Cali Today News – Bài viết trước kể lại câu chuyện gửi năm mươi ngàn Lá Thư Đoàn Tụ đến người Việt tại Mỹ để xin mỗi người 1 thư gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ. Không lâu sau khi gửi thư đi, người viết nhận được các thư trả lời từ phía chính giới và tôn giáo Hoa Kỳ. Người viết còn nhận được nhiều thư của đồng bào quan tâm đến vấn đề tại nhiều tiểu bang bày tỏ ý kiến về cuộc vận động. (Phản ứng từ báo chí Việt Nam đã trình bày tại bài viết trước).
✱ Phản ứng từ phía các viên chức, cơ quan Hoa Kỳ về thỉnh nguyện đoàn tụ gia đình:
Sau đây là tóm lược trích đoạn các thư trả lời từ các viên chức chính phủ và tôn giáo Mỹ.
A-Về phía viên chức cơ quan chính phủ
• Ngày 22.5.1978- Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ – Chief Correspondence Management Division.
“… Chúng tôi trong Bộ chia sẻ mối quan tâm sâu sắc của ông về hoàn cảnh của những người tị nạn gia đình của họ bị chia ly, và chúng tôi hiện đang tham khảo với Quốc hội về việc trợ giúp qua chương trình thường xuyên và lâu dài hơn cho những người tị nạn Đông Dương. … – We in the Department share your deep concern about the plight of those refugees who have been separated from their families, and we are now in consultation with Congress regarding the provision of a more permanent and long-range program for Indochinese refugees….” [1]
• Ngày 23.5.1978 – Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện John Sparkman.
“… bất kỳ hành động nào về đoàn tụ gia đình vào thời điểm này phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam … triển vọng đoàn tụ là không thể … Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, có các bước cụ thể hy vọng được mọi người quan tâm thực hiện để đạt được việc đoàn tụ gia đình. – I hope that as time proceeds, constructive steps might be taken by everyone concerned to achieve a reunion of family.” [2]
• Ngày 06.06.1978 – Chủ Tịch Ủy Ban Bang giao quốc tế Hạ Viện Clement J. Zablocki .
” Lo lắng của ông về vấn đề bi thảm này chắc chắn không thể phủ nhận được và tôi xin bày tỏ sự cảm thông với những gia đình bị chia ly … Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục chú ý nhiều liên quan đến người tị nạn Đông Dương, bao gồm cả câu hỏi quan trọng về việc tạo điều kiện cho người tị nạn nhập cảnh Hoa Kỳ. – You may be sure of my continuing attention to the many issues relating to the Indochina refugees, including the important question of facilitating refugee entry into the United States.”[3]
• Ngày 06.9.1978 – Cựu Tổng Thống Nixon:
“… Tôi hy vọng rằng chính quyền hiện tại sẽ có những bước tích cực để giải quyết vấn đề này trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính phủ hiện tại ở Việt Nam. Vấn đề nhân đạo này chắc chắn là một vấn đề mà ngay cả chính phủ Cộng sản cũng không thể bỏ qua. – … I hope that the current administration will take positive steps to deal with this problem in any negotiations with the present government in Vietnam. This humanitarian issue is certainly one which even a Communist government should not be able to ignore.” [4]
B – Về phía tôn giáo
• Ngày 13.06.1978 — Thư của Giám Mục TTK Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:
” … Đức Tổng Giám mục Quinn đã yêu cầu tôi trả lời thư của ông… Tuy nhiên, tôi sẽ yêu cầu văn phòng Phụng vụ của chúng tôi chuẩn bị một số lời cầu nguyện chung theo ý chỉ này, với cảm nghĩ rằng những lời cầu nguyện này có thể thực hiện tại các Giáo phận địa phương – I will ask our Liturgy office to prepare some general intercession along these line, however, with the thought that these might be made available to local Ordinaries”.[5]
Ghi chú:Trong cuộc họp về công việc định cư người tị nạn do Giám Đốc cơ quan USCC Trung Ương tổ chức tại St Paul-Minneapolis tiểu bang Minnesota hồi đầu tháng 12.1977, với sự tham dự của các đại diện văn phòng định cư thuộc các giáo phận miền Trung và Nam nước Mỹ. Nhân cơ hội này người viết hỏi ý kiến ông Giám Đốc John E. McCarthy về việc xin các nhà thờ Công giáo trên toàn quốc dành một ngày Chủ Nhật cầu cho các gia đình người tị nạn ly tán được đoàn tụ. Ông Giám Đốc khuyên người viết gửi thư đến Hội Đồng Giám Mục Hòa Kỳ. Thư trả lời nêu trên HĐGMHK không chấp thuận cho 1 ngày cầu nguyện, thay vào đó là ý chỉ cầu nguyện đoàn tụ mà thôi. (Kèm photo ông Giám Đốc USCC Trung Ương và người viết 1977)

✱ Nạp thỉnh nguyện đoàn tụ lên cơ quan LHQ
Vào ngày 20.09.1978, người viết gửi đến ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bộ hồ sơ xin đoàn tụ bao gồm các chứng từ về phản ứng của hai phía Việt-Mỹ tại Hoa Kỳ, để xin cơ quan Liên Hiệp Quốc cứu xét thỉnh nguyện cho các gia đình tị nạn Việt Nam lâm hòan cảnh ly tán được đoàn tụ. Trong bộ hồ sơ này bao gồm:
- Phía Mỹ – Các lá thư tiêu biểu cho phía Hành Pháp, Lập Pháp và tôn giáo Hoa Kỳ, cộng thêm một số thư của vài cơ quan khác và bài báo trên tờ Wichita Eagle tường thuật ngày khởi xướng cuộc vận động đoàn tụ (30.04.78), kể cả thư của cựu TT Nixon bày tỏ quan điểm về vấn đề đoàn tụ.
- Phía người Việt tại Mỹ, gồm các bài viết trên các báo của người Việt tại Mỹ loan tải về vấn đề đoàn tụ. Thời gian này (1978) tại Mỹ có bẩy tờ báo tiếng Việt, và cả 7 tờ này bày tỏ ý kiến thuận, nghịch khác nhau. Có báo bày tỏ sự nghi ngờ về mục đích, về cách thức vận động đoàn tụ… Để tiện việc chứng minh về phản ứng của giới báo chí người Việt, người viết cắt các bài báo loan tải về cuộc vận động đoàn tụ, đồng thời còn kèm theo bìa trước và sau tờ báo ghi địa chỉ nơi phát hành của mỗi báo.
Bộ hồ sơ cũng kèm thư từ của các hội đoàn đóng góp với ý kiến thuận, nghịch lẫn lộn, và thư của đồng bào gửi đến. Người viết chọn một số thư và bì thư của người gửi, với nhật ấn của bưu điện, hầu làm bằng chứng về nơi chốn gửi thư, để chứng minh rằng vấn đề đoàn tụ không phải là nguyện vọng riêng của người Việt tại bang Kansas, mà là vấn đề được sự quan tâm của người Việt Nam tị nạn trên toàn nước Mỹ.
✱ Đại Diện UNHCR gửi thư thông báo LHQ chấp thuận thỉnh nguyện đoàn tụ
Trong thư trả lời người viết đề ngày 13 tháng 10 năm 1978, Ông Đại biểu vùng thuộc cơ quan UNHCR tại New York cho hay, thể theo lời yêu cầu của ông TTK Liên Hiệp quốc, gửi thư trả lời người viết và báo tin: Cơ quan LHQ chấp nhận thỉnh nguyện của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, và thiết lập hồ sơ vụ đoàn tụ:” … Xin cam đoan rằng … cộng đồng Việt Nam đã nhận được sự quan tâm cẩn trọng của chúng tôi và thiết lập hồ sơ vụ đoàn tụ – The Secretary-General of the United Nations has asked me to reply …The Office of UNHCR stands by ready to ….regarding the reunification of family … Please be assured that… the Vietnamese community has received our careful attention and made of record.” [6](kèm bản chụp)

✱ Thỏa hiệp về đoàn tụ ODP ra đời.
Bảy tháng sau ngày gửi thư xác nhận lập hồ sơ vụ đoàn tụ nêu trên (13.10.1978), cơ quan UNHCR và nhà nước CSVN ký kết văn bản ngày 30.05.1979, nhằm cho phép các gia đình ly tán được đoàn tụ. Tiện đây, người viết xin trích đoạn thỏa hiệp về thủ tục xuất cảnh của chương trình đoàn tụ ODP ghi trong báo cáo của ông TTK- LHQ gửi Đại Hội đồng LHQ (11. 1979):
“ Sau thông báo ngày 12 tháng 1 của Chính phủ Việt Nam rằng Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị cấp thị thực xuất cảnh cho tất cả người Việt Nam, ngoại trừ những người thuộc một số diện nhất định, những người có yêu cầu bằng văn bản, bày tỏ nguyện vọng xuất cảnh và sau các cuộc thảo luận được tổ chức tại Hà Nội giữa Chính phủ Việt Nam và UNHCR theo biên bản ghi nhớ được ký kết vào ngày 30 tháng 5 năm 1979 giữa Chính phủ và UNHCR liên quan đến chương trình bảy điểm, cho phép rời Việt Nam trong chương trình Ra Đi Có Trật Tự để ‘đoàn tụ gia đình và các trường hợp nhân đạo khác‘ . [7]
✱ Ngày 2.11.1979 – Cơ quan ODP của Mỹ trả lời về hồ sơ đoàn tụ ODP.
Sau khi thỏa hiệp về chương trình Orderly Departure Program-ODP ra đời, phía Mỹ lập ra cơ quan ODP, trụ sở đặt tại Bangkok, để giải quyết hồ sõ thuộc chương trình đoàn tụ . Người viết gửi thư đến cơ quan ODP Bangkok, để tìm hiểu về thủ tục, các loại giấy tờ cần thiết về hồ sơ bảo lãnh thuộc chương trình đoàn tụ gia đình theo quy định của nước Mỹ. Trong thư đề ngày 2.11.1979 của Cơ quan ODP của Mỹ tại Bangkok có đoạn văn viết. :“ Xin chúc mừng sáng kiến và tổ chức xuất sắc của ông … Chúng tôi rất tiếc vì thủ tục rất phức tạp, nhưng chúng tôi phải đề phòng gian lận, đó là lý do của thủ tục… Một lần nữa xin chúc mừng sáng kiến xuất sắc của ông. Hãy tiếp tục làm tốt công việc của mình, vì cả hai chúng ta đều tiếp tục nỗ lực để phục vụ công việc đoàn tụ gia đình” ( Congratulations on your initiative and excellent organization. … We are sorry that the procedure is so complicated, but we are must guard against fraud, which is the reason for the procedure.… Again, congratulations on your excellent initiative. Keep up the good work, as we both continue our efforts to reunite deserving family.) [8]
✱ Ngày 13.12.1979 – Cao Ủy UNHCR tái cam kết về chương trình đoàn tụ ODP.
Trích đoạn thư ngày 13.12.1979 của Đại Biểu vùng thuộc cơ quan UNHCR bày tỏ quan điểm và gửi thư tái xác nhận:
“Sự phân ly của các gia đình mà người thân mỗi người một nơi là một trong những bi kịch thảm thương nhất của người tị nạn … Trong những tháng gần đây có những tiến triển đáng khích lệ, dẫn đến sự gia tăng về con số các gia đình được đoàn tụ, đặc biệt là người Việt Nam. Đoàn tụ gia đình là một yếu tố quan trọng trong việc nhận định cư người tị nạn … Đó là điều mà Cao ủy Tị nạn LHQ đang thực hiện và chắc chắn công việc sẽ tiếp tục – … Family reunification has been a factor of major importance in admission of refugees … It is a principle to which the UN High Commissioner for refugees is and will continue to be firmly committed”. [9]
✱ Ngày 31.12.1979 – Thư của Đại sứ Đặc Trách Chương trình Tị Nạn Hoa Kỳ
Sau khi thủ tục về chương trình đoàn tụ ODP được LHQ công bố, người viết gửi thư đến Tổng Thống Carter xin gia tăng định số để đón nhận nhiều người từ Việt Nam ra đi đoàn tụ với người thân tại Hoa Kỳ theo chương trình ODP của cơ quan UNHCR. Thư trả lời của cơ quan này đề ngày 31.12.1979, có đoạn văn sau:
” Tổng thống Carter đã yêu cầu tôi trả lời thư của ông…. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn từ các trại ở Đông Nam Á và bắt đầu một chương trình hiệu quả ra đi có trật tự từ Việt Nam – ” President Carter has asked me to respond to your letter….We are continuing to work with the United Nations High Commissioner for refugees from camps in Southeast Asia and to begin an effective program of orderly departure from Vietnam”.[10]
Thay mặt cho nhóm chủ trương, một lần nữa người viết xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn hữu xa gần, những người đã tiếp tay đẩy mạnh công cuộc vân động thỉnh nguyện đoàn tụ (1978) đến thành công.
Đào Văn
Tài liệu tham chiếu:
[1]- Thư ngày 22.5.1978 của BNG:Chief Correspondence Management Division
[2]- Thư ngày 23.5.1978 của: Chủ Tịch UB Ngoại Giao Thương Viện
[3]- Thư ngày 6.6.1978 của: Chủ tịch UB Bang Giao QT Hạ Viện
[4]- Thư ngày 6.9.1978 của: Cựu Tổng thống Nixon
[5]- Thư ngày 13.6.1978 của GM TTK:Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
[6]- Cơ quan UNHCR ngày 13,10,1978 gửi thư: thông báo LHQ chấp thuận thỉnh nguyện đoàn tụ
[7]- Cơ quan UNHCR 1979: Procedures for Orderly Departure From Vietnam 1979.pdf
[8]-Thư ngày 2.11.1978 của: Cơ quan ODP-USA tại Bangkok, Thailand
[9]- Thư ngày 13.12.1979 của: Cơ quan UNHCR tái xác nhận…
[10]- Thư ngày 31.12.1979 của: Đại Sứ Đặc Trách Chương Trình Tị Nạn tại Hoa Kỳ