Nguyễn Ngọc Mùi
Calitoday : Trong suốt những năm sống và làm việc ở Mỹ, tôi đã nhiều lần tham dự lễ tốt nghiệp ở các trường đại học – từ lễ tốt nghiệp của chính mình, đến của hai người con, và không ít lần tham dự những buổi lễ tốt nghiệp của con cái bạn bè thân thiết. Mỗi lần như thế, dù ở vị trí nào – là người dự khán, là phụ huynh hay là nhân vật chính – tôi đều không khỏi xúc động. Những buổi lễ trang trọng, long trọng và đầy cảm hứng ấy luôn khơi gợi trong tôi biết bao ký ức về những năm tháng miệt mài đèn sách, những hy sinh thầm lặng của cha mẹ, và cả những giấc mơ đẹp đẽ mà ai trong chúng ta cũng từng ấp ủ cho tương lai của con em mình.
Vài ngày trước, tôi nhận được tin vui từ vợ chồng Chương – người bạn học và đồng hương lâu năm, Chương từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, Luật đại học Sài gòn – rằng họ vừa đến Mỹ theo lời mời của Trường Đại học Luật Penn Carey để tham dự lễ tốt nghiệp Tiến sĩ Luật của con trai út là Lê Nguyễn Duy Hậu. Nghe tin ấy, lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Không chỉ là niềm vui của một người bạn, mà còn là sự thấu cảm sâu sắc của một người từng trải – từng hiểu thế nào là mồ hôi, nước mắt, từng hiểu thế nào là ước mơ cao cả mà cha mẹ gửi gắm nơi con cái mình.

Trường Luật Penn Carey – thuộc Đại học Pennsylvania – là một trong những cơ sở đào tạo luật hàng đầu của nước Mỹ, nằm trong nhóm Ivy League danh giá. Năm 2024, trường được xếp hạng đồng hạng 4 trên195 cùng với Harvard, Duke và UVA – một vị trí không dễ gì đạt được. Chi phí học tập ở đây lên tới hơn 116.000 đô la mỗi năm, bao gồm học phí, sinh hoạt, sách vở, bảo hiểm và chi tiêu cá nhân, tuy nhiên cháu Hậu được Chương trình Fulbright cấp học bổng toàn phần. Chương trình Fulbright là sáng kiến của chính phủ Hoa Kỳ cung cấp các cơ hội trao đổi văn hóa và giáo dục quốc tế cho sinh viên, học giả. Chương trình cung cấp nhiều học bổng cho chương trình hậu đại học, nghiên cứu. Chương trình hoạt động tại hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới. Nhưng điều quý giá hơn cả là môi trường học thuật đầy thử thách và đẳng cấp, nơi không phải ai cũng đủ khả năng và nghị lực để theo đuổi đến cùng.
Con trai Chương – cháu Lê Nguyễn Duy Hậu – đã hoàn thành chương trình Doctor of Juridical Science (SJD), hay Scientiae Juridicae Doctor tức Tiến sĩ Khoa học Luật – văn bằng cao nhất trong hệ thống giáo dục luật của Hoa Kỳ. Đây là chương trình không chỉ đòi hỏi trí tuệ xuất sắc, mà còn yêu cầu nghị lực phi thường và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho nghiên cứu học thuật đặc biệt là pháp lý. Hậu đã phải trải qua từ ba đến bốn năm học tập đầy gian nan, thử thách và căng thẳng, từ các tín chỉ bắt buộc đến những kỳ thi vấn đáp bằng Anh ngữ nghiêm ngặt, tham gia các hội thảo học thuật và hoàn thành một luận án tiến sĩ có giá trị đóng góp cho lĩnh vực pháp lý. Quá trình này thường kéo dài từ ba đến năm năm, đòi hỏi sự cống hiến không ngừng nghỉ để rồi cuối cùng là quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án trước một hội đồng giáo sư luật đẳng cấp của các trường luật danh tiếng Hoa Kỳ– một công trình học thuật mà chính cháu Duy Hậu đã là một nhân tố đóng góp không ít vào kho tàng tri thức pháp lý thế giới.
Tôi nhìn thấy trong những tấm hình được gửi về từ buổi lễ – khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt long lanh xúc động của vợ chồng Chương. Họ đứng lặng người giữa không gian trang nghiêm, mà trong lòng rộn ràng vì sung sướng và những giọt nước mắt nóng bỏng lăn dài trên má cho một niềm hạnh phúc sâu đậm khi chứng kiến con trai mình sải bước tự tin giữa hàng trăm tân tiến sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, đa phần là người bản xứ. Có lẽ, vào khoảnh khắc ấy, mọi gian nan vất vả của cuộc đời dường như bay bổng và tan biến vào hư không. Bao năm lặn lội, mòn mỏi đợi trông từng phút từng ngày, gửi gắm bao hy vọng cho con cái – nay đều được đền đáp bằng một trái ngọt rạng ngời.
Đó không chỉ là một buổi lễ tốt nghiệp, mà là một dấu mốc thiêng liêng, sự hiện hưũ vô hình đâu đó của ông bà dòng tộc chứng giám, một khúc ca chiến thắng của tri thức khoa bảng và niềm tin cho một đại lộ tương lai. Nhìn ánh mắt đầy tự hào của Chương khi kể về con trai, tôi hiểu rằng vợ chồng Chương đang sống trong giây phút mãn nguyện nhất đời người – khi giấc mơ mong mỏi đợi chờ của người cha, người mẹ đã thành hiện thực. Và hơn thế nữa, đó là bước khởi đầu cho một hành trình mới – hành trình mà Duy Hậu sẽ tiếp tục sứ mệnh của tri thức, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội, và cho quê hương nơi cha mẹ của cháu vẫn luôn đau đáu hướng về.

Với tôi, mỗi lần tham dự một lễ tốt nghiệp như vậy là một lần được sống lại những cung bậc cảm xúc rất con người – tự hào, xúc động, biết ơn. Là lời nhắc nhở rằng phía sau mỗi tấm bằng, mỗi danh hiệu cao quý là bóng dáng tảo tần của cha mẹ, là sự hy sinh không ngừng nghỉ và là ước mơ vươn lên trong cuộc sống.
Thỉnh thoảng, giữa những chốn “phồn hoa đô hội”, nơi các hội trường rộng lớn ngoài trời được trang hoàng hoành tráng, trang nghiêm, người ta dễ dàng bắt gặp những khoảnh khắc trào dâng cảm xúc – những tràng pháo tay vang dội không dứt, những tiếng reo hò hân hoan khắp không gian, và cả hình ảnh hàng trăm chiếc mũ vuông màu đen tung bay trên nền trời xanh trong, cùng ánh mắt rạng ngời, long lanh những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm thật chặt của gia đình, bạn bè – tất cả hòa vào nhau tạo nên một buổi lễ tốt nghiệp đầy thiêng liêng và đáng nhớ. Giữa khung cảnh ấy, bất chợt trong tôi ùa về hình ảnh của một miền quê xa xôi nhưng không hề mờ nhạt trong ký ức – Truồi.

Một vùng đất nhỏ bé nằm khiêm nhường bên núi rừng xứ Huế, Truồi mang hương sắc cổ kính như đất cố đô, lại phảng phất sự linh thiêng như một vùng Thần Linh. Ấy là nơi “trai hiền, gái lịch”, nơi nổi danh với “mít ngọt, dâu thơm”, có núi Truồi xanh thẳm, hùng vĩ, vươn mình trong nắng mai như một biểu tượng thầm lặng của sức sống và khát vọng. Kề bên là dòng sông Hưng Bình nước biếc trầm mặc, êm đềm, lững lờ trôi qua bao thế hệ, mang theo bao kỷ niệm tuổi thơ và lời ru êm dịu của mẹ hiền.
Dòng sông ấy đưa ta về miền thôn dã, nơi hai hàng phượng vĩ – một công trình tâm huyết do Nguyễn Chi, nguyên công chức Viện Hạt nhân Đà Lạt, từng tu nghiệp tại Áo, phục vụ trong ngành không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhứt, và là cựu học sinh trường An Lương Đông – đã khởi xướng cùng bạn bè khắp nơi thực hiện. Phượng nở rộ mỗi khi hè về, nhuộm đỏ cả một góc trời, như muốn níu giữ bước chân học trò đang dần xa tuổi thơ.
Nơi ấy, ký ức tuổi học trò hồn nhiên, chân chất một thời được khắc họa qua những trang sách và dòng nhạc đậm tình của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng – giảng viên Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Huế, người con thân thuộc của An Lương Đông xưa.
Cũng nơi ấy, sự bình dị, gần gũi và thân thuộc hòa quyện trong mỗi lần hội ngộ, mỗi dịp trở về quê cũ, trường xưa của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bá Trình nay tiếp tục cống hiến qua các buổi thuyết giảng tại các viện nghiên cứu.
Từ nơi ấy – một vùng quê khiêm nhường nhưng thấm đẫm tình người và truyền thống hiếu học – hôm nay, Hậu, con trai của Lê bá Chương, đã hiên ngang, đĩnh đạc bước lên bục vinh danh giữa bao ánh mắt ngưỡng mộ, nhận lấy tấm bằng Tiến sĩ Luật danh giá từ Penn Carey Law School – một trong những trường luật danh tiếng nhất thế giới. Nơi mà bao sinh viên toàn cầu mơ ước được đặt chân đến, thì nay, một người con có gốc gác Truồi đã khẳng định được vị thế và tài năng trên bản đồ học thuật quốc tế.
Đó không chỉ là niềm vui, là thành quả của riêng Hậu và gia đình Chương, mà còn là niềm tự hào sâu sắc của cả một vùng quê, nơi từng âm thầm hun đúc tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh cho những thế hệ con em mình vượt thoát khỏi lũy tre làng, vươn ra thế giới.
Từ Truồi – đến vinh quang, hành trình ấy là minh chứng sống động cho một điều giản dị: Chỉ cần có ước mơ và lòng kiên trì, thì từ những vùng đất tưởng chừng bình dị nhất, vẫn có thể sản sinh ra những con người phi thường.
Xin được gửi lời chúc mừng chân thành nhất đến vợ chồng Chương, đến cháu Lê Nguyễn Duy Hậu – người con ưu tú đã làm rạng danh gia đình, và cũng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam.