Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng vaccine sốt rét thứ hai

0
427

Tổ chức Y tế Thế giới đã cấp phép cho loại vaccine sốt rét thứ hai vào thứ Hai, một quyết định có thể mang lại cho các quốc gia một lựa chọn rẻ hơn và sẵn có hơn so với loại vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại bệnh ký sinh trùng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đang phê duyệt vaccine sốt rét mới dựa trên lời khuyên của hai nhóm chuyên gia, khuyến nghị sử dụng vaccine này ở trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.

Ông Tedros nói rằng: “Là một nhà nghiên cứu về bệnh sốt rét, tôi từng mơ đến một ngày chúng ta sẽ có một loại vaccine chống bệnh sốt rét an toàn và hiệu quả. Bây giờ chúng tôi đã có cả hai,”

Đại học Oxford đã phát triển loại vắc xin ba liều mới với sự trợ giúp của Viện Huyết thanh Ấn Độ. Nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả hơn 75% và khả năng bảo vệ đó được duy trì trong ít nhất một năm nữa với liều tăng cường. Tedros cho biết loại vắc xin này sẽ có giá khoảng 2 đến 4 USD và có thể có mặt ở một số quốc gia vào năm tới nếu các nhà tài trợ đồng ý mua nó.

Đầu năm nay, các cơ quan quản lý ở Ghana và Burkina Faso đã phê duyệt loại vaccine này.

John Johnson của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới cho biết rằng: “Đây là một công cụ nữa mà chúng tôi sẽ có, nhưng nó sẽ không thay thế màn ngủ và phun thuốc trừ sâu. Đây không phải là loại vaccine có thể ngăn chặn bệnh sốt rét.”

Johnson không thuộc nhóm chuyên gia của WHO đã bật đèn xanh cho vaccine Oxford.

Vào năm 2021, WHO đã phê chuẩn vaccine sốt rét đầu tiên trong nỗ lực được tổ chức này mô tả là nỗ lực “lịch sử” nhằm chấm dứt thiệt hại nặng nề mà căn bệnh lây truyền qua muỗi gây ra ở Châu Phi, nơi có khoảng 200 triệu ca mắc bệnh và 400.000 ca tử vong trên thế giới.

Nhưng loại vaccine đó, được gọi là Mosquirix và do GSK sản xuất, chỉ có hiệu quả khoảng 30%, và cần đến bốn liều và khả năng bảo vệ sẽ mất dần trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO cho biết dữ liệu cho đến nay về vắc xin do GSK và Oxford phát triển không cho thấy loại vắc xin nào hiệu quả hơn.

Quỹ Bill & Melinda Gates, một trong những người ủng hộ lớn nhất cho vắc xin GSK, đã rút lui khỏi việc hỗ trợ tài chính cho việc triển khai Mosquirix vào năm ngoái, nói rằng nó kém hiệu quả hơn những gì các quan chức mong muốn và nguồn tài trợ đó sẽ được sử dụng tốt hơn ở nơi khác.

Johnson cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất của hai loại vắc xin này là khả năng tiếp cận, đồng thời lưu ý rằng chỉ có khoảng một chục quốc gia dự kiến ​​nhận được số lượng hạn chế vaccine GSK trong vài năm tới.”

GSK cho biết họ chỉ có thể sản xuất khoảng 15 triệu liều mỗi năm. Nhưng với Viện Huyết thanh cho biết họ có thể sản xuất tới 200 triệu liều vaccine Oxford mỗi năm.

Alister Craig, giáo sư danh dự tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết ông sẽ khuyến nghị các quốc gia đang cố gắng có vaccine GSK chuyển sang vaccine Oxford để thay thế.

Craig cho biết, nếu vaccine mới được khai triển rộng rãi trên khắp châu Phi, nó có thể làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh nặng và tử vong do sốt rét trong một vài năm.

Cả hai loại vaccine sốt rét đều không ngăn chặn được sự lây truyền nên chỉ riêng các chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để ngăn chặn dịch bệnh. Những nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này cũng đang trở nên phức tạp do ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng kháng thuốc đối với các loại thuốc chính dùng để điều trị bệnh sốt rét và sự lây lan của các loài muỗi mới.

Craig nói rằng: “Xin đừng nghĩ rằng, loại vaccine này sẽ là dấu chấm hết cho câu chuyện về bệnh sốt rét.”

Trong một quyết định riêng biệt, nhóm chuyên gia của WHO cũng cấp phép cho vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất, loại vắc xin này trước đó đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu phê duyệt.

Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh sốt xuất huyết, bệnh thường gặp ở các nước châu Mỹ Latinh và châu Á nhiệt đới. Trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều ở mức độ nhẹ, các trường hợp nghiêm trọng của bệnh do muỗi truyền có thể dẫn đến chảy máu trong, tổn thương nội tạng và tử vong.

Các nhóm chuyên gia của WHO khuyến cáo nên sử dụng vaccine sốt xuất huyết Takeda cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi ở các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy vắc xin của Takeda có hiệu quả khoảng 84% trong việc ngăn ngừa bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết và khoảng 61% hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng sau 4 năm chích.

Gần 1.000 người đã thiệt mạng vì bệnh sốt xuất huyết trong năm nay trong một trận dịch đang diễn ra ở Bangladesh, nơi dịch bệnh bùng phát tồi tệ nhất ở nước này.

Việt Linh (Theo Euro News)