Saturday, June 14, 2025

Trung Quốc siết xuất khẩu khoáng sản, ngành công nghiệp toàn cầu chao đảo

Ngày 3/6 (Reuters) – Lo ngại về việc Trung Quốc kiểm soát chặt nguồn cung khoáng sản chiến lược ngày càng tăng cao khi các hãng ô tô toàn cầu – bao gồm cả các nhà sản xuất tại Mỹ và Đức – đồng loạt cảnh báo rằng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm, hợp kim và nam châm của Trung Quốc có thể gây chậm trễ sản xuất, thậm chí gián đoạn chuỗi cung ứng nếu không có giải pháp nhanh chóng.

Các hãng ô tô Đức là bên mới nhất lên tiếng, sau khi một hãng xe điện Ấn Độ cũng đưa ra cảnh báo tương tự hồi tuần trước. Trung Quốc đã quyết định ngừng xuất khẩu nhiều loại khoáng sản và nam châm quan trọng từ tháng 4, gây rối loạn chuỗi cung ứng đối với ngành ô tô, hàng không vũ trụ, bán dẫn và cả các nhà thầu quốc phòng toàn cầu.

Động thái này cho thấy sức mạnh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khoáng sản, đồng thời được xem là một đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã áp thuế cao lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và khôi phục ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, sau phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính, ông đã phải nới lỏng một phần các mức thuế này. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa và hiện đang sử dụng lợi thế trong chuỗi cung ứng để tạo áp lực lên Mỹ.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc trao đổi trong tuần này, với lệnh cấm xuất khẩu nhiều khả năng sẽ là chủ đề trọng tâm. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc tuân thủ các thỏa thuận thương mại Geneva,” bà nói.

Trước đó, ông Trump từng nói rằng Trung Quốc trì hoãn nới lỏng lệnh cấm khoáng sản là vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế.

Việc xuất khẩu các loại nam châm quan trọng – vốn là thành phần then chốt trong sản xuất ô tô, drone, robot và tên lửa – đã bị đình trệ tại nhiều cảng Trung Quốc, trong khi các đơn xin cấp phép vẫn đang chờ phê duyệt.

Tình trạng này gây lo lắng từ các tập đoàn đến các chính phủ, từ Tokyo đến Washington, vì lo ngại nếu không được giải quyết sớm, nhiều nhà máy sẽ phải dừng hoạt động vào cuối mùa hè.

Bà Hildegard Mueller – Chủ tịch hiệp hội ô tô Đức – cảnh báo: “Nếu tình hình không được cải thiện nhanh chóng, nguy cơ chậm trễ hoặc ngừng sản xuất là điều không thể loại trừ.”

Ông Frank Fannon, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách tài nguyên năng lượng, nhận định: “Diễn biến này không có gì bất ngờ. Mỹ đang đối mặt với thách thức sản xuất và cần huy động toàn bộ bộ máy chính phủ để đảm bảo nguồn cung cũng như đẩy mạnh năng lực nội địa càng sớm càng tốt — lẽ ra việc này phải được triển khai từ lâu rồi.”

Các nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp từ Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu đang khẩn trương tìm cách tiếp xúc với phía Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc phê duyệt xuất khẩu nam châm đất hiếm.

Theo Reuters, một phái đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tới Bắc Kinh đầu tháng 6 để gặp Bộ Thương mại Trung Quốc. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu từ các nước có ngành công nghiệp ô tô lớn cũng đã yêu cầu các cuộc họp “khẩn cấp” với giới chức Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, hãng Bajaj Auto cảnh báo việc tiếp tục thiếu nguồn cung nam châm đất hiếm từ Trung Quốc có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến sản xuất xe điện, và nước này đang lên kế hoạch đưa các lãnh đạo ngành ô tô sang Trung Quốc trong vài tuần tới.

Tháng trước, người đứng đầu hiệp hội đại diện các hãng xe lớn như General Motors, Toyota, Volkswagen và Hyundai đã gửi thư tới chính quyền ông Trump bày tỏ lo ngại tương tự. Trong thư có đoạn viết:

“Nếu không đảm bảo được nguồn cung ổn định các nguyên tố đất hiếm và nam châm, các nhà cung cấp trong ngành ô tô sẽ không thể sản xuất nhiều linh kiện thiết yếu như hộp số tự động, cảm biến, mô-tơ điện, dây đai an toàn, hệ thống lái trợ lực, đèn chiếu sáng, camera và các bộ phận điện tử quan trọng khác.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img