Trẻ Em Đi Làm Lao Động Ở Mỹ

0
3612

Có lẽ bạn tin rằng hiện tượng trẻ em phải đi làm đã hoàn toàn bị dẹp bỏ từ hơn một thế kỷ nay, ít nhất là tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này không bao giờ đúng cả. Vào thời kỳ chính sách New Deal được lập ra, đạo luật The Fair Labor Act được thông qua, và từ đó hành vi “cưỡng bách trẻ em lao động” bị xem là bất hợp pháp, ngoại trừ khu vực nông nghiệp, có một số hoạt động được xem là ngoại lệ, không bị ngăn cấm. Vì thế vẫn có hàng ngàn trẻ em làm việc ngoài cánh đồng. Việc áp dụng quy luật cấm trẻ em đi làm thay đổi tùy theo ngành kỹ nghệ, không đồng đều. Các tiểu bang  có toàn quyền linh động áp dụng luật về lao động của trẻ em, nhằm bảo vệ cho trẻ em. Tuy nhiên, việc đem luật lệ, tiêu chuẩn liên bang ra để đặt so chiếu, hay tranh tụng với luật của tiểu bang ít khi nào xảy ra. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Reagan, chủ trương bênh vực doanh nghiệp tối đa, một số tiêu chuẩn được giảm bớt, nới lỏng. Song việc hủy bỏ hoàn toàn tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em không thể làm được vì gặp phải sự chống đối của nhiều giới như của giáo chức, của phụ huynh, và nghiệp đoàn lao động, cũng như các dân biểu phe Dân Chủ. Họ sử dụng nguyên tắc Dickens để phản đối.

Tuy nhiên, ngày nay hiện tượng trẻ em phải đi làm việc đang có chiều hướng gia tăng. Theo tài liệu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, năm ngoái tổng số những trường hợp vi phạm luật lao động liên quan đến trẻ em tăng 37% so với năm trước, và tăng tới 283% so với năm 2015. (Những vi phạm này do cơ quan chính phủ cung cấp. Do đó, chắc chắn con số thực còn cao hơn rất nhiều). Hiện tượng số vi phạm luật lao động trẻ em tăng vọt lên là do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Số một là các công ty doanh nghiệp thiếu công nhân, rất muốn tuyển dụng nhiều công nhân để làm việc, kể cả những việc nguy hiểm, với đồng lương thấp. Nguyên nhân thứ hai là có những đợt di dân lớn với nhiều “trẻ em không có người giám hộ đi kèm theo” do bọn buôn người đem di dân vào nước Mỹ. Nguyên nhân thứ ba là có một số quốc hội tiểu bang làm ra luật giảm bớt những tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến trẻ việc em đi làm, vì họ bị áp lực của nhiều nhóm kỹ nghệ, và đôi khi họ cũng muốn chống lại quyền hạn của liên bang.

Theo một phúc trình của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế, trong hai năm vừa qua, có ít nhất 14 tiểu bang đã ban hành, hay đề nghị luật mới nhằm sửa đổi những quy định về việc bảo vệ trẻ em. Ví dụ điển hình là luật mới nới rộng số giờ làm việc cho trẻ vị thành niên, bỏ bớt những hạn chế việc làm nguy hiểm, có hại cho thân thể, hạ giảm số tuổi được phép đi làm của trẻ em. Các em có thể dọn dẹp bàn ăn, kể cả những bàn có phục vụ rượu, và đặt ra mức lương tối thiểu phụ. Ở Iowa, luật mới cho phép trẻ em ở tuổi 14 được phép làm trong xưởng giặt quần áo, với giấy phép do một cơ quan tiểu bang cấp. Hay cho phép trẻ em 16 tuổi được làm việc lợp mái nhà, đào đất tráng xi măng, hốt đất đổ rác, và điều khiển những máy chạy bằng điện, và nhiều nghề nguy hiểm khác mà lẽ ra chỉ dành cho những công nhân lớn tuổi hơn mới được làm. Bà Jennifer Sherer, tác giả phúc trình của Viện Nghiên Cứu Chính sách Kinh Tế nói: “Luật mới ở Iowa có nhiều điểm đi ngược lại những điều ngăn cấm của Luật Liên Bang nhằm ỏ vệ cho trẻ em.”. Ngoài ra, luật mới còn giới hạn trách nhiệm của chủ nhân khi xảy ra tai nạn, đau ốm, hay tử vong cho người công nhân trong lúc làm việc. Thường trẻ em gần tuổi trưởng thành dễ bị thương tật nhiều hơn người trưởng thành trong lúc làm việc. 

Nhiều lý do được đưa ra khi làm luật mới. Đa số đều nhấn mạnh đến tình trạng an sinh của trẻ em. Ở tiểu bang Ohio, các dân biểu Cộng Hòa đề nghị những đạo luật yếu kém trong việc bảo vệ cho trẻ em đi làm việc. Một phát ngôn nhân của Hiệp Hội Chủ Hàng Ăn đã khai trước quốc hội tiểu bang rằng cho phép kéo dài số giờ làm việc của trẻ em sẽ giúp họ giảm bớt thời gian sưu tra lý lịch công nhân. (Những nhà làm luật tiểu bang này còn đề nghị Quốc Hội liên bang nên sửa đổi luật, giảm bớt những hạn chế khắt khe.). Thống đốc Cộng Hòa của tiểu bang Arkansas, bà Sarah Huckabee gân đây mới ký ban hành đạo luật không cần giấy phép của cha mẹ, và giấy phép của tiểu bang để trẻ em 14 và 15 tuổi đi làm. Điều lạ lùng là đạo luật này lại viện dẫn “quyền của cha mẹ” và “giấy phép của văn phòng thống đốc” là “ gánh nặng cho cha mẹ.”.

Bà Nina Mast, một đồng tác giả khác trong Phúc Trình của Viện Nghiên Cứu Chính sách Kinh tế nói: “Đây là tờ mẫu biểu chỉ có một trang. Nó bao gồm những thông tin cơ bản và thông báo đâu là quyền hạn của cha mẹ, và đâu là quyền hạn của đứa nhỏ. Khi loại bỏ mẫu biểu này, người ta đã xóa đi tất cả bút tích liên quan đến sự việc đứa trẻ phải đi làm, khiến cho việc theo dõi trở nên rất khó khăn. Nó mở đường cho nhiều hành vi lợi dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em.”. Bà Sherer nói thêm rằng người ta tìm cách vận động quốc hội tiểu bang bỏ bớt những luật bảo vệ trẻ em. Mẫu biểu vận động hành lang này do những tổ chức thuộc xu hướng bảo thủ thảo ra, chẳng hạn như tổ chức Foundation for Government Accountability, một bộ não chiến lược của nhóm bảo thủ, trụ sở ở tiểu bang Florida.

Nhiều chủ nhân doanh nghiệp chẳng cần chờ đợi sự thay đổi của luật pháp, họ luồn lách kẽ hở của luật pháp để cho phép trẻ em đi làm. Hệ thống các cửa hàng bán thức ăn nhanh-fast food chains- thường mướn thanh thiếu niên ở tuổi teen vào làm việc. Khi hệ thống bị phạt tiền, họ xem đó là chi phí kinh doanh, có thể dùng để khai thuế được. (Lỗi vi phạm là do cửa hàng trong hệ thống không tôn trọng luật, song công ty mẹ ở trên cao cũng tìm cách vận động để giúp cho họ được nhẹ tội.). Hồi tháng Hai năm nay, Bộ Lao Động Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã tìm thấy hơn một trăm trẻ em ở lứa tuổi từ 13 đến 17 làm việc trong các hãng đóng hộp thịt và giết thú vật để xẻ thịt- meatpacking and slaughterhouse- tại 8 tiểu bang. Các em làm việc cho công ty Packers Sanitation Services, một công ty lớn nhất nước Mỹ chuyên về dọn sạch, sát trùng cơ xưởng đóng thịt.Công ty vệ sinh này lại thuộc về những đại công ty quan trọng trong kỹ nghệ sản xuất thịt, chẳng hạn như Tyson Foods, và JBS. (cả ba công ty trên đều chối, phủ nhận không hề làm điều gì sai trái cả.). Trẻ em đến xưởng sản xuất thịt làm trong ca đêm, các em phải làm những việc như chùi sạch những lưỡi cưa dùng để cưa xương thú vật, những mảnh xương vụn, và sử dụng những hóa chất nguy hiểm, hại cho sức khỏe. Ít nhất đã có ba em bị thương trong lúc làm việc ở công ty Packers. Chủ nhân của công ty Packers lại là tập đoàn Blackstone, một tập đoàn đầu tư tài chính lớn hàng đầu trên thế giới. Công ty Blackstone thỏa thuận bồi thường số tiền một triệu rưỡi đô la trong vụ kiện dân sự. 

Sở Xã Hội bất mãn về việc Bộ Lao Động không hề gửi tin tức về vụ trẻ em bị thương khi làm việc ở công ty Packers. Tờ báo Times kể lại rằng có người đi đến xưởng thịt  khác xin việc làm nên câu chuyện mới bị lộ ra. Theo điều tra của tờ báo hầu hết trẻ em dưới tuổi thành niên, không được phép đi làm đều thuộc về nhóm “Unaccompanied minors”, tức là “di dân mồ côi” trẻ nhỏ nhập cảnh lậu vào Mỹ  không có cha mẹ hay giám hộ đi theo. Đa số các em từ những quốc gia ở vùng Trung Mỹ, được phép ở lại Mỹ dưới sự quản lý của Bộ Y Tế và Nhân Dụng, tiếng Anh là Department of Health and Human Services, gọi tắt là HHS. Bộ này đi tìm người bảo trợ để nhờ họ nuôi các em càng sớm càng tốt trong lúc chờ xét duyệt hồ sơ xin tị nạn. Thủ tục xin tỵ nạn thường kéo dài ít ra là vài năm.

Trong năm 2022, có 130,000 “trẻ em di dân diện mồ côi vị thành niên” được phép vào Mỹ, và đặt trong hệ thống quản lý của HHS, gần một nửa số trẻ em này xuất xứ từ nước Guatemala. Trong lúc vội vã gửi các em đi tìm nơi tá túc, với con số quá lớn các “trẻ em di dân mồ côi”, việc tìm người bảo trợ cho các em không được kiểm soát kỹ càng. Một số người bảo trợ là bà con của các em, có khi lại chính là bọn “buôn người”, hay cả hai, tức là vừa là bà con xa, vừa là kẻ môi giới đưa các em vào Mỹ. Bộ Y Tế và Nhân Dụng lại có ít người để theo dõi, vì thế việc kiểm chứng hết sức sơ sài, đại khái. Chỉ vài tháng sau khi gửi các em đi đến người bảo trợ là Bộ Y Tế Nhân Dụng mất liên lạc về đứa trẻ mồ côi này, không biết em đó ở đâu và ở với ai. Tuy nhiên có một điều luật đòi hỏi phải làm là các em còn ở tuổi vị thành niên nên các em phải cắp sách đến trường đi học, ít nhất là đến năm 16 tuổi, hay có tiểu bang đòi phải đi học đến năm 18 tuổi. Ngoài ra, các em không phải làm gì cả, nhất là không được đi làm để kiếm tiền. Nhưng khổ một điều là còn có món nợ phải trả (cho chuyến vượt biên vào Mỹ), tiền tiêu hàng tháng, và còn phải kiếm tiền để gửi về quê nhà giúp cha mẹ, anh chị em ở bên đó. Nếu công ty tuyển công nhân đòi hỏi các em phải trưng Thẻ Căn Cước- ID, hay số An Sinh Xã Hội, họ sẽ được cung cấp bằng chứng từ giả mạo, mua rất rất dễ ngoài thị trường. Nhiều công ty cũng chẳng bận tâm hỏi về giấy tờ lý lịch cá nhân. 

Hiện nay chính quyền Biden đang bắt đầu đối phó với cuộc khủng hoảng do trẻ em phải đi làm. Chính phủ vừa tuyên bố sẽ truy lùng tệ nạn này, và đề nghị Quốc Hội cho phép gia tăng tiền phạt vạ những công ty vi phạm luật tuyển dụng trẻ em làm việc. Ngoài ra, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát theo đúng luật rất khó làm vì nhiều tiểu bang không đủ ngân sách để làm việc này. Cùng lúc ấy, chính phủ Biden đang phải đối phó với Quốc Hội về khoản nợ trần. Phía Cộng Hòa thì nói rằng vấn đề tồn tại vì tình hình biên giới không được bảo vệ an ninh. Chắc chắn tình hình kinh tế suy sụp ở các nước Trung Mỹ làm cho khủng hoảng di dân vào Mỹ càng trở nên căng thẳng. 

Tuy nhiên, vấn đề đang xảy ra trước mắt là thái độ lạnh lùng, vô cảm đối với sự an sinh, cuộc sống an toàn của nhiều trẻ em, trong lúc việc kiếm lợi nhuận đang gặp trở ngại.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 12/6/2023