“Tôi lo sợ cho nền dân chủ của chúng ta” – Jimmy Carter

0
3133

Hôm nay, tôi muốn dành thời gian trong chương trình này để gửi đến quý vị thính giả một bài tổng kết về những nét đẹp nhất của con người cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đang trải qua những giờ phút cuối đời người tại nhà riêng, sau khi tôi đọc được nhiều bài viết về chủ đề ghi khắc công ơn của cựu Tổng thống Jimmy Carter của nhiều tác giả: Lê văn Hải, Đinh Yên Thảo, Nguyễn Quốc Khải, Mai Vũ Phạm.

Nhưng điều làm tôi cảm thấy xúc động nhất chính là tựa đề của tác giả Lê văn Hải ghi rằng: “Xin Gởi Lời Cảm Tạ Đến Vị Ân Nhân Lớn Nhất Của Người Việt Tị Nạn: Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter! Trước Khi Trở Thành Quá Trễ! – Lê Văn Hải” đã thúc đẩy tôi đúc kết gọn lại những bài viết của các tác giả thành một bài gọn và ngắn hơn để gửi đến quý vị thính giả và cũng nên được xem đây là lời tri ân của các tác giả, của bản thân tôi và của tất cả quý vị thính giả thương gửi đến cựu Tổng thống Jimmy Carter, người mà tất cả người Việt đang sống trên đất Mỹ đều phải ghi nhớ công ơn của ông, không có ông, đã không có những thế hệ người Mỹ gốc Việt ngày nay.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

***

Riêng tựa đề của bài đúc kết hôm nay, tôi xin chọn một câu nói ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa của cựu Tổng thống Jimmy Carter là tựa đề cho chương trình hôm nay, đó là: “Tôi lo sợ cho nền dân chủ của chúng ta”.

Theo thông báo từ gia đình hồi cuối tuần qua, cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã được đưa về nhà để chờ ngày ra đi thanh thản. Ở tuổi 98, ông đã sống quá đủ cho một cuộc đời với những di sản mà nước Mỹ sẽ luôn nhớ đến ông, không chỉ trong cương vị Tổng Thống đời thứ 39 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà còn là một tinh thần phục vụ và bác ái. Các hoạt động cổ súy và thúc đẩy dân quyền và nhân quyền thế giới của ông, qua trung tâm Carter Center tại Atlanta, Georgia, đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình vào năm 2002. Ông từng phát biểu rằng, “Nước Mỹ không phát minh nhân quyền, mà một cách rất thực tế là, nhân quyền đã tạo ra nước Mỹ!”.

Cựu Tổng Thống Carter, người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2002, vì “nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế”.

Riêng đặc biệt với Thuyền Nhân Việt Tị Nạn, Ông là một Ân Nhân lớn, với nhiều chính sách giúp đỡ thuyền Nhân và đưa họ vào đất hứa Hoa Kỳ!

Ngày 5 tháng 7 năm 1978 – Tổng Thống Jimmy Carter ra lệnh các tàu Mỹ, đang có mặt tại Thái Bình Dương, dân sự cũng như quân sự, phải cứu vớt Thuyền Nhân tị nạn trên những con thuyền vượt biển chạy thoát khỏi Việt Nam, trong khu vực Đông Dương và Mỹ sẽ rộng mở, cho phép những nhóm người tị nạn này tái định cư trên đất Mỹ!

Một tuyên bố chính thức từ Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng: “Thuyền nhân Việt Tị Nạn, họ đang chạy trốn khỏi một đất nước, bị cai trị bởi nhà cầm quyền Cộng Sản độc tài, đã và đang tước đi các quyền được sống căn bản của họ. Họ tin vào giá trị nhân bản, khả năng tìm hạnh phúc của mỗi con người, cùng sự tự do cá nhân. Về mặt tâm thức, lý tưởng, họ gần với chúng ta hơn là phải sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản! Chúng ta có bổn phận phải cứu giúp họ. Họ sẽ được đối đãi tử tế theo từng trường hợp và thủ tục tị nạn dễ dàng để quyết định nơi họ muốn đến! Sở Di Trú và Nhập Tịch, sẽ hỗ trợ họ tối đa, đến các trại tị nạn, giúp họ khi chọn tái định cư tại Mỹ!

Các tổ chức khắp thế giới ra tay cùng hỗ trợ người tị nạn, ước tính ít nhất một nửa số người đi bằng thuyền từ Việt Nam đã thiệt mạng trên biển! Theo con số Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, khoảng dưới nửa triệu người lấy đại dương mênh mông làm mồ chôn! Thảm kịch Thuyền nhân, trở thành 1 trong 10 thảm kịch bi thảm, đau thương và nhiều nước mắt nhất của thế kỷ 20!

Lật lại trang sử, bốn mươi tám năm trước, nước Mỹ đã đánh canh bạc lớn với người tnạn Việt Nam!

Năm 1975, khi làn sóng tị nạn đầu tiên diễn ra sau khi miền Nam thất thủ, các cuộc thăm dò cho thấy phần trăm người dân Mỹ ủng hộ dân tị nạn vào Mỹ là 37% và 49% còn lại chống, với 14% không có câu trả lời chắc chắn.

Chính sách của Mỹ đối với thuyền nhân là chủ đề được tranh luận trong nội bộ Chính quyền Jimmy Carter, với một số viên chức Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, thúc giục một nỗ lực với quy mô lớn, hiệu lực ngay lập tức, để giúp đỡ người tị nạn. Trong khi Bộ Tư pháp và các cơ quan chính phủ đề xuất cách tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng hơn.

Năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter đứng trước một quyết định khó khăn trước vấn đề thuyền nhân Việt Nam, đang ồ ạt đổ ra biển khơi, các trại tị nạn Đông Nam Á đang nghẹt cứng người với hy vọng được Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây chấp nhận cho định cư. Gần hai phần ba công chúng Mỹ, khoảng trên 62% người dân cùng một số nhà Lập pháp Hoa Kỳ, không muốn nhận người tị nạn Việt Nam vào Mỹ.

Bất kể điều bất lợi này, Tổng Thống Carter đã đi một bước xa hơn khi tăng số người tị nạn Đông Dương từ 7.000 người được nhận vào Mỹ mỗi tháng, lên gấp đôi là 14.000 người, rồi tiếp tục càng ngày càng gia tăng về sau.

Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ dựa theo “thẩm quyền” của Đạo luật Nhập cư năm 1952 để “tạm thời cho phép vào Mỹ” những người tị nạn vì lý do khẩn cấp, hoặc lý do “được cho là vì lợi ích công chúng.” Vì thẩm quyền này, thêm nhiều người tị nạn sẽ được đón nhận tại Mỹ, theo sắc lệnh mới của Tổng Thống Carter.

Tổng thống Jimmy Carter, Ân Nhân của cộng đồng Người Việt Tị Nạn tại Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung!

Ông đã vận động các nhà Lập pháp để gia tăng số người tị nạn Đông Nam Á, trên 90%, là người tị nạn Việt Nam được định cư tại Mỹ. Đạo luật Refugee Act năm 1980 do Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy đề ra, được Thượng viện thông qua vào cuối năm 1979 và được Tổng thống Jimmy Carter ký thành luật vào đầu năm 1980 đã cho phép gia tăng số người tị nạn Việt Nam được nhận và giúp đỡ họ tái thiết cuộc sống mới tại Mỹ.

Không dừng tại đây, Tổng Thống Carter đã gửi Phó Tổng Thống Walter Mondale sang Geneva, Thụy Sĩ để họp bàn cùng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), cùng các quốc gia phương Tây, trong việc giúp đỡ thiết thực người tị nạn Việt Nam. Chính từ các hội nghị này, Cao Ủy Tị Nạn đã thay mặt Hoa Kỳ, thương lượng với Hà Nội, để bắt đầu chương trình tái định cư ODP, cùng các chương trình HO, con lai về sau này. Tháng 1 năm 1980, văn phòng ODP được thiết lập tại Vọng Các, Thái Lan để bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ODP. Tất cả đều là công của TT Carter! Các nhân viên văn phòng cùng nhân viên Tòa Lãnh Sự, Sở Di Trú Hoa Kỳ, đã bay sang Sài Gòn mỗi tháng, để phỏng vấn những người nộp hồ sơ, cho đến khi văn phòng ODP chính thức được mở ra tại Sài Gòn về sau này.

Như lời Tổng Thống Carter phát biểu, chính sách di dân với người tị nạn Việt Nam, vì ông xem người Việt là đồng minh của Hoa Kỳ. Và cũng như một phần không ít các chính khách hay Tổng Thống Mỹ khác, ông cũng thuộc hậu duệ của một dòng họ di dân, đến từ Anh hàng trăm năm trước, nên thông cảm với tình trạng cần cứu vớt của người tị nạn. “Bởi vì chúng ta tự do, chúng ta không bao giờ có thể thờ ơ với số phận thiếu tự do ở nơi khác” là một mục tiêu và cam kết của ông, không chỉ với người tị nạn Việt Nam mà với cả thế giới.

Nhiệm kỳ Tổng Thống của ông không được giới sử học và khoa học chính trị đánh giá cao, nhưng hầu hết đều ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp, các hoạt động cổ súy hòa bình, nhân quyền và thiện nguyện của ông kể từ sau nhiệm kỳ Tổng Thống trong vòng 40 năm qua, từ năm 1982.

Tin tức về những ngày tháng cuối cùng của cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã làm xúc động các chính khách nổi tiếng trên thế giới và người dân Mỹ. Rất nhiều người đã bày tỏ lòng quý mến và tri ân về các đóng góp cùng hoạt động của ông.

Với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ nói riêng, chính sách cưu mang và bác ái của cựu Tổng thống Jimmy Carter, đã trực tiếp giúp cho hàng trăm ngàn người gốc Việt có mặt trên nước Mỹ này. Có lẽ đây là điều cần ghi nhận về một vị Ân Nhân lớn nhất, trong hành trình của cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh tại Hoa Kỳ hiện nay.

Cựu Tổng Thống Carter tham dự lễ nhậm chức vào ngày thứ Năm, 20/1/1977. Ngay sau khi buổi lễ chấm dứt, ông đã đi vào bên trong Tòa nhà Quốc Hội để ký một chỉ thị tha thứ cho tất cả những người đã trốn tránh nghĩa vụ quân dịch trong chiến tranh Việt Nam và những người đã trốn qua Gia Nã Ðại, nhưng không tha thứ cho những người lính đào ngũ khỏi quân đội. Chỉ thị có hiệu lực vào ngày hôm sau.

Đây là một vấn đề chính trị rất khó khăn đối với Cựu Tổng Thống Carter. Ông tâm sự rằng hành động ân xá không phải là điều phổ biến nhất vào lúc bấy giờ, nhưng đó là điều đúng đắn nên làm, một cơ hội để hàn gắn đất nước bị chia rẽ, vượt ra khỏi Chiến tranh Việt Nam và nỗi ám ảnh Việt Nam, lật qua trang sử, để tiến vào một kỷ nguyên khác của cuộc sống.

Quyết định ân xá của Cựu Tổng Thống Carter đã tạo ra rất nhiều tranh cãi. Ông bị chỉ trích nặng nề bởi các nhóm cựu chiến binh và những người khác vì đã tha thứ những kẻ vi phạm pháp luật, không yêu nước. Trái lại, những tổ chức ân xá chỉ trích Carter vì không ân xá những người đào ngũ, những binh lính bị trục xuất ra khỏi quân ngũ một cách nhục nhã, hoặc những người dân thường biểu tình phản chiến bị truy tố vì sự chống đối của họ.

Năm 2022, nhân ngày tưởng niệm một năm Toà nhà Quốc Hội bị những kẻ bạo loạn ủng hộ một tên Tổng thống bất tài, tệ hại tấn công, Tổng thống thứ 39th của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, đã viết một bài xã luận trên New York Times, như một lời mời gọi thiết tha gửi đến cử tri Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nền dân chủ Mỹ trước khi quá muộn.

Tôi xin được trích một số đoạn như sau:

… Tại mỗi cuộc bầu cử, vợ tôi, Rosalynn, và tôi đã cảm động trước sự can đảm và cam kết của hàng ngàn công dân đi bộ hàng dặm và xếp hàng chờ từ bình minh đến hoàng hôn để bỏ những lá phiếu đầu tiên trong các cuộc bầu cử tự do, nuôi dưỡng hy vọng cho bản thân và quốc gia của họ, và tiếp những bước đầu tiên cho quyền tự trị.

Để nền dân chủ Mỹ tồn tại lâu dài, chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo và ứng cử viên của chúng ta phải giữ vững lý tưởng tự do và tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức.

Thứ nhất, trong khi công dân có thể bất đồng về các chính sách, mọi công dân thuộc mọi thành phần chính đảng, phải đồng ý về các nguyên tắc và chuẩn mực hiến pháp cơ bản về công bằng, văn minh, và tôn trọng pháp quyền.

Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy cải cách nhằm bảo đảm an ninh và khả năng tiếp cận các cuộc bầu cử, cũng như bảo đảm lòng tin của công chúng vào tính chính xác của kết quả bầu cử.

Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự chia rẽ chính trị đang biến đổi bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào một vài sự thật thiết yếu: Chúng ta đều là con người, đều là người Mỹ, và chúng ta cùng hy vọng cho cộng đồng và quốc gia phát triển.

Thứ tư, chúng ta phải bảo vệ các quan chức bầu cử của mình – những người bạn và hàng xóm đáng tin cậy của nhiều người trong chúng ta – khỏi các mối đe dọa đối với sự an toàn của họ.

Và cuối cùng, các doanh nghiệp và các cộng đồng tôn giáo nên khuyến khích tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, tham gia vào các cuộc bầu cử và nỗ lực chống lại thông tin sai lệch.

Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và đoàn kết cùng nhau trước khi quá muộn.

Thời gian hiện tại, đối với ông chỉ còn là ngày, giờ và phút bên người thân, gia đình nên chúng tôi rất trân trọng những giây phút cuối đời của một cựu Tổng thống, một con người vĩ đại của thế giới, một Ân nhân lớn của người Việt tị nạn, chúng ta, không biết làm gì hơn ngoài cố gắng trau chuốt những lời tri ân chân thành, ấm áp nhất gửi đến ông cùng những lời cầu nguyện tận thâm tâm của mỗi người chúng ta.

Tựa đề của bài viết hôm nay “Tôi lo sợ cho nền dân chủ của chúng ta”: Câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng chính là lời kêu gọi đánh thức lương tâm, nhận thức của tất cả mọi người đang sống trên đất Mỹ, bất kể quan điểm đảng phái, sắc tộc, màu da hãy cùng chung tay gìn giữ thứ quý báu nhất mà họ đang có, đó là một nền dân chủ tốt đẹp của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Việt Linh 03.03.2023