STROKE – Những Điều Cần Biết

0
6209

(Cathy Nguyễn)

Tôi đã mất thêm một người chị ruột thân yêu của mình, vì stroke. Tính cho đến hôm nay, gia đình 10 người anh em của chúng tôi đã có ít nhất 5 người bị stroke, trong đó có 2 người đã tử vong. Tôi dùng chử “ít nhất”, bởi vì con số 5 người bị stroke trong gia đình tôi có thể sẽ còn tăng lên nhiều hơn.

Và biết đâu, người kế tiếp trong gia đình tôi sẽ bị stroke, chính là tôi?

Stroke có yếu tố di truyền, và đối với bệnh Cao huyết áp (Hypertension) cũng đang di truyền trong gia đình, thì tôi là người bệnh “thâm niên” nhất, hơn 30 năm.

Suốt trên chuyến bay trở về nhà sau đám tang của chị tôi, tôi đã chìm đắm trong suy nghĩ. Vừa về đến nhà, tôi gọi ngay cho bác sĩ gia đình để yêu cầu được làm MRI não (Magnetic Resonance Imaging), vì tôi muốn kiểm tra xem tôi có bị Brain Aneurysms (tạm dịch là “Túi phình động mạch não”) hay không? Bác sĩ đang đi vacation cùng gia đình của bà. Khi nghe tôi kể về tình trạng stroke xảy ra nặng nề trong gia đình tôi, bà cũng đồng ý với tôi là tôi cần phải được làm ngay MRI não. Bà gọi người phụ tá của bà gởi cho tôi Order Form.

Từ những kinh nghiệm đau buồn xảy ra trong gia đình mình, và trong sự tưởng nhớ đến các anh chị của tôi đã mất vì stroke, tôi viết bài này để chia sẻ với các anh, các chị, và các bạn. Mong rằng nó có thể giúp cho ai đó kịp thời cứu được người thân của họ khi stroke xảy ra.

A. Stroke là gì?

Theo cơ quan National Institutes of Health (NIH.gov) của Mỹ, Stroke là một tình trạng tổn thương tế bào não cần được cấp cứu ngay lập tức vì đe dọa sự sống còn của bệnh nhân. Stroke xảy ra khi có vấn đề trục trặc can thiệp vào hoạt động của các mạch máu não.

Khi stroke xảy ra, nó gây hư hại cho não của bệnh nhân, dẫn đến sự yếu liệt lâu dài, hoặc chết. Stroke là nguyên nhân dẫn đầu về tỉ lệ tử vong trên toàn quốc, và trên thế giới. Stroke cũng là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng tàn phế, khuyết tật (disability) nghiêm trọng và lâu dài.

Theo thống kê năm 2021 của Centers for Disease Control and Prevention (CDC), thì cứ mỗi 40 giây là có một người trong nước Mỹ bị stroke. Cứ mỗi 3 phút 14 giây là có một người chết vì stroke. Mỗi năm, có đến 800,000 người bị stroke, và có 160,000 người bị di chứng tàn phế bởi stroke. Tuổi dễ bị stroke là bắt đầu từ 40 tuổi trở lên, trong đó 75% trường hợp strokes xảy ra cho các bệnh nhân tuổi từ 65 trở lên.

Có ba loại Strokes chính:

1) Ischemic stroke (Tai Biến Mạch Máu Não):

Xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não bất thình lình bị ngưng lại do tắc nghẽn. Nguyên nhân thông thường là do những cục máu đông (blood clot) di chuyển trong mạch máu, rồi khi lên đến não thì gây tắc mạch máu não. Hệ quả của sự tắc nghẽn này sẽ đưa đến tình trạng não bị thiếu oxy. Khi não không đủ oxy, tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút. Nó gây cho bệnh nhân tình trạng yếu liệt nửa người, hoặc liệt toàn thân, hoặc liệt dây thần kinh mặt khiến cho khuôn mặt của BN bị biến dạng khi cười, hoặc liệt vài chức năng khác như khó nuốt khi ăn, hoặc khó phát âm khi nói, v.v….

Đây là loại stroke rất phổ biến, chiếm đến tỉ lệ 87 %, nhưng nhẹ hơn loại sau.

Thông thường, những bệnh nhân đã có những vấn đề về sức khoẻ trước đó như: Cholesterol trong máu cao, Mỡ trong máu cao, Cao huyết áp (Hypertension), bệnh Xơ Cứng động mạch (Atherosclerosis), v.v… thì có nguy cơ dễ bị stroke hơn là những người không có những bệnh này.

Ngoài ra, những bệnh nhân có nhóm máu AB cũng có nguy cơ cao dễ bị stroke. Những người thường xuyên bị stress, hút thuốc lá nhiều, hoặc uống rượu quá nhiều, hay ngay cả những người có thói quen ngủ nhiều hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày cũng đều thuộc nhóm có nguy cơ cao.

2) Hemorrhagic stroke (Xuất Huyết Não):

Xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị vỡ ra (burst). Nguyên nhân là do sự xuất hiện những Aneurysms (Túi phình động mạch não). Tình trạng bệnh nhân nặng hay nhẹ tuỳ theo mạch máu bị vỡ là động mạch lớn hay nhỏ. Nếu sự xuất huyết chỉ xảy ra ở mạch máu nhỏ, BN có thể dần dần hồi phục sau khi được mổ cầm máu trong não. Nhưng nếu mạch máu bị vỡ ra là động mạch lớn, thì tình trạng của bệnh nhân sẽ nguy kịch hơn vì máu chảy ồ ạt trong não, chèn ép lên các tế bào não và hủy hoại não. Khi phẫu thuật cầm máu trong não không còn kịp nữa, thì BN có thể tử vong trong vòng 24 – 48 tiếng đồng hồ.

Đây là loại Stroke nặng, tuy chỉ chiếmhơn 10% nhưng có tỉ lệ tử vong rất cao.

3) Một loại stroke khác nhẹ hơn là Transient Ischemic Attack (TIA), còn được gọi là “mini-stroke”:

Đây là loại stroke nhẹ nhất. Tình trạng thiếu máu não chỉ là tạm thời, thoáng qua trong vài phút, không gây tổn thương vĩnh viễn cho não nên BN không bị di chứng hay tàn phế. Tuy nhiên, những BN đã bị TIA thì nguy cơ bị stroke thật sự sẽ xảy ra tiếp theo sau đó.

Trong số 5 người bị stroke trong gia đình tôi, có 2 người đã tử vong vì Xuất Huyết Não. Ba người còn lại bị Tai Biến Mạch Máu Não với các loại di chứng khác nhau.

B. Những dấu hiệu cảnh báo:

 Bệnh nhân đột nhiên cảm thấy yếu hoặc tê tay, chân, mặt, thông thường là một bên của cơ thể.

 Có người không di chuyển tay chân được.

 Có người không vấp ngã mà bổng nhiên té khuỵu xuống đất.

 Có người đột ngột bị giảm thị lực, mắt không nhìn thấy, bệnh nhân bị mất tầm nhìn ở một hoặc cả hai mắt.

 Đớ lưỡi, ú ớ không nói được, hoặc không hiểu người khác nói gì.

 Chóng mặt, mất thăng bằng.

 Có người bất tỉnh một chút, và có người rơi vào hôn mê.

 Nhức đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

 Trường hợp hiếm thấy hơn là nôn ói không rõ nguyên nhân.

C. Hành động thật nhanh:

Theo National Institutes of Health (NIH): “The sooner treatment begins, the better for patients.”

Sự điều trị cho BN bị stroke được tiến hành càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân được điều trị trong vòng 60 phút đầy tiên thì có thể làm giảm thiểu rất đáng kể mức độ tàn phế, khuyết tật (disability) cho bệnh nhân.

The National Stroke Association của Mỹ đã tóm tắt những điều cần làm ngay một cách dễ nhớ trong Guidelines ngắn gọn như sau:

Think F.A.S.T – Do FAST

 F (Face): Hãy yêu cầu bệnh nhân cười, và quan sát nét mặt bệnh nhân xem có bị biến dạng một bên lúc cười không?

 A (Arms): Yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên và giữ yên thăng bằng một lúc. Quan sát xem tay bệnh nhân có bị rớt xuống không?

 S (Speech): Nói một câu đơn giản rồi yêu cầu bệnh nhân lặp lại. Quan sát xem bệnh nhân có hiểu điều đơn giản đó không, hoặc là phát âm có bình thường không?

 T (Time): Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào vừa kể trên, chỉ cần MỘT triệu chứng thôi là đủ để bạn GỌI 9-1-1 NGAY LẬP TỨC.

ĐỪNG lái xe nhà đến bệnh viện vì sự điều trị cho BN có thể bị chậm trể hơn.

HÃY GỌI 9-1-1, GỌI XE AMBULANCE.

Khi bạn gọi xe ambulance, bạn có được những điều thuận lợi quý báu sau đây:

– Trước hết, bạn có thêm người để phụ giúp bạn. Khi một bệnh nhân nằm “ngay đơ”, họ nặng hơn chính họ lúc bình thường rất nhiều. Vì sao vậy? Vì họ không có sức lực gượng dậy như lúc họ tỉnh táo.

– Những người nhân viên EMS là những người có trình độ chuyên môn. Họ bình tĩnh và hiểu rõ việc gì cần làm cho bệnh nhân.

– Xe Ambulance có đầy đủ những dụng cụ và thuốc men để có thể cấp cứu và bắt đầu sự điều trị cho bệnh nhân trên đường đi đến bệnh viện.

– Và quan trọng nhất, xe ambulance chắc chắn chạy nhanh hơn xe nhà của bạn, bởi vì nó giành được quyền ưu tiên trên đường đi. Khi đến bệnh viện, ambulance sẽ chạy thẳng vào cổng Emergency, và mọi thủ tục sẽ được tiến hành nhanh hơn nhiều so với nếu bạn tự đến.

D. Di chứng sau Stroke:

1) Do não bị hư hại, bệnh nhân có thể bị hội chứng “Vascular Cognitive Impairment” (VCI), tạm dịch là hội chứng “Suy giảm nhận thức”. Bệnh nhân sẽ có thể bị mất trí nhớ, mất khả năng suy nghĩ, hay trở nên lặng lẽ không giao tiếp với mọi người chung quanh.

2) Nếu sự tổn thương não xảy ra ở bán cầu não bên trái, bệnh nhân có thể bị mất hoàn toàn khả năng nói và hiểu ngôn ngữ.

3) Bệnh nhân mất khả năng kiểm soát được cảm xúc của mình, có thể bị rơi vào trạng thái trầm cảm (Post-stroke Depression), đôi khi dẫn đến sự tự tử.

4) Liệt nửa người hoặc toàn thân (Paralysis): bệnh nhân không thể di chuyển được, phải cần sử dụng cane (gậy) hoặc wheelchair cho sự đi lại.

5) Liệt dây thần kinh số 7 tác động đến cơ mặt, khiến cho khuôn mặt của bệnh nhân bị biến dạng khi cười.

6) Khó nuốt (Dysphagia): bệnh nhân không thể ăn được, bị nôn ói mỗi khi cố gắng nuốt. Đôi khi cần phải đặt ống thông từ miệng vào dạ dày để bơm thức ăn lỏng vào bao tử.

7) Nếu sự tổn thương não tác động đến bàng quang và đường ruột, bệnh nhân có thể sẽ không tự chủ được sự tiêu, tiểu của mình.

8) Một đợt stroke khác có thể xảy ra. Một bệnh nhân có thể bị stroke đến đôi ba lần trong đời.

Stroke càng về sau càng để lại di chứng nặng hơn.

E. Kết Luận:

– Xin nhắc lại: Stroke là một tình huống khẩn cấp trong y khoa vì đe dọa sự sống còn của bệnh nhân. Với Stroke, thời gian quý báu từng phút, từng giây. Thời gian mất là não của bệnh nhân bị mất. Tất cả những sự chậm trể trong việc điều trị sẽ đưa bệnh nhân đến nguy cơ não bị hư hại vĩnh viễn, hoặc tử vong.

– Nếu bệnh nhân được điều trị trong vòng 60 phút đầu tiên thì có thể làm giảm thiểu rất đáng kể mức độ tàn phế, khuyết tật (disability) cho bệnh nhân.

– Sự cứu chữa hữu hiệu nhất cho bệnh nhân chỉ có thể có trong vòng 3 tiếng đồng hồ kể từ khi triệu chứng đầu tiên xảy ra.

– Chúng ta đã đến độ tuổi phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khoẻ của mình. Nếu chúng ta lơ là, thiếu quan tâm, thì các bệnh tật và biến chứng của bệnh sẽ xảy ra và cướp đi cuộc sống bình thường của chúng ta, biến chúng ta thành người tàn phế, thậm chí dẫn đến cái chết.

– Cuối cùng, quý vị có thể làm giống như tôi đã làm: phóng lên thật to những chử cần thiết trong Guidelines “Think F.A.S.T – Do FAST” trên đây, bold đậm lên, print nó ra, rồi dán lên ở vài nơi dễ thấy trong nhà để phòng khi hữu sự mà hành động cho thật nhanh chóng.

Ngày 25 tháng 7 năm 2023

Cathy Nguyễn

Sources:

1. The National Institutes of Health

2. The National Stroke Association

3. Centers for Disease Control and Prevention