Biden có thể làm tốt mọi việc, ngoại trừ “ĐOÀN KẾT” người Mỹ

0
2429

Donald Trump đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầy tệ hại và nhiều biến động, rời khỏi Tòa Bạch Ốc, phủi tay mọi trách nhiệm, để lại cho vị Tổng thống kế nhiệm một đất nước đầy rẫy sự chia rẽ và căng thẳng lớn nhất kể từ Nội chiến.

Khi Joe Biden nhậm chức, thông điệp “đoàn kết” của ông đã đụng phải một thực tế phũ phàng của một quốc gia đang bị đại dịch chết người tàn phá và bị chấn động bởi một cuộc nổi dậy bạo lực tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, sự ngờ vực lan rộng về kết quả bầu cử và chia rẽ sâu sắc vì bất công chủng tộc.

Trong môi trường đầy rủi ro, trắc trở đó, liệu Tổng thống Biden có thể làm được điều gì để khiến nước Mỹ trở nên đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước từ những bất ổn, mất mát hay không?

Cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ là hậu quả đến từ một nhiệm kỳ tệ hại của Trump kéo dài chỉ bốn năm, trong khoảng thời gian tại nhiệm đó Trump không ngừng khơi dậy sự chia rẽ của quốc gia, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc Da trắng thượng đẳng thông qua việc ông ta công khai sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và các thuyết âm mưu sai trái.

Trong quá trình này, Trump không chỉ phá vỡ các rào cản giữa Đảng Cộng hòa và những người bảo thủ cực đoan mà còn tăng cường mạnh mẽ cổ võ cho một xu hướng đã có trước khi Trump xuất hiện trên chính trường, đó là mở rộng quyền lực ở các tiểu bang đỏ đang phát triển về mặt nhân khẩu học khỏi chính phủ liên bang.

Nhiệm kỳ tổng thống của Trump, đặc biệt là những tháng cuối đầy hỗn loạn, đã cho thấy rằng cả các nhà lãnh đạo và cử tri bình thường của hai đảng chính trị lớn của nước Mỹ hiện đang bị chia rẽ không chỉ bởi các ưu tiên chính sách của họ mà còn bởi những đánh giá của họ về thực tế cơ bản của quốc gia, và thậm chí cả cam kết của họ với các chuẩn mực dân chủ truyền thống.

Nói theo nghĩa đen thì hai đảng chính trị đang rời xa nhau trong một hình ảnh phản chiếu: Đại đa số cử tri ở mỗi đảng hiện nay nói trong các cuộc thăm dò rằng họ coi phía bên kia là mối đe dọa đối với tương lai của quốc gia.

Vậy bên nào nhìn nhận đúng sự việc và bên nào sai?

Nhưng đánh giá đó đang gây ra phản ứng cực đoan hơn bên trong GOP so với các đảng viên Đảng Dân chủ, vì các thành phần khác nhau của liên minh Đảng Cộng hòa đã thực hiện một loạt các hành động phản dân chủ mà đỉnh điểm là sự ủng hộ nhiệt tình giữa các quan chức được bầu của GOP đối với những nỗ lực của Trump nhằm lật đổ cuộc bầu cử năm 2020 và trong cuộc tấn công chưa từng có vào Điện Capitol của một đám đông ủng hộ Trump.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh một đại dịch đã làm chao đảo nền kinh tế, khiến hàng triệu gia đình rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ bị quá tải và mở rộng sự chia rẽ chính trị của quốc gia – với tư cách là các khu vực pháp lý nghiêng về Đảng Cộng hòa, một phần do áp lực từ Trump, đã phản đối các biện pháp, chẳng hạn như đeo khẩu trang, không khuyến khích chích vaccine.

Kết hợp lại tại thời điểm chuyển tiếp giữa các nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump và Joe Biden, những áp lực này đã tạo ra một mức độ chia rẽ nội bộ và rạn nứt trật tự hiến pháp mà hầu hết các chuyên gia về luật, hiến pháp đều đồng ý rằng, tình trạng chia rẽ ngày nay thậm chí còn vượt xa tình trạng bất ổn của những năm 1960 – và có lẽ chỉ có một trường hợp tương tự hoàn toàn trong Lịch sử Mỹ.

Nhà sử học Sean Wilentz của Đại học Princeton, tác giả cuốn “Sự trỗi dậy của nền dân chủ Mỹ”, cho biết rằng: “Rõ ràng đây là điều tồi tệ nhất kể từ Nội chiến, và những gì xảy ra vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 là ngày buồn nhất đối với nền dân chủ Hoa Kỳ kể từ ngày 12 tháng 4 năm 1861.”

Đó là ngày quân miền Nam nổ súng vào Pháo đài Sumter ở Cảng Charleston, bắt đầu cuộc Nội chiến.

Không có chuyên gia về luật nào có dự đoán cho rằng, một cuộc nội chiến nếu xảy ra trong thế kỷ 21 này sẽ giống như cuộc nội chiến năm 1861 cả, là một nỗ lực chính thức nhằm giải thể quốc gia kèm theo xung đột vũ trang.

Các cuộc xung đột chính trị ngày nay sẽ không cho phép một sự phân chia rõ ràng như sự chia rẽ giữa Bắc và Nam vì chế độ nô lệ trong Nội chiến.

Susan Stokes, một nhà khoa học chính trị, Giám đốc Trung tâm Dân chủ Chicago tại Đại học Chicago, lưu ý rằng các cuộc nội chiến thường đòi hỏi sự chia rẽ trong các lực lượng vũ trang hoặc sự xuất hiện của một đội quân nổi dậy quy mô lớn, đây là điều không hề xảy ra tại Mỹ ngày nay.

Một vấn đề khó xử khác là làm sao loại bỏ tận gốc chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ quân đội Hoa Kỳ khi Ngũ Giác Đài đã liên tục thất bại trong việc loại bỏ chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ. Đã có hàng chục vụ khủng bố theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và âm mưu thực hiện các hành động khủng bố do quân nhân tại ngũ và các cựu chiến binh thực hiện, nhiều vụ nhắm vào các cộng đồng bị thiệt thòi.

Việc thay đổi các phương pháp của quân đội để tiêu diệt tận gốc những kẻ cực đoan hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Tổng thống Biden với tư cách là tổng tư lệnh. Ông có quyền ngay lập tức ra lệnh kiểm toán độc lập các thủ tục hiện tại của Ngũ Giác Đài. Là Tổng tư lệnh, ông Biden có toàn quyền cải thiện sự đa dạng trong chỉ huy quân sự, thắt chặt sàng lọc tân binh, thực thi và củng cố các quy định hiện hành chống lại chủ nghĩa cực đoan, cấm quân đội tham gia vào các lực lượng dân quân tư nhân, ra lệnh cho Ngũ Giác Đài báo cáo hàng năm về tội ác do thù ghét, về những kẻ cực đoan được tìm thấy trong hàng ngũ và chia sẻ thông tin về những kẻ cực đoan đó với các cơ quan liên bang khác.

Đối với nhiều người, Mỹ là đất nước của những lý tưởng—dân chủ, bình đẳng và pháp quyền. Nhưng đối với những người khác, Mỹ là một quốc gia mà các quy tắc và luật pháp có thể bị bẻ cong để bảo vệ lợi ích của một nhóm chủng tộc duy nhất, nhóm mà họ tin rằng có quyền để kiểm soát những người khác. Sự kiện đáng xấu hổ của ngày 6 tháng 1 năm 2021 là bằng chứng rõ ràng rằng phớt lờ hay nuông chiều nhóm da trắng bảo thủ cực đoan là không hiệu quả nếu chúng ta muốn đất nước được đoàn kết.

Nhưng đối với tất cả áp lực mà Trump tạo nên, cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 năm 2021 đã thễ hiện khả năng phục hồi mạnh mẻ trong hệ thống chính trị của nước Mỹ với tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức kỷ lục bất chấp đại dịch và nó đã diễn ra mà không gặp trở ngại nào.

Đối với hầu hết các chuyên gia, tất cả những yếu tố này sẽ rất khó có khả năng Mỹ sẽ đi theo con đường của các quốc gia hiện đại đã rơi vào nội chiến toàn diện, như Nam Tư sau chủ nghĩa cộng sản, Tây Ban Nha trước Thế chiến II hoặc các quốc gia Mỹ Latinh trong những năm 1980.

Nước Mỹ không thể giống như quốc gia Nam Tư hay Tây Ban Nha nhưng chắc chắn có nguy cơ xảy ra những loại bạo lực nhỏ và rải rác ở nhiều tiểu bang xanh đỏ khác nhau.

Tại Quốc hội, những ranh giới chia rẽ ngày càng cứng rắn đã khiến các tổng thống của một trong hai bên gặp khó khăn hơn nhiều trong việc bảo đảm sự hợp tác có ý nghĩa từ bên kia; các đảng hiện bỏ phiếu chống lại nhau thường xuyên hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Ở cấp tiểu bang và cơ sở, sự tách biệt này đã gieo mầm cho sự đối kháng có đi có lại. Trong cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng, khoảng bốn phần năm đảng viên Đảng Dân chủ nói rằng Đảng Cộng hòa đã bị những kẻ phân biệt chủng tộc tiếp quản, trong khi một tỷ lệ gần như giống hệt nhau của những người Cộng hòa nói rằng Đảng Dân chủ đã bị những người xã hội chủ nghĩa tiếp quản.

Tổng thống Biden cần phải cương quyết và mạnh mẽ trục xuất cả những người theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng khỏi những bộ phận của chính phủ như quân đội và Bộ An ninh Nội địa, nhưng điều này cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gì chứng tỏ Tòa Bạch Ốc sẽ hành động.

Đây là một mức độ đối kháng chính trị cao bất thường trong thế kỷ 21, và chắc chắn nó đã gây khó khăn hơn cho người đứng đầu Tòa bạch Ốc, bất kể là Tổng thống của đảng chính trị nào đều gặp khó trong việc đạt được tiến bộ trong các vấn đề chính sách lớn.

Đảng Cộng hòa ngày nay luôn sẵn sàng sử dụng các chiến thuật cực đoan và phản dân chủ để duy trì quyền lực.

Sự ủng hộ rộng rãi của Đảng Cộng hòa đối với nỗ lực đánh cắp cuộc bầu cử của Trump điên cuồng bất chấp đến độ đa số thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu lật ngược kết quả ngay cả sau khi đám đông những người ủng hộ ông ta gây bạo loạn trong Điện Capitol – đã trở thành điểm nhấn xác nhận cho sự rút lui khỏi chế độ dân chủ này trong GOP.

Việc Đảng Cộng hòa tập trung vào cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 về cơ bản đang định hình lại đảng Cộng hòa. Mặc dù phần lớn những người theo dõi Trump có thể chấp nhận các cáo buộc gian lận của ông ta, nhưng những cáo buộc đó đã bị các tòa án lớn nhỏ thi nhau bác bỏ nhưng lại không thể tưởng tượng rằng chúng lại được nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa cố gắng tin tưởng.

Rõ ràng những đảng viên không còn là những người biết quý trọng một nền dân chủ, họ chỉ muốn giành chiến thắng bằng mọi giá và Trump cần phải tiếp tục nắm quyền.

Đa số cử tri Đảng Cộng hòa đồng ý rằng “lối sống truyền thống của người Mỹ đang biến mất nhanh đến mức chúng ta có thể phải sử dụng vũ lực để cứu vãn nó.”

Joe Biden, người sau khi nhậm chức tổng thống đã đặt cược chủ yếu vào chiến lược thu hẹp sự chia rẽ bằng cách cung cấp những cải tiến thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ đồng thời tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật chống lại các nhóm dân tộc chủ nghĩa Da trắng.

Cách tiếp cận đó có thể giúp giải quyết vấn đề, nhưng hầu hết các chuyên gia luật và Hiến pháp đều đồng ý rằng không có khả năng chấm dứt vấn đề. Vì Tổng thống Biden chỉ phụ trách các vấn đề chính sách, điều hành việc nước, ông chỉ có thể đưa ra ý kiến, yêu cầu hay khuyến nghị Quốc hội, Bộ Tư pháp thực hiện.

Mặc dù xu hướng của các đảng viên Đảng Dân chủ là “hãy bắt tay vào vấn đề cơm áo gạo tiền,” cho người Mỹ, có được sự ấm no tức nhiên sẽ không có loạn lạc, nhưng vấn đề không phải như thế, vấn đề “cơm áo gạo tiền” không phải hất thiết là động lực của những người đã cướp phá Điện Capitol.

Về lâu dài, bất kể Tổng thống Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ khác làm gì, câu hỏi liệu Hoa Kỳ có phải đối mặt với nhiều bạo lực hơn và các mối đe dọa khác đối với sự ổn định chính trị cơ bản của nước này hay không có lẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các lựa chọn của đảng Cộng hòa.

Nếu đảng Cộng hòa tiếp tục công nhận và chào đón những phần tử cực đoan và tiến xa hơn tới việc áp dụng các chiến thuật phản dân chủ trong các chủ trương của đảng, thì quốc gia có thể bị mắc kẹt trong vòng xoáy rối loạn triền miên và kéo dài.

Dù Tổng thống Biden có cố gắng đến đâu, lịch sử cho thấy rằng chỉ với một đảng Dân chủ sẽ khó có thể sửa chữa sự chia rẽ ngày càng lớn trong nước bởi di sản tệ hại, xấu xí rõ ràng nhất của Donald Trump.

Chúng ta đang sống trong thời đại của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng nhanh chóng nhưng phân cực nặng nề, trong đó những tiếng nói hung hăng nhất và những quan điểm cực đoan nhất chiếm ưu thế. Người Mỹ đã tự xếp mình vào những khu vực bị cô lập về chính trị và văn hóa, dễ bị những kẻ cơ hội chính trị và truyền thông buôn bán những câu chuyện sai sự thật.

Đối với các nền tảng truyền thông xã hội tư nhân như Facebook và Twitter, nơi người Mỹ ngày càng nhận được nhiều thông tin và tham gia chính trị, đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Thay vì nâng cao những cuộc trò chuyện dân sự, hữu ích và với sự thật, các nền tảng lại thưởng cho thông tin sai lệch, để yên cho những hành vi thô lỗ và sự căm ghét chủng tộc.

Tổng thống Biden có thể bắt đầu đưa người Mỹ vào con đường hàn gắn và đoàn kết đất nước bằng cách thành lập một ủy ban hòa giải và sự thật ở Hoa Kỳ, cho phép tất cả người Mỹ xem xét nguồn gốc lịch sử nguy hiểm của phân biệt chủng tộc và cấu trúc của chính trị cực đoan ảnh hưởng như thế nào đến xã hội. Đây không phải là một ý kiến ​​mới. Vào tháng 6, Dân biểu Barbara Lee đã đưa ra một nghị quyết tại Hạ viện để thành lập Ủy ban Hoa Kỳ về Sự thật, Chữa lành Chủng tộc và Chuyển hóa, nhưng dự luật này lại bị đình trệ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ.

Phải chăng người Mỹ cả trái lẫn phải đều không quan tâm đến cách chữa lành vết thương chia rẽ trầm trọng đang dần xé đôi nước Mỹ hay sao?

Lời kết:

Nước Mỹ sẽ không thể hàn gắn được gì nhiều trong những năm tới nếu 47% người Mỹ bỏ phiếu chống lại tổng thống đắc cử bị đối xử như một nhóm dân số bị khuất phục. Một tiêu chuẩn kép đang xuất hiện ở đất nước này, một tiêu chuẩn dành cho những người chiến thắng chính trị hiện tại và các đồng minh của họ, và tiêu chuẩn còn lại dành cho đối thủ của họ.

Muốn khắc phục và sửa chữa thiệt hại của Trump đối với sự ổn định chính trị của nước Mỹ đều cần đến sự đóng góp của cả hai đảng chính trị Dân chủ và Cộng hòa, chỉ một đảng sẽ không thể làm được, đây chính là điều khó nhất, nằm ngoài tầm tay với của Tổng thống Biden hiện nay cũng như đối với bất cứ Tổng thống Mỹ nào, người của bất cứ đảng chính trị nào trong tương lai.

Sự khoan dung, tha thứ và chủ nghĩa hợp hiến là con đường trở lại với một nước Mỹ thống nhất và hùng mạnh, nhưng những cách chức này giờ đây không còn thích hợp nữa với cả hai phía trái và phải, Dân chủ và Cộng hòa

Việt Linh 10.04.2023