Nhóm lính đánh thuê Wagner (Phần 2)

0
686

Phần thứ Hai: Nước Nga sử dụng lính đánh thuê trong nhóm Wagner ở nhiều nơi trên thế giới từ Syria, đến Phi Châu và Ukraine. Đi đâu bọn chúng cũng đánh nhau hung dữ, liều mạng, đem lại thắng lợi cho nước Nga.

Marat Gabidulin  gia nhập tổ chức Wagner ở lứa tuổi trên 40Trước đó, hắn từng ở trong quân đội Nga khoảng 10 năm. Sau khi giải ngũ, hắn trở nên nghiện rượu, và sống cuộc đời của kẻ tội phạm, Khoảng giữa thập niên 1990’s hắn bị tù ba năm vì bắn chết một tay băng đảng ở vùng Siberia. Sau khi gia nhập với nhóm Wagner, hắn được gửi sang Molkino để  được huấn luyện kỹ thuật đánh nhau trong thành phố. Hắn cảm thấy vô cùng sung sướng, và hãnh diện như người được sống lại trong khung cảnh quen thuộc trước đây của hắn. Cuộc đời của hắn từ nay trở nên có ý nghĩa, và có mục đích hơn. 

Cách đây không lâu, tôi có dịp gặp Gabidulin ở một quán cà phê vùng Nam nước Pháp. Trông hắn vẫn có vẻ cứng cỏi của một quân nhân cường tráng, với bộ râu quai nón màu trắng tỉa rất khéo. Trên bàn tay phải, hắn đeo một chiếc nhẫn bằng bạc có gắn sọ người, dấu hiệu của nhóm Wagner, hắn đã mua chiếc nhẫn ở chợ trời tại Damascus, nước Syria. Hắn nhớ lại những kỷ niệm tham gia vào tổ chức Wagner trong vai trò lính đánh thuê với sự hoài niệm cũng như sự tuyệt vọng, chán chường. Hắn kể cho tôi nghe: “Lúc đầu, tôi xem nhóm Wagner như một cộng đồng quy tụ những lính đánh thuê để giúp một nước khác. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy tổ chức này quá độc tài, và tôi bắt đầu hoài nghi không hiểu mục đích của việc họ có thực sự hữu dụng hay không.”.

Chuyến công tác đầu tiên của hắn là đi đánh nhau ở vùng Luhansk, miền đông Ukraine. Dân chúng địa phương ở đây tin rằng họ không cần đến sự yểm trợ của lính do nước Nga gửi đến. Hắn nói: “Tôi hiểu ra rằng những điều tuyên truyền của chính phủ Nga là giả dối 100%.” Hắn rời khỏi nhóm Wagner sau hai tháng. Nhưng đến khi các cấp chỉ huy của Wagner yêu cầu hắn đi sang Syria để đánh nhau với bọn ISIS, hắn đồng ý đi vì nghĩ đây là việc làm có mục đích tốt, đúng với ước muốn của hắn. 

Tháng Ba năm 2016, tổ chức Wagner gửi hắn đến Palmyra, một thành phố cổ xưa ở giữa sa mạc, chỉ có cây cọ, và núi bao  quanh. Chiến tranh ở đây diễn ra rất ác liệt. Có lúc hắn và các bạn đồng đội gặp phải một chiến binh của ISIS bị thương nặng,  thân thể tan nát. Đơn vị của Gabidulin đang ở trên núi, thiếu thốn tiếp liệu y tế, và dụng cụ. Bạn của hắn trong cùng đơn vị lấy súng ra bắn chết tên lính ISIS ngay tại chỗ. Hắn cảm thấy vô cùng bất nhẫn, và cho rằng đây không phải là cuộc  chiến tranh theo ý hắn suy nghĩ. 

Vài ngày sau, đơn vị của Gabidulin bị phục kích. Hắn cố gắng bắn được vài phát súng trước khi trái lựu đạn nổ bên cạnh. Toàn thể thân xác hắn bị thương từ da đầu xuống gót chân, chỗ nào cũng bị xé toạc. Xe thiết giáp đưa hắn căn cứ không quân của Nga Hmeymim ở nước Syria, bên bờ Địa Trung Hải, hắn hoàn toàn bất tỉnh khi được đưa đến đây. Một tuần sau, khi tỉnh dậy, hắn thấy mình đang ở trong bệnh viện ở St. Petersburg. Một nhân viên của tổ chức Wagner đưa cho hắn cái điện thoại bí mật và nói: “Xếp lớn muốn nói chuyện với anh.”. Đầu dây bên kia chính là Prigozhin, hắn nói: “Chúng ta đã chiếm được Palmyra rồi, tôi hứa sẽ xin được cho anh huân chương Anh Hùng Nước Nga.”. Đây là huy chương cao quý nhất của quân đội Nga. Tổ chức Wagner cũng trả tiền tất cả chi phí bệnh viện chữa trị cho Gabidulin và cho hắn về nhà nghỉ dưỡng sức vài tháng. Hắn nói với tôi: “Prigozhin là con người rất thực tế, hắn xem lính trong tổ chức Wagner như là công cụ, hắn không màng gì đến sinh mạng của những người này. Ngược lại, hắn chăm sóc chu đáo sức khỏe của lính để họ tận tâm phục vụ.”.

Để ăn mừng việc tái chiếm tỉnh Palmyra, chính phủ Kremlin cho tổ chức tiệc có hòa nhạc ngoài trời theo thời đế quốc La mã ngày xưa. Họ đưa nguyên cả ban nhạc lừng danh Mariinsky Theatre Orchestra cùng với nhạc trưởng Valery Gergiev từ St. Petersburg sang để trình diễn những bản nhạc cổ điển của Bach và Prokofiev. Quan chức người Nga, yếu nhân Syria, và ký giả ngoại quốc xem. Ông Putin còn đọc diễn văn qua video chiếu cho mọi người xem giữa sân khấu ngoài trời. Ông ta nói: “Đây là chiến thắng chống bọn khủng bố dành cho tất cả mọi người cùng hưởng.”. Nhưng theo sự hiểu biết của Gabidulin, không một tên lính Wagner nào được mời đến dự tiệc mừng.

Một clip video trình chiếu trên trang mạng vào mùa hè năm 2017, cho thấy một người lính Nga che kín mặt, dùng mã tấu chặt đầu một người Syria, sau đó còn dùng xẻng, và cuốc băm nát thân thể người này. Sau này tờ báo Nevaya Garzette ở Mạc Tư Khoa xác nhận người lính Nga này là lính trong tổ chức Wagner. Lúc đó Gabidulin đang ở Mạc Tư Khoa nghỉ dưỡng sức, và hắn trông thấy video clip. Hắn không thể xác nhận rõ người lính này là ai, nhưng chắc chắn đó là lính trong nhóm Wagner. Theo hắn chính sách của Wagner là hung dữ tối đa để kẻ thù phải khiếp sợ. Gabidulin không đồng ý với chính sách này vì y cho rằng làm như vậy phải chăng chúng ta cũng giống như bọn khủng bố ISIS hay sao?.

Chưa hết, qua năm sau, Gabidulin được gửi sang Syria và làm cố vấn cao cấp cho tổ chức ISIS Hunter, chuyên đi lùng diệt bọn khủng bố ISIS. Có khoảng 300 tay súng người Syria được đặt dưới sự chỉ huy của nhóm Wagner. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là lấy lại những mỏ dầu hỏa đã bị nhóm ISIS chiếm làm sở hữu. Nếu lấy lại những mỏ dầu hỏa và khí đốt này, nhóm Wagner sẽ làm cho tổ chức ISIS mất đi nguồn huê lợi về tiền bạc. Prigozhin bèn bịa ra một công ty giả hiệu ký kết với chính phủ của Tổng thống Assad tiếp nhận một phần tư số thu hoạch từ những mỏ dầu này. Một viên chức thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ dự đoán rằng giới quân sự Nga rất quan tâm đến mức thu hoạch lợi tức về dầu hỏa, và họ chia cho nhóm Wagner hay Prigozhin một phần tư. 

Tháng Hai năm đó, Gabidulin và đồng bọn trong tổ chức được gửi đến tỉnh Deir Ezzor ở phía đông bắc, để tấn công nhà máy sản xuất khí đốt gần đó. Nhà máy này không do ISIS kiểm soát mà do nhóm dân quân người Kurd, chống Assad, kiểm soát. Gabidulin nhớ là đã nghe được cuộc nói chuyện giữa các tư lệnh của nhóm Wagner. Theo đó Prigozhin được lệnh phải tấn công lấy lại cơ xưởng này. Song điều làm cho Gabidulin ngần ngại là xưởng máy lại được Biệt Kích Mỹ giúp bảo vệ cho người Kurd, và việc đó không hề được đề cập đến trong kế hoạch tấn công xưởng dầu khí. Khi Gabidulin đặt câu hỏi với Prigozhin thì ông ta khẳng định là cứ tiến hành cuộc tấn công. Rõ rệt là Prigozhin luôn luôn “Kiêu căng, quá tự tin, và cho rằng mình là thiên tài.”.

Đêm ngày 7 tháng Hai, bốn trăm tay súng của nhóm Wagner,  được sự hỗ trợ của xe tăng T-72 của Nga, với hỏa lực rất mạnh mở cuộc tấn công xưởng máy, khoảng 50 lính Syria được trao nhiệm vụ trấn giữ ở phía sườn nhà máy.  Nhưng khi xe tăng bò vào đến gần vị trí để bắn đại pháo, thi bị nổ tung. Một xe tăng khác chạy vọt đến trước mặt Gabidulin cũng bị bắn cháy. Gabidulin hết sức ngạc nhiên, y leo lên mái nhà cao để quan sát, y thấy rằng những xe tăng này không phải bị lính Kurd bắn cháy, mà bị phi cơ Mỹ từ trên cao bắn xuống. Ngay lập tức, hắn  được lệnh phải rút lui ngay. Mọi thứ đều bị máy bay bắn Mỹ cháy rụi. Tất cả  xe của nhóm Wagner đều bị máy bay vận tải AC-130 của Mỹ từ trên cao bắn cháy rụi. 

Trận đánh ở Deir Ezzor là trận đụng độ quan trọng nhất diễn ra giữa lính Nga và lính Mỹ  kể từ sau chiến tranh Việt nam. Hai mươi ba thành viên trong đơn vị của Gabidulin bị giết chết. Ngoài ra, còn có khoảng 80 lính Wagner khác cũng bị chết trong cuộc tấn công này. Phải mất vài tháng sau mới đem được xác của những lính bị chết về Nga. Mỗi lần chỉ đem đi được vài xác lính vì cần phải giấu kín số thương vong.  

Một cố vấn của Biệt Kích Mỹ quen thuộc với trận đánh ở  Deir Ezzor kể lại với tôi rằng lúc bấy giờ họ cứ nghĩ rằng họ phải nhượng vùng lãnh thổ này cho nhóm Wagner và người Syria, không ngờ biến thành việc họ phải đụng trận với lực lượng Nga. Hai nước Nga và Mỹ đã đặt ra quy tắc là phải giảm thiểu tối đa xung đột về quân sự giữa hai nước. Một đường dây liên lạc được thiết lập để đôi bên biết giới hạn của hai lực lượng quân sự. Vào đêm nhóm Wagner mở cuộc tấn công, giới chức quân sự Mỹ liên lạc với phía Nga, và nói cho phe quân sự Nga biết họ trông thấy một nhóm lính đến tấn công nhà máy sản xuất khí đốt, phải chăng đó là lính Nga? Đầu dây bên kia, phe Nga nói họ không phải là lính Nga. Cố vấn quân sự Mỹ nghĩ rằng câu nói của phía quân sự Nga chỉ là câu nói lòe bịp cho qua. Ông ta không ngờ lực lượng Mỹ đã khai hỏa tấn công.

Một khi giới chức quân sự Mỹ biết được họ đã giết chết khoảng vài chục lính Nga, họ lo ngại chiến sự có thể sẽ leo thang. Vị sĩ quan cố vấn nhận xét: “Thực ra không một ai biết rõ mối quan hệ giữa nhóm Wagner với nhà nước Nga. Tuy nhiên việc đụng độ này cũng khiến cho nhiều quan chức cao cấp ở Hoa Thịnh Đốn phải hú hồn, nín thở.” . Cuối cùng họ không thấy phía chính quyền ở Điện Cẩm Lính phản ứng gì cả. Họ cứ để cho nó trôi qua đi. Rõ ràng đây không phải là một sự nhầm lẫn về phía Nga. Điểm đáng nói ở đây là thái độ lạnh lùng, giữ khoảng cách giữa chính phủ Nga với toán quân ưu việt, được huấn luyện khá kỹ càng. Mối quan hệ giữa nhóm lính đánh thuê Wagner với Bộ Quốc Phòng Nga rất lạ, họ vừa là đồng minh, vừa là địch thủ của nhau. 

Một buổi chiều tháng Tám năm ngoái, chiếc phi cơ trực thăng bay vần vũ đến khu thuộc địa phía nam nước Nga. Ở đây là một nhà tù của nước Nga. Lính bảo vệ của khu vực tập trung khoảng hơn 1,000 tù nhân, gần như toàn bộ dân số của khu thuộc địa để nghe quan khách đến nói chuyện. Các tù nhân được cho biết họ sắp sửa đón tiếp một nhân vật rất quan trọng. Một tù nhân tên là Alexei, tuổi trên ba mươi, đứng quan sát khách từ trực thăng đi ra. Họ mặc quần áo lính trận, bên hông đeo súng ngắn. Chính giữa làm một người lớn tuổi, khoảng trên 60, đầu ông ta láng bóng,trọc lóc, không có tóc, và gò má thì cao. Ông ta ăn to nói lớn, bộc trực, đôi khi thô lỗ tục tằn, đúng theo ngôn ngữ trong nhà tù nước Nga. Ông cho biết ông đến đây với sự cho phép của Tổng thống Nga Putin để đưa ra một đề nghị rất đơn giản. Đó là mời các tù nhân tham gia vào việc đánh nhau. Chúng tôi cần có những người biết cách đánh đấm, giết người. Sau đó, các bạn có thể được trả tự do.

Nhân vật đứng ra nói chuyện là Prigozhin. Hắn không dấu diếm chuyện những tù nhân này được mướn để đem ra chiến trường- và ở ngoài mặt trận, người ta có thể bị tử thương. Họ được kêu gọi ra chiến trường để đánh lại “kẻ thù của nước Nga”. Theo ông kể kẻ thù đó là những tên lính đánh thuê tuyển từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên khắp Âu châu. Nếu sau sáu tháng tham chiến, họ còn sống, họ sẽ được trả tự do để trở về nhà làm ăn, sinh sống bình thường với rất nhiều tiền để nuôi vợ con. Prigozhin nói với những người tù nhân: “Các bạn hãy nghĩ lại xem đây chính là cách để các bạn có thể trả món nợ cho quê hương bằng chính xương máu của mình. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn các bạn.”. Cánh quạt máy bay trực thăng lại quay tít, và rú lên từng hồi. Sau đó Prigozhin tiếp tục đi đến nhà tù khác để tuyển mộ tù nhân cho tổ chức Wagner. Hắn để lại vài viên chức ở lại văn phòng hành chính của nhà tù để phụ trách việc tuyển mộ lính.

Ban đầu, việc sử dụng lính trong nhóm Wagner vào chiến trường ở Ukraine không nằm trong kế hoạch xâm chiếm Ukraine. Các viên chức tình báo cao cấp của Nga tin rằng họ có thể mau chóng lấy được thủ đô Kyiv của Ukraine trong một thời gian rất ngắn, các cơ sở kiến trúc hạ tầng, các bin đinh, cao ốc của chính phủ sẽ giữ nguyên không bị hư hao gì cả. Nước Nga chỉ việc nhảy vào tiếp tục điều hành việc nước dễ dàng. Họ nói việc thôn tính Ukraine dễ dàng nên không cần đến bọn lính đánh thuê. Nhưng khi việc tiến quân của Nga bị khựng lại vào mùa Xuân năm 2022, điện Kremlin quyết định rút quân quân Nga ra khỏi Ukraine, tăng cường gấp đôi lính Nga ở vùng Donbass để chiếm lãnh thổ vùng này. 

Phía quân sự Ukraine lần đầu tiên bắt gặp lính của nhóm Wagner ở mặt trận Popasna, tuyến đường xe lửa quan trong trong tỉnh Luhansk. Sĩ quan tình báo Ukraine nói: “Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy chiếc xe jeep sơn màu cát sa mạc. Họ nghĩ rằng chiếc xe jeep đó từ vùng sa mạc Phi châu, hay vùng Trung Đông đem tới. Những tay súng trong đơn vị mới tới chiến đấu hung dữ và dày kinh nghiệm hơn đám lính Nga mà họ thường gặp trước đây.  Nhóm lính Wagner có chiến thuật đánh rất hiệu nghiệm, và dữ tợn hơn lính Nga, khiến cho các cuộc đụng độ từ nay vất vả, khó khăn hơn trước. 

Sau khi mặt trận Popasna bị rơi vào tay quân Nga, Prigozhin hứa sẽ lấy lại tình Bakhmut, cách đó khoảng 20 dặm về phía tây, về cho nước Nga.Lúc bấy giờ tỉnh Bakhmut được coi là địa điểm hết sức quan trọng, là cửa ngõ để có thể kiểm soát toàn thể vùng Donbass, một trong những mục tiêu chính của Putin trong cuộc chiến. Theo tin tình báo của phương Tây chỉ có một vấn đề duy nhất là nhóm Wagner thiếu nhân lực vì lính của họ bị chết qua nhiều trong những lần đụng độ trước đó. Họ dự tính sẽ đem lính nước ngoài từ Syria và sa mạc Phi châu sang. Tình báo Ukraine cho biết nhóm Wagner ráo riết tuyển mộ lính ở trong nước Nga, nhưng không có kết quả, nên họ phải đi tuyển mộ tù nhân Nga. 

Alexei bị vào tù vì đánh nhau ở một quán cà phê vùng phía nam nước Nga. Cậu ta được 24 tuổi, có vợ và hai con nhỏ. Cậu có cái thú đi lang thang uống cà phê vào chiều tối. Chẳng may xảy ra chuyện đánh nhau, cậu rút dao ra đâm kẻ đánh cậu. Cả hai đứa cùng cầm dao, tên kia bị giết chết, và cậu bị kết án 20 năm tù. Alexei từ biệt vợ con đi tù, chẳng mong gặp lại con cho đến ngày chúng đến tuổi trưởng thành. Alexei ngồi tù được chín năm thì Prigozhin đến tuyển tù nhân làm lính cho Wagner. Sau vài ngày suy nghĩ, Alexei đăng lính theo nhóm Wagner.

Tôi nói chuyện với Alexei tại trung tâm tạm giam ở Kyiv do quan chức Ukraine đứng ra tổ chức. Anh ta xác nhận anh không hề bị đánh đập, hành hạ khi bị quân Ukraine bắt giữ. Anh sẵn sàng khai tất cả sự thật về việc anh theo nhóm Wagner, song có nhiều chi tiết rất khó kiểm chứng. (Tôi tránh không muốn dùng tên thật của anh ta). Anh kể rằng trạm dừng đầu tiên của anh sau khi đăng ký với nhóm Wagner là phi trường Rostov-on-Don. Ở đây, anh được cấp cho đồng phục lính, và giày sô. Tại trung tâm huấn luyện ở Ukraine, quân Nga chiếm đóng, huấn luyện viên Wagner dạy cho anh cách lắp đạn, và bắn súng trường Kalashnikov, dạy anh những chiến thuật cơ bản. Và cách tấn công khi đang ở dưới giao thông hào. Nguyên tắc chiến đấu của nhóm Wagner là không bao giờ được lùi bước. Họ dùng thuật ngữ “zeroing out.”, nghĩa là nếu lùi bước sẽ bị xử tử ngay tại chỗ bất cứ kẻ nào đào ngũ hay bỏ trốn. Có một lần một tân binh bỏ trốn khỏi trại huấn luyện, sau đó, anh ta bị cảnh sát địa phương bắt được, đem về trung tâm. Ban bảo vệ trung tâm trói anh ta vào một cột gỗ, trình diện anh ta trước mọi người, và bắn chết anh ta để làm gương. Alexei nhận ra rằng: “Đây là chuyện nghiêm trọng, không phải là chuyện đùa.”. 

Sau một tháng rưỡi, Alexei và bạn trong đơn vị được đem đến vùng biên giới giữa hai đơn vị đang đánh nhau Ukraine và Nga. Nơi đây còn mang tên là “zero line”, hay lằn ranh xáp lá cà. Đơn vị của anh có nhiệm vụ tấn công vào một bin đinh ba tầng. Nằm dưới giao thông hào có lính phe Ukraine mai phục sẵn với súng máy và nhiều tay thiện xạ. Chỉ huy đơn vị của Alexei cũng là một cựu tù nhân Nga, hắn đi tù vì bán cocaine ở vùng Siberia. Hắn ra lệnh bất cứ lính nào trong đơn vị của y bỏ chạy sẽ bị bắn chết ngay tại chỗ. Hắn ta nói: “Chúng tôi được lệnh phải bắn chết kẻ bỏ trốn. Vì vậy các bạn đừng sợ, hãy chiến đấu hết mình, chúng tôi không muốn bắn chết các bạn.”.

Cuộc tấn công bắt đầu lúc rạng sáng. Ngay khi Alexie và đồng bạn tiến vào, họ thấy mặt đất có một bức tường lửa bùng lên. Ngay lập tức năm người trong đơn vị của y bị bắn hạ bằng súng máy. Một trái đạn pháo phát nổ ngay bên cạnh tên chỉ huy đơn vị, khiến hắn bị tan xác. Các tay thiện xạ liên tiếp xả súng bắn hạ những người lính Nga khác ngay trên mặt trận. Alexei chỉ nghe có tiếng người rên la ở gần chân anh. Anh quay mặt nhìn thì thấy hầu hết bạn của anh đã bị bắn gục. Một toán lính khác được gửi đến tăng viện cũng bị làm thịt bằng chất nổ, bằng đạn pháo, bằng lựu đạn. Alexei cùng bạn bè ném lựu đạn vào bin đinh trước khi tiến vào. Bên trong bin đinh, lính Ukraine nằm chết la liệt trên mặt đất. 

Qua ngày hôm sau, tư lệnh tổ chức Wagner ra lệnh cho đơn vị của Alexei phải tấn công một khu rừng nhỏ đang che chở cho các hầm trú ẩn của lính Ukraine. Khi họ vừa vượt qua khỏi một hàng cây, hai người lính bị té xuống đất, một người bị xạ thủ địch bắn trúng. Chính Alexei cũng bị té xuống đất. Anh ta nằm im nín thở dưới mặt đất. Tiếng đạn réo bên tai, tiếng lựu đạn nổ nghe rất gần. Alexei nhận ra mình đang nằm giữa hai bạn đồng đội trong nhóm Wagner. Một người là Yevgeny, từng bị ở tù vì to65u ăn cắp xe hơi trong lúc say rượu. Anh ta bị thương khá nặng ở vai và ở mắt. Alexei nghe anh ta rên la đau đớn trong suốt nửa giờ, anh bị chảy máu đến chết. Tổ chức Wagner tiếp tục gửi thêm lính cựu tù nhân tiến lên đánh chiếm Khu rừng này. Mỗi đợt họ tung thêm khoảng 10 người. Chiến thuật này của wagner được gọi bằng tiếng Nga là shturm có nghĩa là cơn bão thịt người – meat storm. Sau hơn 6 giờ đánh nhau dữ dội, khu rừng trở nên yên lặng, phe Wagner chiếm được những hầm trú ẩn của Ukraine. Lãnh đạo nhóm Wagner thưởng công cho các tay súng trong nhóm bằng cách để cho họ được tắm rửa ở một cái suối gần đó. 

Lệnh công tác kế tiếp Alexei phải làm là tham gia vào việc tấn công một vị trí của Ukraine nằm trên một ngọn đồi cao. Khi lên đến đỉnh đồi quay mặt nhìn xuống, Alexei trông thấy xác lính Wagner nằm chết la liệt giống như trải thảm trên sườn đồi. Một bạn cùng đơn vị ở cạnh y bị bắt trúng đầu, chết ngay tại chỗ. Xe tăng liên tục bắn đại pháo lên giống như bức tường lửa bao vây nhóm lính Wagner. Alexei bị trúng đạn. Lưng của anh ta bị xé toạc một vết dài, máy tuôn xối xả. Anh tìm cách chạy đến địa điểm cứu thương để được đem đi. Nhưng anh bị lạc, anh nghe tiếng nói chuyện bằng tiếng Nga, sau đó anh lại nghe tiếng Ukraine. Họ yêu cầu anh dơ tay đầu hàng, và anh bị bắt làm tù binh của Ukraine. Trong lúc nghỉ ngơi, lính Ukraine cho anh ăn kẹo sô cô la. Anh ngạc nhiên về thái độ cư xử của họ. Thì ra họ là những người dân bình thường, phải cầm súng để bảo vệ quê hương. Sự thật hoàn toàn trái ngược lại với những gì Prigozhin và các huấn luyện viên của tổ chức Wagner giảng dạy. Họ là người Ukraine, chẳng có lính đánh thuê người ngoại quốc ở đây. Tại trung tâm tạm giam Kyiv, anh Alexei nói với tôi: “Tôi đã làm một lỗi lầm hết sức to lớn.”.

Chiến thuật đánh nhau của nhóm Wagner khiến cho các tay súng trở thành những phần tử hung dữ, và ác độc trên chiến trường. Sĩ quan tình báo Ukraine, có nhiều kinh nghiệm đụng độ với nhóm Wagner, nhận xét về những trường hợp binh lính Nga bình thường đều rút lui, nhưng lính của Wagner lại không. Bọn chúng tiếp tục xông vào tấn công tiếp bởi vì cấp chỉ huy của tổ chức áp dụng nguyên tắc “Zeroing out”, nghĩa là tên lính Wagner nào không chịu tấn công, dự định rút lui sẽ bị bắn chết ngay tại chỗ. Họ nói nếu lính Wagner tiếp tục tấn công, họ còn hy vọng sống sót, nếu thụt lùi đương nhiên họ sẽ bị giết chết.

Nhóm Wagner tổ chức theo hệ thống chỉ huy riêng của họ. Cấp cao nhất nằm trong hầm trú ẩn, trong tầm liên lạc bằng radio, thường là vài dặm cách xa tiền đồn. Từ trong hầm, họ ban ra lệnh tấn công. Lính đánh thuê nhận được lệnh mang chữ A phải tiến vào trận địa cho đến khi nào sự chống chọi của lính Ukraine lắng dịu. Thành phần cựu tù nhân chiếm khoảng 80% lính trong nhóm Wagner, nhận lệnh mang chữ K, nghĩa là phải xông lên tấn công từng đợt, cách nhau khoảng 10 đến 15 phút. Đợt xung phong hai tiếp theo đợt một theo đúng kế hoạch dự tính từ trước, không được chậm trễ. Thông thường đợt xung phong thứ nhất chỉ là thăm dò xem quân của phe Ukraine đang ở vị trí nào, và gọi pháo binh bắn vào vị trí của phe địch. Chiến thuật đánh nhau của nhóm Wagner không theo một quy luật cứng ngắc nào. Họ linh động thay đổi, vì thế hiệu nghiệm hơn kỹ thuật của quân đội Nga. Rất bất ngờ, và linh động. 

Một sĩ quan chỉ huy toán máy bay “drone” theo dõi lối đánh trận của nhóm Wagner nhiều lần từ trên không. Họ nhận thấy lính Wagner đánh trận hết sức liều lĩnh, họ không màng để ý đến sinh mạng của người lính. Nhiều lần ông chứng kiến lính của nhóm Wagner bị thương và bị ném xuống giao thông hào để cho chảy máu đến chết. Vài ngày sau cấp chỉ huy của họ mới đến nhặt xác đem về hậu cứ. Nhiều khi lính còn sống ngủ chúng với xác chết của đồng đội trong nhiều ngày. Có lần một lính Ukraine bị bắn trọng thương, lính Wagner đem người này đặt trên bờ giao thông hào để quân Ukraine không dám bắn họ nữa. Sĩ quan chỉ huy máy bay không người lái đau lòng trông thấy người lính Ukraine từ từ chết vì giá lạnh và mất máu. 

Khi bị máy bay “drone” bắn xuống, thông thường lính Nga chạy tán loạn, và gọi máy cầu cứu, nhưng lính Wagner thì dơ súng bắn loạn xạ lên không trung để bắn hạ máy bay không người lái. Có lúc họ thành công khi bắn rơi máy bay “drone”, nhưng phần lớn họ chỉ đứng một chỗ bắn bừa bãi lên không trung. Đây không phải là hành động can đảm, mà chỉ là hành động “điên khùng”. 

Việc sử dụng biển người trong kỹ thuật tấn công của nhóm Wagner quả thực đem lại cho họ một số thành công nhất định. Tháng Giêng, nhóm Wagner đã đánh chiếm được tỉnh Soledar, một tỉnh nhỏ ở phía bắc Bakhmut, thường được xem là tỉnh có mỏ muối. Prigozhin hãnh diện tuyên bố: “Tôi muốn xác nhận rằng chúng ta đã hoàn toàn giải phóng, và dọn dẹp sạch sẽ lãnh thổ tỉnh Soledar từ tay của đơn vị Ukraine. Xác lính Ukraine nằm đầy rẫy trong tỉnh.”.

Địa điểm tỉnh nhỏ này không có gì là quan trọng về mặt chiến lược so với chiến dịch quân sự lớn của Nga, nhưng đây là một thành công lớn nhất về quân sự của nước Nga kể từ hơn một nửa năm qua. Lúc đầu, Bộ Quốc Phòng Nga ca ngợi chiến thắng này, và cho rằng đó là công lao của lính nhảy dù Nga, và không hề kể đến công trạng của nhóm Wagner. Prigozhin lên tiếng tố cáo rằng các tướng lãnh Nga đã ăn cắp chiến công của nhóm Wagner. Sau đó, Bộ Quốc Phòng Nga phải đưa ra một văn thư cải chính, xác nhận rằng: “Cuộc tấn công trực tiếp vào khu dân cư ở Soledar đã thành công ngoạn mục nhờ hành động can trường và vô vị lợi của những chí nguyện quân trong tiểu đội trinh sát của nhóm Wagner.”.

Khi nước Nga tung ra cuộc xâm lăng , Andrey Medvedev nghĩ rằng mình sẽ bị gọi đi lính để chiến đấu. Lúc đó, cậu ta mới 25 tuổi, và từng sống nhiều năm trong trại mồ côi ở tỉnh Tomsk trong vùng Siberia. Khi còn trong tình trạng thi hành nghĩa vụ quân sự, cậu được ở trong đơn vị nhảy dù. Chính từ đó, cậu biết rõ về quân đội Nga. Cậu nghe nói về nhóm lính đánh thuê Wagner là một đơn vị ưu tú, đánh nhau hiệu quả, và hợp lý. Cậu nói: “Bộ Quốc Phòng Nga làm việc tồi tệ, chỉ làm cho bạn trở nên hèn hạ xấu xa. Trong lúc đó nhóm Wagner gồm những người giỏi, và đáng tin cậy hơn.”.

Trong suốt những năm ở trong quân đội, Medvedev được giao những việc làm kém cỏi như lính gác, xây cất công trường, hay làm tài xế lái xe. Medvedev tự nhủ: “Mình chỉ được giao cho làm những việc tầm bậy, không ra gì. Mình chẳng còn nhà cửa, gia đình, không còn gì cả.”. Medvedev tin hoàn toàn vào những lời tuyên truyền của chính phủ Nga như bọn Nazi ở Ukraine đang giết người, tàn sát lương dân vô tội, và người dân đang chờ quân đội Nga đến giải phóng. Mùa hè năm 2022, Medvedev dùng điện thoại gọi đường dây hotline của tổ chức Wagner để xin gia nhập. Sau hai tuần huấn luyện ở căn cứ Molkino, Medvedev được làm trung đội trưởng trung đội trinh sát 4 của tiểu đoàn đặc công. 

Medvedev được gửi đến vị trí bên ngoài tỉnh Bakhmut, dưới quyền có khoảng 10 lính Wagner khác. Những lính này thuần túy là lính đánh thuê, không phải là cựu tù nhân. Trong cuộc tấn công lần đầu, Medvedev và một đồng đội không bị hề hắn gì, nhưng tất cả những lính khác trong trung đội đều bị thương nặng hay bị giết. Sau đó, cấp chỉ huy trong nhóm Wagner nói với Medvedev là họ sẽ gửi thêm cho anh những tay giết người thật giỏi để tăng viện. 

Ít lâu sau một nhóm lính già, thân thể yếu đuối, họ là cựu tù nhân, được gửi đến để tăng viện. Medvedev kể lại rằng có lần người lính già ngồi dưới giao thông hào ôm mặt khóc vì quá sợ hãi, mặc dù anh đã la hét kêu gọi phải chiến đấu để tránh quân của Ukraine. Nói chung theo anh chỉ có vài người lính cựu tù nhân là biết đánh đấm, phần còn lại không hề biết họ được gửi ra mặt trận để làm gì. 

Một trong những lính cựu tù nhân là ông gìà Yevgeny Nuzhin, khoảng trên 50 tuổi. Trong một lần đụng trận, ông và đồng đội bỏ chạy tán loạn. Sau đó, ông ta quay trở lại trình diện không còn súng trên tay, với nét mặt kinh hoàng vì sợ hãi. Về sau, họ tìm được khẩu súng của ông nằm dưới đường mương. Một lần khác đơn vị bị pháo binh của Ukraine bắn dữ dội, ông lính già này sợ quá, bước đi không nổi. Khi Medvedev hỏi “Ông làm sao mà đi không nổi?”. Ông ta trả lời: “Tôi bị cao huyết áp.”.

Sau này, Medvedev không còn theo dõi nổi những người lính già cựu tù nhân, họ được gửi đến, và bị giết chết ra sao, Medvedev không nhớ hết. Có người vừa đến trình diện, năm phút sau thì bị giết chết. 

Medvedev được gửi đi học khóa luyện về cách chống lại loại vũ khí mà khối NATO mới gửi cho quân đội Ukraine. Thủ lãnh Prigozhin đứng lên nói lời khích lệ: “Chúng ta là những đơn vị ưu tú, và là sư đoàn duy nhất sẵn sàng chiến đấu, còn tất cả những đơn vị khác của quân đội Nga chỉ là những đơn vị kém cỏi.”. Medvedev đứng lên hỏi: “Ông có biết chúng ta phải trả giá như thế nào hay không?”. Prigozhin lạnh lùng đứng bên cạnh những xác chết, không trả lời câu hỏi của Medvedev, chỉ yêu cầu lấy tên và quân số của Medvedev. Sau đó Medvedev bị biệt giam ba ngày trong thùng sắt container, và được dặn dò: “Câm miệng lại, và hãy suy nghĩ về những gì mình vừa nói.”. 

Trong một lần khác, Medvedev thăm căn cứ của Wagner, anh ta chứng kiến cảnh đám Checklists của Wagner, giống như lực lượng mật vụ của tổ chức, trừng phạt một người lính bỏ trốn. Họ bỏ hai người lính trốn trại lên chiếc xe pick up, đem đến trình diện cho mọi người thấy. Bắt hai người này quỳ gối xuống. Một cấp chỉ huy Wagner đứng ra tuyên đọc hành vi phản bội, hèn nhát của hai người trốn đơn vị. Sau đó, đám mật vụ Checklist bắn vào đầu hai người lính đào ngũ. Anh Medvedev nói với tôi rằng anh cảm thấy ghê tởm, kinh hoàng trước cái lối hành hình này của Wagner. Nhưng cấp chỉ huy nói rằng phải làm như vậy để làm gương cho những lính khác, khiến chúng phải sợ hãi, không dám đào ngũ nữa. 

Medvedev nhớ lại rằng anh được xem cuốn video thu hình cuộc phỏng vấn người lính già Nuzhin bị bệnh cao máu. Ông này nói với trại giam tù nhân chiến tranh của Ukraine rằng: “Tôi tự nhủ trong lòng rằng tôi sẽ ra hàng bất cứ khi nào có cơ hội, bởi vì tôi thấy rõi rằng người Ukraine không mang súng đi đánh người Nga, mà chính Putin đã đem quân đi tấn công người Ukraine.”. Hai tháng sau, trong cuốn video mang tựa đề: “Hammer of Revenge” – Cái búa của hành động trả thù- xuất hiện trên trang mạng xã hội của Wagner. Trong cuốn video này, ông lính già Nuzhin được gửi trả về Nga theo chương trình trao đổi tù nhân. Trong cuốn video, ông lính già bị giam trong hầm tối, sau đó một người mang đồ trận vung cái búa l6n chém đầu ông Nuzhin khiến cho cái đầu lâu của ông bị bẹp dí. Thủ lãnh Prigozhin chối không nhận đó là cách trừng phạt của Wagner. Nhưng sau đó, ông ta nói với sự tự mãn rằng: “một con chó đáng nhận cái chết dành cho con chó.”, và đưa ra văn bản nói rằng: “Nuzhin đã cố tình phản bội nhân dân, đồng đội, và tổ chức.”.

Sau bốn tháng Medvedev đến văn phòng bộ tư lệnh, và trình giấy xin được từ nhiệm. Viên tư lệnh cho biết Medvedev vẫn còn phải tiếp tục phục vụ thêm sáu tháng, hay hơn nữa nếu đơn vị, và cấp chỉ huy nghĩ rằng anh ta còn đủ sức tiếp tục chiến đấu. Ông ta ra lệnh đem Medvedev nhốt dưới hầm, chờ nhóm mật vụ Checklist đến hỏi thăm. Nhưng trước khi nhóm Checklist đến, một người bạn đã giúp Medvedev trốn thoát. Tháng 12, anh Medvedev dành cho ông Vladimir Osechkin một cuộc phỏng vấn kể lại câu chuyện của anh. Ông Ovechkin là một nhà hoạt động cho dân chủ chống lại hành vi xâm lăng của Nga, trụ sở đặt ở nước Pháp. Anh Medvedev thú thật là anh đang phải trốn chạy sự truy lùng của mật vụ Nga và Wagner, bởi vì anh biết cách thức truy lùng, tận diệt của bọn này. 

Ít lâu sau cuộc phỏng vấn, anh Medvedev đi chơi ở khu Vòng Cung Bắc Cực- Arctic Circle-, tỉnh Murmansk, gần ranh giới giữa Nga và Na Uy. Một người dân địa phương dẫn anh đến sát biên giới. Lúc đó vào giữa tháng Giêng, có nhiều đụn tuyết mọc trên mặt đất băng giá. Anh mặc bộ jumpsuit màu trắng, nhảy qua nhiều đống tuyết, và hàng rào biên giới, và anh nhảy sang nước Na Uy. Bất chợt anh nghe tiếng chó sủa. Anh Medvedev chạy ngang qua một cái hồ nước đông giá, chân anh đạp xuống mặt nước đóng băng, mặt băng vỡ, và anh rơi xuống hồ, anh đang nằm bên phần đất Na Uy. Mệt quá, và nằm sóng soài xuống đất, lấy tay rút ra chai rượu vodka mang theo trong người để uống một ngụm rượu lấy sức. Khi đi đến quãng đường vắng, một xe cảnh sát chặn anh lại. Anh cố gắng giải thích anh là ai. Anh chỉ nói được chữ: “Wagner”. Người cảnh sát Na Uy hoài nghi, và hỏi lại: “Wagner ư?. 

Tháng Chín năm ngoái, lực lượng phản công của Ukraine đã đánh bật quân Nga ra khỏi thành phố Kharkiv, địa điểm quan trọng để quân Nga không thể tiến vào Bakhmut. Thủ lãnh của Wagner là Prigozhin lên tiếng chỉ trích Bộ Quốc Phòng Nga về việc họ rút lui khỏi Kharkiv, hắn mai mỉa: “Hãy gửi những thằng lính chết tiệt đó trở lại chiến trường, mang theo súng và đi chân không đến đây đánh đấm tiếp.”.

Tình hình chiến trường bây giờ đổi khác, nghĩa là chiếm được Bakhmut không hẳn là sẽ giúp quân Nga nắm được toàn vùng Donbass. Thay vào đó, Bakhmut trở thành địa điểm trói ghì lực lượng của hai phe, khiến cho cả hai đều trở nên mệt nhừ không đủ sức để đánh tiếp trận sắp xảy ra. Hồi tháng 11, Prigozhin còn nói thêm: “Nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng Ukraine mà còn làm cho lực lượng đó không còn đủ sức chiến đấu. Bakhmut trở thành “cái máy nghiền thịt”  cho quân đội Ukraine.”.

Câu nói trên chẳng qua chỉ là lời bào chữa, mang ý nghĩa chính trị, bởi vì sau gần một năm tham chiến ở Ukraine, lực lượng Wagner chẳng làm được gì trong cố gắng chiếm cho được Bakhmut. Thực tế cho thấy mỗi ngày, bọn lính đánh thuê chỉ tiến thêm được vài mét thôi. Bộ Quốc Phòng Nga không coi việc chiếm được tỉnh Bakhmut là quan trọng, nếu Prigozhin nao nức muốn chiếm tỉnh này thì cứ để hắn đem quân vào đây. 

Theo một tay súng Wagner mà tôi tạm gọi tên là Bogdan thì cái gọi là “máy nghiền thịt” nói ở đây hết sức kỳ lạ, không giống như trận chiến ở những nơi khác. Cách đây hai chục năm, Bogdan đã từng là lính đi nghĩa vụ quân sự trong quân đội Nga. Lúc đó anh ta còn rất trẻ, và được gửi đi sang đánh nhau ở Chechnya. Ở đó, quân đội Nga đã làm cuộc tàn sát dân Chechnya hết sức tàn bạo trong chiến dịch tận diệt khủng bố. Cuộc đời của Bogdan từng trải qua nhiều biến cố đau thương từ sau cuộc chiến ở Chechnya. Vợ anh đột ngột qua đời ở tuổi trên hai mươi, để lại cho anh hai đứa con thơ. Anh trở nên nghiện bạch phiến vì buồn quá, về sau đổi sang nghiện mephedrone, tiếng Nga gọi là “sol” hay muối trắng. Năm 2021 anh bị tù 11 năm vì can tội buôn bán và phân phối ma túy. Khi đó, anh đã bị nhiễm H.I.V vi rút phát sinh ra bệnh AIDS. Khi nhóm Wagner đến tuyển lính trong nhà tù vùng núi Ural thì an đã bị nhiễm HIV rất nặng, giai đoạn cuối. Anh còn phải ở tù 9 năm nữa, nhưng có lẽ anh sẽ chết trước khi mãn hạn tù. Nếu anh tình nguyện đang lính với Wagner ở Ural, anh hy vọng có dịp được nhìn mặt hai đứa con gái của anh sau chuyến công tác kéo dài sáu tháng.  

Tôi gặp anh Bogdan hồi đầu mùa hè năm nay tại nhà tù Dnipro, một thành phố lớn trong vùng tây nam Ukraine, cách Bakhmut khoảng 40 dặm. Trông anh ta rất mệt mỏi, hai mắt sâu trũng, má hóp, và giọng nói thều thào không ra hơi. Bogdan nói với tôi rằng người tuyển mộ lính cho Wagner giao cho anh công tác đi nhặt xác lính chết, và bị thương ở ngoài mặt trận để đem đi chôn. Người ta cho anh đeo một dải băng màu đỏ trên cổ tay để ám chỉ anh đang bị nhiễm HIV. Đấu tháng Hai, sau khóa huấn luyện kéo dài ba tuần, anh được gửi đến Bakhmut.  

Đến nơi, không ai giao anh nhiệm vụ đi lượm xác lính. Trái lại, anh được lệnh gia nhập với toán lính khác, gồm 12 người để tấn công một vị trí đóng quân của Ukraine. Lúc đó trời tối đen như mực, toán quân của anh len lỏi vượt qua quãng rừng để tiến vào vị trí tấn công. Bất chợt, đơn vị của anh bị tấn công bằng lựu đạn ở dưới đất, và máy bay drone trên trời bắn xuống. Mặc dù trời tối, song anh cũng sờ thấy xác của bạn đồng đội bị bắn chết nằm la liệt dưới đất.

Qua ngày hôm sau, anh bị trúng đạn ở cánh tay. Anh đâm vào tay ít thuốc giảm đau cho đỡ đau nhức, và anh ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh trông thấy nhiều lính Ukraine đứng vây quanh anh. Anh hỏi: “Các anh sẽ giết tôi hay không?” Họ trả lời: “Không, chúng tôi chỉ bắt anh làm tù binh thôi.”.

Mỗi ngày tổ chức Wagner chết từ 50 đến 100 tay súng. Tin lính trong tổ chức Wagner chết rất nhiều được đồn đại trong nhà tù, vì thế rất ít tù nhân người Nga còn dám xin đăng lính với nhóm Wagner. Trong lúc đó, Bộ Quốc Phòng Nga bắt đầu lập kế hoạch riêng tuyển mộ lính từ trong nhà tù. Tù nhân muốn được trả tự do phải đăng ký gia nhập quân đội, và ký vào phiếu tên là Storm-Z. Bộ Quốc Phòng làm việc này với chủ đích muốn giới hạn việc tuyển mộ lính của nhóm Wagner. Hồi tháng hai Prigozhin tuyên bố tổ chức Wagner chấm dứt chương trình tuyển mộ lính từ các nhà tù. Đến cuối tháng hắn còn thay đổi ngày phải chiếm lại được Bakhmut. Theo Prigozhin:”Tình hình diễn tiến chậm chạp vì cái guồng máy thư lại cồng kềnh của hệ thống quân đội Nga.”.

Olga Romanova là một phụ nữ phụ trách tổ chức Russia Behind Bars, chuyên bênh vực các tù nhân Nga bị vướng vòng lao lý. Bà và nhân viên trong tổ chức của bà đã phỏng vấn khoảng vài trăm tù nhân từng đăng ký gia nhập nhóm lính đánh thuê Wagner. Bà kể cho chúng tôi nghe: “Tôi nghe rất nhiều lời than vãn giống nhau từ phía các tù nhân. Đại khái là họ nói bây giờ tôi là kẻ tứ cố vô thân, chẳng còn có ai để nương tựa hay về nhà với gia đình. Tôi đăng lính cho Wagner để ít ra tôi cũng có nơi để đến, và được họ đón tiếp. Ở đó, họ cần tôi.”. Đối với bà Romanova, người từng bênh vực cho quyền lợi của người tù nhân Nga từ hơn 15 năm qua, thì chính Prigozhin là kẻ đã lợi dụng, bóc lột xương máu của tù nhân không chút nương tay, rất tàn nhẫn. Bà nói: “Bạn có thể nói rằng Wagner đã giúp cuộc sống của tù nhân sau khi ra tù, vì ở nga không có dịch vụ nào khác. Nhưng tiếc thay cái lối giúp tù nhân của Wagner hết sức tàn ác, và đẫm máu, không thể tưởng tượng nổi.”.

Ngày 5 tháng Năm, Prigozhin phát tán một đoạn video thu hình hắn đang đứng trong bóng tối, tay cầm cây đèn pin, và chỉ xuống đất. Y nói: “Đây là xác của những thanh niên trong tổ chức Wagner đã chết trong ngày hôm nay. Máu của họ vẫn còn tươi. Hỡi Shoigu, Gerasismov. Hai đứa chúng mày ở đâu? Tại sao không gửi đạn dược đến tiếp tế cho bọn tao để những thanh niên này phải chết tức tưởi.”. Ánh đèn pin quét một vòng cho thấy còn rất nhiều xác lính nằm trên mặt đất. 

Prigozhin hăm dọa sẽ rút lính của mình ra khỏi Bakhmut nếu không được tiếp tế thêm đạn dược. Sau đó, hắn được tiếp tế đầy đủ tất cả những gì hắn yêu cầu, vì hắn tuyên bố là lính của Wagner sẽ tiếp tục ở lại Bakhmut. Nhưng sự rạn nứt trong guồng máy điều khiển cuộc chiến đã quá sâu đậm, không thể hàn gắn được nữa. Giới chính trị quyền lực của Nga thắc mắc không hiểu sao mà Prigozhin dám tuyên bố láo lếu như vậy cho được. Nếu là người khác, hẳn là sẽ bị mất chức trong tức khắc. Câu trả lời có lẽ là đối với ông Putin, quả thực Prigozhin dám nói, dám làm, và hắn làm được việc trong lúc nhiều lãnh đạo trong quân đội cứ để tình hình dậm chân tại chỗ. Theo Putin, trong lúc chiến tranh diễn ra, chỉ nên để ý đến hiệu quả, không cần chú trọng quá nhiều vào hậu quả bên lề.

Vào khoảng giữa tháng Năm, lính của Wagner đã kiểm soát được hơn 90% vùng Bakhmut. Nhưng trong lúc đó, phía Ukraine cũng mở cuộc phản công, và họ đã tái chiếm lại được nhiều vùng lãnh thổ từng bị mất vào tay Nga, kể cả Bakhmut. Từ đó, vùng Bakhmut vừa là một phần thưởng, vừa là một cái bẫy sập cho quân đội Nga. Prigozhin tố cáo rằng chính Wagner đã chiếm được Bakhmut, trao lại cho Bộ Quốc Phòng Nga, nhưng sau đó,quân đội Nga lại để mất vào tay Ukraine. Do đó, Bộ Quốc Phòng, không phải nhóm Wagner, phải chịu trách nhiệm về sự mất mát này.  Hắn nói thêm: “Bộ Quốc Phòng cho công chúng uống nước đường bằng cách tuyên bố họ chỉ tái phối trí quân đội, không làm mất Bakhmut.”. Prigozhin lớn tiếng mắng mỏ: “Hãy chấm dứt cái trò nói láo này đi. Rồi đây nó sẽ làm hại cho chiến lược toàn cầu của Nga.”.

Cùng khoảng thời gian này, tôi đến Donbass và ở lại vùng do Ukraine kiểm soát ở ngoài Bakhmut. Quân đội đang ở trong những căn nhà bỏ hoang, xe tăng và xe quân đội dập dìu lên xuống khắp nơi. Một sĩ quan chỉ huy của quân đội Ukraine nói với tôi rằng lúc đầu ông không hiểu rõ chiến thuật đánh nhau của Wagner: “Chúng tôi thấy họ chạy lung tung trên tay cầm cái búa tạ, không rõ bọn chúng định làm gì.”. Cuối cùng họ thấy lính Wagner dùng búa tạ để đục phá tường nhà dân chúng để chúng có thể len lỏi chạy trong thành phố, người ngoài không thấy chúng. 

Một sĩ quan khác kể cho chúng tôi về trận đánh ở một chung cư. Lính Wagner liều mạng xông vào tấn công, và bọn chúng không được phép rút lui. Chúng gọi máy cho nhau, nói bằng tiếng Nga, dùng mệnh lệnh “Psycho” có nghĩa là ào ạt tấn công, bất chấp tình hình nguy hiểm ra sao. 

Một buổi trưa giữa tháng Năm, tôi lái xe đi gặp ông Anton Lavryniuk, tiểu đoàn trưởng một đơn vị Ukraine. Ông từng đánh nhau với lính Wagner trong suốt sáu tháng ở Bakhmut. Ông kể lại trận chiến rất ác liệt, ngày nào tiểu đoàn của ông cũng giết chết khoảng 10 đến 20 lính Wagner, nhưng bọn chúng vẫn cứ tiếp tục xông vào đánh tiếp. Điều đáng nói hơn là xác chết của lính Wagner nằm chết như rạ, không được đem đi, cứ để chết thối rữa ngoài mặt trận. Có lần ông trông thấy một tên lính Wagner nằm rên la đau đớn, và từ từ chết. Hắn ta đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. 

Tiểu đoàn trưởng Lavryniuk nhận thấy số lính Wagner càng chết nhiều, thì những đợt tấn công sau đó càng ít người. Có nhóm chỉ còn sáu tên lính Wagner cũng xông vào tấn công. 

Tôi nhận được nhiều tin tức mâu thuẫn nhau về tình trạng thiếu pháo binh yểm trợ cho nhóm lính Wagner. Nghe nói số lượng đạn bắn yểm trợ đều do Bộ Quốc Phòng Nga quy định. Tiểu đoàn trưởng Lavryniuk hoài nghi về những lời than phiền của Prigozhin, cho rằng lính của y không được yểm trợ pháo binh đầy đủ. Nhiều lần ông thấy pháo binh bắn rất rát, và lính Wagner chỉ tiến vào sau khi trận tuyến bị pháo binh cầy nát. 

Hai ngày sau, Bakhmut bị quân Nga chiếm đóng. Lúc đầu Tổng thống Volodymyr Zelensky phủ nhận tin tức Bakhmut bị thất thủ, nhưng vài ngày sau, rõ ràng là quân Ukraine không còn ở đó nữa. Prigozhin tuyên bố lính của hắn sẽ rút đi, và trao nơi này cho Bộ Binh Nga. Trong một video clip khác, Prigozhin đang đi giữa những chung cư bị đốt cháy đen. Hắn tuyên bố rằng nhóm Wagner sẽ rời khỏi Bakhmut vào ngày 1 tháng Sáu. Lính của hắn cần được tập trung lại để thực hiện công tác  mới.

Xét lại cho cùng, việc chiếm được tỉnh Bakhmut đánh dấu điểm khởi đầu cho việc nhóm lính Wagner rời khỏi Ukraine. Chính lúc này lực lượng Wagner có thể tuyên bố họ đã làm cho nhiệm vụ được giao phó, đúng như đã hứa, mặc dù họ bị hao tốn rất nhiều xương máu. Cũng vì thế uy tín của nhóm Wagner bị suy giảm nhiều. Những ngày kế tiếp sau khi Prigozhin thức hiện cuộc binh biến không thành, hắn giữ thái độ yên lặng, không đưa ra thêm một video clip nào cả. Hắn nói: “Chúng tôi thực hiện cuộc tuần hành biểu dương lực lượng vì muốn đòi hỏi công lý.”. Hắn nói tiếp rằng hắn và những lính trong tổ chức Wagner chỉ muốn được tiếp tục chiến đấu, hắn không muốn tổ chức Wagner bị hủy diệt, bị xóa bỏ hẳn. Hắn cũng cả quyết nói rằng việc nhóm Wagner định làm binh biến không phải là nhằm vào Putin hay nhà nước Nga. Hắn nói: “Chúng tôi không hề có mục đích lật đổ chính quyền hay đòi bãi chức bất cứ một nhân vật dân cử nào.”.

Ba ngày sau khi có cuộc nổi dậy, ông Konstantin Remchukov, một chủ bút ở Mạc Tư Khoa có nhiều quan hệ với chính quyền Kremlin được mời vào họp với Putin và nhiều cấp lãnh đạo ngành truyền thông. Ông Remchukov cho biết ông thấy Putin tỏ ra mạnh khỏe, đầy nhiệt huyết, và hăng say nói rằng ông đã xem xét lại rất kỹ bản hợp đồng của chính phủ ký với nhóm Wagner. Ông nói rằng chính phủ Nga không bao giờ muốn lợi dụng tổ chức nào. Trong năm qua, chính quyền đã chi trả gần một tỷ đô la cho nhóm Wagner. Ông Dmitry Kiseliv, một người phụ trách về tuyên truyền bằng truyền hình nói rằng con số thực cao hơn rất nhiều, khoảng 10 tỷ đô la. Ông ta trách Prigozhin tham lam quá, cứ đòi thêm tiền hoài. 

Nhân vụ làm binh biến, gây bạo loạn của nhóm Wagner, ông Putin tỏ ra hết sức bình tĩnh và chừng mực khi đối phó với nhóm Wagner. Nếu là những người khác, chỉ cần lên  tiếng chỉ trích nhà chức trách, hay cuộc chiến tranh, cũng đủ phải đi tù rồi. Nếu là giới trí thức sẽ bị mất chức giảng dạy ở trường đại học, hay mất việc làm. Không một ai dám đem quân lính tiến vào Mạc Tư Khoa, đóng chốt trên đường phố. Nhưng ít ra lúc này Putin cho rằng nếu bỏ tù Prigozhin có thể biến hắn ta thành một vị thánh tử vì đạo, và làm hại uy tín của  quân đội Nga. Theo ông Remchukov ưu tiên hàng đầu hiện nay là đạt cho được chiến thắng về quân sự ở chiến trường Ukraine. Về việc này, quả thực nhóm Wagner cũng có một ít công trạng. Nếu đem giải giới, tiêu diệt nhóm Wagner ngay giữa chiến tranh còn sôi động, e rằng sự việc sẽ thêm rắc rối, rối tung lên, nguy hiểm cho chính phủ ở Kremlin. Thực tình ông Putin cũng tin rằng cuộc binh biến của nhóm Wagner không nhắm vào cá nhân ông. Vì thế theo ông Remchukov, ông Putin lý luận: “Nếu họ không nhắm vào cá nhân tôi, thì chúng ta cứ để yên cho họ tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng.”.

Thực vậy, cái con người mà ông Putin gọi là thằng phản quốc, và đủ mọi thứ tên tên xấu xa khác, Prigozhin vẫn tiếp tục là một nhân có nhiều uy tín và ảnh hưởng. Thậm chí hắn còn tiếp tục đi vận động những giới chức  quân sự cao cấp của Nga để xây dựng một đế chế riêng. Người ta phát hiện máy bay riêng của hắn thường bay từ Mạc Tư Khoa đi St Petersburg để vận động chính trị. Đi đâu hắn cũng vỗ tay đấm vào ngực thề sống thề chết rằng hắn là người yêu nước, chỉ biết phục vụ nước Nga, hãy cho hắn cơ hội tiếp tục phục vụ tổ quốc.

Phát ngôn nhân của Putin, ông Dmitry Peskov, xác nhận rằng năm ngày sau khi nhóm Wagner thất bại trong vụ binh biến, ông Putin có gặp Prigozhin và những tay thủ lãnh cao cấp của nhóm Wagner ở điện Kremlin. Cuộc họp kéo dài trong ba giờ đồng hồ. Ông Peskov nói thủ lãnh của nhóm Wagner khẳng định với Putin rằng họ luôn luôn là kẻ trung thành, và ủng hộ vị tổng tư lệnh quân lực Nga, và họ sẵn sàng chiến đấu  cho tổ quốc để đạt được thắng lợi. Ông Putin nghe lời trần tình của các vị tư lệnh, và đề nghị sẽ tiếp tục dùng nhóm Wagner vào nhiều sứ mạng tác chiến khác trong tương lai.”.

Ở Ukraine, nhóm Wagner chỉ là một thành phần nhỏ, nhưng ở nhiều nơi khác, họ là đại diện chính cho sự có mặt của nước Nga. Tên Gabidullin, trước đây là cố vấn cao cấp của nhóm Wagner hoạt động tại Syria trong tổ Săn Lùng ISIS, nói với tôi rằng vụ binh biến vừa rồi của Wagner không ảnh hưởng gì đến hoạt động của họ ở Syria. Ông Sergey Lavrov, Bộ trưởng ngoại giao của Nga xác nhận rằng “công tác của nhóm Wagner ở Trung Phi và Mali không hề thay đổi. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ tiếp tục hoạt động ở hai nơi này.”.

Tuy nhiên, không đời nào ông Putin lại để tái phạm lỗi lầm lần thứ hai. Tức là cho phép một đội quân tư nhân được một tên nóng tính, đa sát,  cầm đầu, lại còn dám thách thức lực lượng an ninh của chính phủ Nga. Trong lúc ông Putin khẳng định rằng ông là người hoàn toàn kiểm soát đất nước về đủ mọi mặt. Không đời nào ôngi để cho sự thách đố quyền bính với ông lại có thể xảy ra. Nếu nhóm Wagner còn muốn tồn tại để hoạt động, chắc chắn họ phải mất tự độc lập, tự trị. Họ phải hội nhập vào với quân đội Nga. Nhưng nếu điều này xảy ra, nhóm Wagner sẽ bị nắm đầu, sai khiến chặt chẽ hơn. Nói theo chuyên gia quân sự Hoa Kỳ người ta đành phải đánh đổi việc gia tăng kiểm soát nhóm Wagner để chối bỏ sự bất lực của mình. Tại sao lúc đầu điện Kremlin lại công nhận nhóm lính đánh thuê Wagner quả thực hữu dụng.

Đến tháng Bảy, có khoảng vài ngàn lính Wagner được đưa sang nước Belarus. Họ lập doanh trại ở tỉnh Asipovichy, gần Bộ Quốc Phòng Belarus. Họ nói họ lãnh nhiệm vụ huấn luyện cho lính trừ bị ở địa phương. Prigozhin có đến thăm doanh trại và tái xuất hiện lần đầu, kể từ sau vụ binh biến. Hắn đem theo lá cờ của nhóm Wagner từ căn cứ Molkino sang. Căn cứ này bây giờ đã bị dẹp bỏ. Nói chuyện với đám đông đến gặp y, Prigozhin tuyên bố: “Chúng tôi chiến đấu trong danh dự. Chúng tôi làm được rất nhiều điều tốt cho nước Nga.” Cứ như thế, y nói dông dài nhiều thứ lắm. Y nói có lẽ nhóm Wagner sẽ tái tục công tác ở Phi Châu. Chúng tôi sẽ quay trở lại đây, vì nơi này, chúng tôi không bị buộc phải làm những điều khiến chúng tôi phải xấu hổ. Sau đó, y giới thiệu ông Dmitry Utkin, người có sáng kiến đặt tên tổ chức là nhóm Wagner. Ông Utkin bước ra trình diện với mọi người. Khuôn mặt ông bị bóng tôi của buổi chiều che khuất một chút. Đám đông vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Ông Utkin tung cái nón đang đội lên cao, và nói: “Bây giờ không phải là lúc kết thúc, song mới chỉ là sự khởi đầu của công tác vô cùng lớn trên  thế giới, mà chúng ta sắp sửa đứng ra đảm nhiệm.”. Sau đó, ông ta đổi sang nói bằng tiếng Anh. Ông hô thật to: “Welcome to Hell.” – Hân Hoan Chào Đón Đến Chốn Địa Ngục.

Ghi chú của người dịch:  Ngày 23 tháng Tám vừa qua, một máy bay từ Mạc Tư Khoa đi St Petersburg bị bốc cháy, rơi từ cao độ 10,000 km. Tất cả 10 người trên máy bay bị chết tan xác, trong đó có Prigozhin, thủ lãnh nhóm Wagner. Mọi người đều tin rằng Prigozhin đã bị Putin ra lệnh mưu sát. Nhưng hai ngày sau, Putin họp báo chính thức nói về tin máy bay bị bốc cháy, và ngỏ lời phân ưu với gia đình của Prigozhin. Ông ta nói Prigozhin đã làm một số lỗi lầm quan trọng trong đời. Giới tình báo Hoa Kỳ và Tây Phương tin rằng có bàn tay của Putin trong vụ tai nạn này. Nhóm Wagner ở Belarus thề sẽ báo thù cho thủ lãnh của họ. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER 7/8/2023