Eastern Promises

0
572

Sau khi bức tường Bá Linh bị đập vỡ, Hoa Kỳ và đồng minh Âu châu hứa  NATO- Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương sẽ không bành trướng sang khối Đông Âu một thước đất nào một khi nước Đức thống nhất. Nhưng NATO đã không giữ đúng lời hứa, khiến cho Putin oán hận, và cương quyết sẽ phục thù đòi lại tất cả những phần đất cũ của Liên bang Xô Viết.

  • Sau khi Liên Bang Xô Viết Sụp Đổ, ông Gorbachev  nói với Hoa Kỳ rằng Liên Bang Xô Viết sẽ không còn muốn chuẩn bị chiến tranh với Hoa Kỳ. Hai nước nên hòa giải với nhau. Nhưng Tổng Thống George H.W Bush lại nghĩ đến việc thảo luận với nước Nga về những điều kiện để Xô Viết đầu hàng. 
  • Tài liệu lịch sử do sử gia Vladislav Zubok giải thích rõ trong cuốn sách của ông tựa đề: “Collapse: The Fall of the Soviet Union”. Zubok từng là cố vấn cho ông Gorbachev, và ông đã đệ trình biên bản thảo luận giữa ông Bush và ông Gorbachev cho ông Bush xem, nhưng ông Bush không trả lời, và không có ý kiến.

Đầu tháng 12 năm 1989, vài tuần lễ sau khi bức tường Bá Linh bị đập vỡ, ông Mikhail Gorbachev đi dự phiên họp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hoa Kỳ George H.W Bush. Hai ông gặp nhau ở bờ biển Malta trên chiến hạm Maxim Gorky của Nga Xô Viết. Ông Gorbachev mong mỏi đi dự hội nghị thượng đỉnh kỳ này cũng như những lần họp trước đây. Uy tín của ông trên sân khấu chính trị quốc tế tỏa sáng chói lọi, trong lúc đó tình hình nội bộ  nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn, không kiểm soát được. Ông muốn chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh kéo dài nhiều thập niên qua, đe dọa chiến tranh thế giới có thể xảy ra, và thảm họa bị tiêu diệt bằng vũ khí nguyên tử khó tránh khỏi. Mỗi khi ông xuất hiện ở thủ đô nước ngoài, ông lại được nhiều đám đông hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong lúc đó, Tổng thống Bush có thái độ kém nhiệt tình hơn. Vị tiền nhiệm của ông, Tổng thống Ronald Reagan, đã tạo ra một lỗ hổng khổng lồ trong ngân sách quốc gia khi ông cắt giảm thuế, và tăng chi tiêu quốc phòng.  Sau đó, ông Bushi quyết định đành phải đi theo dự án của ông Gorbachev sắp xếp lại trật tự thế giới một cách vội vàng, trong lòng không vui. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush lúc bấy giờ là ông Brent Scowcroft ngồi xuống duyệt xét lại chính sách an ninh của Hoa Kỳ đối với nước Nga Xô Viết. Ông là một nhân vật trí thức chủ trương chính sách quốc phòng thực dụng. Chủ đề chính được đem ra thảo luận trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ là liệu ông Gorbachev có thật lòng muốn muốn hòa hợp hay không? Nếu đúng như vậy, rồi đây liệu ông ta có thể tồn tại được hay không?

Trong ngày đầu họp thượng đỉnh, ông Gorbachev than thở về tình hình kinh tế bết bát ở nước ông, và ông khen ngợi Tổng thống Bush biết tự chế, và có những suy nghĩ sâu xa về những biến cố mang tính chất cách mạng đang xảy ra  ở khối Đông Âu. Ông giữ thái độ “không nhảy cẫng lên vui mừng khi thấy bức tường Bá Linh sụp đổ”, theo chữ dùng của ông. Đáp lại, ông Bush khen ngợi thái độ quả cảm và thẳng thắn khi nói về những khó khăn trong nền kinh tế nước ông. Sau đó, ông Gorbachev tiết lộ điều mà ông xem là một sự bất ngờ vĩ đại. Đó là lời tuyên bố hết sức cảm động của ông khi nói về quan hệ mới giữa hai siêu cường. Ông Gorbachev nói: “Tôi muốn nói với ông rằng Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết không bao giờ nên để chiến tranh xảy ra. Liên bang Xô Viết không còn ở tình trạng xem Hoa Kỳ như kẻ thù, và chuẩn bị chiến tranh với Mỹ.”

Đúng như sử gia Vladislav Zubok giải thích trong cuốn sách mới xuất bàn của ông nhan đề: “Sụp Đổ: Sự Suy Tàn Của Liên Bang Xô Viết.”. Ông nói rằng lời tuyên bố kể trên của ông Gorbachev là nền tảng căn bản cho những cuộc thương thuyết trong tương lai.”. Nhưng đến khi hai phụ tá của ông Gorbachev đệ trình lên Tổng thống Bush biên bản cuộc thảo luận thì Tổng thống Bush không có phản ứng gì cả. Có lẽ ông bị say sóng khi đi họp trên tàu chiến. Cũng có thể ông là người kiệm lời không thích những lời nói văn hoa, bóng bẩy. Song cũng có thể ông là con người thực tiễn, những tuyên bố về hòa bình và hợp tác chỉ là những câu nói suông, không có ý nghĩa thực dụng nào cả. Nhưng sau đó vài tháng, ông Gorbachev nói với Thủ tướng Đức Helmut Kohl: “Chúng tôi mở lòng, nhưng họ không nói gì cả.”. Ông Gorbachev nghĩ rằng ông thảo luận về việc tạo lập một thế giới mới. Trong đó, Liên bang Xô Viết và Hoa Kỳ có thể làm việc với nhau. Hai nước cựu thù được hòa giải. Ông Bush chỉ nghĩ đến việc thảo luận những điều khoản dành cho sự đầu hàng của Xô Viết.

Câu hỏi thực tế trước mắt là sau khi bức tường Bá Linh bị đập tan, tình trạng hai nước Đức sẽ được giải quyết ra sao? Không phải chỉ là bức tường đã chia đôi nước Đức ra làm hai. Năm 1989. Mặc dù ông Gorbachev đã đưa ra chính sách cải cách cơ cấu chế độ cộng sản- perestroika- được bốn năm, song vẫn còn gần bốn trăm ngàn lính Xô Viết đóng ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, hay gọi tắt là Đông Đức. Ở bên kia ranh giới Đông và Tây còn có khoảng vài trăm ngàn binh lính NATO, đa số là những căn cứ nguyên tử của phe đồng minh. Căn bản pháp lý cho sự hiện diện của quân đội hai phe có mặt ở Đông và Tây Đức xuất phát từ Thỏa Ước Postdam. Chiến Tranh Lạnh thực ra là cuộc xung đột âm thầm ít ra là ở Âu châu giữa những nước thắng trận trong đệ nhị Thế Chiến. Sau hơn 40 năm, nước Đức vẫn còn  là nước thua trận. 

Chính trị gia bên Tây Đức mơ ước sẽ có ngày thống nhất được đất nước, nhưng những lãnh tụ cứng rắn ở Đông Đức thì không mấy hồ hởi khi nói chuyện thống nhất đất nước. Người dân Đông Đức chạy ùa sang ánh sáng chói lòa của xã hội tiêu thụ bên Tây Đức ngay sau khi bức tường Berlin bị tháo bỏ. Họ đã bỏ phiếu bằng chân, họ chê “thiên đường cộng sản” để chạy theo xã hội tư bản “giãy chết”. Thật là mỉa mai, và đáng xấu hổ cho những kẻ lãnh đạo các nước cộng sản. Ông Gorbachev sẽ phải làm gì bây giờ? Liên tiếp trong nhiều tháng theo sau, ông đã đi họp với nhà lãnh đạo các nước ngoại quốc. Cố vấn của ông khuyên ông nên dành lấy thật nhiều nhượng bộ. Họ muốn được đảm bảo về an ninh, khối NATO không được bành trướng, mở rộng thêm một thước đất nào cả, hay ít nhất là họ cũng phải đem ra khỏi lãnh thổ nước Đức kho vũ khí nguyên tử. Ông Gorbachev có một lợi điểm ở chỗ đa số dân Tây Đức không ưa việc khối NATO để vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ nước Đức. Vì thế, cố vấn của ông, những người có xu hướng cứng rắn, đề nghị một cách ngụy quân tử rằng hãy để dân chúng Đức bỏ phiếu quyết định về vấn đề vũ khí nguyên tử.

Tháng Hai năm 1990, hai tháng sau ngày họp hội nghị thượng đỉnh với ông Bush, ông Gorbachev tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker ở Mạc Tư Khoa. Đây là một trong những cơ hội sau cùng để ông Gorbachev biết mình sẽ nhận được gì về phía Tây phương trước khi thống nhất nước Đức. Nhưng đúng như bà Mary Elise Sarotte  viết trong cuốn sách : “Not an Inch: America and Russia, and the Making of Post Cold War Stalemate.”. Tác giả này viết rất kỹ về sự bành trướng của khối NATO. Bà cho rằng ông Gorbachev đã không đạt được thành quả nào trong nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới mới. Ngoại trưởng Baker đặt ra cho ông Gorbachev hai câu hỏi giả định: “Ngài có muốn một nước Đức thống nhất đứng ngoài khối NATO, độc lập và không có binh lính Hoa Kỳ?” hay “ Ngài muốn một nước Đức thống nhất gắn liền với khối NATO và cam kết rằng thẩm quyền của khối NATO sẽ giữ nguyên như hiện nay, không lấn sang phía Đông một thước đất nào cả.”. Phần cuối của đề nghị này đưa ra một vấn đề cần phải thảo luận lại trong nhiều thập niên sau đó. Phải chăng đề nghị này bao gồm một lời hứa, một cam kết cụ thể- sau đó lời cam kết đó rõ ràng đã bị chối bỏ, không giữ đúng lời hứa? Hay phải chăng đó chỉ là những lời bàn suông, không có giá trị?.Trong lần họp này, ông Gorbachev đã trả lời không mấy cương quyết rằng dĩ nhiên NATO phải hứa sẽ không được mở rộng thêm ảnh hưởng sang khối Đông Âu. Nếu như ông Baker đưa ra lời để cung khác, có lẽ ông ấy không nhắc lại cho rõ lời đề cung của mình. Thực ra, Bạch Cung sau đó cũng có nghe nói về đề nghị của ngoại trưởng Baker trong cuộc hội kiến, và họ phải có trách nhiệm làm đúng lời cam kết. Hai tuần sau, trong cuộc họp ở Camp Davis, Tổng thống Bush nói với Thủ tướng Đức Kohl rằng ông có suy nghĩ về yêu cầu của phía Xô Viết xoay quanh vấn đề thống nhất nước Đức. Ông nói thêm: “Phía Xô Viết không còn ở vị thế ra lệnh cho nước Đức phải làm gì đối với khối NATO. Mặc xác chúng nó, không cần để ý đến đòi hỏi của họ.”.

Cứ như thế, Hoa Kỳ lấn bước thêm trong thế thắng lợi của mình. Trong lúc đó, ông Gorbachev đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn về kinh tế trong nước. Ông bèn phải chấp nhận một số trợ giúp về tài chính do ông Kohl đề nghị, cũng như một chút đảm bảo mơ hồ về an ninh. Ít lâu sau, Liên Bang Xô Viết không còn nữa, và ưu tiên hàng đầu của các nhà làm chính sách Hoa Kỳ là biến Liên Bang Xô Viết cũ bị giải giới vũ khí nguyên tử. Nước Ukraine, vừa được trả độc lập, bỗng dưng trở thành nước đứng hàng thứ ba trên thế giới về số vũ khí nguyên tử, và các nước phương Tây cùng ra sức thuyết phục nước này từ bỏ kho vũ khí nguyên tử của họ. Trong lúc đó, nhiều biến cố xảy ra ở các nước trong khối Đông Âu, biến chuyển hết sức nhanh.

Năm 1990, Franjo Tudjman đắc cử tổng thống nước Croatia, bắt đầu đòi hỏi độc lập cho nước Yugoslavia – Nam Tư-, và một cuộc chiến dữ dội, đẫm máu kéo dài đã xảy ra trên đất nước này.  Sau đó, đến tháng Hai năm 1991, các nhà lãnh đạo những nước Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc gặp nhau tại thành phố có nhiều lâu đài đẹp ở Budapest. Họ hứa sẽ cùng theo đuổi mục đích phát triển kinh tế và quân sự bằng cách kết nối với các định chế có sẵn ở Âu châu. Những nước này họp lại với nhau thành một nhóm riêng gọi là Visegrad Group, họ làm áp lực buộc các chính quyền ở Hoa Kỳ phải cho họ gia nhập tổ chức NATO- Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Họ lo ngại nội chiến, bạo động, xáo trộn có thể xảy ra giống như ở Nam Tư, hay tệ hơn nữa là giống tình hình ở nước Nga. Họ lý luận rằng nếu người Nga bị phá sản, họ sẽ nhờ NATO đứng ra bao bọc, nếu người Nga thoát khỏi nguy hiểm, liên minh Visegrad sẽ tự động giải thể, và phát triển lấy, chỉ gặp nhau mỗi năm một lần. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng không bị thiệt hại gì cả.

Một vài nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Bush và Clinton đòi đặt điều kiện ưu tiên là phải giúp nước Nga trở thành một quốc gia dân chủ, và sống chung hòa bình với các nước Âu châu. Chấp nhận các nước trong liên minh Warsaw Pact trước đây vào NATO có lẽ sẽ giúp làm hài lòng  những nhân vật chủ trương cứng rắn trong nội tình chính trị nước Nga. 

Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, rất nhiều cố vấn, chủ ngân hàng đầu tư, những chuyên gia phát triển dân chủ, hay cũng có cả những tên lừa đảo phương Tây đổ xô vào nước Nga làm ăn, và tìm cơ hội trục lợi. Có nhiều lời đề nghị mâu thuẫn,trái ngược nhau. Mặt khác, các quan chức Tây phương nhất định yêu cầu các nước Cộng Sản trước đây cần phải xây dựng chế độ dân chủ, và họ cung cấp nhiều loại viện trợ khác nhau để những nước này đi theo kinh tế thị trường. Giai đoạn chuyển đổi này thường được gọi là giai đoạn “shock therapy” giúp người dân nước này trải qua những đau thương mất mát, chuyển từ kinh tế chỉ huy tập quyền sang kinh tế tự do. Sở dĩ gọi là “shock therapy” vì trong giai đoạn này nhiều người bị mất việc làm, đồng tiền bị mất giá, nhiều ngành kỹ nghệ phải bán cho ngoại quốc, cuộc sống bị đảo lộn. Hệ thống chính trị khối Đông Âu nhớ mãi kinh nghiệm đau thương của giai đoạn khởi điểm này.

Ở hầu hết các nước Cộng sản cũ, câu chuyện chuyển đổi sang chế độ tự do dân chủ đều trải qua một số giai đoạn giống nhau: Sụp đổ, xáo trộn chao đảo, có sự xuất hiện của nhiều doanh nhân lưu manh, lừa đảo, bạo động, xã hội bị xáo trộn mạnh, sau đó mới từ từ ổn định, và tái xây dựng. Những nước ngày nay đã phát triển rất tốt, lành mạnh. Ba Lan là ví dụ điển hình, lợi tức tính đầu người của người dân ở đây gần bằng người dân Bồ Đào Nha. Nước Cộng Hòa Tiệp Khắc nổi tiếng với việc xuất cảng nhiều xe hơi nhỏ Skoda chạy khắp thế giới, và nước Estonia được khen là có hệ thống chính quyền sử dụng internet tốt nhất thế giới. Nhưng lợi lạc của sự chuyển đổi từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ không đồng đều tùy theo mỗi nước, và có rất nhiều đau thương thiệt hại xảy ra. 

Riêng tại nước Nga, sự cải cách chuyển đổi diễn ra theo một trình tự kinh hồn, và không giống các nước khác. Nội các đầu tiên thời hậu cộng sản của tổng thống Boris Yeltsin được lãnh đạo bởi kinh tế gia trẻ tuổi tên là Yegor Gaidar. Ông này chủ trương cải tổ mạnh, cấp kỳ. Chỉ trong vòng vài tháng, ông đã làm thay đổi hoàn toàn nền kinh tế khổng lồ của nước Nga, để giá cả được tự do lên xuống, chấm dứt việc đặt quan thuế biểu đối với hàng hóa nước ngoài, và đưa ra chính sách cung cấp quyền sở hữu công ty quốc doanh cho nhiều tư nhân. Hậu quả là rất nhiều công ty quốc doanh được giải tư, và chủ nhân mới của nhiều ngành công nghiệp được trao cho những nhân vật có quan hệ mật thiết với chính quyền, gọi là những “oligarchs”, những tay đại gia, thủ túc của chính quyền. Khi Quốc Hội Nga Xô Viết, lúc đó vẫn còn được gọi là Hội Đồng Xô Viết Tối Cao, dự tính thắng bớt quá trình giải tư thì chính Tổng thống Boris Yeltsin ra lệnh giải tán luôn cả Quốc Hội. Nhiều đặc điểm của chính sách cải tổ này là do chủ nghĩa Putin đề ra, gồm có việc trao rất nhiều quyền hành cho Tổng thống, một tổng thống siêu quyền lực, có rất nhiều điều bất bình đẳng, và người dân bình thường không được luật pháp bảo vệ đồng đều. Giai đoạn gọi là “cải cách” này xảy ra trong khoảng thời gian đầu thập niên 1990’s.

Phải chăng khi khuyên người Nga nên làm cuộc cải cách trên đất nước họ chúng ta đã đưa ra những lời khuyên quá dở, hay đó là những lời khuyên tốt nhưng bị người Nga đem ra áp dụng sai, kém cỏi? Và nếu như đó là những lời khuyên dở, liệu chúng ta có lợi dụng chúng để làm hại người Nga hay không? Hay thực ra chúng ta cũng không hiểu rõ mình đã làm gì trên đất nước Nga. Nhiều người Nga cho đến nay tin rằng những lời khuyên, góp ý của Tây phương chỉ làm hại họ thôi. Song lịch sử đã chứng minh thấy rằng lời oán trách đó là không đúng. Thu hẹp vai trò của chính quyền, giải tư nhiều dịch vụ công, và thị trường tự do đã từng được áp dụng từ lâu ở đất nước chúng ta, và đem lại kết quả tốt. Sử gia người Đức, ông Philipp Ther lý luận rằng nếu áp dụng những biện pháp cải cách ở Nga sớm hơn độ mười năm có lẽ tình hình đã khác hẳn, trước khi có sự xuất hiện của lý thuyết Washington Consensus, theo đó nhiều kinh tế gia hàng đầu trên thế giới vẫn tin vào lợi ích vô vị lợi của thị trường tự do. Hoặc là những cải cách này được áp dụng trễ một chút, khoảng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người ta mới tỉnh ngộ rằng chủ nghĩa tư bản không nên để tự do lộng hành.

Quay trở lại giai đoạn cuối nhiệm kỳ làm việc của ông Gorbachev, người ta đã bàn đến kế hoạch Marshall thứ hai dành cho siêu cường bị đánh bại, bị sụp đổ. Một nhóm chuyên gia hỗ hợp Mỹ Nga do kinh tế gia Grigory Yavlinsky đứng đầu cùng với một giáo sư chính trị học của trường Harvard, ông Graham Allison đề nghị kế hoạch gọi là Great Bargain, bao gồm gói viện trợ khổng lồ cho Liên bang Xô Viết, nhưng kèm theo những điều kiện nước Nga sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, giải giới vũ khí nguyên tử. Nói tóm lại, theo sử gia Zubok, gói viện trợ Great Bargain sau khi thực hiện sẽ biến nước Nga trở thành một cường quốc hạng ba. Bởi vì đổ tiền của vào làm những cải cách theo kinh tế thị trường, nước Nga sẽ không còn tài nguyên cho quốc phòng. 

Nói rằng những lời cố vấn và hành động của Mỹ theo kế hoạch Great Bargain sẽ gây tổn hại cho nước Nga, kế hoạch đó cũng gây tổn thất cho phe Tây phương. Tác giả Jessica Spencer trong cuốn sách tựa đề: “How the West Lost the Peace?” mô tả về những điêu đứng, gia khổ mà các nước trong khối Đông Âu phải trả qua trong giai đoạn cải cách. Nhiều người bị mất việc. Ví dụ ở Ba Lan, trước khi thành công, dân chúng nước này phải trải qua giai đoạn khổ sở điêu đứng vì những cải cách về cơ cấu chưa có sẵn, dân chúng thất nghiệp, nông trại phải bá, nhiều xí nghiệp kỹ nghệ phải bán cho ngoại quốc. Vì những điêu đứng đó, xu hướng chính trị cực hữu, tinh thần quốc gia, xuất hiện, chẳng hạn Đáng Law and Justice đua ra đề nghị cấm tuyệt đối không cho phá thai từ năm 2020. Cùng lúc đó, nhiều người Ba Lan bỏ trốn sang các nước phương Tây, trong đó có nước Anh. Từ đó, nảy sinh ra xu hướng bài ngoại ở Anh quốc, và đưa đến phong trào Brexit, rút chân ra khỏi liên hiệp  Âu châu. 

Những cải cách vừa kể không những đưa đến những đau thương về tài chính, nó còn đưa đến tình trạng mất thế đứng trong xã hội, và mất cả niềm hy vọng. Con số thống kê về kinh tế không thể diễn tả được hết những đau thương trừu tượng này. Những năm đau thương nhất cho người dân Nga là khoảng thời gian từ 1988 đến 1998. Sau đó, đồng Rúp của Nga được định giá lại, và hàng xuất khẩu mới bắt đầu tăng trở lại, giá dầu tăng, mặc dù có nhiều vụ ăn cắp của công ở cấp lãnh đạo cao, nhưng nhờ dầu hỏa, và xuất cảng nên xã hội được cải tiến. Nhưng hậu quả của thời kỳ chuyển tiếp đau thương lắm, không thể kể sao cho xiết. Tuổi thọ người dân Nga bị sụt giảm 5 năm, rất nhiều người phải dời chuyển nơi sinh sống. Cuối cùng thì mọi người cùng hướng về một nhân vật để ủng hộ, có người còn yêu qúy nhân vật đó. Nhân vật đó tên là Vladimir Putin, một cựu nhân viên tình báo KGB, một nhân vật không có một nét hào hoa đặc biệt, nhưng lại là một con người có nhiều năng lực, sung mãn. 

Thiên hạ thường có hai quan điểm về ông Putin. Một quan điểm cho rằng ông là một chính khách thực tiễn, làm hết sức mình cho nước Nga trong mọi hoàn cảnh, khó đến mấy đi chăng nữa, cũng ráng làm cho bằng được. Một quan điểm khác thì cho rằng ông là một con người lý tưởng, có tham vọng muốn phục hồi Đế Quốc Xô Viết thời trước năm 1945. Nếu như nước Nga có một người lãnh đạo khác, với đường lối cai trị và tham vọng khác, có lẽ tình hình đã không giống như hiện nay. Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời, mặc dù nên được đặt ra. 

Tác giả Philip Short, trong cuốn sách tựa đề “Putin” xuất bản vào mùa hè năm nay, là cuốn sách chúng ta nên đọc để biết về nhà lãnh đạo Nga. Cuốn sách được nhà xuất bản Holt phát hành, và là cuốn sách viết về tiểu sử của ông Putin bằng tiếng Anh đầy đủ nhất. Tác giả đã cố gắng tìm hiểu quan điểm của nhân vật chính trị này với những miêu tả đầy cảm tình về ông Putin. Tác giả Short cho biết ông Putin đã nói về con người của mình như sau: Ông là sản phẩm của một gia đình lao động yêu nước trong xã hội Xô Viết, Khi còn nhỏ, Putin là một học sinh ít nói, lạnh lùng, thích đánh nhau ngoài đường phố. Cậu học sinh Putin có sự đam mê về môn võ judo, và tin rằng mình sẽ tiến xa trong tương lai nhờ võ nghệ. Cuối cùng, khi lớn lên, Putin lại có đam mê khác là đi làm gián điệp, mật vụ, và đến năm cuối ở đại học thì cậu được KGB tuyển dụng. Tác giả Short nói ở cơ quan KGB, Putin chỉ là một sĩ quan tầm thường, bậc trung, và đến năm 1985 thì được bổ nhiệm sang làm việc ở Đông Đức. Theo tiêu chuẩn của các điệp viên ở KGB, đây là nhiệm sở tầm thường, xa trung tâm quyền lực, không có gì béo bở. Song cũng từ đó, đứng ở xa, Putin quan sát rõ từng bước sự sụp đổ của quyền lực Xô Viết, và ông ta cảm thấy đau lòng về những điều ông trông thấy. 

Putin trở lại Leningrad vào năm 1990. Giống như ngày xưa, khi nước Nga đang bị người Mông Cổ cai trị, nước này không có cơ hội phát triển văn minh giống như Âu châu thời Phục Hưng, Putin đã mất cơ hội được sống trong giai đoạn cực kỳ lãng mạn ở Nga khi đang có cuộc cải cách cơ cấu xã hội- perestroika. Lúc ông trở về Nga, thì đất nước của ông đang ở hoàn cảnh tan nát, đau thương. Tác giả Short đoan chắc rằng chính Putin đã được KGB cài đặt để xâm nhập vào “phong trào dân chủ” . Nếu đúng như vậy thì Putin quả là một điệp viên xuất sắc. Ông ta đã thành công trong nhiệm vụ của mình. Chỉ trong vòng vài năm, ông đã trở thành phụ tá cho Thị trưởng Anatoly Sobchak, một người hùng trong thời kỳ cải cách cơ cấu perestroika. Ở St Petersburg, ông Putin là một công chức siêng năng, làm việc nghiêm túc, và không tham nhũng. Tác giả Philip Short  cũng ghi nhận rằng Putin có mối quan hệ mật thiết với các nhóm băng đảng tội phạm trong thành phố. Quan hệ này được ông sưu tầm và có bằng chứng rõ ràng. Tác giả Short cũng ghi nhận rằng trong giai đoạn này, Putin thường tiếp xúc với nhiều nhà ngoại giao ngoại quốc, vì Putin phụ trách về giao dịch kinh tế với nước ngoài tại văn phòng thị trưởng. Đa số các nhân vật ngoại quốc tiếp xúc với Putin đều khen ngợi Putin là người đàng hoàng, làm việc giỏi, đứng đắn,nhưng họ không nhận ra Putin có những nhược điểm riêng của ông ta. Một lãnh sự người Đức đã nghe được chính Putin than thở, và tức giận khi thấy nước Estonia trở thành một nước cộng hòa độc lập. Theo Putin đó là chuyện “ngớ ngẩn” nực cười, và Putin đã tuôn ra lời chửi thề tục tĩu. 

Việc Putin trở thành Tổng thống theo nhiều quan sát viên là chuyện hết sức tình cờ. Chỉ trong vòng bốn năm, Putin đang từ tình trạng một công chức thất nghiệp nhảy vọt lên chức vụ cao nhất nước. ( Putin bị thất nghiệp khi ông Sobchak thất cử trong cuộc bầu cử năm 1996). Sự kiện Putin thăng quan tiến chức rất nhanh có những lý do hết sức ly kỳ khi chúng ta kết nối diễn tiến của sự việc. Khá nhiều lần, Putin được ở vào vị trí đúng, và thời điểm đúng lúc, thuận lợi cho con đường sự nghiệp của ông ta. Putin biết lấy lòng sếp của mình bằng nhiều hành động xuất sắc, và lòng trung thành của mình. Ngược lại, kẻ nào phản bội, không nghe lời Putin kẻ đó sẽ bị trừng trị ngay tức khắc. Lấy trường hợp tay đại gia – oligarch- Boris Berezovsky khi ủng hộ Putin thì được đãi ngộ rất tốt, khi không còn nghe lời Putin thì bị đầy đi thật xa, và cho chôn xuống mộ sâu ngay lập tức. Rất nhiều thuộc hạ khác đều lãnh những hậu quả tương tự nếu làm điều gì khuất tất, qua mặt Putin. 

Đối với nhiều người Nga, việc ông Boris Yeltsin thoái vị để nhường chức vụ Tổng thống cho cựu Trung Tá KGB mà ông hết mực yêu mến đánh dấu sự chấm dứt của trào lưu dân chủ, và sáng kiến đưa nước Nga đến gần với phương Tây. Một số người khác lại nói rằng trào lưu dân chủ đã kết thúc sớm hơn nữa, từ cái ngày mà ông Yeltsin ra lệnh tấn công  vào Quốc Hội, hay Nghị Viện Tối Cao Xô Viết, và những lần lính Nga tiến đánh vùng núi cao ở Chechnya. Một số người khác tin rằng lẽ ra chế độ dân chủ vẫn có thể được phục hồi mười năm sau khi Putin lên cầm quyền. Có hai sự kiện luôn luôn đúng. Một là ông Putin nắm rất vững nội tình chính trị dòng chính của nước Nga, thứ hai nữa là nước Nga nằm ở vị thế địa chính trị hết sức đặc biệt: nước Nga nằm giữa một bên khối Âu châu năng động và bên kia là một nước Trung Hoa đang trỗi dậy để trở thành cường quốc kinh tế. Putin cũng nhận thức được rằng chính quyền nhà nước không cần phải tái lập giống như thời Liên Bang Xô Viết sau khi nó bị sụp đổ hơn một thập niên trước. Còn một điều khác cũng nên đề cập đó là thói quen giải quyết những vấn đề khó khăn của ông Putin. Ông là là một nhà lãnh đạo hung dữ, ác độc, ưa dùng bạo lực để giải quyết thật nhanh, thật gọn những xung đột trước mắt. Càng ngày ông càng tỏ ra hết sức hung hăng và dữ tợn đến nỗi những tay chân bộ hạ thân tín của ông phải khiếp sợ và tìm cách xa lánh khỏi tầm ngắm của ông.

Thỉnh thoảng có lúc tác giả Philip Short  tin rằng việc Putin nắm quyền là để nước Nga sẵn sàng làm việc với phương Tây. Trong lần họp đầu tiên với Bill Clinton đôi bên có những giây phút thảo luận khá căng thẳng, đến nỗi ông Clinton phải than thở với ông phụ tá Strobe Talbott ông tiếc nhớ những ngày còn làm việc chung với ông Boris Yeltsin. Nhưng ông Putin lại có những giây phút đầm ấm hơn với Tổng thống George W. Bush, đến nỗi ông Bush phải nói rằng ông đã nhìn thẳng vào mắt Putin và thấy rõ tấm lòng của ông ta. Vài tháng sau, chính Putin là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên nhấc điện thoại gọi điện thoại hỏi thăm ông Bush sau biến cố 11 tháng Chín.  Ông Putin cũng hết lòng ủng hộ nước Hoa Kỳ khi nước Mỹ đem quân đi xâm chiếm Afghanistan, và ở giai đoạn đầu ông Putin không than phiền nhiều về việc khối NATO bành trướng ảnh hưởng. Lúc bấy giờ, năm 1999, dưới thời ông Clinton, hầu hết các nước trong nhóm Visegrad đã gia nhập tổ chức NATO, hai nước ở vùng Baltic cũng sắp sửa xin vào NATO. Nhưng sau năm 2001, quan hệ giữa Hoa Kỳ và ông Putin bắt đầu suy giảm. Nhà lãnh đạo Nga không ưa chính sách “Freedom Agenda” của chính quyền Bush, thể hiện qua việc xâm lăng bằng vũ trang toàn diện ở Iraq hay các “cuộc cách mạng màu” diễn ra ở hai nước Georgia và Ukraine. (Trường hợp xảy ra cách mạng ở hai nước này quả thực Hoa Kỳ đã nhảy cẫng lên vì vui mừng). Putin hết sức bất mãn, tức giận khi phe Tây phương liên tiếp đã kích cuộc chiến giữa Nga với nhóm Chechnya đòi ly khai. Theo quan điểm của ông, nước Nga đánh bọn ly khai Chechnya cũng giống hệt như việc Tây phương đánh bọn khủng bố. Trước đây, Nga đã ủng hộ Hoa Kỳ trong việc Mỹ đem quân sang Afghanistan, vì thế Putin tức giận vô cùng khi Hoa Kỳ và nước Anh từ chối không chịu giao những tay lãnh tụ nhóm Chechen cho Nga xử tội. 

Giả sử như có trường hợp lịch sử trớ trêu chứng kiến hai nước Nga và Mỹ cùng hợp tác với nhau trong cuộc chiến tranh chống khủng bố thì hay biết mấy? Khi đó, Hoa Kỳ sẽ có rất nhiều địa điểm để gài điệp viên CIA trên đất nước Nga, nhưng rất khó để người Nga hoạt động trên đất Mỹ dưới thời chính quyền của ông Bush con và Dick Cheney. Qua đến năm 2004, Putin công khai tố cáo phe Tây phương đã cộng tác với bọn khủng bố Chechen. Ông ta cũng bắt đầu than phiền rất nhiều về sự lấn lướt, bành trướng vùng ảnh hưởng của khối NATO. Năm 2007, trong bài diễn thuyết đọc tại hội nghị an ninh Munich, Putin chính thức tuyên bố ly khai khỏi phương Tây. 

Putin gặp may mắn. Lúc đó giá dầu hỏa tăng rất cao, và nước Nga bỗng dưng trở nên giàu có. Tại thử đô Mạc Tư Khoa, nhà hàng ăn, quan cà phê rộn ràng mở ra rất nhiều giống như thủ đô các nước Âu châu. Song những hình ảnh đó chỉ là che đậy, giả dối. Thực ra, lúc bấy giờ nước Nga đang âm thầm tái vũ trang, và họ đang ráo riết chuẩn bị cho ngày phục thù. Nước Nga từ từ lún xuống vực sâu của thù hận.

Tuy nhiên, mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đã tiếp diễn đến năm thứ hai, người ta nhớ lại trước đây có những giai đoạn tình hình khác với hiện nay rất nhiều. Đó là những năm mà ông Dmitry Medvedev, phụ tá của Putin được giao cho làm Tổng thống nước Nga. Lúc đó, nước Nga hòa hoãn và bớt chỉ trích thế giới. Nhiều chính sách của ông Putin vẫn tiếp tục được tiến hành, nhưng chính ông đã lên án cuộc chiến tranh với nước Georgia hồ tháng Tám năm 2008. Ông Medvedev theo đuổi chính sách cởi mở và cấp tiến hơn. Ông hợp tác với chính quyền Obama, và ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan. Lúc bấy giờ ông Putin giữ vai trò Thủ tướng, song ông cũng báo cho mọi người biết ông có thể quay trở lại nắm quyền bất cứ lúc nào. Ông để mặc cho ông Medvedev điều hành nhiều chính sách đối nội, nhưng về đường lối đối ngoại thì phải hỏi ý kiến của ông. Khi Hoa Kỳ đồng bảo trợ quyết định của Liên Hiệp Quốc che chở cho lực lượng nổi dậy chống Muammar Gaddafi ở Libya, lẽ ra Nga phải bỏ phiếu phản đối, nhưng ông Medvedev đã ra lệnh cho đại diện của Nga ở Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu trắng. Khi ông Putin lên tiếng công khai phản đối thì ông Medvedev trách mắng ông Putin. Theo tác giả Short đây là hành động chính trị “tự sát”. Khi lực lượng quân sự quốc tế do NATO lãnh đạo can thiệp vào Libya, Gaddafi bị bắt và bị quân phiến loạn giết chết. Trước đó, Gaddafi đã hợp tác với các tổ chức quốc tế  trong cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, Hình ảnh quân phiến loạn xử tử Gaddafi được phóng lên trang mạng xã hội, và ông Putin xem đi xem lại nhiều lần. Ông tức giận vô cùng. Vài tháng sau, khi máy bay của NATO ném bom xuống Tripoli, ông Putin tuyên bố ông sẽ trở lại làm Tổng thống. 

Năm năm trước đây, một nhà ngoại giao Mỹ- ông William Hill- rất am tường về nội tình nước Nga, đã viết cuốn sách tựa đề là “No Place for Russia”. Theo đó, ông phân tích rằng Nga không có chỗ đứng trong tổ chức Liên Âu (EU) bởi vì tổ chức này lớn quá. Nga cũng không được làm hội viên của NATO vì đây là Liên Minh Quân Sự chống Nga. Trong lúc đó, chỉ có hai tổ chức cho Nga có tiếng nói ngang hàng với các cường quốc khác đó là Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Âu châu. Hai tổ chức này lại tìm cách để cho Nga đứng ngoài lề. Khi NATO ngày càng bành trướng mạnh hơn, thì Nga bắt buộc trở thành yếu kém hơn. Không có đường nào khác. 

Sức mạnh của Hoa Kỳ vào giai đoạn này thật là to lớn, vĩ đại. Trong lúc đó sức mạnh của Nga ngày càng suy giảm, đến nỗi bất cứ hành động nào của Mỹ cũng bị người Nga xem là có ý đồ khiêu khích. Một số hành động của Mỹ rõ rệt là ích kỷ, và có ác ý. Một số hành động khác không có nhiều tác dụng nhưng có hậu ý đằng sau. Một số nhà làm chính sách Mỹ lại không có chọn lựa nào khác, buộc họ phải làm như vậy. Những hành động của Mỹ thường diễn ra ở các nước nằm trên vùng lãnh thổ của đế quốc Nga trước đây. Từ đó, một sợi dây vô hình làm rạn nứt quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Những nhà nghiên cứu chính trị thế giới như Timothy Colton, và Samuel Charap gọi những nước này “nằm ở giữa” hai lằn đạn. Đó là các nước Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova và đặc biệt là nước Ukraine.

Mùa đông năm 2004-05, Putin đứng quan sát, lòng đau như cắt, nhưng không làm gì được, cảnh hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô Kiev đòi hỏi hủy bỏ kết quả bầu cử vì gian lận, đưa ông Viktor Yanukovych làm Tổng thống nước Ukraine. Trong cuộc bầu cử lần sau, ông Yanukovych lại bày mưu tính kế để được tái đắc cử, nhưng đến năm 2014 số người biểu tình phản đối ông lớn vô cùng. Họ phản đối ông vì ông không chịu ký hiệp định gia nhập với các nước trong khối Liên Âu. Lần này người dân biểu tình phản đối thành công, và đuổi ông ra khỏi dinh tổng thống. Cùng ngày hôm đó, lính Nga che dấu quân phục xông vào xâm chiếm vùng Crimea. Cuộc xâm lăng nước Ukraine bắt đầu từ đây.

Từ việc cùng nhau cải tổ, chúng ta đòi phải áp dụng chính sách kinh tế thị trường trong khối Đông Âu. Chúng ta đã áp đặt chính sách đó một cách thô bạo, để rồi chúng ta biến nước Nga thành một con quái vật khổng lồ. Ngày nay chúng ta tự biến mình thành con quái vật trên chiến trường, chúng ta phải vội vàng sản xuất vũ khí, bom đạn bán sang Âu châu, chúng ta vui mừng trước cái chết của lính Nga, và phải tiêu hàng tỷ đô la vào chi phí quốc phòng ở Hoa Kỳ cũng như ở Âu châu, và tạo ra không khí của cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ hai. Tất cả chỉ vì chúng ta đã sai lầm, thất bại trong việc duy trì nền hòa bình sau khi cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ nhất kết thúc. 

Quá trình phát triển ở nước Nga thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh diễn thật ra không phải là do hậu quả của hành động hay âm mưu của phương Tây. Quan chức Nga, với những chọn lựa rất hạn chế, đã lựa con đường họ đi, cách ứng xử theo lối của họ. Họ không thể làm khác đi được. Việc Nga xâm lăng Ukraine từ tháng Hai năm 2022 cũng giống như việc Hoa Kỳ xâm lăng Iraq hồi năm 2003. Liệu có con đường nào khác để nước Nga chọn lựa không?

Trong cuốn sách của Sarotte viết về NATO, bà lý giải rằng nếu như việc bành trướng liên minh NATO diễn ra chậm đi một chút, sẽ khiến cho nội tình chính trị nước Nga bị tổn thất bớt đi, có lẽ nước Nga sẽ hợp tác với Tây phương. Phải chi thay vì vui mừng trước thắng lợi của phe Tây phương, chúng ta nên bình tâm suy xét về những lợi lạc của cuộc cách mạng tiến về chế độ dân chủ thực hiện ở Nga vào năm 1989- năm ông Gorbachev đề ra đường lối cải tổ cấu trúc- có lẽ tình hình đã khác đi rất nhiều. Cuốn sách của Zubok khi bàn về cái chết của Liên Bang Xô Viết, ông nhận xét về các quan chức lãnh đạo Mỹ như các ông Scowcroft, Baker và Bush là những người sâu sắc, có suy nghĩ chín chắn, và rất nhân ái, nhưng cuối cùng họ vẫn giữ chặt lá bài chủ yếu, và tiền đô la thật chặt trong túi áo vét của họ. Mọi người sống trong khối Xô Viết trước đây đều nhìn về Hoa Kỳ như niềm hy vọng, sự hướng dẫn để đi theo. Chưa bao giờ uy tín, hào quang của Hoa Kỳ lên cao đến như vậy ở khu vực Đông Âu. Chúng ta có một vốn liếng đạo lý hết sức to lớn, ảnh hưởng đến người dân ở đây. Nhưng chúng ta đã làm được gì?

Cuối cùng thì Tây phương vẫn chọn con đường của phương Tây. Chúng ta ban bố những mệnh lệnh khi chúng ta được phép làm, và chúng ta xâm nhập sâu vào khi chúng ta có thể làm được. Nói cách khác, chúng ta vẫn duy trì cấu trúc có sẵn, và tiếp tục mở rộng them khi nào có thể làm được. Chúng ta không sáng tạo ra cấu trúc mới, hay chống lại cấu trúc cũ. Trở lại thời kỳ năm 1990, ba tháng sau khi cuộc họp cam kết sẽ không “lấn thêm một tấc đất”, ông Gorbachev đã đắn đo khi dùng chữ, đề nghị với ngoại trưởng Mỹ Baker về một cuộc sắp xếp cho an ninh xuyên Âu châu mới- new pan-European security arrangement. Ông ngoại trưởng Mỹ trả lời một cách lịch sự, lễ phép, nhưng cũng rất cứng rắn: “Đó là một ước mơ xuất sắc, nhưng cũng chỉ là một ước mơ mà thôi.”

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 19/6/2023