Chiến thắng của Erdoğan ảnh hưởng gì đến Phương Tây – và Thế Giới

0
2019

Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ vừa có được một nhiệm kỳ tổng thống khác nhờ vào thông điệp dân tộc chủ nghĩa.

Vào tháng 4, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã trình diễn máy bay không người lái, xe tăng và tàu sân bay trực thăng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một thông điệp hơi lố lăng chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan đang muốn thể hiện quyền lực, sự độc lập của mình và chiến thắng của ông trong ngày Chủ nhật vừa qua đã cho thấy là, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ dường như muốn một số phiên bản chủ nghĩa dân tộc của Erdogan.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Erdoğan đã thắng trong cuộc đối đầu vào ngày Chủ nhật, 28 tháng 5 trước ứng cử viên đối lập Kemal Kiliçdaroğlu, với 52,1% phiếu bầu và Kiliçdaroğlu theo sau với 47,9%.

Kết quả dường như gần như không thể tránh khỏi sau khi Erdoğan dẫn đầu trong vòng bầu cử đầu tiên, bất chấp phe đối lập khá thống nhất hứa khôi phục nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ và hàn gắn quan hệ với phương Tây.

Tất nhiên, đó không phải là một cuộc chiến hoàn toàn công bằng. Erdoğan kiểm soát phần lớn các phương tiện truyền thông và tài nguyên nhà nước, và ông ta đã sử dụng các đòn bẩy đó trước cuộc bầu cử. Lợi thế sẵn có của Erdoğan, với một bên là những bất thường trong bầu cử, gần như bảo đảm rằng ông ấy sẽ thắng, và ông ta đã làm được.

Erdoğan chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo phục vụ với thời gian lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và việc tái đắc cử của ông sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với Thổ Nhĩ Kỳ — và phần còn lại của thế giới. Erdoğan đã cố gắng phát huy sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và hơn thế nữa, theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết và quyết đoán. Ông ta tin vào một thế giới đa cực, với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một cường quốc trong số các cường quốc lớn khác. Ông đã định hướng Thổ Nhĩ Kỳ bớt sự lệ thuộc vào phương Tây, sử dụng đòn bẩy của mình để cân bằng các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh theo những cách có lợi cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và của chính Erdoğan.

Khi phô trương khí tài quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Erdoğan tìm cách xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng cây nhà lá vườn của đất nước như một dấu hiệu của sự độc lập trên toàn cầu. Những gì Erdogan đã và đang làm đều được đánh giá là khá độc như phát động một chiến dịch vào vùng đông bắc Syria, gây chiến với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, hay xích lại gần Tổng thống Nga Vladimir Putin, mua các hệ thống vũ khí của Nga và tiếp tục mua dầu của Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine và ông ta vẫn đang bán máy bay không người lái cho Ukraine.

Erdogan muốn chứng kiến ​​sự ra đời của Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, với niềm tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã được Thượng đế định sẵn để trở thành bá chủ khu vực, đồng thời sanh vai ngang tầm với các cường quốc toàn cầu trong thế kỷ 21.

Erdoğan sử dụng thông điệp dân tộc chủ nghĩa cho lợi thế chính trị trong nước của mình. Ông ta đã làm như vậy trước cuộc bầu cử, và ông ta khó có thể đảo ngược hướng đi bây giờ, ngay cả khi quyền lực của ông ta đã được bảo đảm.

Ngay cả khi chủ nghĩa dân tộc của Erdoğan đã bảo vệ sự nổi tiếng của ông ta, thì những cuộc khủng hoảng khiến ông suýt mất ghế trong cuộc bầu cử này vẫn không tiêu tan và có khả năng trở nên bất ổn hơn. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng hỗn loạn. Các lĩnh vực khác nhau của đất nước vẫn đang hồi phục sau trận động đất thảm khốc hồi đầu năm nay.

Erdoğan đã xây dựng một nhà nước độc tài cho riêng mình, phá bỏ các thể chế dân chủ và thể chế hóa tham nhũng.

Erdoğan sẽ phải đối phó với những cuộc khủng hoảng trong nước trước khi ông ta có thể khẳng định ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn thế giới. Sự hỗn loạn trong nước có thể buộc ông ta phải tiết chế tham vọng của mình.

Với con số hơn phân nửa số cử tri trong nước bỏ phiếu cho Erdogan, là những người đã thể hiện rất rõ ràng rằng họ ủng hộ Erdoğan – bất chấp mọi điều đã xảy ra với nền kinh tế và chính sách đối ngoại. Đó là một cơ sở cử tri rất bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc.

Niềm tin của Erdoğan vào một thế giới đa cực có nghĩa là ông ta không hoàn toàn ủng hộ trật tự do phương Tây lãnh đạo. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên lâu đời của NATO, nhưng Erdoğan đã cố gắng xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập hơn, một chính sách khiến Ankara không còn phụ thuộc vào Washington. Khi làm như vậy, Erdoğan đã đánh vào chủ nghĩa bài phương Tây trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy nó.

Đặc biệt, sự thù địch của ông ta đối với Hoa Kỳ đã gia tăng sau một nỗ lực đảo chính năm 2016 chống lại ông ta. Erdoğan đổ lỗi cho Fetullah Gülen, một giáo sĩ sống lưu vong ở Pennsylvania từ năm 1999. Erdoğan đã yêu cầu dẫn độ Gülen từ Hoa Kỳ, nhưng chính phủ Mỹ đã từ chối thực hiện, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu bằng chứng.

Rạn nứt ngày càng sâu sắc từ đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một mục sư người Mỹ với cáo buộc khủng bố vào năm 2016, dẫn đến một cuộc tranh cãi thương mại bất lợi cho đến khi mục sư được trả tự do hai năm sau đó.

Tại Syria, Hoa Kỳ hợp tác với các chiến binh người Kurd ở Syria để chiến đấu với IS, tổ chức mà Erdoğan coi là mối đe dọa hiện hữu vì tổ chức này có quan hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm ly khai người Kurd.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận với Nga để mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Moscow đang ấm lên. Hoa Kỳ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng một đồng minh NATO có lẽ không nên đi mua các thiết bị quân sự do Moscow sản xuất, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn làm điều đó. Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu.

Các vấn đề khác đã tạo ra sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, nhưng chính sách đối ngoại muốn làm gì thì làm của Erdoğan đã thực sự được thể hiện trong cuộc chiến Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không đi cùng với các đồng minh NATO khác để trừng phạt Nga và vẫn mua dầu giá rẻ của Nga. Đáng kể nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã cầm giữ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, vì điều mà Erdoğan tuyên bố là các chính sách lỏng lẻo của Stockholm đối với PKK và các nhóm khác mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là các tổ chức khủng bố. Erdoğan đã từ bỏ sự phản đối việc Phần Lan gia nhập liên minh vào đầu năm nay, nhưng ông vẫn chưa nhượng bộ Thụy Điển, nói rằng nước này cần dẫn độ hàng chục phần tử được gọi là khủng bố, mặc dù Stockholm tuyên bố rằng họ thậm chí còn không biết những người này là ai. Nhưng đó là một vấn đề phổ biến về mặt chính trị và là điều mà Erdoğan muốn tập hợp những người ủng hộ xung quanh trong các cuộc bầu cử.

NATO muốn Thụy Điển trở thành thành viên đầy đủ vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lớn vào tháng 7, vì vậy các quan chức phương Tây đang hy vọng rằng chiến thắng của Erdoğan sẽ khiến ông dễ chịu hơn một chút. Nhưng có vẻ như rất có thể Hoa Kỳ sẽ phải làm dịu thỏa thuận bằng cách cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua lại F-16. Chính quyền Biden đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua thiết bị nâng cấp, nhưng điều đó cuối cùng cần sự chấp thuận của Quốc hội.

Mặc dù không có gì được bảo đảm với Erdoğan. Như các chuyên gia quân sự đã nhận định, không phải Erdoğan muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với phương Tây, ông ấy chỉ muốn làm mọi thứ theo cách của mình. Ông ấy coi cuộc bầu cử lần này là cơ hội để phương Tây thiết lập lại quan hệ với ông ta, theo các điều khoản và mong muốn của ông ấy.

Erdoğan không đơn độc trong việc hình dung ra một chính sách đối ngoại độc lập hơn trong một thế giới đa cực hơn. Các quốc gia khác, như Ấn Độ hoặc Brazil, đang cố gắng duy trì quan hệ với Washington ở những nơi họ bị phụ thuộc, nhưng tìm kiếm khoảng cách chiến lược ở những nơi họ không bị phụ thuộc. Họ cũng đã tìm kiếm sự cân bằng giữa Nga và phương Tây về cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, còn các nước còn lại thì không.

Với Erdoğan, điều ông ta muốn là cần phải giao dịch sòng phẳng, ông ta muốn có một thỏa thuận mới với phương Tây, với điều kiện là: Hãy chấp nhận con người thật của tôi, kể cả những gì tôi làm trong nước, kể cả những gì tôi làm trong khu vực. Và sau đó chúng ta có thể nói chuyện sòng phẳng.

Nhưng phương Tây hiểu về sự nguy hiểm trong hành động cân bằng của Erdoğan.

Erdoğan không phải là người phi lý, điều đó có nghĩa là ông ấy cũng hiểu một điều cơ bản về tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ: đó là một phần tạo nên ảnh hưởng cho ông ấy. Sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn rất nhiều từ thực tế là nước này nằm trong khối NATO.

Tất nhiên, sức mạnh đó ảnh hưởng một phần đến các thành viên khác trong liên minh, nhưng cũng có ảnh hưởng bên ngoài liên minh. Cụ thể là với Vladimir Putin. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây. Rất nhiều trong số này là tình huống: họ đang giải quyết với nhau nhiều hơn ở những nơi mà họ có lợi ích cạnh tranh, như ở Syria và ở Libya . Ngay cả khi không phải lúc nào họ cũng làm việc hướng tới cùng một mục tiêu, họ vẫn giữ cho các đường dây liên lạc cởi mở.

Erdoğan đã sử dụng mối quan hệ của mình với Moscow để cố gắng chơi với cả hai bên – không hoàn toàn làm bạn với Nga, nhưng chơi trò bắt nạt đủ để khiến phương Tây khó chịu, một sự căng thẳng cũng phục vụ lợi ích của Nga.

Erdoğan đã thành công như thế nào trong việc thực hiện hành động cân bằng này có lẽ cũng phụ thuộc vào từng đối tượng khác nhau. Đối với những người ủng hộ ông ta, họ cho rằng Erdoğan đang phát huy ảnh hưởng của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới đa cực. Đối với những người chỉ trích ông ta, thì họ xem ông ta là một đối tác không thể hoàn toàn tin tưởng.

Ukraine cũng là một ví dụ về cách Erdoğan đã cố gắng chơi với tất cả các bên.

Khi nhắc đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng tạo sự khác biệt với phần lớn các nước còn lại trong liên minh NATO rằng, dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên trong khối NATO nhưng họ chưa đến mức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga như các quốc gia khác trong khối đã làm. Thổ Nhĩ Kỳ không bị ràng buộc bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Vì chúng tôi là một quốc gia mạnh, chúng tôi không bị áp lực và chúng tôi có mối quan hệ tích cực với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chào đón các doanh nghiệp Nga, cũng là cứu cánh nhỏ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, Erdoğan đã giữ liên lạc cởi mở với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và đã nhiều lần công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kể cả sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 . Thổ Nhĩ Kỳ đã bán thiết bị quân sự cho Ukraine; chiến trường Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Erdoğan cũng giúp môi giới cho thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ra khỏi các cảng bị phong tỏa.

Tất cả những điều đó đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một vị trí khá đặc biệt, nhất là khi cả Ukraine và Nga cần đối thoại.

Từ quan điểm của phương Tây, việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là một đồng minh đáng tin cậy, sẽ gây áp lực nhiều hơn để Moscow kết thúc chiến tranh sớm hơn, sẽ là một đóng góp có giá trị hơn so với việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là người chống đối.

Đây là mặt tốt và mặt xấu trong hành động cân bằng của Erdoğan. Điều đó mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ sự nổi bật, nhưng nó cũng có nguy cơ đánh giá quá cao mức độ ảnh hưởng thực sự của ông ta đối với các sự kiện toàn cầu. Và Ukraine có thể là cơ hội để Erdogan để lại dấu ấn lịch sử toàn cầu đó, nếu ông ta thực sự muốn.

Điều mà các quốc gia phương tây và Mỹ đều không thể phủ nhận là Erdogan đã trở thành một nhân vật lịch sử của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là nhân vật lịch sử trong quan hệ quốc tế.

Erdoğan sẽ phải đối mặt với những thách thức thực sự sau cuộc bầu cử này. Nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ, và ông ấy đã làm điều đó không công bằng khi làm những việc như bơm tiền vào nền kinh tế trước cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là nỗi đau thực sự đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ bình thường, bao gồm cả những người đã bầu lại ông ta. Lập trường kinh tế yếu kém của Erdoğan có thể mang lại cho Mỹ và Châu Âu – một đối tác thương mại quan trọng – cũng có thêm một chút đòn bẩy đối với Erdogan.

Lời kết:

Mặc dù Erdoğan đã giành chiến thắng, nhưng thực tế là cuộc bầu cử này đã chia đôi đất nước, với gần phân nửa dân số người Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng và không muốn ủng hộ ông ta, cho thấy nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đang vỡ mộng về triều đại của ông. Sự bất bình, phản đối đó có thể trở nên mạnh mẽ hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với bất ổn kinh tế. Những thực tế đó có thể cản trở tham vọng của ông ấy, trong khu vực và toàn cầu.

Điều đó cũng không có nghĩa là ảnh hưởng của Erdoğan sẽ biến mất hoàn toàn. Một lần nữa, tùy thuộc rất nhiều vào đối tác nào làm việc với Erdoğan. Những người ủng hộ Erdogan nhìn thấy ông ta đang tái lập ảnh hưởng và quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ, là một nhà lãnh đạo có thực lực trong thế giới Hồi giáo. Những người chỉ trích ông ta coi ông là một đồng minh không đáng tin cậy, rằng ông ta đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rời xa nền tảng dân chủ của mình để hướng tới một chế độ độc tài. Ông ta đã đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ và trốn tránh một cuộc điều tra tham nhũng trong vòng thân cận của mình. Những điều này đã khiến Ankara bị cô lập hơn khi nước này cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ra khắp thế giới.

Điều đáng buồn nhất, theo tôi, là chủ nghĩa dân túy cực đoan đã chiến thắng một lần nữa.

Việt Linh, 30.05.2023