Trump đưa cam kết chấm dứt quyền quốc tịch theo nơi sinh vào vận động tranh cử 

0
1096

(CaliToday) – Cựu Tổng thống Donald Trump vào thứ Ba quay trở lại lời kêu gọi loại bỏ quyền quốc tịch theo nơi sinh, với tuyên bố sẽ chấm dứt việc này bằng sắc lệnh hành pháp ngay vào ngày đầu tiên tại chức. 

Trump thông báo kế hoạch của mình vào ngày kỷ niệm 125 năm vụ Hoa Kỳ chống Wong Kim Ark – vụ kiện Tối cao Pháp viện đã thiết lập quyền hiến pháp có quốc tịch Hoa Kỳ theo nơi sinh. 

Hầu hết các chuyên viên đều đồng tình, một tổng thống không có thẩm quyền chấm dứt quyền quốc tịch theo nơi sinh bằng một sắc lệnh hành pháp, chủ yếu bởi vì thực hành này được ghi trong Hiến pháp. 

Tu chính Án 14 trao quyền công dân cho những người “sinh ra hoặc nhập quốc tịch Hoa Kỳ, và theo thẩm quyền tài phán của Hoa Kỳ.”

Diễn dịch Tu chính này được chấp nhận rộng rãi nhất là áp dụng cho trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ bất kể tình trạng nhập cư của bố mẹ, kể từ phán quyết của Tối cao Pháp viện vào năm 1898 liên quan vụ một công dân Hoa Kỳ có bố mẹ là người mang quốc tịch Trung Quốc.

Tu chính Án 14 được thông qua sau Nội chiến nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho những người từng là nô lệ – những người theo chủ nghĩa hạn chế nhập cư cho rằng như vậy loại trừ trẻ em của các nhóm khác như người nhập cư không có giấy tờ khỏi những quyền lợi này. 

Theo chiến dịch tranh cử 2024 của cựu Tổng thống, sắc lệnh hành pháp “sẽ giải thích rõ ràng ý nghĩa của Tu chính án thứ 14,”  trong đó nói rằng, con cái của công dân nước ngoài sinh ra ở Hoa Kỳ không thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ như được định nghĩa trong Hiến pháp. 

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, một sắc lệnh hành pháp đã được dự thảo và lưu hành, nhưng ý tưởng này được hồi sinh không lâu sau khi cựu Tổng thống thất cử vào tay Tổng thống Biden năm 2020. 

Trên thực tế, Trump nghĩ đến việc chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh vào đầu nhiệm kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn với Axios vào năm 2018, cựu Tổng thống cho hay, ông dự tính ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt việc này. “Người ta luôn luôn bảo tôi rằng, ông cần phải có một Tu chính. Nhưng biết gì không? Không cần!” Trump nói vào lúc đó. 

Tuyên bố này gây ra một bão lửa chính trị. 

Trong khi sắc lệnh hành pháp thay đổi diễn dịch Tu chính Án 14 sẽ đối mặt với những thách thức pháp lý, nhưng những người công khai ủng hộ tìm cách đưa vụ này ra toà, với hy vọng sẽ có kết quả thuận lợi từ Tối cao Pháp viện. Những người ủng hộ ca ngợi ý tưởng này, đặt cược vào việc hủy bỏ tư pháp quyền quốc tịch theo nơi sinh.

Trump không thúc đẩy một cuộc chiến pháp lý khi rời khỏi Toà Bạch Ốc vào đầu năm 2021. 

Cũng giống như năm 2016, cựu Tổng thống tìm cách đưa di trú và an ninh biên giới thành vấn đề vận động tranh cử hàng đầu. 

Trong tuyên bố vào thứ Ba, chiến dịch tranh cử của Trump bắt đầu cuộc chiến về ý nghĩa của “quyền tài phán,” và tuyên bố sai sự thật rằng Hoa Kỳ đã “trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới mở rộng quyền quốc tịch cho con cái của những người nước ngoài bất hợp pháp, ngay cả khi cả  bố mẹ không phải là công dân, và thậm chí không có mặt hợp pháp tại Hoa Kỳ.”

Đa số các quốc gia ở Châu Mỹ có quyền quốc tịch đầy đủ theo nơi sinh, ngoại trừ  Colombia và Cộng hòa Dominica có một số hạn chế, và phần lớn các quốc  gia Tây Âu áp dụng quyền quốc tịch theo nơi sinh có hạn chế. 

Hương Giang (Theo The Hill)