Vận động xin cho các gia đình ly tán được đoàn tụ

0
1023

Đào Văn

Cali Today News – Nguyện vọng đoàn tụ  gia đình, không chỉ xuất phát riêng với  nhóm  cựu quân nhân  cư ngụ  trong thành phố Wichita , mà còn  là ý nguyện của nhiều  người  từ nhiều tiểu bang khác di chuyển đến, họ cũng mong  muốn xin chính phủ cho vợ con của họ được đến Mỹ đoàn tụ (thời gian này người viết làm  việc cho chương trình định cư người tị nạn tại giáo phận Wichita, tiểu bang Kansas do cơ quan  USCC trách nhiệm). Qua các buổi gặp mặt cuối tuần với nhiều nhóm một số ý kiến cho rằng tại Cali, Texas, hay tại Hoa Thịnh Đốn nhưng nơi này có nhiều  người tị nạn định cư, người ta không tổ chức vận động xin cho các gia đình ty tán được đoàn tụ, còn mình ở thành phố nhỏ này thì liệu có hy vọng gì, sợ là công dã tràng… Anh em chia sẻ thông tin,  bên Cali sẽ tổ chức cuộc tập họp lớn nhân  kỷ niệm 2 năm sống nơi xứ người, nơi đây  họ mời bà con xa gần đến tham dự.

Để làm an lòng trong nhóm, những người đã tiếp tay với người viết phụ giúp  tổ chức  nhiều sinh hoạt cộng đồng trong quá khứ, nên người viết hứa với họ là sẽ đi Cali để tìm hiểu tình hình tại chỗ về sinh hoạt của người Việt tại Cali, và rằng nếu nơi này họ tổ chức vận động xin cho các gia đình ly tán được đoàn tụ thì địa phương mình sẽ tham gia vào cuộc vận động do họ đề xướng.   

Người viết đi Cali  tham dự vào cuộc tập họp đầu tiên của người tị nạn tại Nam Cali, do LM Đỗ Thanh Hà tổ chức cuộc meeting vào ngày 30.4.1977  tại một công viên nhân kỷ niệm hai năm ngày bỏ nước ra đi (30.4.1975 -30.4.1977).

Khi đối diện với đám đông tại Nam Cali, mắt thấy tai nghe, nhiều đề tài được các diễn giả thay nhau lên khán đài hô hào về kháng chiến phục quốc… không thấy diễn giả nào nói về đề tài thuộc lãnh vực xã hội, không nêu ra các nguyện vọng thiết thực liên quan đến cuộc sống của người tị nạn…. Trong cuộc meeting này xuất hiện nhiều  cuộc tụ tập riêng lẻ thành nhiều nhóm, họ tỏ ra vui mừng khi gặp lại bạn bè sau hai năm xa cách…

Sau ngày đi California người viết chia sẻ với nhiều nhóm về cuộc họp mặt tại Cali, do đó, không còn ý kiến trái chiều về yếu tố nơi ít người, nơi nhiều người …  Đồng thời người viết nêu ra ý kiến nhân ngày kỷ niêm 3 năm bỏ nước ra đi (30.4.1975 – 30.4.1978) sẽ phát động ngày nêu thỉnh nguyện cho những gia đình ly tán sớm được đoàn tụ. Và cuộc họp mặt lần này, cũng sẽ mời đồng bào toàn bang Kansas về tham dự giống như kỳ họp mặt xin vào thường trú ngày 10.4.1977, để kêu gọi sự tiếp tay của người trong hoàn cảnh ly tán. Đa số hứa sẽ tiếp tay với người viết vào việc tổ chức ngày phát động nguyện vọng đoàn tụ.

Trong thư thăm dò ý kiến về việc có nên tổ chức việc đạo đạt nguyện vọng đoàn tụ lên chính quyền  và  gửi  đến đồng bào cư ngụ trong tiểu bang Kansas, thư  ngày 06.04.1978, có đoạn văn viết như sau :


 BA NĂM MÒN MỎI TRÔNG, CHỜ,
NGƯỜI CÙNG RUỘT THỊT LÀM NGƠ SAO ĐÀNH.

 

TRÔNG ai: Vợ, chồng, con cái, cha mẹ…
     CHỜ gì :  ĐOÀN TỤ.”

– Ngày 10.04.1977 tại hội trường Mt Carmel school… nhất loạt mỗi người 1 lá thư gửi nhà cầm quyền xin vào quy chế thường trú… Có được kết quả này là do sự quyết tâm và đoàn kết của mọi người. …

– Chả nhẽ chúng ta cứ mãi thụ động, đã 3 năm rồi đã có ai trả lời cho chúng ta biết NGÀY ẤY CÓ ĐOÀN TỤ. …Tại sao chúng ta không hỏi ngay nhà cầm quyền BAO GIỜ CÁC ÔNG CHO CHÚNG TÔI ĐOÀN TỤ?

– Chúng ta hỏi được không? Xin thưa được, dễ mà, kinh nghiệm có sẵn, lại mỗi người 1 lá thư gửi đi như năm qua.  Nhưng không dễ  nếu chỉ có người của Kansas, mà phải cần có những người tỵ nạn trên toàn nước Mỹ cùng gửi đi, thì lời thỉnh cầu mới có giá trị, và mới có câu trả lời thỏa đáng.- Vậy thì chúng ta viết thư làm sao, nội dung thế nào và hỏi ai?   Xin quý vị chỉ bảo dùm, chúng tôi sẽ đúc kết để lấy ý kiến chung cho vấn đề ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH.

Các bước chuẩn bị …

Dân Biểu  (Liên Bang) Dan Glickman, gửi thư xác nhận sẽ đến tham dự ngày nêu nguyện vọng đoàn tụ, người viết cầm thư đến bốn, năm  nhóm để chia sẻ , lấy ý kiến  các bước tiếp theo  cần tiến hành sau ngày 30.04.1978.
Để chuẩn bị các bước tiếp theo, người viết nhờ anh em gửi thư đến bạn bè đang sinh sống tại các tiểu bang khác,  yêu cầu xé danh sách người Việt có tên trên niên giám điện thoại, và  địa chỉ các tiệm thực phẩm Việt Nam  nơi thành phố họ cư ngụ, rồi  gửi về Wichita.  Để một khi phổ biến lá thư kêu gọi, sẽ dựa vào địa chỉ này để gửi thư đến cho họ, yêu cầu những người trong hoàn cảnh ly tán, và những ai quan tâm đến vấn đề nhân đạo này, xin tiếp tay với đồng bào Kansas, cùng vận động xin cho các gia đình ly tán được đoàn tụ.

 30.4. 1978, ngày nêu thỉnh nguyện đoàn tụ

 Ngày 30.04.1978, tại rạp hát Nomar hướng Bắc thành phố, một cuộc tập họp của khoảng 500  đồng bào đến tham dự, và có sự hiện diện của ông Dân biểu Glickman như ông ta đã hứa. Một đại diện của  người tị nạn đọc bản thỉnh nguyện. Nội dung bản thỉnh nguyện đã được gửi đến từng gia đình trước đó qua bản tin sau khi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhóm. Trong bản thỉnh nguyện có đoạn văn viết như sau :

Thưa ông Dân Biểu.

– Xin ông cho chúng tôi biết: Chúng tôi phải làm gì để có ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH. Xin ông cho chúng tôi biết: Ở Liên Hiệp quốc hai đại sứ của hai nước (Mỹ-Việt) có dự định trao vấn đề đoàn tụ cho Liên Hiệp Quốc lo liệu hay không?
– Nếu một hai năm nữa, vấn đề được chấp thuận, xin ông đệ nạp một dự luật lên quốc hội do chính ông bảo trợ, để cho phép người Việt được nhập cảnh Hoa Kỳ với lý do ĐOÀN TỤ… Một khi thành công… hàng triệu người Việt di cư trên toàn thế giới sẽ hô to: Ông Dan Glickman MUÔN NĂM.
– Chúng tôi  cũng kính xin ông  chuyển dùm  những câu hỏi nêu trên đến ông Chủ Tịch  Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện,  Ông Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, và ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ
.”

 Báo Mỹ viết về  ngày họp mặt vận động đoàn tụ  30.4.1978

Báo Wichita Eagle-Beacon tại thành phố có cử phóng viên đến làm phóng sự về ngày đạo đạt nguyện vọng đoàn tụ. Sau đây là tóm lược trích đoạn bài phóng sự:

“Chiến tranh vẫn còn chia rẽ các gia đình Việt Nam –  War Still Divides Vietnamese Families.

“. . . Chủ nhật ba năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, hàng trăm người Việt Nam đã gặp  Dân biểu Dan Glickman D-Kan tại nhà hát Nomar để thảo luận về việc đoàn tụ gia đình” .

“Tôi nhận ra rằng mối quan tâm chính của qúi vị  là đoàn tụ gia đình, do  thảm kịch chiến tranh và khi vội vã tìm đường tự do nhiều gia đình đã bị phân tán mỗi người một – I recognize that your primary personal concern  is with reuniting families which the tragedy of the war and rush to seek freedom in all too many cases tore apart” … (Kèm bản chụp bài phóng sự của báo Wichita Eagle-Beacon về ngày đạo đạt nguyện vọng đoàn tụ 30.4.1978).

 Tháng 05.1978, phổ biến Lá Thư Đoàn Tụ kêu gọi đồng bào tiếp tay

Sau ngày 30.04.1978, nhờ sự tiếp tay của  nhiều  nhóm, nên bạn bè của các nhóm này từ nhiều tiểu bang  đã cung cấp danh sách trên niên giám điện thoại của người Việt thuộc nhiều thành phố tại Mỹ.  Khoảng trên 6000 địa chỉ của người Việt cũng được một số bạn bè phụ giúp ghi chép, hoặc đánh máy riêng từng địa chỉ, để tiện bề dán lên các lá thư hầu gửi đến từng địa chỉ.  Số các tiệm thực phẩm Việt Nam có khoảng 70 địa chỉ, thêm vào đó, linh mục NVT Chủ Tịch Cộng Đồng Giáo sĩ Tu sĩ VN tại HK thời kỳ này cho danh sách tên, địa chỉ của trên 300 linh mục Việt Nam cư ngụ tại Mỹ. Về phía hội đoàn Việt Nam,   bạn bè làm việc tại   Bộ Xã Hội Liên Bang cho tên địa chỉ của khoảng 500 hội đoàn Việt Nam trên toàn quốc ghi danh tại Bộ Xã Hội Liên Bang.
Người viết  in năm mươi ngàn Lá Thư  Đoàn Tụ (50.000) và gửi đến các địa chỉ nêu trên qua đường  bưu điện, nhằm kêu gọi  những người trong hoàn cảnh ly tán, những người quan tâm đến vấn đề đoàn tụ, xin tiếp tay cắt lá thư in sẵn,  và gửi về  ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ngoài  hình ảnh  về ngày 30.04.1978 và lời kêu gọi, còn kèm theo các thư  bày tỏ sự ủng hộ của các viên chức dân cử liên bang, thuộc bang Kansas. Nội dung lá thư có đoạn văn viết:
Lá thư này đột ngột đến với qúi vị không ngoài một mục đích kết thân giữa những người Việt đang lạc lõng trước 200 triệu người Hoa Kỳ.

   – Chúng tôi cũng không có tuyên ngôn, không có cương lĩnh, mà chỉ có lời xin: XIN ĐƯỢC ĐOÀN TỤ GIA ĐìNH.

   Kính xin quý  vị cùng hai ngàn đồng bào tiểu bang Kansas lên tiếng kêu gọi lòng nhân đạo của những người có thẩm quyền giúp chúng ta giải quyết vấn đề này.

    Kính xin ông bà, anh chị em, hãy cắt lá thư in sẵn trong thư này, đồng loạt gửi lên ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, để chính quyền chú ý đến nguyện vọng của chúng ta.

   Phản ứng từ phía báo chí Việt Nam tại Hoa Kỳ (1978) về cuộc vận động xin cho các gia đình ly tán được đoàn tụ

• Tờ Việt Nam Hải Ngoại (SD, Cali) – Tháng 7.1978

   Quan Điểm: “… Cộng Sản khôn ngoan đánh đòn tình cảm bằng cách nêu lên vấn đề  ‘đoàn tụ gia đình’. …  Một vài dân biểu Mỹ cũng được kéo vào cuộc.  …muốn cho các gia đình đoàn tụ theo đúng ‘nhân đạo’,…  Mỹ hãy đặt quan hệ ngoại giao với “chính phủ” VN đi đã…”

 Tờ Trắng Đen (LA, Cali) – Tháng 09.1978

   ” Lời tòa soạn: Một lần nữa, Trắng Đen  xác định quan điểm: Vận động Đoàn Tụ Gia Đình là chơi dao hai lưỡi … Dưới đây là tiếng chuông thứ ba của ông Nguyễn Nam Kha nêu ý kiến rất ôn tồn yêu cầu ông ĐTB lên tiếng…

   Kansas ngày 20.08.1978 – Hai tờ báo Trắng Đen 113 và 120 có đề cập đến chương trình đoàn tụ của một vài người đã và đang phát động tại tiểu bang …

Ngoài hai tờ báo trên còn một số tờ báo khác như tờ Hồn Việt (San Diego) tờ Văn Nghệ Tiền Phong, và Dân Chúa ( miền Đông nước Mỹ) cũng loan tải bài viết về cuộc vận động đoàn tụ gia đình. (Kèm bản chụp các bài viết từ các báo nêu trên).

Đào Văn

Kỳ tới : Kết qủa cuộc vận động:  Viên chức UNHCR gửi thư thông báo ông TTK  LHQ chấp nhận thỉnh nguyện đoàn tụ gia đình… “The Secretary-General of the United Nations… the Vietnamese community has received … our careful … and made of record.”