CNN —
Hàng ngàn cựu sinh viên Đại học Harvard đã ký tên vào một tuyên bố pháp lý nhằm ủng hộ ngôi trường cũ của họ – theo thông tin CNN mới thu thập được – trong một nỗ lực chưa từng có nhằm hậu thuẫn trường trong cuộc chiến pháp lý với chính quyền Trump về quyết định đình chỉ khoản tài trợ liên bang trị giá hơn 2,2 tỷ USD.
Hơn 12.000 cựu sinh viên Harvard – từ khóa năm 1950 đến lớp vừa tốt nghiệp năm 2025 – đã đặt bút ký vào một amicus brief (bản ý kiến pháp lý của bên thứ ba không trực tiếp tham gia vụ kiện, gửi lên tòa để bổ sung quan điểm). Tài liệu này – do CNN đưa tin đầu tiên – đã được đệ trình lên tòa án vào ngày thứ Hai.
Những người ký tên đến từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, được gắn kết bởi bằng cấp Harvard và mối quan tâm đến tương lai của trường: từ một người ủ bia ở Wisconsin, danh hài Conan O’Brien, một phi công chiến đấu ở Ohio, nhà văn Margaret Atwood, một lãnh đạo bộ tộc ở South Dakota cho đến Thống đốc đảng Dân chủ Massachusetts Maura Healy – cùng nhiều nhân vật nổi bật ở khắp nước Mỹ và thế giới.

Nhóm này khẳng định đây là bản ý kiến pháp lý lớn nhất từng có từ các cựu sinh viên của một trường đại học.
Những cựu sinh viên tham gia tin rằng đây là một thời điểm mang tính lịch sử, khi Harvard không chỉ tự vệ mà còn có thể tạo tiền lệ pháp lý quan trọng cho các trường đại học và cao đẳng khác, trong bối cảnh đang diễn ra một cuộc đối đầu lớn về tự do học thuật, tài trợ liên bang và quyền kiểm soát trường lớp.
Harvard đã kiện chính quyền Trump vào tháng 4 vừa qua sau khi chính phủ ra quyết định đóng băng toàn bộ khoản tài trợ liên bang. Trường cũng đã yêu cầu tòa đưa ra phán quyết cuối cùng một cách khẩn cấp. Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 21 tháng 7.
“Là những cựu sinh viên, chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc chính phủ một cách thiếu trách nhiệm và trái luật đang tìm cách kiểm soát các chức năng cốt lõi của Harvard cũng như các trường đại học khác,” bản brief nêu rõ.
“Không có thủ tục pháp lý, không có cơ sở luật định nào rõ ràng – và hoàn toàn coi thường các quyền tự do được Hiến pháp bảo vệ – chính phủ đã triển khai toàn bộ quyền lực của mình để gây tổn hại cho Harvard.”
Bản tài liệu tiếp tục:
“Mục tiêu cuối cùng của chính phủ là thu hẹp các quyền tự do học, dạy, suy nghĩ và hành động, và tự cho mình quyền quyết định ai xứng đáng được hưởng các quyền tự do đó. Với tư cách là cựu sinh viên, chúng tôi xác tín rằng sự vĩ đại đích thực của Harvard nằm ở việc chúng tôi chia sẻ các giá trị này và thực hành các quyền tự do đó.”
Tòa Bạch Ốc không phản hồi yêu cầu bình luận từ CNN về văn bản này.
Anurima Bhargava, một nhà làm phim tài liệu, luật sư dân quyền và cũng là cựu sinh viên Harvard – người đứng đầu nỗ lực vận động này – cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN rằng đây là một thời khắc đoàn kết vượt qua mọi khác biệt truyền thống.
“Chúng ta được giáo dục, một phần, để trở thành những người bảo vệ tự do và dân chủ. Và đó chắc chắn là điều mà tất cả chúng tôi cảm nhận rằng cần phải đứng lên trong thời điểm này,” Bhargava nói.
Cô nói thêm:
“Nó không chỉ là về Harvard – mà là về khả năng của mọi học sinh, sinh viên ở mọi cấp học và trường học, được quyền lên tiếng, suy nghĩ và học tập một cách tự do, không bị can thiệp từ chính phủ như hiện nay.”
Bhargava cho biết còn rất nhiều cựu sinh viên muốn ký tên vào tài liệu này nhưng không dám, vì sợ bị trả đũa từ chính quyền Trump.
Các nỗ lực nhắm vào Harvard đã bắt đầu từ trước khi ông Donald Trump quay lại tòa Bạch Ốc, với lý do là để trấn áp chủ nghĩa bài Do Thái trên các khuôn viên trường đại học, đặc biệt sau những căng thẳng liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, các hành động của chính phủ đã mở rộng thành một chương trình nghị sự lớn hơn, dựa trên niềm tin bên trong tòa Bạch Ốc rằng đây là một vấn đề chính trị có lợi cho Tổng thống.
Bản brief cũng tuyên bố:
“Chúng tôi lên án rõ ràng chủ nghĩa bài Do Thái và mọi hình thức phân biệt đối xử và thù hận, những điều không có chỗ đứng ở Harvard hay bất kỳ nơi nào trong xã hội chúng ta. Tuy nhiên, các cáo buộc bài Do Thái – đặc biệt khi không có quy trình pháp lý và căn cứ xác minh rõ ràng từ phía chính phủ – không nên bị lợi dụng như cái cớ để trừng phạt hay kiểm soát một tổ chức học thuật một cách bất hợp pháp và vi hiến. Thực tế, phần lớn các yêu cầu mà chính phủ áp đặt lên Harvard ít hoặc không liên quan gì đến việc chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, hay bất kỳ loại hình phân biệt đối xử nào khác trên khuôn viên trường.”
Hiện Harvard đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện và điều tra từ chính quyền Trump. Các quan chức Tòa Bạch Ốc và Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với nhà trường, nhưng hiện tại không có cuộc thảo luận nào đang diễn ra.
ND