Làm Sao Để Đừng Tuyệt Vọng

0
1841

Trong giai đoạn tối tăm, đẫm máu, hầu như chúng ta không còn có thể nhớ lại vào một thời kỳ nào đó, chúng ta đã từng có được một khoảng thời gian đầy hứa hẹn từ Mạc Tư Khoa đến Jerusalem. Thời kỳ đó không phải chỉ là một cam kết suông, tuy chưa phải là thời kỳ có một thiên đàng hạ giới, và chắc chắn không phải là giai đoạn cuối của lịch sử- nhưng đó là một lời hứa. Vâng rõ ràng là một lời hứa. Trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1995, đã xảy ra những biến cố sau đây trên thế giới: Bức tường Bá Linh sụp đổ, và khu vực Đông Âu, Trung Âu hoàn toàn được giải phóng, Liên Bang Cộng Sản Xô Viết sụp đổ, và hình như cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế giới đã kết thúc. Ở Bắc Kinh diễn ra phong trào Dân Chủ tuy rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn ở Bắc Kinh và một số thành phố lớn ở Trung Hoa. Ở Nam Phi thì chế độ kỳ thị chủng tộc -apartheid- hoàn toàn chấm dứt, và Hiệp định Oslo được các nhà lãnh đạo Do Thái ký kết với lãnh tụ tổ chức Palestine Liberation Organization (PLO).

Nói tóm lại, có lúc ở nhiều nước trên thế giới, các nhà lãnh đạo chính trị, những người đối lập, chống đối chính phủ, và các phong trào xã hội đã hết sạch những ý tưởng cũ, và hình như họ cũng đã nếm quá đủ sự đàn áp từ bấy lâu nay, nên họ bắt đầu thúc đẩy thế giới đến một chiều hướng tốt đẹp, công chính, dân chủ và đồng thuận. Câu văn tóm lược trên xem ra có vẻ quá đơn sơ- hứa hẹn mang tính chất hưng phấn, và mang lại chiến thắng cho nhân loại. Lời hứa hẹn đó là có thật, nằm sâu trong tiềm thức con người che lấp những sự kiện tối tăm đang xảy ra ở những nước này. 

Bây giờ chúng ta đang sống trong thời kỳ của những kẻ có đầy quyền lực toàn năng, với Vladimir Putin của nước Nga đang reo đau thương tang tóc trên nhiều thành phố, thị trấn ở Ukraine, và số người chết được ở Trung Đông ngày càng cao. Hầu như không có ngày nào người ta không nghe nói đến lời đe dọa chiến cuộc có thể sẽ lan rộng ra nhiều nơi. Liệu rằng Putin có cam tâm sử dụng kho vũ khí nguy hiểm nhất của Nga hay không, hay ông ta sẽ đem quân xâm lăng những nước khác trước đây thuộc khối Xô Viết ? Liệu rằng chiến ở vùng Trung Đông có lan rộng sang Lebanon, Syria hay Iran hay không? Chỉ những kẻ nào có trái tim khô cứng mới không mủi lòng khóc thương cho những mảnh đời vừa mới bị giết vì chiến tranh, đành lòng làm ngơ không tìm cách ngăn chặn, chấm dứt chiến sự. Chỉ có những kẻ khờ khạo ngu ngốc mới không nghĩ đến việc sẽ có ngày tình hình trở nên rất xấu, vì chiến tranh lan rộng. Tuy nhiên, thái độ tuyệt vọng không nên là chọn lựa cho chúng ta, xem nó như là viễn ảnh của tương lai, mặc dù nhiều người bị ám ảnh và muốn buông xuôi. Hồi năm 2016, khi một kẻ độc tài mù quáng thắng cử làm tổng thống nước này, tâm trạng tuyệt vọng không phải là chọn lựa, bây giờ cũng vậy, thái độ tuyệt vọng không thể được dùng để quên đi những gì đang xảy ra.

Mặc dù vào một thời điểm nào đó, sự phẫn nộ, tức giận giữa những lực lượng thù nghịch chắc phải xảy ra, và tồn tại. Đó là điều dễ hiểu. Lấy hai ví dụ xảy ra mới gần đây: Một viên chức cao cấp của tổ chức Hamas, ông Ghazi Hamad tuyên bố: “Do Thái có thể sẽ còn bị tấn công lần thứ hai, thứ ba, thứ tư cho đến khi nào nước này bị xóa tên ra khỏi bản đồ.”. Ông ta tuyên bố: “Chúng tôi phải tiêu diệt nước này. Bởi vì thế giới Ả rập và Hồi Giáo kết hợp với nhau sẽ trở thành thảm họa cho Do Thái.” Theo quan điểm của nhóm Hamas thì không có gì phải ân hận trong vụ giết người tàn bạo họ làm hôm 7 tháng 10. Họ tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Lebanon: “Chúng tôi không muốn làm hại người dân thường, nhưng tình hình lúc bấy giờ quá phức tạp tại hiện trường. Tất cả những gì chúng tôi làm đều có lý do, và có chính nghĩa.”. Trong lúc đó, ở Quốc Hội Do Thái, Zvi Sukkot, một nhân vật cực đoan sống trong khu định cư, từng có nhiều thành tích nguy hiểm, đáng xấu hổ khi ông ta khiêu khích người Palestine ở West Bank,vậy mà ông ta lại được bổ nhiệm đứng đầu ủy ban có trách nhiệm giải quyết những vấn đề ở West Bank. Giới chức quân sự Do Thái trước đó đã tỏ ý rất lo ngại về nhân vật tên là Sukkot. Họ cho rằng ông ta không xứng đáng ở trong Quân đội, để ông ta mang vũ khí sẽ rất nguy hiểm. Ông Merav Michaeli, lãnh tụ đảng Lao Động gọi Sukkot là “con người nguy hiểm nhất ở Do Thái. Một con người kỳ thị, ưa đốt nhà, cuồng lửa, thường ủng hộ những hành động khủng bố.”. Ông ta có khả năng gây ra một trận tuyến thứ hai đánh nhau ở West Bank. (Trong quá khứ Sukkot đã nhiều lần bị bắt, và trục xuất ra khỏi West Bank vì bị tình nghi gây ra những vụ đốt nhà, và xâm nhập tư gia bằng bạo lực. Ông ta chối không làm những việc này.)

Tâm lý thù nghịch, hận thù đằng đằng còn lan rộng ra khỏi phạm vi của vùng đang có chiến tranh. Ông Giám đốc FBI Christopher Wray mới đây trình bày trước Thượng Viện Hoa Kỳ rằng tâm lý “bài Do Thái” gia tăng thêm ở mức độ mới, chưa từng thấy trong lịch sử ở Hoa Kỳ và ông cảnh cáo rằng tâm lý thù hận này có thể dẫn đến những hành động giống như của Hamas, tấn công người Do Thái ngay trên đất Mỹ. Ông Wray cũng nói rằng mặc dù người Do Thái chỉ chiếm có 2.4 phần trăm dân số Mỹ nhưng họ lại trở thành mục tiêu tấn công của khoảng 60% những tổ chức thù nghịch vì lý do tôn giáo,”. Ở Âu châu đợt sóng bài Do Thái cũng dâng cao không kém. Tổng thống nước Đức, ông Frank-Walter Steinmeier vừa mới tuyên bố trong một cuộc biểu tình ở Brandenburg Gate rằng: Tâm lý bài Do Thái tăng rất cao ở Âu châu đến mức độ báo động. Chẳng lẽ người Do Thái lại bị một lần thảm sát Holocaust lần thứ hai hay sao?. Nỗi sợ hãi đang bao trùm khắp Âu Châu. Mới đây ký giả Rozina Ali viết trên báo TIMES rằng nỗi lo sợ người Hồi Giáo bị tấn công ở trong cộng người Mỹ gốc Hồi Giáo đang có chiều hướng gia tăng. Ví dụ trường hợp em bé người Palestine 6 tuổi tên là Wades-al-Fayoum bị ông chủ phố của gia đình đâm đến chết. Mẹ của em bé nói ông già chủ phố đã đâm chết con của bà chỉ vì họ là người Palestine. Ông ta nguyền rủa: “Bọn Hồi Giáo chúng mày phải chết.”.

Nguyên ủy nước Do Thái được tạo lập dựa trên ý niệm cho rằng một nhóm dân nhỏ bé từng bị ngược đãi sau nhiều thế kỷ chiến tranh, bạo động, từng bị thảm sát -Holocaust- vì vậy không thể để họ tiếp tục sống lưu vong một cách bấp bênh, thiếu ổn định. Nhìn lại lịch sử Do Thái, chưa có biến cố nào phá tan tâm lý được bảo vệ như vụ thảm sát xảy ra hôm 7 tháng Mười vừa qua. Cùng lúc đó, người dân Palestine sống ở dải Gaza sau nhiều năm phải sống trong sự kìm kẹp, phong tỏa vô cùng khốn khổ của người Do Thái, và sự cai trị hết sức tàn nhẫn, bất nhân của Hamas, người dân Palestine ở vùng West Bank tiếp tục phải sống dưới sự chiếm đóng đến ngộp thở. Lúc gần đây, có dư luận đồn đại về việc lập ra một vùng bị trị “Nakba thứ hai”. Do đó, bất cứ ai có ý định thiết lập một khung cảnh an ninh, hòa bình trong lúc vẫn còn có sự hiện diện của những người lãnh đạo cực đoan, đầy hận thù như Ghazi Hamad, người lãnh đạo Hamas, và tay Zvi Sukkot đại diện  chính quyền Do Thái thì làm sao mà có hòa bình và an ninh được. Tìm đâu ra một thế giới yên bình trong đó có sự hiện diện của tổ chức cực đoan Hamas và người lãnh đạo sắt máu, phản động Do Thái đứng ra lập chính sách, đường lối lãnh đạo. Viễn ảnh tương lai của khu vực sẽ chỉ còn là đầy rẫy những bất công, đánh đấm, và chết chóc. 

Khó khăn, thử thách dành cho Tổng Thống Joe Biden vô cùng to lớn, khó mà hình dung ra hết được. Một mặt ông đang phải chuẩn bị cho việc tái ứng cử với một đối thử có tính khí bất thường như ông Donald Trump, cùng lúc đó người Nga vẫn tiếp tục tấn công nước Ukraine, bên kia Á châu, ông còn gặp những thách đố liên tiếp từ phía Trung quốc. Hàng ngày, Tổng thống Biden còn phải tìm cách tái lập hòa bình và an ninh cho vùng Trung Đông, đồng thời ông phải kêu gọi sự hợp tác của những nước có thế lực ở trong vùng Trung Đông tham gia vào nỗ lực mưu cầu hòa bình. Trong đó gồm những nước như nước UAE- United Arab Emirates- nước Qatar, Ai cập, Jordan và Saudi Arabia. Hành động ông ôm hôn Thủ tướng Benjamin Netanyahu chẳng qua chỉ là hành động chuẩn mực ông phải làm mang tính chất trình diễn, trong lúc ông tiếp tục phải làm áp lực khi nói chuyện riêng với Thủ tướng Do Thái. Cả hai hành động công khai cũng như trong chốn riêng tư chỉ là việc làm vô bổ, chẳng đi đến đâu, tiếng Anh gọi là mug’s game.Ông Thủ tướng Do Thái đã từng phỉnh gạt nhiều Tổng thống Mỹ từ thời thập niên 1990’s. Có lần ông Netanyahu nói rằng: “Tôi hiểu rõ nước Mỹ lắm. Nước Mỹ là nước mà bạn có thể lay chuyển họ một cách dễ dàng.”. Hơn nữa, ông còn tự quảng cáo về mình là một “Nhân vật đem lại an ninh”- hay “Mr. Security”. Song chính ông lại là kẻ đem lại sự thất bại nặng nề nhất về an ninh trong lịch sử nước Do Thái. 

Có lẽ còn phải mất rất nhiều năm mới có thể gầy dựng được một thứ văn hóa chính trị mới đóng trụ trong lòng người dân Palestine và người Do Thái. Phải mất khá nhiều năm vết thương tinh thần mới có thể lành được. Ngay vào lúc này, nhiều người được nghe bàn tán xôn xao: nếu dùng giải pháp hai quốc gia cùng sống chung hòa bình- “two-state solution” tức là sự hoài niệm về một hình thức từng được dùng trong quá khứ, còn giải pháp “một quốc gia” – “one state solution”, thì đây chính là công thức dẫn đến nội chiến ngay tức khắc. Với tình trạng mắt của mọi người đều bị mờ đi vì oán hận, tức tối, và tiếc thương, không thể nào tìm ra được một viễn kiến là một sự kiện thực tế, không thể chối cãi được. Nhưng gần đây, một học giả trí thức người Palestine, tên là Sari Nusseibeh nói với tôi rằng “Con người ta thường được cho thấy hay cung cấp những chọn lựa để mà quyết định. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không được pháp lấy chọn lựa “bi quan, yếm thế.”. Ít ra là trong lịch sử, chúng ta đã từng thấy có một thời kỳ giúp mọi người có sự hứng khởi, có hy vọng. Thời kỳ đó không xa lắm đâu. Đó là thời kỳ mà các nhà lãnh đạo và các phong trào tranh đấu, sau nhiều lầm lỡ, và thất bại đã cùng đồng ý với nhau rằng tất cả mọi hành vi chiến đấu cũng chỉ vì tranh đấu cho quyền của một con người bình thường được sống trong tự do, không còn phải sợ hãi. Đó là một diễn biến, một quá trình chuyển biến chưa bao giờ được hoàn thành đầy đủ ở bất cứ nơi nào, nhưng tiến trình đó không thể bị từ bỏ để thay thế bằng tâm trạng tuyệt vọng.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER  ngày 13/11/2023

Ghi chú:  tác giả bài báo này là David Remnick một ký giả lão thành có nhiều kinh nghiệm sống ở Nga và Âu châu.