Sunday, June 15, 2025

100 Ngày Đầu Nhiệm Kỳ 2 Của Tổng Thống Donald J Trump

  • Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo TIME, Tổng thống Donald Trump nói về việc thâu tóm quyền lực, đối đầu trực tiếp với tòa án, và làm thay đổi cục diện thế giới do nước Mỹ tạo ra từ bấy lâu nay.

Tổng thống Donald Trump xuất hiện từ sau hai cánh cửa bằng gỗ tuyệt đẹp trên lầu ba của Bạch Cung. Ông bước xuống cầu thang khá rộng trải thảm đỏ, đi ngang qua nhiều bức chân dung của các vị tổng thống tiền nhiệm. Trước hết là chân dung ông Nixon, ngay bậc thềm của tầng lầu hai. Bước xuống thêm hai bậc thang, ông đổi sang tấm chân dung của ông Clinton và ông Lincoln. Ông giải thích: “Lincoln ở vị trí đáng kính là điều công bằng thôi. Riêng Clinton, tôi cho ông ở vị trí khá tốt.”. Nhưng tất cả những bức chân dung đó đều chỉ ở bao quanh một tấm hình vĩ đại khác mà ông muốn khoe với chúng tôi. 

Đó là bức tranh vẽ khổng lồ, lấy từ một tấm hình chụp. Trong đó chụp lại cảnh ông Trump bị ám sát hụt tại tỉnh Butler, tiểu bang Pennsylvania. Trong hình vẽ,ông giơ nắm tay cao thề sẽ tiếp tục chiến đấu, trong lúc máu đỏ loe loét chảy từ màng tai xuống mặt. .Tấm hình lớn này treo đối diện với hình chân dung ông Obama, ngầm ám chỉ có một sự so sánh, ganh đua. Ông Trump nói rằng khi hướng dẫn quan khách đi thăm Bạch Cung, ai cũng tò mỏ hỏi thăm về tấm hình ông bị ám sát hụt. Ông nói nguyên văn: “Bức tranh nói lên một sự đề kháng đầy sinh động, và được tô màu tuyệt đẹp với kỹ thuật technicolor.”.

Ông hướng dẫn chúng tôi đi ra Vườn Hồng- Rose Garden- Sau đó, ông bước lên bậc tam cấp để đi vào Văn Phòng Hình Bầu Dục- Oval Office- nơi ông ngồi làm việc mỗi ngày. Ông tiếp tục giải thích thêm một số điểm trang hoàng mới, cả trong lẫn ngoài, kể từ ngày ông bắt đầu nhiệm kỳ hai. Nét đặc thù cá nhân của ông được thể hiện đậm nét tại nơi ông làm việc. Tất cả những đường viền quanh lò sưởi, đều được mạ vàng. Ông cũng cho treo nhiều tấm chân dung các vị tổng thống lồng trong khung ảnh  mạ vàng. Ông cho trưng bày bản Tuyên Ngôn Độc Lập, treo đằng sau tấm màn nhung màu xanh nước biển. Một cái hộp vuông, trên đó có nút bấm màu đỏ, để ông gọi người giúp việc đem vào vài chai nước”Diet Coke”,  giúp ông tiếp khách. Sau bàn làm việc của ông- tên là Resolution Desk- trưng bày một loạt rất nhiều cờ, như cờ của đơn vị US Space Force, và cờ xí của những ban quân nhạc trong quân đội Mỹ. Một tấm bản đồ mang tên “Gulf of America” nhằm đổi tên Vịnh Mễ Tây Cơ cũng được treo ở gần đó.

Ông Trump không chỉ đơn thuần cho trang hoàng lại Bạch Cung, ông thực hiện nhiều thay đổi lớn lao trong nhiệm kỳ mới,  đem lại những hậu quả sâu xa. Một trăm ngày đầu nhiệm kỳ làm việc của ông đem lại sự bất ổn dữ dội nhất trong lịch sử Mỹ. Chẳng hạn như việc thâu tóm quyền bính vào trong tay Tổng thống, thay đổi chiến lược, tấn công trực tiếp những thành phần phản động bên phía tả, tấn công cả những đối tác trên khắp thế giới, khiến ngay cả những người ủng hộ cũng phải giật mình sửng sốt. Ông Trump tung ra một loạt Sắc Lệnh và Văn Thư làm rung chuyển toàn bộ chính phủ và nhiều cơ quan, Sở, Bộ trực thuộc. Ông hăm dọa sẽ lấy đảo quốc Greenland bằng vũ lực, lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, và sáp nhập Canada thành một tiểu bang của Mỹ. Sử dụng Bộ Tư Pháp như một thứ vũ khí để điều tra những kẻ thù chính trị của ông. Ông moi móc việc làm của công chức liên bang, và sa thải hơn 100,000 nhân viên. Ông tuyên chiến với nhiều định chế công quyền liên quan đến  mọi cạnh đời sống của người dân Mỹ, như các trường đại học, các tổ chức truyền thông, công ty luật, và bảo tàng viện. Ông xá tội hay giảm án cho tất cả những kẻ đã tham gia vào vụ bạo loạn tấn công trụ sở Quốc Hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng. Kể cả những kẻ vi phạm luật hình sự theo những gì đã được thu hình trong video clip, những kẻ đòi ly khai khỏi nước Mỹ. Ông làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu qua việc khởi xướng cuộc chiến tranh mậu dịch, công bố một danh sách rất dài áp đặt quan thuế biểu – tariffs-đối với hầu hết các nước trên thế giới, khiến cho thị trường chứng khoán bị tuột dốc tưởng như không kiềm hãm được nữa. Ông giữ đúng lời hứa trong lúc tranh cử là sẽ trục xuất hàng loạt di dân bất hợp pháp bằng cách huy động tất cả những cơ quan, sở bộ trong chính phủ liên quan đến việc trục xuất di dân từ Bưu Điện đến Sở Thuế  để thực hiện lời hứa này: Ông ra lệnh bắt giam, trục xuất, tóm cổ di dân lậu, và  ném họ lên máy bay  gửi sang nhà tù ở nước ngoài. Ông viện dẫn bộ luật từng áp dụng trong thời chiến ở thế kỷ thứ 18 để làm việc này, bất chấp thủ tục tư pháp. Chính quyền của ông còn “tóm cổ” cả sinh viên ngoại quốc ngay trong khuôn viên trường đại, tịch thu visa của đương sự chỉ vì sinh viên đó đọc những bài diễn văn mà ông không ưa. Ông hăm dọa sẽ gửi những người Mỹ nào chống đối chính sách của ông sang nhà tù khét tiếng là hung ác ở El Salvador. Một quan chức trong chính quyền của ông nói rằng: “Chính sách được thành công còn tùy xem nó có làm mọi người sửng sốt, kinh hoàng hay không.”.

Điều khiến cho các học giả nghiên cứu về hiến pháp, và quyền tự do dân sự, phải kinh hãi chính là việc ông Trump tích lũy thật nhiều quyền bính trong tay, và dành rất nhiều đặc quyền miễn trừ cho cá nhân ông. Từ đó, ông có thể chi phối quốc hội, buộc quốc hội phải dành cho ông toàn quyền chi tiêu cũng như điều khiển chính sách ngoại giao. Ông chỉ cần nêu lý do vì tình trạng khẩn trương của đất nước, thế là đủ. Ông đã tung hoành đánh phá những cơ quan độc lập trong chính phủ, và làm lơ không cần để ý đến những hạn chế đối với ngành hành pháp. Những giới hạn này được đưa ra sau vụ tai tiếng Watergate nhằm ngăn cấm ngành hành pháp không được vi phạm, coi thường luật pháp. Khi một số tòa án cấp dưới ra lệnh cho ông phải chậm lại, chớ làm những hành vi có thể bị xem là bất hợp pháp, ông vẫn tỉnh bơ làm tiếp, không thèm để ý đến lời ngăn cản của tòa án. Đôi khi ông còn lên tiếng chế giễu các vị thẩm phán. Trong một vụ, ông Trump còn công khai cãi lệnh của Tối Cao Pháp Viện. Khi bàn về vụ này, Chánh Án J. Harvie Wilkinson, người từng được Tổng thống Reagan bổ nhiệm là Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Liên Bang, và là một luật gia rất  uy tín trong giới tư pháp, đã phải lên tiếng nói rằng” Thái độ xem thường luật pháp của chính quyền Trump  sẽ đưa đến tình trạng xem thường luật pháp, và đất nước sẽ đi đến tình trạng phi luật pháp. Nguy cơ đó là điều mà mọi người Mỹ dù đứng trên quan điểm nào cũng xem sự tôn trọng luật pháp là một giá trị trường tồn, vĩnh cửu, ai cũng phải coi trọng. 

Trong suốt hơn một giờ đồng hồ phóng viên báo TIME phỏng vấn ông Trump hôm 22 tháng Tư, ông Trump tự hào rằng trong hơn ba tháng cầm quyền vừa rồi, chính quyền của ông đã làm được nhiều thành quả tốt hơn bất cứ một chính quyền tiền nhiệm nào khác. Ông nói: “Tôi đã làm được tất cả những điều tôi đã hứa trong lúc đi vận động tranh cử.”. Quả thực đúng như vậy. Từ việc trục xuất di dân bất hợp pháp, áp đặt quan thuế biểu, đến việc xây dựng lại một liên minh hoàn toàn mới của Mỹ đối với thế giới, và ông cũng tấn công trực diện chính sách “đa dạng”.“bình đẳng”,và “hòa nhập” trước đây của phe Dân Chủ. Ông Donald John Trump, vị tổng thống thứ 45 và 47 của Hoa Kỳ đã thực hiện tất cả những lời ông từng hứa. Đó là sắp xếp lại toàn bộ nước Mỹ, và chỉnh đốn lại vai trò của nước Mỹ đối với thế giới. Phần lớn những vấn đề không phải do ông tạo ra, ông chỉ đối phó rất mạnh bạo để giải quyết những vấn đề, và những người ủng hộ ông thì nói rằng ông đã giải quyết được nhiều việc với kết quả nhiều hơn các vi tiền nhiệm trong cả hai đảng. Hệ thống di trú của nước Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ từ vài chục năm nay, những động thái của chính quyền Trump đang giúp làm giảm hẳn những vụ vượt biên giới vào nước Mỹ, hầu như chỉ còn ở mức nhỏ giọt. Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. chiến lược quân sự của Hoa Kỳ thường hay bị trách là “bao đồng” cho cả thế giới. Hoa Kỳ đưa lưng ra lãnh trách nhiệm cho các nước đồng minh ở Âu châu và Đông Á. Những nước này được sự bảo bọc, che chở miễn phí của Mỹ. Lần trước, khi chính quyền Trump nêu vấn đề này, hai nước Đức và Nhật đã tình nguyện  tăng chi tiêu về quốc phòng, quân sự. Trung quốc thì lợi dụng việc tham gia vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới- World Trade Organization- từ năm 2001, tung ra nhiều đòn nhắm vào những nước buôn bán với Trung quốc. Chính quyền ông Trump bèn trả đũa bằng cách áp đặt quan thuế biểu thật nặng đối với Trung quốc để lấy lại sự công bằng. Ông Trump hãnh diện khoe: “Tôi đã giải quyết được rất nhiều vấn nạn trên thế giới mà không hề kể công lao của mình.”. 

Ông Trump đã lợi dụng tình thế suy yếu của Đảng Dân Chủ, và các đảng viên Cộng Hòa trong quốc hội tuân thủ theo mọi mệnh lệnh của ông Trump. Họ là những dân biểu thuộc loại hèn nhát, sợ ông Trump, hay là những kẻ nịnh thần bám lấy gấu áo của ông để mong kiếm chác chút đỉnh. Về phía công luận thì chỉ có chút ít phản ứng yếu đuối, không đáng kể. Những nhân vật lãnh đạo trong xã hội dân sự, và các chủ tịch đại công ty có ảnh hưởng chính trị, đa số đều tuân theo luật chơi của ông Trump. Họ chọn lựa vị thế phụ thuộc vào chính quyền Trump, thay vì đoàn kết với nhau để chống lại ông ta. Sự đầu hàng vừa kể giúp cho ông Trump có thêm nhiều quyền bính trong tay. 

Có thể nói trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump đạt được đỉnh cao nhất của quyền lực. Sự đề kháng nếu có chỉ là tình trạng khuấy động bất ổn đôi chút trong cuộc sống. Đó không phải là “Sự Chống Đối” mạnh như thời nhiệm kỳ đầu của ông. Chính sách bảo vệ mậu dịch của ông Trump đe dọa sẽ đưa đến suy thoái kinh tế, các công ty lớn, nhỏ đều có nguy cơ bị đóng cửa, vì phải cắt giảm mức sản xuất, hay sa thải bớt công nhân, để có thể sống còn trong tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và lợi tức bị giảm sút nhiều so với thời kỳ chưa có đại dịch. Các trường đại học phải gồng mình trước những đe dọa bị chính quyền Trump cắt xén ngân khoản trị giá nhiều tỷ đô la cho việc nghiên cứu. Những cộng đồng lệ thuộc nhiều vào sức lao động của nhóm di dân, nay sẽ bị ảnh hưởng nặng vì tình trạng trục xuất di dân. Lòng tin của giới tiêu thụ xuống  mức thấp nhất so với ba năm trước, và mức độ lạm phát trên đà gia tăng, khiến cho ngay cả những người Cộng Hòa nhu mì nhất cũng phải than thở về những việc làm của ông Trump, và lo âu về tương lai chính trị của đảng Cộng Hòa. Các cuộc thăm dò dư luận lúc gần đây, của tổ chức PEW Research, cho thấy đại đa số người dân Mỹ hiện đang sống trong sự sợ hãi chính quyền, và tỉ lệ ủng hộ ông Trump xuống đến mức chưa từng thấy, chỉ còn khoảng 40%. Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, ông Trump chỉ được sự ủng hộ của dân chúng ở mức thấp nhất so với các vị Tổng thống tiền nhiệm. 

Sứ mạng công tác 100 ngày đầu do chính ông Trump và các cố vấn của ông đề ra gặp phải sự chống đối mạnh mẽ, bởi vì ông đã xông pha tấn công mọi vấn đề, trên khắp các mặt trận. Bà Susie Wiles, chánh văn phòng Bạch Cung nói thẳng: “Ông ấy không chừa một mặt trận nào cả, ông ra mặt tấn công mọi phía. Bởi vì tất cả những gì ông làm, hay ông suy nghĩ đều rất quan trọng cho đất nước, và chúng ta phải tìm ra cách giải quyết.”. Ngay cả những người có kinh nghiệm rất nhiều về guồng máy chính phủ cũng không thể nào kiểm tra, theo dõi sát được hết những động thái của chính quyền ông Trump. Chính quyền này phá tan tất cả những khuôn mẫu, chuẩn mực thường có ở Hoa Thịnh Đốn từ bấy lâu nay, nói chi việc đoán chừng xem ông sẽ dẫn dắt đất nước này đi về đâu. Phụ tá hàng đầu của ông Trump từng nói rằng: “Đây mới chỉ là màn dạo đầu thôi.”.  Bà Wiles nói thêm: “Ông ấy có tới bốn năm để suy nghĩ về việc ông muốn làm gì, và bây giờ là lúc ông đem ra thi hành những điều ông suy nghĩ.”,

Thái độ khoan dung của ông Trump đối với nhóm bạo loạn, tấn công điện Capitol trong ngày 6 tháng Giêng, 2001, nói lên mối quan hệ giữa ông Trump và Quốc Hội. Các phụ tá của ông cảm thấy áy náy, khó xử khi thấy ông đòi ân xá, hay giảm án cho tất kẻ những kẻ nổi loạn, bởi vì trong đó cũng có nhiều kẻ tội phạm. Một số phụ tá lo ngại rằng nếu thả tự do cho tất cả những kẻ bạo loạn, trong đó có những tay tội phạm dính líu đến bạo lực, hay đòi ly khai ra khỏi nước Mỹ, e rằng sẽ đưa đến “phản tác dụng”. Nhưng sau buổi lễ đăng quang nhậm chức, ông trở về làm việc  ngày đầu tiên ở Bạch Cung, ông Trump đã giải quyết vấn đề còn tranh luận này một cách dứt khoát, và thẳng thừng. Ông nói: “Dẹp hết! Không bàn bàn cãi gì thêm nữa. Tôi không muốn nghe bất cứ ai bàn về chuyện này. Cứ thả hết tất cả, cho họ tự do về nhà.”.

Dưới triều đại tổng thống của ông Trump, đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện tự nguyện nhường hẳn quyền hạn cho người lãnh đạo ngành Hành Pháp. Một số đông dân biều tỏ ra sợ hãi, rụt rè khi muốn đối đầu với ông Trump. Với sự tiếp tay của Elon Musk, Bộ Trưởng Bộ Hiệu Quả Chính Phủ – DOGE- ông Trump hủy bỏ nhiều cơ quan do Quốc Hội lập ra trước đây, từ cơ quan USAID- Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế của Hoa Kỳ đến Global Media (cơ quan chủ quản của VOA và RFA). Ông ra lệnh dẹp bỏ luôn Bộ Giáo Dục, gây ra việc tranh cãi về một cơ quan do Quốc Hội lập ra từ thời thập niên 1970’s. Trong một số Sắc lệnh Hành Pháp, ông Trump còn ngăn chặn không cấp ngân khoản trợ cấp của chính phủ liên bang đến một số cơ quan, và đưa đến tranh cãi, kiện tụng. Từ tháng Ba, ông Trump bắt đầu kế hoạch áp đặt quan thuế biểu của chính phủ ông. Một số dân biểu lãnh đạo của Cộng Hòa nói nhỏ với nhau rằng bất cứ ai có ý định ngăn cản sẽ có nguy cơ bị trừng phạt. Ông Mike Johnson, Chủ tịch quốc hội, nói với báo TIME trong cuộc phỏng vấn rằng: “Tổng thống Hoa Kỳ có quyển và có trách nhiệm dùng mọi biện pháp để đối phó với những quốc gia đối xử không công bằng với nước Mỹ.”.

Thái độ đầy uy quyền của ông Trump thể hiện qua buổi họp hồi tháng Tư giữa ông với các Dân Biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện. Tại hội trường dành cho cuộc họp nội các, những nhân vật cực kỳ bảo thủ của nhóm House Freedom Caucus chuẩn bị thảo luận về đề nghị ngân sách quốc gia do các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa phác thảo. Chủ đề cuộc họp là hủy bỏ một số chương trình trong ngân sách. Ông Trump không có ý kiến gì về việc này. Khi Tổng thống bước vào phòng họp, ông được các phụ tá đi kèm theo, ông Mike Johnson lúc nào cũng đi kế bên Tổng thống, và Tổng thống bắt đầu bài diễn thuyết kéo dài khoảng 45 phút. Cuối cùng ông kết luận: “Trên đây là những điều tôi muốn làm.”. Dân biểu Chip Roy, tiểu bang Texas bèn nói vuốt theo: “Thưa Tổng thống, tôi đã nghe ngài nói. Nhưng suy nghĩ cho cùng tôi không tin vào thủ tục hiện nay. Hồi trước Thượng Viện đã từng làm hỏng việc.”. Ngay lúc đó, ông Trump lên tiếng ngắt lời ông Dân Biểu Texas, và nói: “Im đi, đừng tỏ ra là người hiểu rõ vấn đề hơn tôi, hiểu chưa.”. Qua ngày hôm sau, chính ông dân biểu Texas Chip Roy đã bỏ phiếu chấp thuận cả hai đề nghị, và ông không đưa ra một lời bình luận nào cả. 

Thái độ của Tổng thống là muốn đưa ra một thông điệp cho tất cả thành viên trong đảng Cộng Hòa : “Liệu hồn, chớ có một Dân Biểu nào có ý định qua mặt, hay cản đường làm việc của tôi.”. Mặc dù ông thất cử năm 2020, nhưng những người kiên cường trung thành với ông đều đã thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhờ ông bỏ tiền ra yểm trợ cho họ. Do đó, ông đã xây dựng được một nhóm dân biểu hoàn toàn trung thành với ông, để ông có thể thực hiện kế hoạch làm việc của mình. Đến nay thì đa số các dân biểu trong quốc hội đề trung thành tuyệt đối với chủ trương của MAGA, và đa số những dân biểu khác phải chọn lựa thái độ là phải chấp nhận chủ trương do ông đề ra. Bời vì đó là điều kiện để có việc làm, để được tiếp tục làm dân biểu. Ông Mike Johnson nói với báo TIME: “Họ hiểu rằng Tổng thống Trump là người có sức mạnh vô địch về chính trị trong thời đại tân tiến ngày nay. Mọi người đều muốn nhảy lên toa xe lửa để đi chung với ông, không ai muốn đứng chặn đầu toa xe lửa này.”.

Bây giờ, ông Trump muốn làm giống hệt như vậy đối với guồng máy chính phủ liên bang. Lại thêm có Bộ Hiệu Quả Chính Phủ do Elon Musk cầm đầu. Lấy lý do cần phải diệt trừ những phí phạm tiền của chính phủ, những gian dối, và những hành vi lạm quyền để lấy tiền chính phủ, nhóm công tác của ông Musk giành quyền kiểm soát những cơ quan độc lập trong chính phủ liên bang, và đề nghị cắt xén rất nhiều. Khoảng 75,000 công chức liên bang chấp nhận đề nghị của ông Musk là xin nghỉ việc, hay nhận khoản tiền lương hưu. Bộ Hiệu Quả Chính Phủ DOGE giải thể cơ quan USAID và định đóng cửa thêm một vài cơ quan khác chẳng hạn như Ủy Ban Bảo Vệ Tài Chánh cho Người Tiêu Thụ. Đôi khi việc giải thể, hay đóng cửa cơ quan do DOGE làm gặp rắc rối. Ví dụ khi DOGE đòi chiếm đóng Viện Hòa Bình- US Institute of Peace, cơ quan này không đồng ý cho nhân viên của DOGE tiến vào trụ sở. Vì vậy họ phải đem nhân viên FBI và Cảnh Sát thủ đô Hoa Thịnh Đốn để vào chiếm đóng trụ sở. 

Bộ DOGE còn lấy thông tin cá nhân của nhiều công chức liên bang, và cá nhân làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ. Họ tập trung tất cả dữ kiện thông tin về một trung tâm, kể cả số An Sinh Xã Hội, hồ sơ vay tiền để đi học, cũng như thu nhập hàng năm. Những hồ sơ cá nhân này sau đó sẽ được Bạch Cung sử dụng để tấn công, hay nhắm mục tiêu khác. Sở Thuế Lợi Tức cộng tác với Bộ An Ninh Nội Chính cung cấp thông tin, tài liệu của những đối tượng mà cơ quan an ninh muốn điều tra, tìm hiểu, hay trục xuất. Phát ngôn viên của bộ DOGE từ chối không đưa ra lời bình luận về việc cung cấp thông tin cá nhân. Tuy nhiên theo và Wiles, Chánh Văn Phòng Bạch Cung thì đây là vũ khí sắc bén nhất để chính quyền Trump kiểm soát toàn bộ chính phủ. Bà còn nói thêm rằng nếu không làm như vậy, chúng ta không thể nào có thể cắt giảm chi tiêu chính phủ được 0.18% trong vòng bốn năm. 

Ông Louis DeJoy từng là một công chức liên bang nếm mùi cay đắng do hành động của bộ DOGE và chính quyền Trump. Ông này trước đây là Chủ tịch một công ty tiếp vận lớn, và tặng rất nhiều cho ông Trump để tranh cử. Sau đó, vào năm 2020, ông được đền ơn với chức Tổng Giám Đốc Cục Bưu Điện Hoa Kỳ. Ông làm việc hết mình và rất giỏi. Ông củng cố guồng máy tổ chức ngành bưu điện, cắt giảm hàng tỉ đô la chi phí, và sắp sửa đem ra thực hiện kế hoạch 10 năm canh tân ngành bưu điện. Đùng một cái vào hồi tháng Ba, ông ta phải đối đầu với đội quân của Elon Musk. Nhóm công tác này đòi phải giải tư ngành bưu điện, và ông Bộ Trưởng Thương Mại Howard Lutnick tìm cách thu xếp đem Bưu Điện trở thành một cơ quan của Bộ Thương Mại. Trong lúc đó, quan chức của Sở Bảo Vệ Biên Giới và Quan Thuế còn đòi ngành Bưu Điện phải cung cấp thông tin cá nhân của người di dân để họ có thể làm được công tác trục xuất, bắt giam người di dân.  

Ngày 10 tháng Ba, ông Musk cử hai chuyên viên trẻ từng  làm việc cho công ty Tesla đến trụ sở cục Bưu Điện để đóng trụ tại đây, với lý do tìm cách cắt giảm chi phí. Khi ông Tổng giám đốc DeJoy từ chối không cho nhân viên của bộ DOGE vào trụ sở Bưu Điện, lục lọi thông tin trong trung tâm điện toán Sở Bưu Điện để lấy địa chỉ của tất cả mọi người Mỹ. Phụ tá của ông Musk than phiền với ông về việc này. Ông Musk vào Bạch Cung trình bày thẳng với ông Trump về thái độ của ông Tổng Giám đốc Bưu Điện. Theo nguồn tin của báo TIME biết được thì chính ông Trump ra lệnh cho giám đốc nhân viên của Bạch Cung, ông Sergio Gor,  gọi điện thoại cho ông DeJoy và Hội Đồng Quản Trị Cục Bưu Điện nói với họ rằng chính Tổng thống Trump muốn sa thải ông DeJoy. Ông DeJoy nên tuân lệnh này nếu không sẽ bị Tổng thống và ông Musk làm khổ suốt đời. Khi thấy sự kháng cự của mình chỉ làm cho tình hình xấu thêm, ông DeJoy phải xin nghỉ hưu. Ông Giám đốc nhân sự Sergio Gor từ chối không trả lời những câu hỏi về việc ông DeJoy xin từ chức. Cả một đời ông DeJoy cống hiến tiền bạc và công sức cho đảng Cộng Hòa và ông Trump, để rồi ông phải ngậm đắng nuốt cay rời khỏi chính trường. 

Với thái độ tuân lệnh tuyệt đối của Quốc Hội đối với Hành Pháp, bây giờ chỉ còn có tòa án là nơi sau cùng có thể hạn chế quyền lực của ông Trump. Đến nay có khoảng hơn 100 vụ kiện được đệ đơn để kiện những biện pháp, chính sách của ông Trump đưa ra bằng những Sắc Lệnh Hành Pháp. Ngoài ra, việc chính quyền Trump đã nhầm lẫn bắt giam, trục xuất một người di dân không có giấy tờ hợp lệ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng về vi phạm hiến pháp. 

Tháng bảy năm 2024, Tổng thống El Salvador là ông Najib Buckle đã mời cựu dân biểu Florida là ông Matt Gets cùng với vài dân biểu khác sang thăm El Salvador. Trong bữa tiệc tổ chức tại dinh Tổng thống bên bờ hồ, ông Bukele đưa ra đề nghị dùng nhà tù ở El Salvador để giam giữ những di dân bất hợp pháp bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.Nhà từ ở đây nổi tiếng là nghiêm nhặt và hung ác, có tên là Trung Tâm Giam Giữ Những Kẻ Khủng Bố- gọi tắt là CECOT. Ngày hôm sau, chính ông Bukele tổ chức cuộc tham quan nhà tù lớn nhất vùng Trung Mỹ để các dân biểu Mỹ có ý niệm về nhà tù này. Ông Matt Gaetz nhớ lại chuyến thăm nhà tù và nói: “Nhà tù này tiêu diệt mọi ý chí chống đối, đề kháng của con người. Thật là đáng sợ, nó làm cho con người hao mòn tất cả mọi ý chí, và hy vọng.”.

Ông Gaetz ưng ý và chọn nhà tù này làm nơi giam giữ di dân bị trục xuất. Ông đưa ý này lên Phụ tá Chánh Văn Phòng Bạch Cung Stephen Miller, và được chấp thuận ngay. Theo tin tức do báo TIME thu thập được thì kế hoạch dùng nhà từ ở El Salvador được ông Trump chấp thuận, và ông cử Ngoại Trưởng Marco Rubio bay sang El Salvador để thương lượng với Tổng thống Bukele. Cuối cùng thì một thỏa ước đã được âm thầm ký kết vào tháng Hai. Ông Trump nói thì: “Điều mà tôi thích nhất là dùng nhà tù ở El Salvador đỡ tốn kém hơn nhà tù ở Mỹ, và chắc chắn tù nhân  sẽ không còn có ý định chống đối hay bỏ trốn.”.

Ít ngày sau, viện dẫn một đạo luật có từ thời thế kỷ thứ 18, và rất ít khi được dùng, chỉ dùng trong thời có chiến tranh mà thôi. Đó là đạo luật Alien Enemies Act  để trục xuất 238 người di dân Venezuela sang nhà tù CECOT, ở El Salvador, bị kết tội là thành viên trong băng đảng, không cho những di dân này cơ hội được biện minh trước tòa rằng họ vô tội, hay đã bị bỏ tù vì nhầm lẫn. Chánh án Tòa Thượng Thẩm Liên Bang James Blasberg ra lệnh cho chính quyền Trump phải quay đầu máy bay đem hững di dân này trở lại Hoa Kỳ. Chính quyền Trump không màng để ý đến lệnh của Chánh án, ông Trump còn mắng mỏ, và đòi truất phế ông Chánh án. Vì vụ này mà Chánh án chủ tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts phả đưa ra một văn thư công khai phản đối chính quyền ông Trump.

Xung khắc giữa chính quyền Trump với hệ thống tư pháp trở nên lớn hơn khi chính quyền thú nhận họ đã nhầm lẫn khi trục xuất một công nhân xây cất ở Maryland là anh Kilmar Abrego Garcia sang El Salvador. Ông Trump nói: “Khi tôi nghe nói có sự nhầm lẫn xảy ra, tôi không mấy hài lòng. Nhưng sau đó, tôi biết thêm rằng người di dân này là thành viên trong băng đảng MS-13. Tôi không cần để ý đến nữa.”. Luật sư biện hộ cho anh Garcia kiện ra tòa về những cáo buộc này. Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết nói rằng chính quyền Trump có trách nhiệm phải “vận dụng” mọi cách để anh Garcia được ra khỏi nhà tù CECOT, nhưng chính này từ chối đưa anh Garcia trở lại Mỹ. 

Khi ông Trump được hỏi ông có yêu cầu Tổng thống El Salvador đưa anh Garcia trở về Mỹ hay không?. Ông Trump trả lời rằng: “Tôi không hề nghe luật sư của anh ta yêu cầu làm điều này. Không ai hỏi tôi câu này, chỉ có mình ông đặt câu hỏi này mà thôi.”. Khi dư luận tỏ ra bất bình về việc chính quyền bắt giữ người đưa vào nhà tù mà không theo thủ tục tư pháp, ông Trump cho rằng việc anh này bị bắt giam có lợi cho anh ta..

Ít lâu sau, hiện tượng bắt giữ người trái phép không những chỉ xảy ra đối với di dân bất hợp pháp, mà còn đối với cả sinh viên đang theo họ trong các trường đại học lớn. Ngày 25 tháng Ba cô Rumeysa Ozturk, sinh viên chuẩn Tiến Sĩ ở trường đại học Turfs vừa rời khỏi phỏng trọ để đi ăn tối với bạn. Trên vỉa hè, cô bị vài người cảnh sát di trú ICE Police, mặc thường phục, bắt cóc đem đi và đưa cô vào trung tâm tạm giam ở Louisiana. Một thẩm phán di trú từ chối không cho cô đóng tiền thế chân để được tạm tha. Trong lúc đó, chính quyền chưa thu thập đầy d8u3 những tài liệu chứng minh cô ủng hộ cho phe Hamas, hay cô đã phạm phải một tội hình. Bộ An Ninh Nội Chính chỉ đưa ra được bằng chứng là cô đã viết chung với một người bạn bản tuyên cáo chỉ trích Do Thái tàn sát dân chúng trên dải Gaza. Bản tuyên cáo này được đăng trên báo dưới hình thức op-ad, tức là quảng cáo có trả tiền. Ông Trump noi1 với báo chí khi được hỏi về việc này: “Tôi không hề biết chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên tôi sẽ yêu cầu Bộ Tư Pháp công bố những bằng chứng về lý do tại sao lại bắt giữ cô Ozturk.

Từ trước đến nay, ông Trump vẫn thường than phiền rằng ông bị đưa ra tòa mà không có bằng chứng để buộc tội ông. Ông nói Bộ Tư Pháp trước đây được dùng như một thứ vũ khí để hành hạ ông. Và cơ quan FBI đã xông vào nhà riêng của ông để lục soát mà không tuân theo thủ tục pháp lý. Ngày 9 tháng Tư, ông Trump đưa ra mệnh lệnh yêu cầu Bộ Tư Pháp phải điều tra ông Christopher Krebs, một chuyên viên về an ninh mạng bời vì ông này trước đây đã xác nhận rằng không hề có gian lận trong kỳ bầu cử năm 2020. Ngoài ra, ông cũng ra lệnh cho Bộ Tư Pháp phải tìm tòi, điều tra về ông Miles Taylor, một cựu viên chức của Bộ An Ninh Nội Chính vì ông ta đã cho đăng bài viết ẩn danh trên báo NY Times chỉ trích ông Trump thậm tệ. 

Ông Trump cũng tìm cách làm suy yếu quyền hạn kiểm soát việc làm của ông. Trong tháng Giêng, ông ra lệnh sa thải 17 Công Tố Viên Liên Bang thuộc nhiều cơ quan khác nhau trong chính phủ. Những vị công tố này đóng vai trò giám sát việc làm của ngành Hành Pháp. Họ được mời giữ chức vụ này kể từ sau vụ Watergate với nhiệm vụ giám sát những hành động lạm quyền, và sai trái của chính phủ. Ông thay thế những vị thanh tra dầy kinh nghiệm kể trên bằng những kẻ trung thành với ông. Ví dụ ông thay thế Bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang New Jersey bằng bà Alina Habba,trước đậy là luật sư riêng của ông. Tại Hoa Thịnh Đốn, Văn phòng Công Tố Viên quan trọng nhất của cả nước được ông thay thế bằng ông Ed Marin, một luật sư thân tín của ông, từng chủ trương chiến dịch “Stop the Steal”. Ông này chưa bao giờ có kinh nghiệm làm công tố viên, và ông là người ra tay trừng trị các luật sư  tham gia vào việc truy tố các tay bạo loạn trong vụ 6 tháng Giêng. 

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo TIME, ông Trump nói rằng ông luôn luôn tuân theo những quy định của tòa án. Nhưng ngay cả những luật gia có xu hướng muốn nới rộng quyền hành cho ngành Hành Pháp cũng phải công nhận rằng hàng loạt những Sắc Lệnh Hành Pháp do ông Trump ban hành cho thấy quyền hành của ngành Hành Pháp đã trở nên lớn quá đáng, đến mức khiến mọi người phải cảnh giác. Chính quyền đã từ chối không chịu chi tiền cho những khoản chi tiêu đã được Quốc Hội và Tòa án chuẩn thuận. Ông Trump ký những Sắc Lệnh hành Pháp để trục xuất những cá nhân mà ông cho rằng có liên hệ đến những tổ chức khủng bố. ngoại quốc.

Ông Jack Goldsmith, Giáo sư Luật của trường Harvard, một người có xu hướng bảo thủ, từng làm việc trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, nói rằng “Số lượng Sắc Lệnh Hành Pháp to lớn như trận sóng thần mà ông Trump ký có nhiều nghi vấn về tính chất hợp pháp của nó. Khiến cho người ta lo ngại phải chăng đây là một kế hoạch nhằm vi phạm Hiến Pháp, xem thường những hạn chế do Hiến pháp quy định. Sự kiện sẽ dẫn đến trận đấu tranh giành quyền lực rất nguy hiểm giữa ngành Hành Pháp và ngành tư pháp liên bang.”.

Ngày 14 tháng 12, sau khi xem trận đấu football giữa hai binh chủng Lục quân và Hải Quân, ngồi trong cabin máy bay, ông Trump lấy điện thoại ra để đọc lướt tin tức. Ông nói: “Hãy xem đây, đài truyền hình ABC đã đồng ý bồi thường $15 triệu đô la, bỏ vào quỹ xây Thư Viện Tổng thống Trump để giải quyết êm đẹp vụ kiện đối với anh chàng phóng viên George Stephanopoulos.” Nhóm tùy tùng trong máy bay cùng vỗ tay hoan hô bản tin do Tổng thống loan báo. Theo giới thạo tin, nếu đài truyền hình ABC đồng ý giải quyết theo kiểu này, sẽ còn có nhiều công ty khác đi theo lối giải quyết đó. 

Theo chiều hướng này, ông Trump ra lệnh cho các phụ tá như David Warrington, Will Scharf, và nhất là Phó Chánh Văn Phòng Stephen Miller tiếp tục thảo ra nhiều Sắc Lệnh Hành Pháp để trừng trị những công ty bị xem là kẻ thù. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dí bọn chúng nó, khiến chúng phải chịu thua đi theo chúng tôi, hay phải đi đến chỗ dẹp tiệm.”.

It lâu sau, chính quyền Trump gửi thư đến các công ty luật hàng đầu của nước Mỹ. Đây là những công ty từng biện hộ cho kẻ thù của ông Trump, hay những trường đại học nổi tiếng có nhiều hoạt động cấp tiến, đặc biệt là có xu hướng bài Do Thái. Một số công ty luật như Paul Weiss, Kirkland & Ellis, Sharden  Arps và nhiều công ty luật khác vội vàng tỏ thái độ thần phục, gom góp một số tiền vài trăm triệu để đóng góp cho ông Trump nhằm đổi lại sẽ không bị tấn công hay sách nhiễu. Ông Trump nói với báo TIME: “Hẳn là tôi đã làm đúng. Vì thế nhiều công ty luật đã gom góp tiền cho tôi rất nhiều tiền.”.

Sau đó là đến lượt các trường đại học bị hỏi thăm sức khỏe. Trường đại học Columbia đồng ý sẽ xem xét lại những cuộc biểu tình chống đối, và cho viết lại giáo trình dạy về môn nghiên cứu tình hình chính trị Trung Đông để chính quyền Trump không cắt ngân khoản $400 triệu đồng của chính phủ liên bang. Cấp lãnh đạo đài truyền hình CBS vội vàng thương lượng bồi thường tiền sau khi chính quyền Trump đòi nộp đơn kiện chương trình 60 Minutes đòi bồi thường số tiền $20 tỷ. Chính quyền Trump quay sang tấn công các trung tâm văn hóa. Ông Trump đòi giành quyền kiểm soát Trung Tâm Nghệ Thuật Kennedy và Bảo tàng Viện Smithsonian, thay đổi một số bức tranh, tượng điêu khắc của bảo tàng viện. 

Nhiều nhà bình luận cho rằng chính quyền Trump đang tìm cách đập tan, phá vỡ tất cả cơ cấu căn bản của thái độ chống đối chính quyền. Mọi cơ sở văn hóa, giáo dục, chính trị bị xé mỏng càng dễ cho chính phủ đàn áp chống đối, và người dân khó có thể tổ chức được cuộc chống đối lậu dài, hay có ý nghĩa. Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Chris Murphy của tiểu bang Connecticut nói: “ Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của những việc mà chính quyền Trump đang làm. Thái độ ăn hiếp, đàn áp các tiểu bang, chính quyền địa phương, các cơ quan bất vụ lợi, các trường đại học, nhà báo, các công ty luật, và buộc các đại công ty phải trung thành với chính phủ. Tất cả chỉ nhằm mục đích nắm cho được thật nhiều quyền bính.”.

Một vài nhân vật từng là cố vấn cho ông Trump, như Svengali, Stephen Bannon, nói: “Ông ta đang làm một cuộc cải tổ mang tính chất thánh chiến. Trước hết là phải đánh gục tất cả những định chế văn hóa quan trọng, buộc những định chế này phải thần phục, quỳ dưới chân ông ta.”. 

Nhiều nhà lãnh đạo ngoại quốc từng quen thuộc với thái độ hiếp đáp của ông Trump, song họ vẫn phải sửng sốt, kinh ngạc khi ông ta tung ra cuộc chiến mậu dịch. Để giải thích việc làm của mình trong cuộc chiến áp đặt thuế quan, ông Trump dùng một ví dụ ám tỉ như sau: Hoa Kỳ là một cửa hàng bách hóa của cả thế giới. Và Tôi là cửa tiệm khổng lồ, đẹp đẽ này. Mọi người đều muốn vào đây để mua hàng. Nhân danh người Mỹ, tôi đang làm chủ cửa tiệm. Tôi có quyền định giá cho từng món hàng. Nếu quý vị muốn mua thì phải trả theo cái giá do tôi đặt ra.”.

Ông Trump đặt ra giá mới hết sức vô lý đến nổi nhiều người trong đảng Cộng Hòa phải cảnh cáo ông về sự nguy hiểm khi đặt ra mức quan thuế biểu mang tính chất trừng phạt đối với những món hàng nhập cảng từ nước ngoài, với mức tăng căn bản là 10% và có thể lên đến 145%. Khi Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky gửi tin nhắn khuyên ông đừng áp đặt quan thuế biểu, nguy hiểm lắm. Ông trả lời qua lời nhắn tin: “TARIFFS ARE GREAT”. “QUAN THUẾ BIỂU LÀ CÁCH RẤT HAY.”

Thị trường chứng khoán chẳng chịu nghe lời ông. Chỉ trong vòng một tuần lễ, kể từ ngày ông công bố áp đặt quan thuế biểu, mà ông gọi là “NGÀY GIẢI PHÓNG” Thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm, đến mức độ khiến mọi người phải lo sợ khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể xảy ra. Ngân hàng Dự Trữ Liên bang cũng phải lên tiếng lo ngại khi họ thấy trị giá của Công Khố Phiếu Hoa Kỳ bị sụt giảm. Thông thường khi thị trường chứng khoán tụt dốc, nhà đầu tư thường đem tiền đi mua Công Khố Phiếu Hoa Kỳ để cho chắc, không bị lỗ. Nhưng bây giờ, các nhà đầu tư đem tiền đi mua đồng Yen của Nhật hay đồng quan Thụy Sĩ. Tệ hơn nữa là khi nhà đầu tư đem tiền đi mua lại Công Khố Phiếu Hoa Kỳ, những người đang nắm Công Khố Phiếu Hoa Kỳ trong tay không biết cách định giá trị của nó ra sao. Chính vì vậy nhà quan sát làm việc ở Ngân hàng Dự Trữ Liên Bang phải than rằng: “Tình hình lúc này hết sức khó sử, và đáng lo ngại.”.

Trước tình trạng công khố phiếu bị mất giá, ngày 9 tháng Tư, hai cố vấn đặc biệt của ông Trump là ông Peter Navarro và Bộ Trưởng Ngân Khố Scott Bessent phải vào Bạch Cung năn nỉ ông Trump ra lệnh tạm ngừng -PAUSE- áp đặt quan thuế biểu. Sau một hồi thảo luận với cố vấn kinh tế và hai Bộ Trưởng Tài Chánh và Thương Mại, cuối cùng ông Trump viết trên trang mạng xã hội Truth Social ông tạm thời ngưng không áp đặt quan thuế biểu. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, dù sao thì vẫn không còn ở mức cao như lúc trước Ngày Giải Phóng. 

Ông Trump nói với báo TIME rằng ông tin rằng việc áp đặt quan thuế biểu là cần thiết. Ông vẫn xem đây là một “thắng lợi” lớn nếu Hoa Kỳ áp đặt mức quan thuế biểu ít nhất là 50% trên hàng hóa nhập cảng từ nước ngoài vào Mỹ. Ông khoe rằng Chủ tịch Tập cận Bình đã gọi điện thoại cho ông và hai chính phủ sẽ thương lượng. Thế nào ông cũng sẽ đạt được thắng lợi trong cuộc thương thuyết với Trung quốc. Ông Bộ trưởng Lutnick và vài quan chức cao cấp khác trong chính quyền xác nhận có cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Nhưng bên phía Trung quốc phủ nhận, và nói rằng Chủ tịch Tập cận Bình chưa hề thảo luận với ông Trump về vấn đề quan thuế biểu. Ông Trump tiên đoán rằng chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ phải thảo luận trực tiếp với nhau vì không đời nào Hoa Kỳ cứ tiếp tục để Trung quốc lợi dụng trong vấn đề mậu dịch. 

Chính sách đối ngoại của ông Trump còn đi xa hơn nữa, ngoài lĩnh vực mậu dịch quốc tế. Ông từng hăm dọa sẽ dùng vũ lực để đối phó với Đan Mạch, một đồng minh trong khối NATO, để chiếm lấy đảo Greenland. Ông cũng từng tuyên bố sẽ lấy lại quyền làm chủ kênh đào Panama, dù   có phải dùng đến quân đội để đánh nhau với chiến tranh du kích. Ông còn để nghị đem tất cả dân Palestine sống trên dải Gaza đi định cư ở nơi khác để Hoa Kỳ biến dải Gaza thành một địa điểm nghỉ mát giống như một Riviera ở vùng Trung Đông. 

Trong những dự tính này của ông Trump, chúng ta cần phân biệt giữa mục đích chiến thuật và mục đích chiến lược của ông ta. Đảo quốc Greenland là nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, chiếm được đảo này sẽ giúp Hoa Kỳ có ưu thế trong việc cạnh tranh với nhiều nước khác ở Bắc Băng Dương. Cón việc xâm chiếm những nơi khác chỉ nhằm phục vụ mục đích cá nhân của ông Trump. Kể từ ngày lấy lại được ghế Tổng thống, ông Trump ước mơ thực hiện được mưu đồ bành trướng Hoa Kỳ ông hằng ấp ủ từ lâu, giống như Tổng thống James Polk ngày xưa. Ông đem bức tranh vẽ Tổng thống Polk lấy của một dân biểu ở Hạ Viện đem về trưng bày trong phòng Bầu Dục, nơi ông ngồi làm việc. Ngày xưa, Tổng thống Polk là một vị Tổng thống đứng đầu trong việc bành trướng lãnh thổ trong lịch sử nước Mỹ. Ông ta là người mở rộng biên cương  cho nước Mỹ, lấy vùng Oregon, lấy thêm Texas, California và một phần lớn đất đai vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Khi được hỏi ông có muốn được nhớ đến như một Tổng thống mở rộng thêm lãnh thổ cho Hoa Kỳ hay không? Ông trả lời: “Tôi không màng đến điều này. Tôi muốn mở rộng thêm lãnh thổ cho nước Mỹ.”.

Ngoài ra, ông còn được nhớ đến như là một Tổng thống chối bỏ tất cả những cam kết của Hoa Kỳ đối với đồng minh của Mỹ trong khối NATO, để nghiêng hẳn về phía nước Nga trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo TIME, ông lên tiếng trách Ukraine là nước khởi xướng, gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói thêm: “Theo tôi nguyên do đưa đến cuộc chiến tranh hiện nay là khi Ukraine bắt đầu bàn chuyện gia nhập khối NATO.”. Cuộc thương thuyết mà ông muốn đứng ra hòa giải giữa Nga và Ukraine chẳng qua là bắt ép Ukraine phải đầu hàng Nga, và trao một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga.Ông Trump khẳng định:”Vùng bán đảo Crimea sẽ phải thuộc về nước Nga.”.

Hồi nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump  tự hào và hãnh diện khoe rằng ông đã tập trung được các nước đồng minh của Mỹ ở Âu châu để buộc họ phải đóng góp thêm vào việc bảo vệ an ninh Âu châu, và đạt được những tiến bộ trong việc mưu cầu hòa bình giữa Do Thái với những nước Ả Rập láng giềng. Ông hy vọng sẽ thực hiện thêm được kế hoạch hòa bình ở Trung đông bằng chuyến công du sắp tới trong nhiệm kỳ hai ở vùng Trung Đông. Ông tiên đoán: “Nước Ả Rập Saudi sẽ ký kết vào thỏa ước Abraham.”. Ông tỏ ra tự tin hơn so với thời nhiệm kỳ đầu. Ông sẽ không còn bị vướng bận vì những hạn chế quyền hạn của ông. Ông nói: “Hòi nhiệm kỳ đầu tôi còn phải chiến đấu đề tồn tại. Lần này tôi sẽ xông pha chiến đấu cho cả thế giới.”.

Ông Trump không phải là vị tổng thống đầu tiên có mưu đồ bành trướng tối đa quyền bính của hành pháp. Trước kia,Tổng thống Franklin Roosevelt, với lý do nước Mỹ đang có chiến tranh,ông đã dùng quyền tổng thống để kiểm soát giá cả, và cung cấp thực phẩm theo khẩu phần, cưỡng bách tập trung khoảng 130,000 người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung. Ông cũng tìm đủ mọi cách để giới hạn thẩm quyền của Tối Cao Pháp Viện buộc Tòa án phải chấp thuận việc làm của ông. Sau biến cố 9 tháng 11, 2001, Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công, Tổng thống George W Bush đã tái bố trí cơ cấu an ninh, tình báo, trao cho Tổng thống thêm nhiều quyền hạn, chẳng hạn như theo dõi công dân Mỹ, và bắt giữ bất cứ kẻ nào ủng hộ bọn khủng bố “al-Qaeda”, cũng như làm những hành động ngang tàng, bất chấp luật lệ ở một số nơi – black sites- ở ngoại quốc. Cả hai tổng thống Roosevelt và Bush làm những hành động này vì muốn bảo vệ an ninh cho nước Mỹ, không cho kẻ thù nước ngoài tấn công. Nhưng khác với hai vị tổng thống tiền nhiệm, việc ông Trump tìm cách gia tăng quyền bính của Tổng thống ở nhiệm kỳ hai lại nhằm mục đích cá nhân nhiều hơn.

Phương cách tăng cường quyền bính của chức vụ tổng thống mà ông Trump đang làm, theo ý học giả Steven Levitsky của trường đại học Harvard,  xem ra giống như phương cách của ông Viktor Orban của Hung Gia Lợi, hay của ông Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vị tổng thống nước ngoài vừa kể đã trở thành tổng thống qua một cuộc bầu cử chính đáng, nhưng sau đó, họ tìm cách phá bỏ những rào cản nhằm duy trì thể chế dân chỉ, để tập trung quyền bính vào tay mình. Họ ra sức thù đáp, tưởng thưởng những kẻ giúp họ trở thành tổng thống, và trừng phạt nặng nề tất cả kẻ thù của mình. Họ tấn công mọi cơ sở truyền thông chống lại họ, và dùng chính quyền tiểu bang như một công cụ chính trị để duy trì chức vụ tổng thống được lâu dài. Học giả Levitsky nói thêm: “Chính quyền ông Trump trong vòng 100 ngày còn làm gấp rút hơn các chính phủ khác như ở Venezuela, Hung Gia Lợi, hay Thổ Nhĩ Kỳ. Điều khiến tôi lo ngại là tại sao xã hội Mỹ lại phản ứng quá yếu, và chậm chạp.”.

Một số định chế đã có thái độ phản bác lại việc làm của chính quyền Trump. Hai công ty Luật Perkins Cole và  Wilmer- Hale đã xin thẩm phán liên bang ra án lệnh cấm chính quyền Trump không được đụng đến họ. Trường đại học Harvard từ chối không những điều kiện mà chính quyền Trump đưa ra. Sau khi ông Trump đóng cửa cơ quan US Agency for Global Media, cũng như một vài các đài truyền thanh phát ra ngoại quốc như đài Voice of America và Radio Liberty, một vài tổ chức đâm đơn kiện chính quyền Trump, và họ vẫn còn tiếp tục tồn tại. Tối Cao Pháp Viện cũng có can thiệp trong vài vụ, như Sắc Lệnh Hành Pháp của ông Trump bất chấp lệnh của Tòa, không tuân theo. Học giả Levitsky nói: “Nhưng thủ tục pháp lý thường chậm chạp. Khi sự can thiệp đến nơi, thì cơ quan truyền thông đó đã bị phá vỡ mất rồi.”

Những người chống đối việc làm của chính quyền Trump kêu gào rằng chính quyền Trump đe dọa đến cả thể chế dân chủ của đất nước, và sẽ đưa đến cuộc khủng hoảng hiến pháp. Đã vậy, ông Trump còn ngông nghênh thách thức bằng những lời nói lỡ miệng của ông. Ví dụ như ông nói Ông có thể ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 3. Điều này sẽ vi phạm Tu Chính Án thứ 22. Ông nói thêm: “Luật lệ có nhiều kẽ hở lắm. Rất dễ khai thác, lạm dụng. Nhưng tôi không tin vào những kẽ hở này.”.

Vào lúc cuối của cuộc phỏng vấn, phóng viên báo TIME hỏi ông có đồng ý với Tổng thống John Adams hay không? Tổng thống John Adams là vị Tổng thống thứ hai, và ông chủ trương: “Nước Cộng Hòa Mỹ là một chính phủ tuân theo luật lệ, chứ không phải là một chính quyền của vài cá nhân.”. Ông Trump cũng ngưỡng mộ Tổng thống John Adams, và cho lộng kính mạ vàng chân dung John Adams treo trên tường. Ông Trump ngập ngừng, suy nghĩ một hồi lâu và nói: “Tôi không đồng ý 100% với John Adams. Chúng ta có chính phủ trong đó có sự can dự của nhiều người để làm ra luật. Lý tưởng nhất là nếu chúng ta có những con người lương thiện giống như tôi, trong quá trình làm luật.”.

Sau khi máy thu âm ngưng chạy, ông Trump đề nghị dẫn chúng tôi đi tham quan văn phòng làm việc của ông, nhất là nơi phòng riêng của ông phía sau bàn làm việc. Trên tường treo đầy những khung ảnh lộng kính những tờ báo nổi tiếng đăng hình ông rất lớn ngay trên trang bìa. Sau đó, chúng tôi bước sang phòng ăn. Chính tại nơi này, ông ngồi xem truyền hình diễn biến vụ tấn công điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 6 tháng Giêng. Một máy “remote” bằng vàng để ông xem truyền hình, và có hai bịch kẹo “Tic Tacs” để trên bàn. Trên ngưỡng cửa đi ra khỏi phòng ăn còn treo thắt lưng đeo khi đánh bốc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để lại trong lần đấu khẩu với ông Trump ngay tại Bạch Cung hồi tháng Hai vừa qua.  Sau đó, ông hướng dẫn khách bước sang phòng đọc sách riêng của ông. Phòng này còn có tên riêng là “Merch Room”. Ở đây trưng bày rất nhiều vật kỷ niệm của nhóm MAGA, nón MAGA, Áo T Shirt đáng golf của ông Trump, đôi giày vàng mang nhãn hiệu Trump, Sách quảng cáo Trump 45/47, thậm chí giấy vệ sinh Trump 45/47, đồng tiền kim loại in hình gia đình ông Trump, và một mặt in hình con dấu Tổng Thống Hoa Kỳ. Có lẽ đây không phải là hình ảnh tiêu biểu truyền thống của các vị Tổng thống Mỹ, nhưng đây là nét đặc trưng của con người ông Trump.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 26/5/2025

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img