Vụ đình công tự phát ở Viet Glory, Nghệ An có cần thiết?

0
716
Ảnh trên báo Nghệ An hôm 03/10 cho thấy công nhân Viet Glory . Nguồn hình ảnh, CSCC Nghe An.

Tác giả, T.K. Trần

Tại công ty TNHH Viet Glory là một xí nghiệp do người Đài Loan làm chủ 100%, đóng tại xã Diễn trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An, vừa xảy ra một cuộc đình công tự phát, theo các báo VN.

Truyền thông VN tuy thế chỉ ghi rằng đây là một cuộc “ngưng làm việc tập thể”.

Công ty này được thành lập năm 2019, hiện tại có khoảng 5000 công nhân chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu.

Ở xí nghiệp có đầu tư nước ngoài toàn bộ này có hai điểm đáng lưu tâm:

Thứ nhất là xí nghiệp được xây dựng ở một trong những vùng quê nghèo nhất nước, nơi mà mức lương tối thiểu vùng được nhà nước ấn định thấp nhất (vùng 4).

Thứ hai là trong quá trình hoạt động mới được 4 năm mà ở đây đã xảy ra 3 cuộc đình công vào năm 2021, 2022 và gần đây nhất là từ ngày 2 tới 8 tháng 10/2023 vừa qua.

Mức độ đình công thường xuyên khiến ta phải đặt câu hỏi: Vì sao lại đình công tự phát? Đình công tự phát có thể có vấn đề gì? và quan trọng nhất là làm sao để có thể tránh được đình công tự phát trong tương lai.

Công nhân đã đòi hỏi những gì?

Những đòi hỏi của công nhân bao gồm 8 điểm:

Công nhân nữ có thai từ tháng thứ 7 được về sớm trước 60 phút.

Lời nói việc làm của cán bộ phải phù hợp với chuẩn mực giao tiếp.

Giảm bớt hội họp ngoài giờ làm việc quá nhiều.

Kiểm tra máy chấm công hay bị trục trặc.

Yêu cầu điều chỉnh lại mục tiêu sản lượng quá cao.

Tăng phụ cấp độc hại và tăng số công nhân được hưởng phụ cấp này.

Thưởng lương tháng 13 theo thời gian làm việc thực tế, và

Quan trọng nhất là tăng lương cơ bản.

Dựa vào những đòi hỏi của công nhân ta có thể hình dung được những vấn đề của người công nhân tại xí nghiệp này.

Họ làm việc với lương không đủ sống trong thời buổi vật giá leo thang; họ bị ép phải cật lực tăng sản lượng lên cao; họ luôn bị đốc công/cán bộ mắng mỏ hạ nhục trong khi làm việc.

Nhiều người trong bọn họ phải làm việc trong môi trường độc hại mà không được trả phụ cấp tương xứng. Sau giờ làm họ lại phải tham dự hội họp của xí nghiệp…

Theo tôi, đây là những đòi hỏi hoàn toàn là chính đáng.

Công đoàn ‘mờ nhạt’, chính quyền cứng rắn

Công đoàn cơ sở của xí nghiệp Viet Glory đã được thành lập từ tháng 3/2021 với hơn 1400 đoàn viên trong tổng số công nhân chỉ là 2500 người trong thời điểm đó.

Với số lượng đoàn viên đông đảo như vậy mà Công đoàn cơ sở vẫn không đón đầu, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của công nhân, đã không chu toàn nhiệm vụ tự nhận là “đại diện giới công nhân“, “chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên“.

Điều này đã dẫn tới hiện tượng tự phát của đình công năm 2022 và năm nay. Khi cuộc đình công nổ ra, người ta thấy xuất hiện Công đoàn huyện Diễn châu, Công đoàn tỉnh Nghệ an đến xí nghiệp làm việc. Không thấy hoạt động gì của Công đoàn cơ sở xí nghiệp Viet Glory.

Đáng lo ngại hơn nữa là thái độ xoay chiều của nhà cầm quyền đối với người công nhân đình công:

Trong cuộc đình công năm 2022 nhà nước chĩa mũi dùi vào phía chủ xí nghiệp: “… đồng chí Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện – phê bình Công ty TNHH Viet Glory không thực hiện ý kiến chỉ đạo…, yêu cầu Công ty TNHH Viet Glory cần rút kinh nghiệm và có thái độ hợp tác, thiện chí…“ (theo báo Nghệ An)

Trong cuộc đình công 2023 thì mũi dùi lại hướng về phía công nhân: Tỉnh ủy chỉ đạo không được cho vụ này lây lan, kéo dài hoặc phát sinh điểm nóng phức tạp… Công đoàn khuyến cáo kêu gọi công nhân đi làm, không nên để bị lôi kéo…”

Không chỉ vậy, công an vào cuộc điều tra, đe dọa xử lý luật pháp với 11 công nhân cầm đầu trong lần đình công năm nay, truyền thông VN cho hay.

Có thể hiểu rằng nhà cầm quyền đã ngăn chặn đình công vì e ngại làm xấu môi trường đầu tư ở Nghệ An.

Đáp ứng của chủ xí nghiệp Viet Glory

Ngay từ chiều 2/10 chủ xí nghiệp đã có văn bản đáp ứng ngay một số đòi hỏi của công nhân. Đòi hỏi tăng số công nhân hưởng phụ cấp độc hại và vấn đề thưởng lương tháng 13 sẽ được xem xét sau.

Tuy nhiên xí nghiệp không đồng ý tăng lương cơ bản, viện cớ là lương hiện nay (4.130.200 VND) đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 (3.460.000 VND) do nhà nước ấn định (theo báo Lao Động).

Ngày 7/10 xí nghiệp đồng ý tăng phụ cấp xăng xe từ 10.000 VND lên 15.000 VND/ngày, phụ cấp bữa ăn trưa từ 20.000 VND/ngày lên 24. 000 VND/ngày.

Dù không được tăng lương cơ bản, song việc tăng phụ cấp này, tương đương với tăng 234.000 VND/tháng, cũng đã khiến công nhân chấp nhận và trở lại làm việc vào ngày 9/10 (theo nguồn tin trên).

Thiệt hại cho cả công nhân và chủ xí nghiệp

Việt Nam hiện là công xưởng của thế giới – ảnh minh họa về một nhà máy trong ngành dệt may. Nguồn hình ảnh, Getty Images.

Sau một tuần đình công, phần lớn những kiến nghị của người công nhân Viet Glory được đáp ứng.

Ngược lại, người công nhân cũng phải trả giá cho thắng lợi.

Cụ thể nhất là 11 công nhân cầm đầu đình công bị chủ xí nghiệp sa thải, họ bị công an điều tra tội khích động quần chúng, bị “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Với những dấu vết này trên phiếu lý lịch, họ sẽ bị thất nghiệp lâu dài, chẳng bao giờ được nhận làm việc ở một xí nghiệp nào khác. Đối với hàng ngàn công nhân còn lại, họ sẽ không được trả lương trong những ngày đình công hoặc sẽ phải tính vào ngày nghỉ phép thường niên.

Thêm vào đó là thái độ bất đồng tình, nghi ngại của nhà nước đối với tầng lớp công nhân.

Về phần chủ xí nghiệp thì thiệt hại cũng không nhỏ. Một tuần không sản xuất là mất đi gần 2% tổng sản lượng trong năm. Nếu công suất của xí nghiệp là 25 triệu đôi giày mỗi năm thì một tuần không sản xuất đồng nghĩa với khoảng nửa triệu đôi giày không được xuất xưởng.

Liệu có cách nào tránh thiệt hại cho đôi bên?

Một cuộc đình công tự phát không báo trước của toàn thể công nhân, bất ngờ khởi đầu sau bữa ăn trưa ngày 2/10 không phải là tiến trình qui củ, bài bản của một cuộc đấu tranh lao động.

Đọc lại toàn bộ kiến nghị của công nhân cũng như trả lời của chủ xí nghiệp chỉ sau vài giờ đình công ngày 2/10, ta có thể thấy rằng phần lớn những đòi hỏi có thể được giải quyết trong các cuộc đối thoại định kỳ hay đột xuất tại nơi làm việc giữa đại diện công nhân và chủ xí nghiệp mà không cần phải đình công, nếu xí nghiệp có được một bộ phận “đại diện công nhân“ theo đúng ý nghĩa của nó.

Đối với những đòi hỏi nhạy cảm hơn như tăng lương hay tăng trợ cấp độc hại thì đại diện công nhân phải vận dụng vị thế trong thương lượng tập thể.

Nếu chủ xí nghiệp không hợp tác thì đại diện công nhân có thể gia tăng áp lực bằng đình công có báo trước, ngắn hạn (ví dụ 1 ngày) của một bộ phận công nhân (ví dụ công nhân phun keo dán giày hay đóng gói).

Những đình công cục bộ ngắn hạn có tính cách cảnh báo này cũng có tác dụng làm tê liệt hoạt động toàn bộ xí nghiệp, giúp công nhân đạt được kết quả mà tránh được thiệt hại cho đôi bên.

Sự cần thiết của một tổ chức đại diện công nhân có thực chất

Một cuộc đấu tranh bài bản đòi hỏi kỹ năng nghiệp vụ của người đại diện công nhân đích thực.

Sư thiếu vắng hoạt động trong vụ đình công này của Công đoàn cơ sở xí nghiệp Viet Glory làm rõ thực tế là Công đoàn không giúp ích gì cho quyền lợi của 1400 đoàn viên có đóng đoàn phí 1% tiền lương.

Điều này thực ra cũng không lạ, bởi Công đoàn không phải là một tổ chức lao động thuần túy mà là một tổ chức chính trị-xã hội do đảng Cộng sản VN lập ra với những ràng buộc về chính trị và đường lối của đảng.

Hiện tượng “Công đoàn có cũng như không” làm rõ thêm sự cần thiết của một tổ chức đại diện công nhân độc lập khác để người công nhân có thể chọn lựa người bảo vệ quyền lợi mình.

Xin nhắc lại rằng việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài Công đoàn đã được Bộ luật Lao động 2019 bật đèn xanh từ 4 năm nay, nhưng nhà nước vẫn cố tình gây trở ngại, trì hoãn bằng cách không ban hành nghị định hay hướng dẫn việc thành lập những tổ chức này.

Trì hoãn việc cho phép thành lập những tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài Công đoàn có nghĩa là tiếp tục nuôi dưỡng xu hướng đình công tự phát với tất cả những bất lợi của nó cho người lao động và cả người sử dụng lao động.

Thiết nghĩ, chính quyền cần sớm cho phép các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được hoạt động để môi trường đấu tranh lao động trở nên lành mạnh và tiến bộ, đảm bảo tìm ra cách cân bằng quyền lợi cho cả công nhân và nhà đầu tư khi có mâu thuẫn.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả T.K. Trần, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn ở châu Âu và Việt Nam.

Tác giả, T.K. Trần

(Bài gửi tới Diễn đàn BBC từ Stuttgard, Đức)