Vì sao Trump miễn nhiễm với Mục 3, Tu chính án thứ 14?

0
2280

Hai tổ chức Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức gọi tắt là CREW) và Mi Familia Vota nằm trong số các nhóm và học giả pháp lý khác nhau trích dẫn Mục 3 của Tu chính án thứ 14 cấm giữ chức vụ của bất kỳ ai đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ và sau đó “tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn” để khẳng định rằng Trump và một số đảng viên Cộng hòa trong quốc hội lưỡng viện không thể tiếp tục phục vụ trong chính phủ vì cuộc tấn công ở Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021. Họ đã nêu bật 7 trường hợp bị loại trong quá khứ trong một báo cáo hôm thứ Sáu.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, những người ủng hộ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol Hoa Kỳ, tấn công dã man các sĩ quan của Cảnh sát Điện Capitol và lực lượng cảnh sát địa phương, đồng thời tìm cách phá vỡ việc kiểm phiếu đại cử tri hợp pháp. Trong những cuộc biểu tình chính trị, Trump hứa sẽ ân xá cho họ nếu ông ta được tái đắc cử. Một phong trào bạo lực do một tổng thống lãnh đạo, người yêu cầu lật ngược các cuộc bầu cử, và hứa sẽ sử dụng quyền lực chính thức để bảo vệ những người đã hỗ trợ ông ta làm đảo chính, đó chính là một mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ Mỹ.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Giữa cuộc tranh luận về khả năng truy tố Trump với tội kích động bạo loạn ở Điện Capitol, những người có trách nhiệm thuộc đảng Dân chủ khi còn nắm thế đa số trong 2 năm trời đã ít chú ý đến một con đường ngắn nhất và rõ ràng, hợp pháp mà Quốc hội có thể thực hiện để bảo vệ nền dân chủ lập hiến khỏi mối đe dọa của Donald Trump và những người ủng hộ ông ta.

Quốc hội đã thông qua Đạo luật Thực thi năm 1870, cho phép Bộ Tư pháp đệ đơn kiện liên bang để truất phế, lật đổ các quan chức nổi dậy theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14. Bộ Tư pháp đã từng đưa ra các hành động chống lại các cựu lãnh đạo của Liên minh miền Nam trên toàn quốc, bao gồm một nửa số thẩm phán trong Tòa án Tối cao của tiểu bang Tennessee. Kể từ đó, Mục 3 của Tu chính án thứ 14 đã ít khi đem ra sử dụng vì những người giữ chức vụ công đã biết sợ uy lực của Mục 3 này, đây là một minh chứng cho sự hiếm hoi của các cuộc nổi dậy trong quá khứ, cho mãi đến cuộc đảo chính hụt của Trump xảy ra thì không ai muốn đem ra sử dụng, phải chăng họ sợ Trump vì những lý do nào đó.

Một đạo luật loại bỏ những người nổi dậy ngày 6 tháng Giêng khỏi chức vụ có nhiều hình thức khác nhau. Một, sẽ là liệt kê lập pháp các cá nhân nổi dậy, một lựa chọn mà các nhà soạn thảo Mục 3 dường như đã dự tính. Tuy nhiên, cách tiếp cận tốt nhất sẽ là ủy quyền của Quốc hội cho Bộ Tư pháp nộp đơn kiện để loại bỏ những người nổi dậy khỏi các văn phòng tiểu bang và liên bang theo Mục 3, con đường mà Quốc hội Tái thiết đã thực hiện liên quan đến các chính trị gia đương nhiệm.

Danh mục những kẻ đó rõ ràng bao gồm cả cái tên Donald Trump. Là tổng thống, ông ta đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp. Tuy nhiên, ông ta chính là động lực đằng sau những gì các công tố viên liên bang coi là một “cuộc nổi dậy bạo lực“. Ông đã kích động những người ủng hộ bằng những tuyên bố sai lầm trơ trẽn về một cuộc bầu cử bị đánh cắp. Ông ta khuyến khích họ làm gián đoạn quá trình kiểm phiếu của Quốc hội vào ngày 6 tháng Giêng. Trong khi cuộc nổi loạn đang diễn ra, ông ta từ chối thực hiện quyền hạn của mình với tư cách là tổng thống để bảo vệ Điện Capitol. Và bây giờ, ông ta đã lên tiếng hứa ân xá cho những người đã tham gia nổi loạn.

Mục 3 của Tu chính án thứ 14 có hiệu lực đối với bất cứ ai bao gồm cả tổng thống, từ bất kỳ văn phòng tiểu bang nào hoặc liên bang, bất kỳ ai tham gia hoặc ủng hộ một cuộc nổi dậy chống lại Hoa Kỳ đều bị quy kết trách nhiệm này. Quốc hội thuộc đảng Dân chủ nắm thế đa số trước đây đã không viện dẫn điều khoản này ngay khi quyền lực đang trong tay họ. Khiến việc thực hiện quy tắc này từ liên bang giờ đây đã không còn cơ hội khi quyền lực đang nằm trong tay đảng Cộng hòa khiến những tổ chức này giờ chỉ còn trông mong vào các tiểu bang.

Giám đốc của tổ chức Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức cho biết rằng: “Việc không quy trách nhiệm cho Donald Trump không chỉ vi phạm Hiến pháp mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm cho phép các cuộc tấn công bạo lực vào nền dân chủ của chúng ta sẽ tái diễn trong tương lai. Đó không phải là rủi ro mà chúng ta có thể chấp nhận.”

Hai tổ chức năng nổ này vận động từ lâu đã lập luận rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 về mặt pháp lý khiến ông ta không có đủ tư cách giữ chức vụ một lần nữa, họ đã lên kế hoạch đưa ra trường hợp đó bằng những cuộc biểu tình liên tục trong một tuần lễ và những khẩu hiệu, biểu ngữ bắt đầu vào Chủ nhật hôm nay.

Hai tổ chức này hiện đang tổ chức các sự kiện bên ngoài văn phòng Tổng thư ký hành chính của các tiểu bang ở California, Colorado, Georgia và Oregon. Giám đốc điều hành Mi Familia Vota Héctor Sánchez nói rằng: “Chúng tôi muốn chắc chắn loại được Trump tại những tiểu bang này, đó là điều mà các Tổng thư ký hành chính của các tiểu bang có thể làm. Mặc dù việc loại Trump – người đang tìm kiếm đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa cho năm 2024 – khỏi bất kỳ lá phiếu nào sẽ là điều chưa từng có, nhưng chúng tôi đã có một số cuộc gặp với các Tổng thư ký hành chính của các tiểu bang và chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với họ. Vì vậy, đó là một khả năng thực sự có thể dẫn đến thành công.”

Các nhà hoạt động cũng tập trung vào Nevada, và đã gửi một lá thư liên quan tới Tổng thư ký hành chính của tiểu bang, Cisco Aguilar vào tháng trước. Các sự kiện sắp tới sẽ trùng với lễ kỷ niệm 155 năm phê chuẩn sửa đổi vào Chủ nhật với khẩu hiệu rất rõ ràng, rằng: “Trump phải chịu trách nhiệm cho cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1, rõ ràng và đơn giản.”

Các cá nhân được Tổ chức CREW xác định bao gồm Couy Griffin, một người đàn ông ở New Mexico bị tòa án ra lệnh từ chức ủy viên Quận Otero vào năm ngoái sau khi tham gia cuộc nổi dậy tại điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021; Victor L. Berger, một nghị sĩ Wisconsin bị kết án theo Đạo luật Gián điệp mà Quốc hội đã từ chối ngồi vào ghế vào năm 1919; AF Gregory, một người quản lý bưu điện địa phương bị tổng giám đốc bưu điện loại bỏ vào năm 1871; và JD Watkins, người đã bị truất quyền làm thẩm phán tiểu bang ở Louisiana vào năm 1869.

Ngoài ra, như tổ chức CREW đã tìm thấy khi tìm hiểu các hồ sơ lịch sử, William L. Tate, Zebulon B. Vance và Kenneth H. Worthy—tất cả đều ở North Carolina—lần lượt bị loại khỏi chức vụ luật sư tiểu bang, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và cảnh sát trưởng quận vào những năm 1860 và những năm 1870 vì họ đã từng giữ các vị trí chính trị trong Liên minh miền Nam hoặc gia nhập quân đội của Liên minh miền Nam.

Tổ chức CREW cũng lưu ý rằng: Tiền lệ lịch sử cũng xác nhận rằng một cá nhân không cần phải bị kết án hình sự để bị loại theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14. Không ai chính thức bị loại theo Mục 3 bị buộc tội theo đạo luật hình sự “nổi loạn hoặc nổi dậy” (18 USC § 2383) hoặc các đạo luật trước đó. Thực tế này phù hợp với văn bản, lịch sử lập pháp và tiền lệ của Mục 3, tất cả đều làm rõ rằng không cần phải có tiền án hình sự đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào để không đủ điều kiện. Mục 3 không phải là hình phạt hình sự, mà là tiêu chuẩn để giữ chức vụ công ở Hoa Kỳ và đã được thi hành thông qua các vụ kiện dân sự tại tòa án tiểu bang, cùng các biện pháp khác.

Tương tự như vậy, tiền lệ xác nhận rằng một người nếu đã từng “tham gia” vào cuộc nổi dậy mà không cần đích thân thực hiện các hành vi bạo lực. Cả Kenneth Worthy và Couy Griffin đều không bị buộc tội tham gia vào bạo lực, nhưng cả hai đều bị loại vì họ cố ý và tự nguyện hỗ trợ các cuộc nổi dậy bạo lực.

Trở lại thời điểm hiện nay, mặc dù Donald Trump vẫn chưa bị buộc tội hình sự về vụ tấn công Điện Capitol, nhưng vẫn có khả năng ông ta sẽ phải đối mặt với cáo buộc do cuộc điều tra đang diễn ra của Cố vấn đặc biệt Jack Smith, người được Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland bổ nhiệm vào năm ngoái sau khi cựu tổng thống hai lần bị luận tội, chính thức công bố chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của mình.

Điều cần thiết là Quốc hội phải bảo vệ quốc gia chống lại một kẻ nổi dậy trong văn phòng tiểu bang hoặc liên bang nếu người đó trước đó đã tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp với tư cách là một quan chức nhà nước. Và Trump đã từng tuyên thệ như vậy, nên ông ta không thể được xem là ngoại lệ.

Lời kết:

Bất chấp rắc rối pháp lý của mình, Donald Trump, 77 tuổi, vẫn tiếp tục thống trị các cuộc thăm dò giữa các ứng cử viên Đảng Cộng hòa.

Câu hỏi gây khó chịu cho những người muốn thấy công lý được thực thi với bất cứ ai sông tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là, Hiến pháp đã quy định rõ ràng với Mục 3 của Tu chính án thứ 14, không cần thiết phải là người tham gia trực tiếp trong các cuộc bạo loạn nhưng vẫn bị quy trách nhiệm và bị cấm giữ chức vụ công. Trump cũng nằm trong trường hợp này, thế nhưng dường như chính quyền các tiểu bang và Quốc hội liên bang không ai muốn thúc đẩy lợi thế này để ngăn cản Trump ra tranh cử, nếu lợi thế pháp lý này được tận dụng đúng mức, Trump sẽ không được phép tranh cử và nắm giữ bất cứ chức vụ công nào, quá đơn giản nhưng tại sao những người có trách nhiệm lại không chọn cách thức đơn giản này.

Thật là khó hiểu cho giới tinh hoa chính trị, họ đang gặp khó với bài toán đố có tên Donald Trump.

Việt Linh, 09.07.2023