Toà phản đối DOJ, yêu cầu Trump lấy lời khai vụ kiện FBI sa thải nhân viên 

0
719

(CaliToday) – Toà liên bang vào thứ 5 phán quyết, cựu Tổng thống Donald Trump có thể được lấy lời khai trong vụ kiện sa thải viên chức FBI kỳ cựu Peter Strzok.
Phán quyết được Thẩm phán Amy Berman Jackson đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Tư pháp lần cuối cùng kêu cầu toà ngăn cựu Tổng thống được lấy lời khai trong vụ kiện này. Bộ Tư pháp cho rằng, lấy lời khai Trump “không phù hợp,” đặc biệt kể từ khi không có chứng cớ chỉ ra FBI đã sa thải Strzok theo chỉ thị của ông, ngay cả khi đó là những gì Trump muốn chuyện này xảy ra.
Nhưng trong phán quyết phản đối nỗ lực cuả Bộ Tư pháp, Thẩm phán Jackson cho rằng, mặc dù chứng cớ thu thập cho đến nay, kể cả lời khai của Giám đốc FBI Chris Wray vào tuần trước, “không thúc đẩy lý thuyết của Strzok rằng cựu Tổng thống liên quan đến việc đưa ra quyết định về vấn đề này, sự thật không chối cãi được là chính cựu Tổng thống công khai khoe mình có dính líu.”
Strzok đệ đơn kiện Bộ Tư pháp và FBI vào năm 2019, tuyên bố quyền Tu chính Án thứ Nhất của mình bị vi phạm khi vô cớ bị sa thải vì những tin nhắn với luật sư FBI Lisa Page nặng mùi chống Trump.
Vào năm 2016, Strzok giúp mở cuộc điều tra của FBI vào mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và Nga. Ông ban đầu tham gia vào toán điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, nhưng sau đó được chuyển sang công tác khác sau khi các nhà điều tra nội bộ phát giác ra những tin nhắn riêng tư.
Vụ kiện cáo buộc, Strzok bị sa thải “là kết quả của một chiến dịch lâu dài và công khai của Tổng thống Trump và đồng minh nhằm mạ lỵ, và gây áp lực để cơ quan sa thải ông.”
Thẩm phán Jackson gọi Trump “là một nhân chứng quan trọng đối với những gì đã xảy ra.”
Nhưng sau nhiều tranh cãi pháp lý, Toà quyết định, Strzok không thể lấy lời khai của Trump nếu không lấy lời khai của Wray trước, kết luận rằng những tuyên bố của Wray có thể khiến việc lấy lời khai ông Trump sẽ gây ra tranh cãi, đặc biệt nếu Wray khai hữu thệ rằng Phó Giám đốc FBI, chứ không phải Wray, đã đưa ra quyết định sa thải Strzok, và ông chưa bao giờ bàn về việc sa thải hoặc quan điểm của Trump về việc này với Phó Giám đốc.
Trong thỉnh nguyện đa phần được bôi xoá đệ lên toà vào thứ Tư, trong đó Bộ Tư pháp cho rằng, đó chính là những gì Wray đã nói trong phiên lấy lời khai vào tuần trước.
Các viên chức cao cấp khác trong chính phủ đã trao đổi với ông Trump cũng đã ra khai hữu thệ trong vụ này, trong đó có cựu Đổng lý Toà Bạch Ốc John Kelly. Viên Tướng hồi hưu cho hay, Trump hỏi liêu Strzok và Page có thể bị kỷ luật hay không, nhưng ông không nhớ cựu Tổng thống từng nói điều này cho Wray hay ai đó tại FBI.
Kelly trong lời khai hữu thệ cho biết, trong khi phát giác ra những ghi chép từ 2 cuộc họp với Trump vào tháng 2 năm 2018 và tháng 7 năm 2018 có nhắc đến Strzok và Page, nhưng ông không ghi chép mỗi lần Trump lôi chuyện này ra. “Tổng thống Trump nói chung không cho phép ghi chép trong các cuộc họp,” Kelly ghi trong tuyên bố hữu thệ. “Ông ta bày tỏ lo ngại rằng những ghi chép đó sau này có thể được sử dụng để chống lại ông ấy.”
Với vụ kiện, Strzok đòi được phục chức, hoàn tiền, và bồi thường thiệt hại tiền bạc không xác định.
Từ chức khỏi FBI 3 tháng trước khi Strzok bị sa thải, Page cũng khởi kiện chính phủ liên bang, cáo buộc Bộ Tư pháp và FBI vi phạm Đạo luật Quyền Riêng tư khi công khai những tin nhắn riêng tư của bà. Nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại tiền bạc không xác định.
Cả hai vụ kiện đều trích dẫn một loạt những ý kiến trên Twitter, và tuyên bố công khai của Trump trước khi Page từ chức và Strzok bị sa thải. “Tôi ngạc nhiên là Peter Strzok vẫn còn ở FBI, và những người khác cũng vậy… Peter Strzok lẽ ra đã bị sa thải từ lâu,” Trump tuyên bố từ Toà Bạch Ốc vào tháng 6 năm 2018, 2 tháng trước khi Strzok bị sa thải.
Bộ Tư pháp lên tiếng bênh vực hành động của cơ quan. “Có nhiều bằng chứng cho thấy hành vi sai trái của nhân viên là lý do khiến ông ta bị sa thải, và lời khai giống nhau về thủ tục đưa ra quyết định kỷ luật được FBI tuân thủ,” thỉnh nguyện vào thứ Tư ghi.
Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra, và không phát giác ra chứng cớ nào cho thấy “định kiến chính trị hay động cơ không phù hợp đã ảnh hưởng đến những quyết định” đối với Strzok và những người khác. Và trong khi báo cáo mới nhất từ Công tố viên Đặc biệt John Durham cho rằng, định kiến đã khiến cho các viên chức FBI đưa ra những bước không cần thiết, thì báo cáo cũng lưu ý, bằng chứng thu thập được không hậu thuẫn các cáo buộc chống lại Strzok hoặc bất cứ viên chức cao cấp nào của FBI.
Hương Giang (Theo ABC News)