Tối cao Pháp viện Arizona khôi phục luật cấm phá thai nghiêm ngặt 160 năm 

0
325

(CaliToday) – Tối cao Pháp viện Arizona vào thứ Ba giữ nguyên luật cách đây 160 năm cấm tất cả hình thức phá thai – một quyết định có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và chính trị trong năm bầu cử ở một bang trọng yếu.
Trong phán quyết 4-2, Toà cho rằng, luật năm 1864 “hiện bây giờ có hiệu lực.” Nhưng toà tạm thời ngưng phán quyết, và gởi lại vấn đề để toà cấp dưới lắng nghe thêm lập luận về tính hợp hiến của luật.

Vì 14 ngày tạm ngưng, cộng thêm 45 ngày hoãn thực thi, nên phải mất vài tuần nữa luật mới có hiệu lực.

Tối cao Pháp viện cho rằng, vì quyền phán thai liên bang trong phán quyết Roe v. Wade đã bị đảo ngược, nên không có luật liên bang hay luật tiểu bang nào ngăn cản Arizona thực thi luật cấm gần như toàn bộ phá thai vốn nằm im lìm trong hơn 1 thế kỷ rưỡi qua.

Phán quyết này có thể khiến các phòng khám ở Arizona sớm ngừng cung cấp dịch vụ phá thai, và phụ nữ cần phải phá thai phải sang các tiểu bang lân cận như California, New Mexico hoặc Colorado chấm dứt thai kỳ. Cho đến nay, phá thai trước 15 tuần hợp pháp ở Arizona.

Phán quyết liên quan đến một đạo luật đã có từ lâu trước khi Arizona trở thành tiểu bang. Luật cấm phá thai kể từ thời điểm thụ thai, trừ khi cần thiết để cứu mạng sống sản phụ, và không có ngoại lệ đối với hiếp dâm hay loạn luân. Nếu bị ruy tố theo luật, các bác sĩ có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.

Phán quyết là một tổn thất nặng nề đối với giới ủng hộ quyền phá thai, những người cho rằng quyết định của Tối cao Pháp viện Arizona sẽ khiến sức khỏe phụ nữ gặp nguy hiểm.

Tổng Biện lý Kris Mayes (Dân chủ) gọi phán quyết “vô lương tâm và lăng mạ tự do.” Mayes hứa sẽ nỗ lực pháp lý để chống thực thi luật.

Trong khi đó, các tổ chức chống phá thai vui mừng trước phán quyết. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Cộng hòa ở Arizona cảm nhận được mối nguy hiểm chính trị đã cùng Dân chủ chỉ trích phán quyết này, và kêu gọi Cơ quan lập pháp bãi bỏ. Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Arizona, trong khi. Thống đốc Dân chủ nhiệm kỳ đầu, bà Katie Hobbs vận động ủng hộ quyền phá thai.

Thượng nghị sĩ tiểu bang T.J. Shope (Cộng hòa) đại diện khu vực bầu cử ngoại ô và vùng nông thôn phía nam Phoenix cho biết sẽ nỗ lực bãi bỏ luật cấm phá thai năm 1864, nhưng vẫn giữ nguyên lệnh cấm phá thai 15 tuần được thông qua hai năm trước.

Vấn đề phá thai trở nên quan trọng đối với các cuộc tranh cử ở Arizona trong tổng tuyển cử sắp tới, nhất là sau khi ứng cử viên tổng thống Cộng hoà Donald Trump vừa tuyên bố sẽ để tiểu bang tự quyết định.

Hai ứng cử viên Thượng viện Arizona đều phản đối phán quyết trên. Kari Lake (Cộng hoà) trước đây từng gọi luật năm 1864 “tuyệt vời” và ủng hộ cấm phá thai nghiêm ngặt cho rằng, cơ quan lập pháp tiểu bang nên quyết định luật về quyền phá thai. Trong khi đó, Ruben Gallego (Dân chủ) chỉ trích, “Phán quyết hôm nay gây thiệt hại lớn cho phụ nữ Arizona và gia đình họ. Đây không phải là điều mà người dân Arizona mong muốn.”

“Tôi hứa với quý vị, chúng ta sẽ cùng nhau đấu tranh vấn đề này. Và với sự hỗ trợ của quý vị, chúng tôi sẽ giành chiến thắng,” Gallego tuyên bố.

Giành chiến thắng trong các chiến dịch tranh cử Thống đốc và Tổng Biện lý trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2 năm trước nhờ vấn đề phá thai, Dân chủ cho rằng, vấn đề này sẽ khích lệ những người ủng hộ họ thúc đẩy đưa quyền phá thai vào lá phiếu để cử tri quyết định vào tháng 11. Ở những tiểu bang khác, nơi việc phá thai có nguy cơ bị hạn chế, cử tri đã biện pháp này để bảo vệ việc phá thai.

Việc phá thai ở Wisconsin phần lớn tạm ngưng do luật cấm vào năm 1849, nhưng thủ thuật được phép trở lại vào tháng 9 năm ngoái sau khi một toà phán quyết, luật không xem việc phá thai bất hợp pháp. Tại Michigan, Thống đốc Gretchen Whitmer (Dân chủ) ký bãi bỏ lệnh cấm phá thai năm 1931 vào mùa xuân năm ngoái sau khi cử tri đưa các biện pháp bảo vệ quyền phá thai vào hiến pháp tiểu bang.

Hương Giang (Tổng hợp)