TUY HÒA QUÊ ANH MỜI EM GHÉ THĂM

0
899
Trần Chí Phúc và Tháp Nhạn Tuy Hòa 1995

Khoảng đầu thập niên 1990, tôi nghĩ là nên viết một bài hát tả Tuy Hòa, nơi chôn nhau cắt rún của mình. Tuy Hòa là thành phố, thủ phủ tỉnh Phú Yên, nằm giữa hai cái đèo. Đèo Cù Mông phía bắc, qua khỏi đèo là Qui Nhơn tỉnh Bình Định. Đèo Cả phía nam, qua khỏi đèo là bãi biển Đại Lãnh, rồi Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ba tỉnh Bình Định Phú Yên Khánh Hòa gần gũi, nên có câu ca dao : “ Anh về Bình Định thăm cha. Phú Yên thăm mẹ Khánh Hòa thăm em.”  Giọng nói 3 tỉnh này khá giống nhau, nhất là Bình Định Phú Yên hay dùng chữ “ nẫu “ để chỉ nhân vật thứ ba, hoặc là một người hoặc là nhiều người. Do đó, chữ “ dân xứ nẫu” là nói về 2 tỉnh này.

Các tỉnh miền Trung đều có các tháp do người Chiêm Thành xây, nhưng cái tháp ở Tuy Hòa nằm trên ngọn núi nhỏ bên dòng sông, dưới chân núi là phố xá, là đồng lúa; kế bên là cây cầu Đà Rằng dài 1100 mét bắt ngang sông Ba, được coi là dài nhất Miền Nam trước năm 1975.

Cầu Đà Rằng có 21 nhịp; từ câu ca dao “ Qua cầu ngã nón trông cầu. Cầu bao nhiêu nhịp em sầu bấy nhiêu”  được đưa vào bài hát với lời ca “ Đà Rằng tên quen, nhịp cầu hăm mốt nỗi sầu hăm hai. “

Ngọn núi này có cái tháp Hời- tên gọi khác của Chiêm Thành, tên là Núi Nhạn và trên đỉnh có Tháp Nhạn. Nghe kể rằng thời xưa có nhiều con chim nhạn trú ẩn cho nên gọi là Tháp Nhạn.

Trong bài thơ của thi sĩ Phạm Thành Tài được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc Anh Còn Nợ Em nổi tiếng có câu “ Anh còn nợ em. Chim về Núi Nhạn “; có lẽ chỉ cái tên Núi Nhạn ở Tuy Hòa. Thi sĩ đã khuất bóng cho nên không biết chính xác điều này, chỉ biết thi sĩ người gốc Quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, thời trước 1975 có thể cư ngụ Tuy Hòa một thời gian và cảm hứng viết thơ mà đưa hình ảnh Núi Nhạn vào thi ca.

Núi Nhạn và Tháp Nhạn nằm giữa thành phố Tuy Hòa, là địa danh nổi tiếng gắn bó với phố Tuy Hòa. Thật tiếc là năm 1998, người ta sửa mới lại Tháp Nhạn, làm mất đi nét cổ kính, rêu phong của cái di tích một thời vương quốc Chiêm Thành xa xưa. Nếu có cặp mắt nghệ thuật, làm việc cẩn thận để giữ lại nguyên gốc Tháp Nhạn thì sẽ thu hút nhiều du khách đến Tuy Hòa, để thưởng ngoạn kỹ thuật xây cất cái tháp của người Chiêm Thành xưa.

Nhìn bao du khách trong nước và quốc tế nườm nượp đến Hội An để ngắm mấy chục ngôi nhà cổ mà cảm thấy tiếc cho ngành du lịch Tuy Hòa!

Thời còn trung học, người bạn viết hai câu thơ “ Tuy Hòa ( Phú Yên ) non nước hữu tình. Sông Đà Núi Nhạn duyên mình nào phai.”  Chữ Sông Đà là sông Đà Rằng, cái tên gọi hạ nguồn của sông Ba, trước khi chảy ra biển.

Tỉnh Phú Yên từng được gọi là vựa lúa của Liên Khu 5 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định Phú Yên, Khánh Hòa. Đồng lúa Tuy Hòa tươi tốt, nhờ Đập Đồng Cam dẫn nước tưới từ thượng nguồn Sông Ba.

Nhà tôi gần Núi Nhạn, mà cũng sát sông Chùa. Gọi là sông Chùa vì sông Ba khi chảy từ trên núi phía tây được gọi là dãy Trường Sơn xuống biển; khi đến Tuy Hoa thì chia làm 2 nhánh. Nhánh nhỏ có cây cầu sắt 3 nhịp bắt ngang, và ngay chỗ này có ngôi chùa Kim Cang nổi tiếng sát chân núi cùng ngôi chùa Kim Long. Và sát bờ sông nhỏ này có tịnh xá Ngọc Phú- tên gọi ngôi chùa của tông phái Khất sĩ Minh Đăng Quang. Kế bên tịnh xá là ngôi nhà đầy kỷ niệm của tác giả.

Thời ấu thơ, mỗi mùa mưa là nước sông Đà Rằng dâng cao, tạo nên lụt lớn và lụt nhỏ. Hầu như mỗi mùa nước lớn là nước sông tràn vào nhà, kỷ niệm nước lụt ăn sâu vào tâm trí.

Từ nhà tôi đi bộ xuống biển chừng hai hoặc ba cây số, ráng tắm biển để tập bơi nhưng không giỏi vì mẹ tôi cấm tắm biển; lý do là vùng biển này có vài chỗ sâu làm cho nhiều người chết đuối trong đó có bà con của tôi và bạn thời trẻ.

Tuy Hòa của tôi có Núi Nhạn, có Tháp Nhạn, có cồn Ngọc Lãng trồng rau nằm giữa 2 nhánh cùa sông Ba trước khi ra biển, có cây cầu Đà Rằng, có đồng lúa xanh, có phố nhỏ êm đềm, có bãi biển và biển xanh, có rừng núi Trường Sơn kiêu hùng, có món bánh tráng, có nem nướng.

Khi viết xong bản Tuy Hòa Quê Anh, tôi mời ca sĩ Hương Lan hát và nhờ nhạc sĩ Đặng Xuân Thìn viết hòa âm, thu băng năm 1992 tại phòng thu anh Phạm Ngọc Sơn ở thành phố Oakland, California, trong cuốn CD Chiều San Francisco, phát hành năm 1996.

Ca sĩ Thái Châu nghe bài này và nói rằng Tuy Hòa có bài hát nghe cũng được. Anh nói rằng có mấy lần ra Tuy Hòa trình diễn, ở phòng ngủ  Vĩnh Đông Á có nhiều ma!

Khi thu âm xong, tôi nhờ nhạc sĩ Tùng Giang Mix dùm và anh kể rằng năm 1953 anh theo thân phụ là xếp ga Tuy Hòa; thời đó còn chiến tranh Việt Pháp; mỗi lần máy bay Pháp ném bom thì trên Tháp Nhạn có cái kẻng đánh báo động cho người dân biết mà trú ẩn.

Nhạc sĩ Châu Đình An kể rằng anh từng học ở trường Đặng Đức Tuấn trước năm 1963 và từng leo lên Núi Nhạn để ngắm cảnh Tuy Hòa.

Nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc tức là nhà phê bình âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh thích bản Tuy Hòa Quê Anh. Anh kể rằng có lần ghé Tuy Hòa, ngồi quán ăn và hỏi thăm một cô gái về Trần Chí Phúc và cô ấy chỉ cho anh đường đi đến nhà tôi. Nghe chuyện này tôi thật cảm động!

Nói về nhạc đệm bản Tuy Hòa Quê Anh do các nhạc sĩ Hoa Kỳ trình tấu như tiếng ghi ta của Lorn Leber, tiếng vĩ cầm, tiếng sáo, tiếng trống tay và tài phối khí của Đặng Xuân Thìn. Giọng ca Hương Lan ngọt ngào; ca sĩ này chỉ thu âm có một lần và lần thứ hai thì chỉ sửa một vài chữ. Cho nên tiếng hát có được cảm hứng. Nó khác với nhiều người khi thu âm, ca đi ca lại nhiều lần thì cái hồn của tiếng hát bay mất.

Năm 1995 tôi về Tuy Hòa thăm quê thăm mẹ. Nhờ người quay Video, anh này dẫn tôi lên Núi Nhạn quay Tháp Nhạn và phong cảnh Tuy Hòa nhìn từ trên cao, rồi đến cầu Đà Rằng. May quá có xe lửa chạy tới, quay được cảnh ôm ghi ta khảy nhìn đoàn tàu rời xa. Cảm động nhất là đoạn phim tác giả ôm đàn hát bản Tuy Hòa Quê Anh cho mẹ nghe; năm sau 1996 mẹ qua đời.

Năm 2004, tôi làm đêm 25 Âm Nhạc Trần Chí Phúc tại San Jose, mời Hương Lan hát bản Tuy Hòa Quê Anh, nhờ bạn quay Video.

Bây giờ tôi học được cách ráp nối Video đưa lên Youtube. Tôi có nhờ bằng hữu chụp một số hình về Tuy Hòa thời này. Tôi muốn đưa hình ảnh cũ và mới của Tuy Hòa vào Video. Nhưng suy nghĩ lại, thì mình nên giữ cái nét xưa của Tuy Hòa. Thí dụ như hình Tháp Nhạn trước năm 1998 rêu phong cổ kính khác với hình Tháp Nhạn hiện tại. Và nên dùng các đoạn Video, vẫn có giá trị hơn là dùng hình.

Khi ngồi ráp các đoạn Video Tuy Hòa 1995 và Video 2004, tôi có dịp thả hồn về thời Tuy Hòa mấy chục năm trước. Mẹ và nhiều bằng hữu, bà con đã qua đời, cảnh đã đổi thay. Cầu Đà Rằng sơn màu bạc, Tháp Nhạn xưa nhìn không ra, nhà cửa mọc lên nhiều hơn.

Video ca nhạc Tuy Hòa Quê Anh đưa lên Youtube, hi vọng những người yêu Tuy Hòa, có kỷ niệm về Tuy Hòa năm xưa, nhìn lại một số hình ảnh. Và tiếng hát Hương Lan ngọt ngào, nhạc đệm du dương tả về phố Tuy Hòa- nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Trong bài hát có ước mơ một ngày đưa người yêu về thăm Tuy Hòa; nhưng điều này chỉ là ước mơ. Và ước mơ thì bao giờ cũng đẹp.

Khi viết bài này, ngày Rằm Tháng Bảy năm 2023; lễ Vu Lan là dịp để nhớ về người đã khuất, nhớ kỷ niệm, trong đó có Tuy Hòa.

Mời quí vị nghe ca khúc Tuy Hòa Quê Anh:

Trần Chí Phúc