Khi nhà báo bị vấp ngã

0
1461

Sau khi được điều trị tại CHU Le Kremlin Bicetre ở Paris

Mai Loan, Paris, 23/11/2023

Kể từ ngày vợ chồng chúng tôi về hưu cách nay vài năm để có nhiều thì giờ đi chơi đây đó cho dễ dàng và thỏa thích, tụi này đã tận dụng cái thú vui này rất tận tình nhờ vào cái hobby mới biết về chuyện sưu tầm nhiều điểm thưởng của các thẻ tín dụng để có thể mua vé máy bay và thuê phòng khách sạn gần như miễn phí. Có lúc chúng tôi đã từng viết loạt bài đăng nhiều kỳ trên báo giấy để chia sẻ những thông tin hữu ích thiết thực này, hoặc là sau đó cũng thực hiện các talkshow chỉ dẫn qua mạng YouTube, nhưng không rõ là số người kiên nhẫn lắng nghe và làm theo có nhiều hay không.

Và từ đó tụi này cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm để giúp cho các chuyến đi chơi đó đây được tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió và bớt ‘stress’ hơn. Bởi vì không chỉ phải lo gánh nặng về chi phí tiền bạc (mà nhiều người nghĩ đó là nặng gánh nhất), chúng ta thật ra còn phải lo toan nhiều thứ khác, từ việc lên kế hoạch về giờ giấc, lựa chọn máy bay và khách sạn, thuê mướn xe sao cho hợp lý và an toàn với giá vừa phải, lên kế hoạch cho lịch trình đi xem các thắng cảnh đáng xem, thăm viếng bạn bè và gia đình lâu năm chưa gặp, chu toàn thủ tục giấy tờ về passport & visa, tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của những nơi sắp đến v.v.

Đây là những kinh nghiệm mà những ai đã qua cầu mới hiểu rõ, nhất là khi mình bị trục trặc ở một khâu nào đó khiến gặp nhiều trở ngại phải gánh chịu hoặc trả giá đắt, mất nhiều thời giờ để giải quyết v.v. thì mới nhớ đời để không phạm phải sai lầm lần nữa cho những chuyến đi sau đó.

Nhưng kinh nghiệm quan trọng nhất là về vấn đề giữ gìn sức khỏe sao cho an toàn cho cả thời gian của chuyến đi. Bởi vì nếu không có sức khỏe thì cũng khó nói chuyện đi du lịch xa; chỉ nội việc xách hành lý đi qua các hành lang dài trong phi cảng trước khi lên máy bay thì cũng đủ mệt rồi cho những ai không quen tập thể dục thường xuyên. Rồi trong chuyến đi chơi, nếu chẳng may để xảy ra những chuyện thương tích, từ nhẹ đến nặng, thì cũng có thể ảnh hưởng quan trọng đến cả chuyến đi chơi. Chẳng hạn như bị tiêu chảy vì trúng thực thì có thể mất cả mấy ngày nằm liệt giường, bị vấp té trầy xướt hoặc trật cổ chân, cổ tay, đầu gối thì phải đi khám bác sĩ hoặc vào nhà thương (ở xứ lạ), vừa tốn kém tiền bạc lại mất thêm thì giờ quí báu và ngắn ngủi của chuyến đi.

Vì biết thế nên tụi này đã chịu khó tập thể dục hàng ngày tại các phòng tập nhờ vào chính sách Medicare trả tiền thuê membership miễn phí, nên khi lâm trận mang nhiều hành lý đi qua nhiều phi trường, nhà ga, bến xe rộng lớn khắp nơi mới cảm thấy không nản chí so với những người khác yếu thể lực vì chưa có kinh nghiệm. Rồi cũng nhờ ý thức rằng khi bước vào tuổi cao niên, thân người dễ mất thăng bằng khi đi đứng hoặc lên xuống cầu thang, bậc tam cấp, hoặc ngay cả trên lề đường không bằng phẳng v.v. nên tốt nhất là đi đứng chậm rãi, khoan thai khi bước đến những chỗ lạ bởi vì chuyện thương tích và té ngã là một thứ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu và với bất cứ mọi người dù trẻ già hay nam nữ.

Dĩ nhiên, mình cũng biết cẩn thận để không rơi vào những tình trạng không may như vậy, nhất là khi đi chơi ở những nơi xa nhà hoặc ra ngoài nước Mỹ mà bị thương tích thì có thể gặp phiền toái rất nhiều. Trong những chuyến đi chơi gần đây sang Âu Châu hoặc về VN, tụi này tự dặn lòng là hãy tập thói quen đi đứng cho cẩn thận, nếu cần thì nắm những song sắt dọc theo cầu thang để khỏi bị té ngã, đặc biệt là ở nhiều khách sạn có những bậc tam cấp trông rất đẹp nhưng cũng có thể là nơi dễ xảy ra tai nạn (nói theo kiểu nói phổ thông ở Mỹ là ‘accident waiting to happen’) trượt ngã, nhất là khi đó là sàn trơn bóng láng và trời mưa trơn trợt.

Ấy thế mà rồi cuối cùng cũng không tránh khỏi tai nạn, nói theo kiểu bình dân là chạy trời không khỏi nắng.

Vào chiều tối hôm qua, vợ chồng cô em vợ rủ tụi này đi ăn tại một nhà hàng buffet ở Lognes, nghe nhiều người khen là rất ngon. Tụi này đang ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô sát nách Paris và quận 13, có đầy các nhà hàng Á châu nổi tiếng và có thức ăn ngon, tự hỏi hà cớ gì phải lặn lội lái xe đến Lognes, thị trấn ngoại ô cách Paris khoảng 30 cây số về phía đông, nhất là đường xá tại vùng thủ đô Paris thường xuyên bị kẹt giống như các thành phố lớn?

Nơi đây cũng không xa lạ gì với tụi này vì đã từng đến đây thăm vợ chồng anh Nguyễn Gia Kiểng và những người bạn khác trong nhóm của anh sau khi chúng tôi quen biết nhau qua dịp làm talkshow trên YouTube của Người Việt Channel trước đây. Lognes cũng sát nách với Torcy là nơi chúng tôi có những người bạn thân thời Taberd nên cũng đã tới vài lần. Từ Paris nếu đến đây đi tiện nhất là bằng Metro (subway) theo loại đặc biệt gọi là RER, và mua vé với giá cao nhất vì bao gồm đến Zone 5 (hai Zones 1 & 2 coi như bao quanh thủ đô Paris và những zones kế tiếp lan ra xa ngoại ô).

Điều đáng nói là khi bước vào nhà hàng, thực khách phải giật mình và ‘impressed’ (không thích dùng chữ ‘ấn tượng’ ở đây) vì nhà hàng rất rộng lớn, các quầy dọn thức ăn rất nhiều thuộc đủ loại thực đơn Âu, Á và quan trọng nhất là những loại thực phẩm ngon, đắt tiền từ khai vị đến các món ăn chính, sushi, trái cây, bánh ngọt và cả 1 giàn fromage rất đa dạng mà có lẽ dân Tây khi bước cũng phải giật mình. Có lẽ quầy thức ăn tại đây không thua gì các buffett của hai nơi nổi tiếng hàng đầu tại Hoa Kỳ là ở hai khách sạn Caesars Palace và Wynn ở Las Vegas. Nhưng giá cả tại đây rẻ hơn phân nửa, chỉ khoảng 19 Euros cho buổi trưa và 26 Euros cho buổi tối. Phải chăng vì vậy mà Nhà hàng này có tên là Star Food, 5 allée des Palombes, 77185 Lognes, đã quảng cáo trên danh thiếp với hàng chữ “Restaurant aux saveurs du monde” (Nhà hàng của những thực khách trên thế giới biết thưởng thức).  

Chúng tôi cả nhóm gồm 4 người lớn và 1 cháu gái đã cùng nhau tận tình thưởng thức (gần như) tất cả các món trong nhà hàng (trong hơn 2 tiếng đồng hồ) và lúc nào cũng khen ngợi rằng chuyến đi ăn này rất ‘đáng đồng tiền bát gạo’. Để có cái nhìn so sánh thực tiễn hơn, buffet tại nhà hàng Kim Sơn tại Bellaire, Houston vốn được rất nhiều người khắp nơi ca ngợi, có lẽ chỉ bằng phân nửa của buffet tại nhà hàng Star Food tại Lognes này về sự đa dạng và phẩm chất các món ăn tại đây.

Buổi đi chơi ăn tối trong gia đình nếu như kết thúc một cách hoàn hảo khi mọi người trở về nhà và lên giường ngủ thì có lẽ sẽ không để lại một kỷ niệm nào đáng nhớ. Khi bước lên bậc tam cấp để vào cánh cửa trước khu appartement của cô em vợ, không hiểu sao tôi lại vấp ngã, có lẽ vì không đặt chân từng bước một, nên té xuống với đầu gối chạm xuống mặt đất, và thân người chúi về phía trước. Nhưng không may là cái đầu lại đập vào cánh cửa phía trước với những góc cạnh bằng sắt. Tôi bỗng cảm thấy nhói đau, vội sờ tay lên đầu và thấy có dấu hiệu lõm xuống trên sọ não nên biết là ‘có chuyện rồi’. Cô em vợ quay lại và bỗng la lên: “Ồ, chảy máu nhiều quá!”.

Cái đau nó không thốn hoặc dữ dội khiến mình bị ngất xỉu, hoặc cảm thấy đầu quay vòng vòng, nên vôi ngồi xuống để tìm cách đối phó. Cả hai vợ chồng em vợ bàn nhau là hãy gọi ngay cấp cứu SAMU số 15 (giống như 911 bên Mỹ). Chỉ độ 5 phút sau đã nghe thấy tiếng còi í e í e của xe cứu thương và 3 nhân viên người Pháp của đội cấp cứu đến ngay. Khi biết rõ nạn nhân vẫn còn tỉnh táo, trả lời các câu hỏi rõ ràng, và hỏi rằng liệu mình có thể tự mình đứng dậy được hay không, họ đã mời mình đi ra xe và lên nằm trên băng-ca để họ chẩn đoán và làm những thao tác cần thiết tức thời (lau vết thương, dán tạm băng keo, đó áp huyết, nhịp tim v.v.) Cũng may là nhờ vốn liếng tiếng Pháp còn đủ xài nên mình cũng giúp cho các anh này làm việc nhanh chóng và trôi chảy. Một anh Tây còn khoe rằng bố vợ anh ta là người quê ở Nha Trang.  

Trong lúc thẩm vấn về hồ sơ bệnh lý, hỏi han xem đang dùng những thuốc gì, có bị dị ứng với thuốc men nào không, có chơi xì-ke ma túy hoặc uống rượu hay không v.v., anh này còn đưa ra lời bình luận rằng những người như ông có cao cholesterol và cao áp huyết thì không nên uống rượu mới phải (kẻ này đã ‘xơi’ hết một pichet rượu vang đỏ Merlot và 1 ly Sauvignon blanc để đi kèm với nhiều món ăn phong phú trước đây). Chúng tôi chỉ còn biết trả lời rằng: “Ông biết đó, ở bên Pháp này, một bữa ăn ngon mà không có rượu thì là một thiếu sót rất lớn.

Sau khi khám xong xuôi, anh Tây đưa ra lời kết luận: “Allez, on va à l’hopital.” Bà vợ đang lo lắng bèn hỏi, có phải các ông sẽ cho chụp hình quang tuyến tại nhà thương hay không. Anh ta chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi đâu có là bác sĩ, chỉ chở ông ta đến đó để bác sĩ lo”.

Xe ambulance chạy khoảng 2 cây số thì đến ngay khu CHU của Le Kremlin Bicetre. Đây là khu nhà thương chính của một đại học y khoa lớn tại Paris bao gồm đủ mọi khoa chữa trị, và dĩ nhiên bao giờ cũng có một khu cấp cứu trực 24/7. Khi đến nơi, họ cũng làm thủ tục đầu tiên để lập hồ sơ bệnh lý qua lời tường thuật của anh Tây trên xe cứu thương trước khi bàn giao lại và sau đó anh cũng không quên chào bệnh nhân. Khi hỏi đến tên tuổi và giấy tờ căn cước và được trả lời là du khách từ Mỹ sang, họ chỉ cần nói là đưa giấy tờ nào cũng được, nhưng không hề thấy hỏi gì về bảo hiểm y tế.

Ngay cả khi vào trong nhà thương và làm thủ tục chẩn đoán sơ khởi để được phân loại và sau đó ngồi chờ được bác sĩ đến khám, cũng không thấy có nhân viên nào đến đặt các câu hỏi về bảo hiểm y tế hoặc là sẽ thanh toán chi phí như thế nào. Dĩ nhiên thời gian ngồi chờ trong các phòng ở khu cấp cứu này rất là nản, vì không biết lúc nào đến phiên mình, vì đã có bảng thông cáo dán trên tường giải thích rõ ràng rằng mọi người cứ kiên nhẫn ngồi chờ, sẽ có y tá đến chăm sóc và bác sĩ chẩn bệnh, nhưng họ phải giải quyết số lượng bệnh nhân theo thứ tự ưu tiên cho những người nào bệnh nặng nhất cần phải điều trị tức thời.

Điều hơi phiền toái vào lúc đó là trong các phòng chờ đợi này, không có Wifi để có thể nối mạng Internet xài cell phone, và các cú phone gọi ra ngoài đều bị ngăn cản, nên không cách nào để liên lạc với vợ hiền và các người thân đang ngồi ở phòng chờ bên ngoài, chắc là cũng đang âu lo rất nhiều vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, và phải chờ đến bao lâu.

Riêng cá nhân chúng tôi lại có một mối bận tâm khác. Đó là vì vào thứ Năm, chúng tôi có lịch trình làm talkshow thường xuyên trên YouTube của đài Truyền Hình VN / Cali Today. Nhưng Cali cách Paris đến 9 múi giờ, nên cần phải có sự phối hợp sao cho thuận tiện đôi bên. Trước đó trong giờ ăn, chúng tôi dự định là sẽ về nhà vào khoảng 10 giờ tối, tức là vào khoảng 1 giờ chiều bên Cali. Ai ngờ xảy ra cớ sự này nên không cách nào liên lạc được, và đành phải ngồi chờ trong lúc phía bên Cali đang trông đợi trong nhiều giờ đồng hồ mà không hề được phúc đáp.

Có lẽ khoảng hơn 1 giờ sau đó, cô y tá gọi tên để vào phòng khám, và một anh bác sĩ trẻ đang tập sự (trên áo blouse có đeo bảng tên Stagiaire) bước vào trong và khám sau khi nghe kể lại mọi sự. Anh cho biết tiến trình điều trị là sẽ khâu lại vài mũi kim cho vết thương trên đầu sau khi chích thuốc tê. Anh chàng còn cẩn thận giải thích rằng mũi kim chích đầu tiên sẽ khiến mình có cảm giác như đau xót cháy bỏng, nhưng sau đó sẽ giúp mình không cảm giác đau đớn khi bác sĩ khâu tiếp. Anh chàng cũng luôn miệng hỏi thăm là có đau không thì nói để anh ta ngừng, hoặc chích thêm thuốc tê. Kẻ này chỉ trả lời rằng “không sao, tôi cũng đã từng bị nha sĩ chích nhiều mũi kim thuốc tê và đau thốn hơn nhiều.” Cô y tá Tây đen đứng cạnh còn biết chêm vào câu nói đùa: “Nếu mà đau, ông cứ hét toáng lên nhé!

Anh chàng bác sĩ Tây này vừa khâu các mũi kim vừa khen bệnh nhân cao niên gốc Á này là rất can đảm (très courageux). Sau khi dọn dẹp mọi thứ, anh còn cho thêm toa thuốc giảm đau Dolliprane (giống như Tylenol), cùng với thuốc vaccine chống Tetanos (sợ nhiễm trùng khi vết thương đụng vào chất kim loại), và những loại thuốc tẩy trùng Betadine để lau chùi nơi chỗ vết thương sau đó, cùng với lời dặn là đi gặp y tá để cắt các sợi giây khâu sau 7 ngày. (Ở bên Pháp, các y tá được mở phòng khám riêng để chích thuốc theo toa, thay vì bệnh nhân phải đến các phòng mạch bác sĩ, một chi tiết khiến kẻ này nhớ lại thời VNCH trước đây, các y tá ở miền Nam VN cũng được hành nghề như vậy.)

Khi bước ra khỏi phòng cấp cứu, bà xã và vợ chồng cô em vợ đều cảm thấy nhẹ nhõm, bớt lo âu nhiều hơn vì thấy người thân mình đã được cho ra về nhanh chóng thay vì phải giữ lại lâu hơn, có lẽ là tình trạng không đến nỗi nào quá nghiêm trọng.

Về đến nhà lúc đó cũng là 2 giờ sáng, nhưng thay vì lên giường ngủ, chúng tôi đã quyết định mở máy laptop lên để làm talkshow như thường lệ bởi vì nội dung chương trình đã có sẵn, và nếu để qua ngày hôm sau thì sợ rằng lại sẽ không có thời gian thích hợp.   

Trong phần mở đầu của chương trình talkshow, chúng tôi đã tường thuật sơ về chuyện tai nạn vừa mới xảy ra, để giải thích cho mọi người thấy rằng chuyện tai nạn, dù không ai muốn, đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và đến với bất cứ người nào dù là trẻ già hoặc nam nữ. Đó chỉ là chuyện không may, và nếu xảy đến cho mình, thì chỉ còn biết tự an ủi tùy theo mức độ nặng nhẹ, chớ không nên từ đó mà suy diễn lung tung rồi đưa ra những lời nhận định đi xa vấn đề mà không có nội dung xây dựng.

Vì thế cho nên chúng tôi đã nhắc lại chuyện tại sao mình thường hay chỉ trích những tay cuồng Trump, điển hình như anh nhà báo Nguyễn Văn Khanh của đài RFA, luôn tìm cách bới bèo ra bọ hoặc thổi phồng sự việc những chuyện như khi ông TT Joe Biden bị vấp ngã khi bước lên cầu thang máy bay, hoặc khi bị vấp ngã sau khi đọc bài diễn văn trên sân khấu mà không để ý đến cái bao cát được để dưới mặt đất. Nếu xét cho kỹ, chúng ta ai lại chẳng đôi lần vấp té vì những chuyện không đâu, có thể nhẹ thì không sao hoặc nặng hơn thì u đầu sứt trán, bầm dập trên cơ thể hoặc có thể là trật chân v.v. Nhưng chẳng lẽ vì những chuyện ấy mà lại suy diễn ra những người vấp ngã đó là có vấn đề sức khỏe tâm thần không còn minh mẫn, sáng suốt để tiếp tục làm việc như bình thường?

Nếu như anh nhà báo quèn Mai Loan ở Houston vẫn có thể làm talkshow vào lúc 2 giờ sáng sau khi ở phòng cấp cứu tại nhà thương CHU Le Kremlin Bicetre ở Paris ra về sau khi được chăm sóc vết thương cần phải được khâu vài mũi trên đầu thì chắc chắn là ông TT Joe Biden vẫn có thể làm việc một cách sáng suốt và tốt đẹp sau khi chỉ vấp ngã té khi không đề ý đến những bậc thang máy bay của chiếc Air Force One, hoặc một bao cát nằm trên sân khấu không được xếp gọn kỹ lưỡng.

Để kết thúc, xin có lời cảm tạ ông trời đã ban phước khiến mình, tuy bị thương có phần nghiêm túc và đáng lo sợ lúc ban đầu nhưng cuối cùng thì cũng không đến nỗi nào, cảm tạ vợ hiền và những người thân đã có mặt kế bên để chia sẻ nỗi niềm trong những giờ phút âu lo và căng thẳng, và cảm tạ bạn bè gần xa cũng như các khán thính giả trung thành luôn đón nghe các buổi talkshow thường trực hàng tuần.

MAI LOAN

Paris, 23/11/2023