Trần Chí Phúc
Tin chiến sĩ Võ Đại Tôn qua đời tại nước Úc vào Thứ Sáu 23-5-2025, hưởng thọ 90 tuổi, lan truyền khắp báo chí truyền thông hải ngoại. Trước đó người ta đã biết ông bệnh nặng vì tuổi già sức yếu, nhưng tin ông ra đi vẫn làm giới đấu tranh bồi hồi.
Chiến sĩ Võ Đại Tôn sinh năm 1935 tại Quảng Nam, là sĩ quan cấp tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được biệt phái công tác trong lãnh vực công vụ dân chính thuộc Bộ Thông tin Chiêu Hồi. Ông vượt biển định cư tại Úc Châu năm 1976, rồi sau đó về lại quê hương để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc bằng đường rừng Thái Lan và bị bắt vào tháng 10 năm 1981 tại biên giới Lào Việt.
Trước khi trở về chiến đấu, chiến sĩ Võ Đại Tôn đã đi nhiều nơi có cộng đồng Việt Nam sinh sống vận động phong trào đấu tranh cho quê nhà. Đầu thập niên 1980 trên báo Văn nghệ Tiền Phong có bài viết nói xấu ông, cho nên tin tức ông bị Việt Cộng bắt giam là một điều minh chứng tờ Văn nghệ Tiền Phong đã sai; và vì điều này mà tôi đã ngưng không mua tờ báo này trong một thời gian dài.

Việt Cộng có kế hoạch đưa chiến sĩ Võ Đại Tôn ra họp báo quốc tế ngày 13-7-1982 tại Hà Nội để tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản; không ngờ ông đã tương kế tựu kế, tuyên bố giữ vững lập trường đấu tranh của mình trước ống kính thu hình của các ký giả quốc tế. Câu nói nổi tiếng được thu âm lại như sau : “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ tôi, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi, tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi sẵn sang chấp nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi”.Việt Cộng bị mất mặt và chúng đã đánh đập và biệt giam ông hơn 10 năm.
Bị áp lực của quốc tế, cho nên nhà nước Cộng Sản Việt Nam phải trả tự do cho chiến sĩ Võ Đại Tôn và ông trở lại Úc châu ngày 20-12-1991.
Mặc dù đang sống an lành ở hải ngoại; nhưng ông đã trở về Việt Nam tìm đường đấu tranh và bị bắt giữ. Chiến công oanh liệt nhất chứng tỏ sự can đảm và mưu trí của chiến sĩ Võ Đại Tôn là dùng chính công cụ tuyên truyền của kẻ địch ngay trong lòng địch, để tuyên bố nêu cao chính nghĩa đấu tranh của mình. Tin tức về cuộc họp báo lịch sử đó lan truyền làm nức lòng giới đấu tranh hải ngoại.
Cũng từ chiến công đó tạo nên uy tín của ông trong lòng người hải ngoại. Trước kia người ta gọi ông là Đại tá Võ Đại Tôn, có người gọi là nhà đấu tranh dân chủ. Có lẽ cái tên Chiến Sĩ Võ Đại Tôn vẫn là thích hợp nhất vì cả cuộc đời ông từ lúc ra hải ngoại cho đến khi qua đời gần 50 năm, ông vẫn làm việc, vẫn chiến đấu không ngừng nghỉ.
Chiến sĩ Võ Đại Tôn còn là một thi sĩ bút hiệu Hoàng Phong Linh. Ca khúc quê hương đấu tranh nổi tiếng mang tên Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây do nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phổ thơ Hoàng Phong Linh năm 1972, vẫn được trình diễn nhiều lần nhiều nơi tại hải ngoại.
Ông xuất bản một số tác phẩm trong đó có hồi ký lao tù Tắm Máu Đen, tập thơ Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy kể về chuyến băng rừng Thái Lan trở về chiến đấu và những năm bị lao tù Cộng Sản.
Khi đọc bài thơ Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy tả về một thanh niên trong đoàn người trở về chiến đấu đã hi sinh và chôn anh bên dòng thác, tôi xúc động và phổ nhạc bài thơ và đã đàn hát ca khúc này trong một buổi văn nghệ chào đón chiến sĩ Võ Đại Tôn trở về từ lao tù tại thành phố San Jose đầu thập niên 1990.
Trong vài lần ra mắt Liên Minh Quang Phục Việt Nam do ông tổ chức tại Bắc Cali, tôi cũng đàn hát những ca khúc quê hương.
Kỷ niệm dễ thương nhất là trong đêm ra mắt CD và Tập nhạc Chào Em Năm 2000 của Trần Chí Phúc tại quán Thùy Dương ở Quận Cam, chiến sĩ Võ Đại Tôn có tham dự và nói lời chúc mừng tác giả.
Một lần tôi ngồi quán cà phê Lily ở Quận Cam, thấy ông ngồi cùng họa sĩ Vũ Hối, tôi mời riêng chiến sĩ Võ Đại Tôn đi ăn cơm tấm. Trong dịp này tôi nghe ông tâm sự những điều khó khăn trong cuộc sống và những trở ngại trên đường tranh đấu và tôi càng quí trọng ông hơn.
Chiến sĩ Võ Đại Tôn định cư tại Úc và ông đã sang Hoa Kỳ cư ngụ một thời gian để thuận tiện trong việc vận động đấu tranh. Sau này những năm cuối đời, tuổi già sức yếu ông trở lại nước Úc và giã từ nhân thế.
Tôi nhớ câu nói của chiến sĩ Võ Đại Tôn rằng nếu người Việt hải ngoại không gởi tiền về giúp thân nhân (số tiền này cuối cùng lọt vào tay nhà cầm quyền Hà Nội ) thì chế độ Cộng Sản khó mà tồn tại. Thực tế điều này khó mà thực hiện; nhưng nó nói lên sức mạnh tài chánh kinh tế của người Việt hải ngoại; và chúng ta cần tận dụng sức mạnh này để áp lực, để đòi hỏi , để đấu tranh.
Thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Tự Do đã thất thủ vào cuối Tháng Tư năm 1975; cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại Tự Do đã hình thành từ đó cho đến nay đã 50 năm.
Trong công cuộc đấu tranh suốt mấy chục năm của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại, có nhiều người tài năng nhưng Chiến sĩ Võ Đại Tôn là một nhân vật đặc biệt, vì ông có tài hùng biện, diễn thuyết hấp dẫn người nghe.
Bên cạnh NÓI, ông còn LÀM là trở về quê nhà đấu tranh để bị 10 năm tù và chiến công lừa địch trong cuộc họp báo quốc tế 13-7-1982 đã tạo nên uy tín to tát của ông. Thơ văn của ông bàng bạc tình yêu quê hương, rực lửa đấu tranh và cuộc đời bền bỉ tranh đấu của ông cho đến khi nằm xuống đã dấy lên lòng cảm phục của nhiều người.
Cung kính giã biệt Chiến sĩ Võ Đại Tôn- thi sĩ Hoàng Phong Linh. Lời thơ của ông Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây rền vang. Những đứa con của Mẹ Việt Nam dù sống nơi chân trời góc bể của thế giới vẫn giữ gìn tinh thần dòng giống Lạc Hồng, vẫn đấu tranh cho một quê hương thoát ách Cộng Sản độc tài tham nhũng để dân tộc Việt Nam phát triển tự do dân chủ phú cường.
California 23-5-2025