan, tốt hơn là xe tăng. Ở Đài Loan vốn có công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới như công ty TSMC của Đài Loan. Đây sẽ là sức mạnh của Đài Loan, nhất là vào giai đoạn hiện nay với kỹ nghệ AI- Trí Tuệ Nhân Tạo- đang bùng phát. Ông Lai nói ông muốn Đài Loan sẽ trở thành nước đứng đầu thế giới về kỹ nghệ chip bán dẫn. Sức mạnh đó sẽ khiến cho việc xâm lăng, hay gây chiến tranh trở nên quá tốn kém, đắt đỏ. Ông nói: “Công nghệ bán dẫn, và kỹ thuật cao là sức mạnh rất lớn và quý báu của Đài Loan. Ngoài ra, chúng tôi còn có trách nhiệm đối với cả cộng đồng thế giới.”.

Do trách nhiệm lớn lao này, ông Lai hy vọng ông sẽ nhận được sự hỗ trợ xứng đáng cho chế độ dân chủ của Đài Loan. Ít có người Đài Loan yêu nước nào lại muốn đánh đổi thể chế dân chủ hiện nay để đặt dưới sự cai trị của Trung Cộng. Đối với ông Lai, Trung quốc và Đài Loan có chung một ngôn ngữ và lịch sử, nhưng còn một thứ quý báu khác là chế độ dân chủ thì không có chung với nhau. Dù gì đi nữa, trong bảng Chỉ Số Dân Chủ- Democracy Index- mà tổ chức Tình Báo Kinh Tế ghi rõ rằng trong năm 2022, Đài Loan đứng đầu trong các nước Á châu, và đứng hàng thứ 10 trên toàn thế giới về chế độ dân chủ. Trong khi đó nước Trung Hoa Cộng Sản đứng hàng thứ 156. Tình hình sinh hoạt chính trị ở Đài Loan theo thể chế đa đảng, và có phần nào mất trật tự. Trung quốc thì được cai trị bằng hệ thống mật vụ phúc tạp, kiểm soát cứng rắn từ Bắc Kinh. Trung quốc nghiêm khắc chống lại vấn đề đồng tính, diễn hành ủng hộ Pride hoàn toàn bị cấm. Từ năm 2021, Trung quốc còn truy lùng để bắt những người tranh đấu cho quyền lợi của người chuyển giới LGBTQ. Hồi tháng Mười, ông Lai là quan chức cao cấp nhất ở Đài Loan tham gia cuộc diễn hành của người đồng tính và người chuyển giới. Ông nói việc ông ủng hộ là điều tự nhiên, bởi vì ông luôn luôn chủ trương: “Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.”.

Đối với ông Lai, bất cứ một sự giả vờ nào cho rằng hai xã hội Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan rồi ra sẽ hội tụ lại với nhau là điều lố bịch, bố láo. Cuối cùng thì eo biển có nhiều sóng dữ ngăn cách hòn đảo và lục địa sẽ chẳng đưa ra được công lý để dạy người dân những điều họ cảm nhận, hay suy nghĩ ra sao, và người con trai của bác phu mỏ ngày ngày xưa sẽ chẳng dại gì băn khoăn về điều này để khiến cho bàn tay của ông bị dơ bẩn. Ông nói: “Chúng tôi cương quyết sẽ không nhượng bộ, quy phục.”.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 4/12/2023