Tổng thống Biden có vi phạm Hiến pháp khi ra lệnh  tấn công Yemen?

0
1642

(CaliToday) – Một số nhà lập pháp liên bang Hoa Kỳ cáo buộc Tổng thống Joe Biden đã vi phạm Hiến pháp khi ra lệnh tấn công Yemen. Liệu những cáo buộc này có cơ sở hay không?
Vào đầu giờ thứ Sáu, phi cơ chiến đấu, tàu, và tàu ngầm Mỹ và Anh Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc không kích trên khắp Yemen nhằm trả đũa lực lượng Houthi – phiến quân được Iran hậu thuẫn trong nhiều tháng qua liên tục tấn công tàu bè qua lại trên Hồng Hải để tỏ thái độ phản ứng với cuộc chiến đang diễn ra tại dải Gaza.

Chính phủ Biden thông báo Quốc hội những cuộc không kích trên nhưng không yêu cầu phê chuẩn. Một vài nhà lập pháp cực tả của Dân chủ chỉ trích Tổng thống, cáo buộc hành động của Biden vi hiến. Họ lưu ý, Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền tuyên chiến hay phát động một cuộc chiến tranh vào tay Quốc hội, chứ không phải tổng thống. Đây là một trong những điểm nổi bật “kiểm tra và cân bằng” trong hệ thống chính trị Mỹ.

Nhưng Điều 2 trong Hiến pháp lại xem tổng thống là vị tổng tư lệnh của các lực lượng có vũ trang, và trao quyền cho tổng thống sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ, mà không cần thông qua Quốc hội.

Những người ủng hộ bước đi của đương kim Tổng thống cho rằng, các mục đích tự vệ nên bao gồm cả đáp trả những cuộc tấn công nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria tàu thuyền thương mại trên Hồng Hải.

Ngoài các quy định trong Hiến pháp, việc sử dụng vũ lực phải tuân theo Nghị quyết về Thẩm quyền Chiến tranh được Quốc hội thông qua vào năm 1973 nhằm kiểm tra quyền lực của tổng thống sau Chiến tranh Việt Nam. Theo nghị quyết này, những hành động quân sự không tuyên chiến hay quyền hợp pháp cụ thể sẽ bị chấm dứt trong vòng 60 ngày.

Nghị quyết cũng yêu cầu tổng thống trong vòng 48 tiếng đồng hồ kể từ khi tiến hành tấn công phải báo cáo cho Quốc hội về các tình huống cần phải hành động, thẩm quyền thực hiện hành động đó, cũng như phạm vi và thời gian ước tính của các cuộc chiến.

Giới chuyên viên về chính sách an ninh và pháp lý cho biết, phản ứng lâu dài sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra trên thực tế. Hậu quả sẽ ít xảy ra nếu xung đột với người Houthis không leo thang và chính quyền luôn thông báo cho Quốc hội. Các chuyên viên cũng lưu ý, Quốc hội có thể thông qua dự luật kiểm soát tổng thống nếu muốn có tiếng nói trọng lượng hơn, do luật hiện nay còn mơ hồ.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết kiềm chế thẩm quyền chiến tranh của tổng thống vào năm 2020, sau khi Tổng thống lúc đó là Donald Trump (Cộng hòa), ra lệnh mưu sát chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran Qassem Soleimani tại phi trường Baghdad mà không thông báo cho Quốc hội.

Trump phủ quyết nghị quyết, và dự luật không kiếm đủ hậu thuẫn từ các nhà lập pháp Cộng hoà để gạt sang một bên.

Và vào năm 2011, Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) đã ra lệnh không kích vào Libya, lúc đó do Muammar Qaddafi cai trị, mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Obama sau đó xem quyết định này là một sai lầm nghiêm trọng trong tư cách tổng thống. Các cuộc không kích đã giúp lật đổ Qaddafi nhưng lại khiến Libya rơi vào tình trạng vô cùng bất ổn.

Hương Giang (Theo US News)